cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 1382/QĐ-UBND ngày 26/06/2018 Về Quy trình xây dựng hồ sơ thiết kế, dự toán áp dụng trong khai thác gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 1382/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Ngày ban hành: 26-06-2018
  • Ngày có hiệu lực: 26-06-2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Ngày hết hiệu lực: 00/00/0000
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Văn bản này đã hết hiệu lực.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THI
ÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1382/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 26 tháng 6 năm 2018

 

QUYT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY TRÌNH XÂY DỰNG HỒ SƠ THIẾT KẾ, DỰ TOÁN ÁP DỤNG TRONG KHAI THÁC GỖ RỪNG TRỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng phòng hộ;

Căn cứ Quyết định số 49/2016/QĐ-TTg ngày 01/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng sản xuất;

Căn cứ Quyết định số 38/QĐ-BNN ngày 06/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và bảo vệ rừng;

Căn cứ Quyết định số 79/QĐ-BXD ngày 15/02/2017 của Bộ Xây dựng về việc công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 87/2009/TT-BNNPTNT ngày 31/12/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thiết kế khai thác chọn gỗ rừng tự nhiên;

Căn cứ Thông tư số 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/02/2014 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân;

Căn cứ Thông tư số 54/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/12/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng theo đơn đặt hàng;

Căn cứ Thông tư số 05/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 21/2016/TT-BNNPTNT ngày 28/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản;

Căn cứ Thông tư số 23/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung quản lý công trình lâm sinh;

Căn cứ Thông tư số 17/2017/TT-BNNPTNT ngày 11/9/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 21/2016/TT-BNNPTNT ngày 28/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản;

Căn cứ Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính; Thông tư 147/2016/TT-BTC ngày 13/10/2016 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 45/2013/TT-BTC ; Thông tư số 28/2017/TT-BTC ngày 12/4/2017 về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 và Thông tư 147/2016/TT-BTC ngày 13/10/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định;

Căn cứ Định mức số 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng về việc công bố mức dự toán xây dựng công trình;

Căn cứ Định mức số 1778/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng về việc công bố mức dự toán sửa chữa công trình xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 17/01/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đơn giá khảo sát thiết kế các công trình lâm sinh và công nghiệp rừng tỉnh Thừa Thiên Huế và Quyết định số 959/QĐ-UBND ngày 13/05/2014 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh Khoản 3, Khoản 4, Điều 1, Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 17/01/2014;

Căn cứ Quyết định số 41/2015/QĐ-UBND ngày 30/9/2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành quy định về cước vận tải hàng hóa bằng ôtô áp dụng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Quyết định số 2350/QĐ-UBND ngày 04/10/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc công bố đơn giá nhân công xây dựng để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 748/TTr-SNNPTNT ngày 25/5/2018 và Công văn số 859/SNNPTNT-KL ngày 12/6/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình xây dựng hồ sơ thiết kế, dự toán áp dụng trong khai thác gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1601/QĐ-UBND ngày 22/8/2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Chi cục Kiểm lâm;
- VP: LĐ và các CV; TH, TC;
- Lưu: VT, NN.

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương

 

QUY TRÌNH

XÂY DỰNG HỒ SƠ THIẾT KẾ, DỰ TOÁN ÁP DỤNG TRONG KHAI THÁC GỖ RỪNG TRỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1382/QĐ-UBND ngày 26/6/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Hướng dẫn quy trình xây dựng hồ sơ thiết kế và dự toán áp dụng trong khai thác gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

Quy trình này áp dụng đối với tất cả các chủ rừng là tổ chức khi tiến hành khai thác chính, khai thác tỉa thưa gỗ rừng trồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Khi các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn áp dụng tại quy trình này và đơn giá đầu vào có thay đổi thì các đơn vị xây dựng hồ sơ thiết kế và dự toán căn cứ vào các văn bản pháp quy hiện hành để áp dụng cho phù hợp.

Chương II

XÂY DỰNG HỒ SƠ THIẾT KẾ KỸ THUẬT VÀ DỰ TOÁN KHAI THÁC GỖ RỪNG TRỒNG

Điều 3. Xây dựng hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán khai thác gỗ rừng trồng.

