cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 97/2015/QH13 ngày 26/06/2015 của Quốc hội Về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII

  • Số hiệu văn bản: 97/2015/QH13
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Quốc hội
  • Ngày ban hành: 26-06-2015
  • Ngày có hiệu lực: 26-06-2015
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2016 ngày (5 năm 6 tháng 11 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-01-2021
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-01-2021, Nghị quyết số 97/2015/QH13 ngày 26/06/2015 của Quốc hội Về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội Về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII”. Xem thêm Lược đồ.

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 97/2015/QH13

Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA XIII

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội số 05/2003/QH11; Nghị quyết số 07/2002/QH11 ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội;

Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1.

Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn; trả lời và giải quyết hơn 2.100 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Đồng thời, yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương nghiên cứu để trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp trước chưa được giải quyết để báo cáo Quốc hội.

Điều 2.

Quốc hội ghi nhận các giải pháp mà các thành viên của Chính phủ đã cam kết trước Quốc hội khi trả lời chất vấn và yêu cầu:

1. Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

- Có biện pháp quyết liệt thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Rà soát và bổ sung các chính sách có liên quan để thực hiện tốt hơn việc liên kết giữa nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng. Khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, công nghiệp bảo quản, chế biến. Xây dựng vùng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông, lâm, thủy sản.

- Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

- Tổ chức sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; đẩy nhanh việc giao đất, giao rừng cho tổ chức và người dân; kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách để người trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng có được thu nhập từ rừng để bảo đảm ổn định cuộc sống. Đến hết năm 2016, cơ bản hoàn thành việc trồng bù diện tích rừng bị mất khi thực hiện các dự án thủy điện. Sớm có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân ở vùng thường xuyên xảy ra hạn hán; nhất là các giải pháp về khoa học, công nghệ.

- Rà soát loại bỏ các loại phí, lệ phí không hợp lý trong nông nghiệp; hoàn thiện và tổ chức thực hiện, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân, diêm dân, ngư dân, nhất là ngư dân đánh bắt xa bờ, bảo đảm an toàn, tạo niềm tin và động lực cho người dân bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

2. Đối với lĩnh vực công thương

- Tổ chức hệ thống phân phối, thương mại trong nước một cách khoa học, hiệu quả, bảo đảm thông suốt từ sản xuất, gia công, chế biến, đến lưu thông, tiêu dùng; có biện pháp tích cực, cụ thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo chuyển biến rõ nét trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước, thích ứng với yêu cầu phát triển và hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và thế giới.

- Đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân và doanh nghiệp về các thị trường có liên quan khi Việt Nam ký kết hoặc gia nhập các Hiệp định thương mại song phương, đa phương, nhất là những thông tin liên quan đến việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015. Cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về phân tích, dự báo thị trường, chính sách, pháp luật và tập quán kinh doanh của từng thị trường. Chú trọng các thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng. Có định hướng xuất khẩu, nhập khẩu kịp thời, phù hợp.

- Khuyến khích mọi nguồn vốn đầu tư cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, phấn đấu hoàn thành trước thời hạn chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020. Bảo đảm đến năm 2016 có thị trường thí điểm bán buôn điện cạnh tranh, trước năm 2021 có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Tăng cường quản lý, bảo đảm quy trình vận hành, an toàn hồ, đập.

- Bộ Công Thương phối hợp với ngành tài chính và các ngành có liên quan thực hiện quản lý chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, có sự quản lý của Nhà nước.

- Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ở từng địa phương và trong cả nước; hỗ trợ xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch, hướng dẫn để tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ.

3. Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ

- Khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến khoa học và công nghệ; phát triển thị trường khoa học, công nghệ đồng bộ, hoạt động theo cơ chế thị trường; hoàn thiện và phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích áp dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ trong nước, để nâng cao năng suất lao động, chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm; kịp thời ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà khoa học, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và người dân trong việc nghiên cứu sáng chế, ứng dụng, sáng kiến cải tiến khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống.

- Đổi mới tổ chức và hoạt động, đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ theo cơ chế đặt hàng; sử dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học, ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ; đổi mới cơ chế tài chính, việc giao và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

- Bộ Khoa học và Công nghệ chủ động phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai Chương trình sản phẩm quốc gia, sản phẩm có chất lượng cao mang thương hiệu Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế việc nhập khẩu các máy móc, thiết bị lạc hậu vào Việt Nam; tăng cường cơ chế quản lý, bảo đảm an toàn thiết bị khoa học, công nghệ, nhất là các thiết bị, vật liệu có chứa chất phóng xạ.

4. Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo

- Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết; chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai đồng bộ, có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

- Tổ chức thực hiện tốt, tổng kết, đánh giá kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 để tiếp tục hoàn thiện Đề án đổi mới kỳ thi, bảo đảm tổ chức kỳ thi ổn định trong những năm tiếp theo, giảm áp lực cho học sinh, giảm chi phí cho xã hội.

- Hoàn chỉnh hệ thống văn bản về đánh giá học sinh tiểu học theo phương pháp mới; chỉ đạo và hỗ trợ các sở giáo dục và đào tạo tiếp tục tập huấn, rút kinh nghiệm về đánh giá học sinh cho giáo viên, cán bộ quản lý; hướng dẫn, động viên học sinh phát huy khả năng của bản thân; tuyên truyền, giải thích để phụ huynh học sinh hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của việc đổi mới phương pháp đánh giá học sinh tiểu học.

Điều 3.

Quốc hội giao Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội lựa chọn nhũng vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm và cử tri kiến nghị để tổ chức chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, giải trình tại Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và báo cáo kết quả với Quốc hội.

Điều 4.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết này; báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 về kết quả thực hiện và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết này và các nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 26 tháng 6 năm 2015.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Sinh Hùng