Quyết định số 37/2011/QĐ-UBND ngày 12/12/2011 Ban hành Quy chế hợp đồng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trong các tháng mùa khô hanh theo Thông tư 12/1998/TT-BLĐTBXH trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- Số hiệu văn bản: 37/2011/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Ngày ban hành: 12-12-2011
- Ngày có hiệu lực: 22-12-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 24-01-2022
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3686 ngày (10 năm 1 tháng 6 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 24-01-2022
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2011/QĐ-UBND | Quảng Nam, ngày 12 tháng 12 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ HỢP ĐỒNG BẢO VỆ RỪNG, PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY RỪNG TRONG CÁC THÁNG MÙA KHÔ HANH THEO THÔNG TƯ SỐ 12/1998/TT-BLĐTBXH NGÀY 16/10/1998 CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HÐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Thông tư số 12/1998/TT-BLĐTBXH ngày 16/10/1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn chế độ đối với những người được cấp xã hợp đồng làm công tác bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 379/TTr-SNN&PTNT ngày 02/11/2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hợp đồng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trong các tháng mùa khô hanh theo Thông tư số 12/1998/TT-BLĐTBXH ngày 16/10/1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 32/1999/QĐ-UB ngày 05/6/1999 của UBND tỉnh về ban hành quy chế hợp đồng bảo vệ rừng, phòng cháy - chữa cháy rừng trong mùa khô hanh.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Chủ tịch UBND các xã được hợp đồng cán bộ làm công tác bảo vệ rừng chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
HỢP ĐỒNG BẢO VỆ RỪNG, PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY RỪNG TRONG CÁC THÁNG MÙA KHÔ HANH THEO THÔNG TƯ SỐ 12/1998/TT-BLĐTBXH
(Kèm theo Quyết định số: 37 /2011/QĐ-UBND ngày 12/12/2011 của UBND tỉnh Quảng Nam)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng được xác định như sau:
- Khu vực thường xuyên xảy ra cháy rừng hàng năm;
- Khu vực có diện tích rừng trồng tập trung với các loại cây dễ cháy như Thông, Bạch đàn, và rừng trồng các loại Keo khi chưa khép tán;
- Khu vực sản xuất nương rẫy tập trung ven rừng (dễ cháy lan vào rừng).
Điều 2. Mỗi xã nằm trong các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trên đây được hợp đồng 01 người bảo vệ rừng để làm công tác chuyên trách phòng cháy - chữa cháy rừng (PCCCR) trong các tháng cao điểm mùa khô hanh.
Điều 3. Các tháng cao điểm mùa khô hanh hàng năm dễ xảy ra cháy rừng để ký hợp đồng người bảo vệ rừng và PCCCR được xác định là 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 8 dương lịch).
Điều 4. Tuỳ theo mức độ xung yếu về khả năng cháy rừng của từng vùng, mức phụ cấp được chi trả hàng tháng cho người hợp đồng bảo vệ rừng, PCCCR trong mùa khô hanh như sau:
- Vùng ít xung yếu : 200.000 đ/người/tháng.
- Vùng xung yếu : 270.000 đ/người/tháng.
- Vùng rất xung yếu : 330.000 đ/người/tháng.
Điều 5. Danh mục các xã trong vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng chia theo mức độ xung yếu căn cứ vào quyết định công nhận cụ thể của Chủ tịch UBND tỉnh.
Chương II
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Căn cứ vào danh mục các xã vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận, Chủ tịch UBND xã dựa vào tiêu chuẩn người được hợp đồng bảo vệ rừng, PCCCR (quy định tại Điều 7 Quy chế này) thống nhất cùng Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm sở tại trước khi ký hợp đồng (theo mẫu hợp đồng thống nhất toàn tỉnh). Hợp đồng bảo vệ rừng, PCCCR phải gửi UBND huyện, thành phố và Hạt Kiểm lâm sở tại (mỗi nơi 1 bản) để quản lý, kiểm tra và chỉ đạo, phối hợp thực hiện.
Điều 7. Người được UBND xã hợp đồng bảo vệ rừng, PCCCR phải đủ các tiêu chuẩn như sau:
- Thường trú tại địa phương;
- Có sức khỏe, nhiệt tình với công việc;
- Có trình độ văn hóa và hiểu biết nhất định về công tác lâm nghiệp, PCCCR.
Chương III
QUẢN LÝ, CẤP PHÁT KINH PHÍ
Điều 8. Kinh phí hợp đồng bảo vệ rừng, PCCCR được phân bổ trong dự toán ngân sách hàng năm cho các đơn vị, địa phương theo quy định về phân cấp quản lý ngân sách. Các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí đúng mục đích và quản lý, thanh quyết toán đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Hạt Kiểm lâm sở tại giúp UBND huyện, thành phố trong việc theo dõi quá trình thực hiện hợp đồng của UBND các xã; phổ biến, hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra về nghiệp vụ chuyên môn của lực lượng bảo vệ, PCCCR tại địa phương; đồng thời, sau mùa PCCCR hàng năm, Hạt Kiểm lâm phải đánh giá chung và báo cáo kết quả thực hiện tại địa phương để Chi cục Kiểm lâm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và tiếp tục đề xuất các giải pháp, nội dung bổ sung (nếu cần thiết).
Chương IV
THƯỞNG PHẠT
Điều 9. Các địa phương, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR và thực hiện tốt hợp đồng bảo vệ rừng, PCCCR sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Những địa phương, cá nhân vi phạm hợp đồng bảo vệ rừng, PCCCR hoặc để xảy ra cháy rừng, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. UBND các xã, người hợp đồng bảo vệ rừng, PCCCR và các ngành liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng quy chế này.
Điều 11. Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài Chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chi cục Kiểm lâm; UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định trong quy chế này.
Những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, yêu cầu các ngành và địa phương báo cáo kịp thời để UBND tỉnh xem xét, bổ sung hoặc sửa đổi cho phù hợp./.