1. Việc xây dựng hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán khai thác gỗ do chủ rừng tự làm hoặc thuê tư vấn điều tra thực địa, thu thập số liệu, lập bản đồ địa hình hệ tọa độ VN 2000, tỷ lệ với 1/5.000 hoặc tỷ lệ 1/10.000.

2. Nội dung thuyết minh thiết kế khai thác (chi tiết tại phụ lục số 01 kèm theo).

3. Nội dung thuyết minh dự toán khai thác (chi tiết tại phụ lục số 02 kèm theo).

Điều 4. Điều tra, tính toán sản lượng khai thác.

1. Phương pháp điều tra:

a) Phân chia lô thiết kế khai thác dựa trên cơ sở hồ sơ thiết kế trồng rừng đã được phê duyệt.

- Đường ranh giới tiểu khu, khoảnh và đường lô trong khu khai thác phát rộng từ 0,5÷1,0m; lô thiết kế có diện tích khai thác tối đa không quá 10ha, tối thiểu 0,3ha và lô thiết kế khai thác phải nằm trong phạm vi một khoảnh.

- Tại các điểm đường lô giao nhau, đường lô giao với đường khoảnh, tiểu khu hoặc đường bao khu khai thác, đóng cọc mốc tạm thời bằng gỗ. Kích thước cọc mốc dài 100cm, đường kính từ 10÷15cm, chôn sâu xuống đất từ 40÷50cm. Trên cọc mốc ghi kí hiệu tên tiểu khu, khoảnh, lô và diện tích lô thiết kế khai thác.

b) Xác định các chỉ tiêu lâm học chủ yếu làm cơ sở đánh giá tình hình tài nguyên rừng khu vực thiết kế khai thác thông qua việc lập ô tiêu chuẩn.

- Các ô tiêu chuẩn được bố trí theo phương pháp hệ thống hoặc điển hình cho từng lô khai thác, tỷ lệ diện tích ô đo đếm so với diện tích thiết kế khai thác tối thiểu bằng 2% diện tích lô khai thác.

+ Đối với rừng trồng toàn diện: Lập ô tiêu chuẩn tối thiểu là 200m2.

+ Đối với rừng trồng theo băng: Chiều rộng có độ dài nguyên băng trồng, chiều dài phù hợp, đảm bảo diện tích tối thiểu 200m2.

c) Nội dung đo, đếm trong ô tiêu chuẩn.

- Đo đường kính ở vị trí D1,3m tất cả cây trong ô tiêu chuẩn bằng thước kẹp kính hoặc thước dây; đường kính bắt đầu đo từ 5cm, theo cấp 1cm; xác định tên cây, phẩm chất cây theo 3 cấp: cây phẩm chất A (tốt), cây phẩm chất B (trung bình), cây phẩm chất C (xấu).

+ Cây có phẩm chất A: Cây sinh trưởng tốt, thân thẳng đẹp, đoạn thân dưới cành dài, không có u bướu khuyết tật ở trên thân.

+ Cây có phẩm chất B: Cây sinh trưởng trung bình, có u bướu khuyết tật hoặc sâu bệnh nhưng không đáng kể có thể lợi dụng được từ 50-70% thể tích của thân cây.

+ Cây có phẩm chất C: Cây sinh trưởng, phát triển kém, cong queo sâu bệnh hoặc cụt ngọn, rỗng ruột, chỉ có thể sử dụng < 50% thể tích của thân cây.

- Đo chiều cao vút ngọn bằng thước Blumleiss của 3 cây ở vị trí tâm ô tiêu chuẩn, đơn vị đo là mét (viết tắt là m), lấy tròn đến 0,5m.

- Xác định độ tàn che trong ô tiêu chuẩn theo phương pháp mục trắc; đối với khai thác tỉa thưa phải tiến hành lập sơ đồ trắc ngang - đứng hiện trạng rừng trước và sau tỉa thưa.

2. Phương pháp xác định các chỉ tiêu lâm học.

- Số cây bình quân (N/ha): Bằng tổng số cây bình quân của các ô tiêu chuẩn trong lô x 10.000/S, trong đó S tổng diện tích các ô tiêu chuẩn trong lô.

