Nghị định số 56-CP ngày 17/03/1966 của Chính phủ Quy định việc quản lý, sử dụng con dấu trong các cơ quan, xí nghiệp và tổ chức xã hội (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 56-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 17-03-1966
- Ngày có hiệu lực: 01-09-1966
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 03-08-1989
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 22-09-1993
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 9883 ngày (27 năm 0 tháng 28 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 22-09-1993
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 56-CP | Hà Nội, ngày 17 tháng 03 năm 1966 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CON DẤU TRONG CÁC CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP VÀ TỔ CHỨC XÃ HỘI
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Để đưa việc sử dụng con dấu trong các cơ quan, xí nghiệp và tổ chức xã hội vào nề nếp.
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Công an.
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 28 tháng 01 năm 1966.
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. – Con dấu sử dụng trong các cơ quan, xí nghiệp và tổ chức xã hội phải được quản lý thống nhất theo những quy định ở các điều dưới đây.
Điều 2. – Con dấu của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân các cấp, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, Hội đồng Chính phủ, Phủ Thủ tướng, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Ủy ban hành chính các cấp đều có hình quốc huy ở giữa.
Điều 3. - Để tiện cho việc quản lý, Bộ Công an quy định cụ thể hình thể, khuôn khổ và nội dung con dấu nói ở điều 2 trên đây, và con dấu của các cơ quan, xí nghiệp, tổ chức xã hội dưới đây thuộc diện được sử dụng con dấu:
- Các cơ quan chuyên môn từ cấp huyện trở lên được tổ chức thành đơn vị công tác riêng, được giao quyền nhân danh mình mà quản lý, chỉ đạo công tác, giao dịch để giải quyết công việc với các cơ quan, xí nghiệp, tổ chức xã hội và nhân dân.
- Các tổ chức, đơn vị công tác trực thuộc hai loại cơ quan nói trên, trong khi làm nhiệm vụ công tác, được nhân danh mình giao dịch và liên hệ thường xuyên với các cơ quan, xí nghiệp, tổ chức xã hội và nhân dân (trường học, bệnh viện, ban chống bão lụt, trạm, trại thí nghiệm…) hoặc làm nhiệm vụ kiểm soát mà được ủy quyền chứng nhận, lập biên bản, thu tiền phát biên lai, v.v… (đồn, trạm công an, thuế vụ, hải quan…).
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước.
- Các tổ chức xã hội được chính thức thành lập theo luật lệ của Nhà nước.
Điều 4. – Các chính đảng và các đoàn thể nhân dân ở trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định hình thể, khuôn khổ, nội dung con dấu của các cơ quan trong hệ thống tổ chức của mình sau khi đã được sự thỏa thuận của Bộ Công an.
Điều 5. - Việc quản lý con dấu (bao gồm việc cho phép sử dụng, kiểm tra, thu hồi con dấu) quy định như sau:
- Thủ trưởng các Bộ, các cơ quan trung ương, Ủy ban hành chính khu tự trị quản lý con dấu của cơ quan mình, của các cơ quan, các tổ chức và đơn vị công tác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trực thuộc mình quản lý.
- Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý con dấu của cơ quan mình, của các Ủy ban hành chính huyện, thị xã, khu phố, thành phố thuộc tỉnh, xã, thị trấn, của các cơ quan chuyên môn xung quanh tỉnh, thành phố, huyện, thị xã, khu phố, thành phố thuộc tỉnh, của các đơn vị công tác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trực thuộc mình quản lý.
- Ủy ban hành chính huyện, thị xã, khu phố, thành phố thuộc tỉnh quản lý con dấu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước trực thuộc mình quản lý, của các hợp tác xã, của các tổ chức văn hóa, xã hội của nhân dân trong địa phương mình.
Điều 6. - Tất cả các con dấu của các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, các chính đảng, các đoàn thể nhân dân, các hợp tác xã và tổ chức văn hóa, xã hội của nhân dân đều phải đăng ký lưu chiểu tại cơ quan công an trước khi sử dụng, theo quy định cụ thể của Bộ Công an.
Điều 7. - Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sản xuất và kinh doanh có trách nhiệm bảo đảm việc sử dụng con dấu của cơ quan, đơn vị mình theo những quy định dưới đây:
- Mỗi cơ quan, đơn vị chỉ được dùng một con dấu. Cơ quan, đơn vị nào cần có thêm con dấu để sử dụng trong những trường hợp đặc biệt thì phải được cấp có thẩm quyền cho phép như nói ở điều 5 trên đây.
- Chỉ được đóng dấu lên những công văn, giấy tờ sau khi đã có chữ ký của cán bộ có thẩm quyền.
- Con dấu của mỗi cơ quan, đơn vị phải được giao cho một cán bộ tin cậy, có tinh thần trách nhiệm cao để giữ và đóng dấu.
Điều 8. - Việc khắc các loại con dấu do Bộ Công an quản lý và quy định cụ thể.
Điều 9. - Những người làm dấu giả, dùng dấu giả, lấy cắp con dấu, lạm dụng con dấu sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
Điều 10. - Bắt đầu từ ngày 01 tháng 09 năm 1966, tất cả các cơ quan hành chính, sự nghiệp của Nhà nước từ cấp huyện trở lên đều phải dùng con dấu theo quy định của nghị định này.
Đối với các loại con dấu khác, Bộ Công an sẽ tùy tình hình cụ thể mà quy định thời gian thi hành cho thích hợp.
Những văn bản trước đây quy định về việc quản lý, sử dụng con dấu đều bãi bỏ kể từ ngày thi hành nghị định này.
Điều 11. – Các ông Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan trung ương và Ủy ban hành chính các cấp chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |