cơ sở dữ liệu pháp lý


Hợp đồng tín dụng là hợp đồng cho vay tài sản do tổ chức cho vay soạn ra theo Điều 471 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005: “Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định…". Tuy là hợp đồng dân sự phổ biến nhưng hợp đồng tín dụng có nội dung phức tạp và rất chặt chẽ vì bên cho vay là các tổ chức tín dụng chuyên nghiệp. Việc cho vay giữa ngân hàng và người đi vay rất phức tạp. Để tránh tình trạng kiện tụng có thể xảy ra, hai bên cần phải nắm được những vấn đề mấu chốt trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng tín dụng.
Thông thường, bên cho vay phải có trách nhiệm tư vấn đầy đủ cho người đi vay về các nội dung (năng lực trả nợ, thời gian vay, khác khoản chi phí vay vốn, lãi suất...) trong hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, mức độ tư vấn chi tiết hay đầy đủ như thế nào chỉ thể hiện được tính đạo đức và sự chuyên nghiệp của cán bộ tín dụng mà không phải là nghĩa vụ bắt buộc với tổ chức cho vay. 
Thực tế cho thấy, khi người đi vay cho rằng cán bộ tín dụng đã không có sự tư vấn kỹ càng thì ngân hàng vẫn có thể dễ dàng đưa ra những bằng chứng để phản bác điều này. Do quy định bắt buộc trong hệ thống quản lý nội bộ, các tổ chức cho vay luôn lưu lại hồ sơ thể hiện đầy đủ lịch sử giao dịch giữa hai bên để phục vụ cho việc báo cáo cho các cấp quản lý. Đây cũng là những bằng chứng thuyết phục để bảo vệ bên cho vay trước tòa án mỗi khi xảy ra tranh chấp.
Đối với người đi vay cũng phải có trách nhiệm tìm hiểu và nắm rõ các điều khoản và điều kiện vay vốn, nếu thấy chưa hiểu rõ người đi vay hoàn toàn có thể yêu cầu cán bộ tín dụng giải thích đầy đủ các điều khoản. Đồng thời người đi vay có trách nhiệm cung cấp một cách chính xác, trung thực và đầy đủ về những thông tin liên quan đến mục đích vay vốn, phương án trả nợ, chứng minh thu nhập, nhân thân... vì chỉ từ những thông tin đó Bên cho vay mới có thể ra quyết định tín dụng chính xác, nghĩa là cho vay đúng đối tượng và với số tiền hợp lý.
Đôi khi những thông tin do bên đi vay kê khai lại là những thông tin không chính xác, thiếu trung thực về mục đích vay hoặc phương án trả nợ. Hệ quả là NH thiếu thông tin dẫn đến việc xét duyệt những dự án vay này nhưng bên đi vay lại không trả được nợ, khiến các ngân hàng phải chịu rủi ro lớn.
Để tránh rơi vào tình trạng “bút sa gà chết”, người đi vay cần phải nắm rõ các thông tin và nội dung của hợp đồng cho vay, thời gian điều chỉnh lãi suất cũng như mức tăng - giảm lãi suất được hình thành trên cơ sở nào. Bên đi vay cũng cần phải lưu ý và làm rõ các khoản phụ phí, phí phạt và công thức tính các khoản phí đó.
Tuỳ vào thu nhập và số tiền vay mà bên vay nên cân nhắc kỹ thời hạn vay vốn sao cho phù hợp nhất. Nếu thu nhập thấp thì bên vay nên kéo dài thời hạn vay, khi đó sẽ giảm số tiền gốc hàng tháng phải trả cho NH.
Bên vay cũng cần cân nhắc kỹ năng lực trả nợ, cân nhắc điều chỉnh giữa thu nhập và nhu cầu tài chính trong thời gian vay. Với nhu cầu vay mua BĐS, cần tìm hiểu kỹ các dự án có sự liên kết giữa CĐT và NH.