- Chiều cao vút ngọn bình quân (Hvn): Tính theo phương pháp bình quân cộng.

- Đường kính bình quân (D1,3): Tính tổng tiết diện ngang bình quân (G), sau đó sử dụng công thức:

D1,3 =, trong đó: 1,1284 =, p = 3,1416.

- Sản lượng bình quân (M/ha) M = GxHxF, trong đó: F = 0,5.

3. Phương pháp tính toán sản lượng:

a) Đối với các loại gỗ Keo.

- Tỷ lệ gỗ gia dụng áp dụng Công văn số 341/TB-SNNPTNT ngày 05/4/2011 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định tạm thời tỷ lệ gỗ gia dụng rừng trồng cho các loài keo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ thể:

TT

Cấp kính (D1,3)

Tỷ lệ gỗ gia dụng tương ứng Ddn ³16 (%)

1

<16

0

2

từ 16 đến <18

10

3

từ 18 đến <22

50

4

từ 22 đến <26

65

5

≥26

79

Ký hiệu Ddn: Đường kính đầu nhỏ khúc gỗ

- Sản lượng cây đứng theo phẩm chất a, b, c và được tính bằng tỷ lệ % của từng phẩm chất trong lô nhân với tổng sản lượng cây đứng của lô.

+ Sản lượng gỗ loại a: Tính bằng 80% sản lượng cây đứng loại A.

+ Sản lượng gỗ loại b: Tính bằng 70% sản lượng cây đứng loại B.

+ Sản lượng gỗ loại c: Tính bằng 50% sản lượng cây đứng loại C.

+ Sản lượng củi: Tính bằng 10% sản lượng cây đứng.

- Gỗ nguyên liệu: Tổng sản lượng gỗ - gỗ gia dụng = gỗ nguyên liệu giấy.

- Tỷ trọng gỗ nguyên liệu: Đối với gỗ Keo các loại khối lượng thể tích làm tròn số bằng 0,80 tấn/m3.

b) Đối với gỗ Thông: Tỷ lệ lợi dụng gỗ gia dụng, gỗ nguyên liệu được vận dụng như cách tính đối với gỗ Keo.

Điều 5. Xây dựng dự toán khai thác.

1. Đơn giá ngày công.

- Áp dụng Thông tư số 05/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Quyết định số 2350/QĐ-UBND ngày 04/10/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc công bố đơn giá nhân công xây dựng để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Định mức các công đoạn khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng: Theo Chương III của Quy trình này.

3. Chi phí quản lý, lập và thẩm định hồ sơ.

a) Chi phí lập hồ sơ thiết kế dự toán.

Áp dụng Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 17/01/2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt đơn giá khảo sát thiết kế các công trình lâm sinh và công nghiệp rừng tỉnh Thừa Thiên Huế.

b) Chi phí quản lý chỉ đạo.

Căn cứ tình hình thực tế trong việc khai thác gỗ rừng trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận dụng Khoản 3, Điều 5, Thông tư số 23/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/06/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn một số nội dung quản lý công trình lâm sinh cho các đơn vị có khai thác (chủ rừng) gỗ rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách được áp dụng chi phí quản lý 03%.

- Chi phí quản lý khai thác của chủ rừng 03%: Đây là khoản chi phí quản lý khu rừng trước, trong và sau khai thác, bao gồm:

+ Trước lúc khai thác: Lập hợp đồng mua bán và thu nộp đầy đủ giá trị rừng của bên mua vào tài khoản tạm thu của đơn vị theo giá trị đã đấu giá hoặc theo giá sàn đã được phê duyệt; giao nhận diện tích khai thác trong hồ sơ và ngoài thực địa.

+ Trong quá trình khai thác: Chủ rừng cử cán bộ quản lý bảo vệ rừng giám sát việc khai thác đúng vị trí lô khoảnh đã được cấp phép, ngăn chặn việc khai thác ngoài địa danh cấp phép; giám sát không để xảy ra cháy rừng.

+ Sau khi khai thác: Chủ rừng nghiệm thu đúng lô khoảnh, vệ sinh rừng của bên mua rừng và báo cáo kết quả khai thác gỗ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND cấp huyện.