Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND ngày 06/05/2014 Về Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban nhân dân với Hội Cựu chiến binh tỉnh Lào Cai
- Số hiệu văn bản: 10/2014/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lào Cai
- Ngày ban hành: 06-05-2014
- Ngày có hiệu lực: 16-05-2014
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-04-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2526 ngày (6 năm 11 tháng 6 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-04-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2014/QĐ-UBND | Lào Cai, ngày 06 tháng 05 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA UBND TỈNH LÀO CAI VỚI HỘI CỰU CHIẾN BINH TỈNH LÀO CAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 01/2010/NQLT-CP-HCCBVN ngày 05/5/2010 về việc ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
Xét đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 143/TTr-SNV ngày 10/4/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp công tác giữa UBND tỉnh Lào Cai với Hội Cựu chiến binh tỉnh Lào Cai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA UBND TỈNH HỘI CỰU CHIẾN BINH TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 10/2014/QĐ-UBND ngày 06/5/2014 của UBND tỉnh Lào Cai)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
Quy chế này quy định về mối quan hệ phối hợp công tác giữa UBND tỉnh Lào Cai và Hội Cựu chiến binh tỉnh Lào Cai (viết tắt là Hội CCB tỉnh) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên, nhằm thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp.
1. Việc phối hợp công tác giữa UBND tỉnh với Hội CCB tỉnh được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật.
2. Các bên tham gia phối hợp đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, chủ động và tạo điều kiện hỗ trợ nhau cùng thực hiện tốt nhiệm vụ.
Điều 3. Nội dung phối hợp.
1. Phối hợp trong việc tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân.
2. Phối hợp tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo; phát huy vị trí, vai trò của cựu chiến binh (viết tắt là CCB), Hội CCB tỉnh trong phong trào thi đua yêu nước.
3. Phối hợp đào tạo, dạy nghề.
4. Phối hợp trong việc tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, giải quyết các kiến nghị của CCB và Hội CCB tỉnh.
5. Thực hiện công tác đối ngoại nhân dân.
6. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu đề xuất chế độ, chính sách đối với CCB, Hội CCB tỉnh.
7. Phối hợp thực hiện các chương trình công tác trọng tâm của UBND tỉnh.
Chương 2.
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. UBND tỉnh có trách nhiệm.
1. Tạo điều kiện để CCB, Hội CCB tỉnh tham gia đóng góp ý kiến, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần xây dựng cơ sở Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong sạch vững mạnh, tạo sự đồng thuận trong xã hội, thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố:
a) Tạo điều kiện thuận lợi để CCB, Hội CCB được ưu tiên giao đất, giao rừng, giao mặt nước, tham gia các dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm; vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, làm giàu hợp pháp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CCB, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
b) Chủ động ký kết các chương trình phối hợp công tác với Hội CCB cùng cấp, nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của Hội CCB trong việc tham gia thực hiện các chương trình công tác trọng tâm của địa phương.
3. Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp tạo điều kiện để CCB, Hội CCB tỉnh phát huy vai trò gương mẫu, tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương, địa phương phát động; chỉ đạo các cấp thành lập Hội đồng Thi đua khen thưởng, thành viên có lãnh đạo Hội CCB cùng cấp tham gia.
4. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng và các địa phương phối hợp với Hội CCB tỉnh trong việc tổ chức đào tạo, dạy nghề cho CCB, cựu quân nhân, con CCB, con cựu quân nhân nhằm từng bước giải quyết việc làm, ổn định và cải thiện cuộc sống.
5. Chỉ đạo xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chế độ, chính sách đối với CCB, Hội CCB tỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Tạo điều kiện để Hội CCB tỉnh tham gia ý kiến với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, cơ quan, chính quyền các cấp trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách cũng như những nội dung có liên quan đến hoạt động của CCB, Hội CCB.
6. Chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp, trao đổi kinh nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi để Hội CCB tỉnh nắm thông tin về tình hình thế giới và khu vực, giúp cho Hội CCB tỉnh tham gia vào hoạt động đối ngoại theo quan điểm đường lối đối ngoại của Đảng.
Điều 5. Trách nhiệm của Hội CCB tỉnh.
1. Chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với các cơ quan, đoàn thể giáo dục truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ; chủ trì, phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các ngành chức năng, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, tập hợp, bồi dưỡng, động viên cựu quân nhân giữ gìn và phát huy bản chất truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở; đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
2. Phối hợp với cơ quan chức năng chỉ đạo, tập huấn, bồi dưỡng cho các cấp Hội, hội viên về kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; động viên CCB nâng cao ý chí, nghị lực, quyết tâm vượt khó vươn lên, giúp nhau làm kinh tế.
3. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách về thi đua khen thưởng, chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, động viên, tổ chức cho cán bộ, hội viên CCB tham gia phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu" gắn với phong trào thi đua yêu nước của địa phương.
4. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc tổ chức đào tạo, dạy nghề cho CCB, con hội viên CCB.
5. Tham gia thực hiện giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật; giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với CCB, Hội CCB; kịp thời phản ánh với UBND tỉnh về các kiến nghị của CCB, Hội CCB tỉnh để các cơ quan giải quyết theo thẩm quyền.
6. Chủ động đề xuất và tích cực tiến hành các hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
7. Căn cứ yêu cầu hoạt động của Hội CCB tỉnh, Thường trực hội CCB tỉnh kịp thời đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng chế độ chính sách phù hợp với hoạt động của CCB, Hội CCB tỉnh. Khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, Hội CCB tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.
8. Khi được UBND tỉnh mời tham gia các Ban Chỉ đạo liên ngành của tỉnh, Hội CCB tỉnh có trách nhiệm tham gia tích cực và chỉ đạo, hướng dẫn, động viên các cấp Hội quán triệt, tham gia có hiệu quả, đồng thời tuyên truyền vận động CCB và nhân dân thực hiện các nhiệm vụ, chương trình phối hợp đã ký kết.
Điều 6. Chế độ thông tin, báo cáo.
1. Định kỳ 6 tháng, một năm hoặc khi cần thiết UBND tỉnh thông báo để Hội CCB tỉnh biết về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương; những chủ trương, chính sách của tỉnh liên quan đến hoạt động của CCB, Hội CCB tỉnh.
2. Định kỳ 6 tháng, một năm hoặc trong trường hợp đột xuất, Hội CCB tỉnh có trách nhiệm báo cáo với UBND tỉnh kết quả hoạt động, kiến nghị về việc thực hiện chế độ, chính sách và những vấn đề có liên quan đến CCB, Hội CCB tỉnh.
Điều 7. Chế độ hội nghị.
1. Chủ tịch Hội CCB tỉnh được mời tham dự các phiên họp thường kỳ, các hội nghị chuyên đề của UBND tỉnh bàn về các vấn đề liên quan đến chính sách đối với CCB và Hội CCB; hoạt động quản lý nhà nước đối với CCB, Hội CCB.
2. Hội CCB tỉnh mời Chủ tịch UBND tỉnh hoặc đại diện của UBND tỉnh dự các kỳ họp của BCH Hội CCB tỉnh để nắm tình hình, nghe các ý kiến tham gia của CCB tỉnh về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của CCB, Hội CCB tỉnh.
3. Hàng năm, UBND tỉnh và Hội CCB tỉnh tổ chức hội nghị để đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác đã ký kết và thống nhất giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình phối hợp công tác.
Điều 8. Bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất cho các hoạt động của Hội CCB tỉnh.
1. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, trong phạm vi quyền hạn bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất cho hoạt động thường xuyên, đột xuất của Hội CCB tỉnh theo đúng quy định của Luật Ngân sách.
2. Hàng năm, Hội CCB tỉnh căn cứ vào Luật Ngân sách và chức năng, nhiệm vụ được giao, lập dự toán ngân sách, xây dựng kế hoạch bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc của Hội CCB tỉnh, gửi cơ quan chức năng tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Tổ chức thực hiện.
1. Giao Sở Nội vụ phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và Thường trực Hội CCB tỉnh hướng dẫn triển khai thực hiện Quy chế này. Định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh và Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh Lào Cai.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh hoặc có những yêu cầu mới đặt ra, các ý kiến kịp thời phản ánh về Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trao đổi, thống nhất với Hội CCB tỉnh để xem xét sửa đổi, bổ sung Quy chế này cho phù hợp./.