cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội Về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng

  • Số hiệu văn bản: 112/2015/QH13
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Quốc hội
  • Ngày ban hành: 27-11-2015
  • Ngày có hiệu lực: 27-11-2015
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1862 ngày (5 năm 1 tháng 7 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-01-2021
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-01-2021, Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội Về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội Về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII”. Xem thêm Lược đồ.

QUC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 112/2015/QH13

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI CÓ NGUỒN GỐC TỪ NÔNG TRƯỜNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH DO CÁC CÔNG TY NÔNG NGHIỆP, CÔNG TY LÂM NGHIỆP, BAN QUẢN LÝ RỪNG VÀ CÁC TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN KHÁC SỬ DỤNG

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội số 05/2003/QH11;

Căn cứ Nghị quyết số 74/2014/QH13 ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 958/BC-UBTVQH13 ngày 16 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014 và ý kiến của đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1

Quốc hội tán thành với Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện, những hạn chế, nguyên nhân trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014 và các kiến nghị, đề xuất. Quốc hội nhận thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã tích cực tổ chức thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, Luật Đất đai năm 2003, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra và tổ chức thực hiện.

Thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, các nông, lâm trường quốc doanh đã có nhiều cố gắng trong đổi mới mô hình tổ chức và cách thức tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh. Đã có không ít công ty nông, lâm nghiệp sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, từng bước thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường. Hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội thời gian qua là các nông, lâm trường đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và nông thôn, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, góp phần ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; từ hạt nhân là các nông, lâm trường quốc doanh đã hình thành nên các thị trấn, thị tứ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trải qua giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế kinh tế tập trung bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh cùng lúc vừa phải giải quyết những hạn chế do quá khứ để lại, vừa phải tập trung chuyển đổi cách thức quản lý mới phù hợp với cơ chế, chính sách đất đai mới. Trong 10 năm qua, việc quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường trong cả nước đã có bước chuyển biến tích cực, nhất là các đơn vị đã cổ phần hóa; tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai, cho thuê, cho mượn đất đai trái pháp luật đã giảm; hiệu quả sử dụng đất nâng lên, góp phần nâng cao đời sống người lao động trong các nông, lâm trường. Đến hết năm 2014, đã có 17,1% diện tích của các công ty nông, lâm nghiệp chuyển sang giao đất có thu tiền và thuê đất theo quy định của pháp luật; 46% diện tích các công ty nông nghiệp; 73% diện tích của các công ty lâm nghiệp và 64% diện tích ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Quốc hội thấy rằng, việc quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Tiến độ thực hiện rà soát, sắp xếp, đổi mới về quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường còn chậm; hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai còn thấp. Tình trạng bản đồ và hồ sơ quản lý đất đai thiếu chính xác, không được chỉnh lý kịp thời, không phản ánh đúng thực tế quản lý, sử dụng đất; việc xác định ranh giới, cắm mốc và lập hồ sơ địa chính mới chủ yếu thực hiện trên sổ sách, chưa được xác định, chỉ dẫn, đo đạc trên thực địa đối với hầu hết các nông, lâm trường. Đối với diện tích đất bàn giao cho địa phương, hầu hết chưa được đo vẽ, lập bản đồ địa chính và phương án quản lý, sử dụng. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường còn chậm, không chính xác về ranh giới đất trên thực địa. Tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai, như lấn chiếm, cho thuê, cho mượn, chuyển mục đích, chuyển nhượng trái pháp luật trong các nông, lâm trường còn nhiều. Công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xác định và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm còn nhiều hạn chế, chưa thực hiện thường xuyên và nghiêm túc. Quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức của các nông, lâm trường còn lúng túng; hầu hết các nông, lâm trường mới thực hiện chuyển đổi tên gọi thành công ty hoặc ban quản lý mà chưa có sự thay đổi căn bản về phương thức hoạt động, cơ chế quản lý và điều hành dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh rất thấp, quản lý và sử dụng đất đai còn lãng phí và kém hiệu quả, chưa tương xứng với nguồn lực tài nguyên được Nhà nước giao quản lý, sử dụng. Còn thất thoát lớn tài nguyên, tài chính quốc gia có liên quan đến đất đai.

Điều 2

Để tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai và nguồn tài chính, tài nguyên quốc gia thuộc các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng đất đai có nguồn gốc từ đất nông, lâm trường, Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Chỉ đạo các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Khẩn trương xây dựng, thẩm định và hoàn thành việc phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới của công ty nông, lâm nghiệp để tổ chức thực hiện theo mô hình mới. Thực hiện việc rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo đúng quy định của pháp luật đối với các công ty nông, lâm nghiệp.

Đề ra giải pháp, xây dựng lộ trình đến hết năm 2016 có phương án, kế hoạch giải quyết dứt điểm cơ bản tình hình tranh chấp đất đai; xử lý các vi phạm pháp luật, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán đất trái pháp luật, không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính. Tập trung chỉ đạo sớm giải quyết dứt điểm các trường hợp tự ý xây dựng công trình, nhà ở, cư trú trái pháp luật trong phạm vi đất, rừng do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý. Thu hồi tài sản, đất đai và tài chính cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Năm 2016, xây dựng và hoàn thiện đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Tổ chức thực hiện nghiêm túc đề án trong giai đoạn 2016 - 2020. Quy hoạch, sắp xếp các điểm dân cư tập trung, tách ra khỏi diện tích đất đã giao cho các công ty nông, lâm nghiệp quản lý theo quy định của pháp luật. Tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích và giao lại cho địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất ở địa phương quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Xây dựng, hoàn chỉnh chính sách bảo đảm thực hiện tốt việc giao đất, thu đúng, thu đủ tiền thuê đất, sử dụng đất.

3. Ngân sách nhà nước cân đối, bố trí hỗ trợ đủ cho các địa phương để thực hiện toàn bộ việc rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp, đổi mới theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP trong 2 năm 2015 - 2016.

4. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hình thức phá sản công ty nông, lâm nghiệp, giải thể đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài; cơ chế giao khoán sử dụng đất nông nghiệp của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Ban hành cơ chế, chính sách bảo vệ rừng, gắn với giảm nghèo bền vững; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng có thu nhập từ rừng để bảo đảm ổn định cuộc sống. Trên cơ sở rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng, xác định những diện tích đất, rừng phòng hộ xung yếu; quy hoạch, đưa diện tích đất, rừng bỏ hoang chưa sử dụng hợp lý trước đây, chuyển sang rừng sản xuất để phát huy hiệu quả kinh tế. Trên cơ sở đó, Nhà nước bảo đảm lực lượng và kinh phí để quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

5. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, cá nhân khác, trong đó tập trung vào các công ty có biểu hiện vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; xác định rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất tại công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, cá nhân khác có nguồn gốc đất đai từ nông, lâm trường quốc doanh; xử lý, thu hồi tài sản, đất đai, tài chính theo quy định của pháp luật.

Điều 3

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết này và những kiến nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 958/BC-UBTVQH13 ngày 16/10/2015 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương; xây dựng phương án phát triển công ty nông, lâm nghiệp gắn với đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp, tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, phát triển bền vững, kết hợp với giảm nghèo. Triển khai các giải pháp cụ thể, phù hợp với địa bàn để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, cá nhân khác; công khai việc quản lý, sử dụng đất đai ở các công ty nông, lâm nghiệp; phát huy dân chủ, minh bạch trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai tại địa phương.

Hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết này của Quốc hội.

Điều 4

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015.

 

 

CHỦ TỊCH QUC HỘI




Nguyễn Sinh Hùng