Quyết định 23/QĐ-UB năm 1980 về việc thành lập Ban Điều phối định cư và cải tạo lao động thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu văn bản: 23/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 19-02-1980
- Ngày có hiệu lực: 19-02-1980
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-01-1982
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 688 ngày (1 năm 10 tháng 23 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 07-01-1982
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 02 năm 1980 |
QUYẾT ĐỊNH
THÀNH LẬP BAN ĐIỀU PHỐI ĐỊNH CƯ VÀ CẢI TẠO LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
– Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chánh các cấp ngày 27 tháng 10 năm 1962;
– Căn cứ quyết định số 201-CP ngày 30-8-1974 của Hội đồng chính phủ và chỉ thị số 85-TTg của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp việc làm cho những người có khả năng làm việc;
– Để thực hiện quyết định số 1464/QĐ-UB ngày 8-8-1979 của Ủy ban Nhân dân thành phố về việc tổ chức khu vực định cư cho số người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại thành phố Hồ Chí Minh; và quyết định số 38/QĐ-UB ngày 8-2-1980 của Ủy ban Nhân dân thành phố về ban hành chế độ bắt buộc lao động đối với người ở tuổi lao động, có sức lao động, không chịu lao động và đang tham gia các hoạt động phi pháp về hình sự cũng như tệ nạn xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh.
– Xét đề nghị của đồng chí Trưởng ban Tổ chức chánh quyền thành phố,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. – nay thành lập Ban Điều phối định cư và cải tạo lao động trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Ban định cư và lao động thành phố)
Ban Điều phối định cư và cải tạo lao động thành phố giúp Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức và quản lý các khu vực định cư cho số người nước ngoài xâm nhập trái phép lãnh thổ nước Việt Nam và cư trú bất hợp pháp tại thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức và quản lý các trường, trại bắt buộc lao động tập trung đối với số người ở tuổi lao động, có sức lao động, không chịu lao động và đang tham gia các hoạt động phi pháp về hình sự cũng như về tệ nạn xã hội; tổ chức và quản lý các trường giáo dục trẻ em “bụi đời và thiếu niên hư phạm pháp”; tổ chức và quản lý các khu sản xuất cho số người bị cấm cư trú ở thành phố và bắt buộc cư trú ngoài phạm vi thành phố.
Ban Điều phối định cư và cải tạo lao động thành phố là đơn vị dự toán cấp I, được cấp kinh phí hoạt động, được mở tài khoản ở Ngân hàng và có con dấu riêng.
Điều 2. – Ban Điều phối định cư và cải tạo lao động thành phố có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Nắm tình hình, nghiên cứu và đề xuất các chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện tốt việc định cư và cải tạo lao động.
2. Hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức thực hiện định cư và cải tạo lao động của các cấp, các ngành hữu quan và các trường giáo dục lao động công – nông nghiệp, các khu, trại định cư.
3. Liên hệ và phối hợp với các cấp các ngành hữu quan của thành phố, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương nơi trường, trại ở, để giải quyết tốt các yêu cầu và điều kiện phục vụ cho việc tổ chức định cư và cải tạo lao động.
4. Xét và đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định thành lập hoặc hợp nhất, giải thế các Trường giáo dục lao động công – nông nghiệp và các khu, trại định cư.
Quản lý, chỉ đạo các Trường giáo dục lao động công – nông nghiệp và các khu, trại định cư.
5. Lập dự toán và phân phối điều hòa: lao động, đất đai, tiền vốn, kinh phí, vật tư – kỹ thuật công cụ lao động phương tiện làm việc, v.v… và bố trí sử dụng cán bộ cho việc tổ chức định cư và cải tạo lao động. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chế độ quản lý lao động, chương trình giáo dục, kế hoạch xây dựng cơ bản kế hoạch sản xuất kinh doanh và việc phục vụ đời sống ở các Trường giáo dục lao động công – nông nghiệp và các khu, trại định cư.
6. Báo cáo định kỳ và đột xuất cho Ủy ban Nhân dân thành phố về tình hình thực hiện tổ chức định cư và cải tạo lao động.
Điều 3. – Ban Điều phối định cư và cải tạo lao động thành phố có 1 Trưởng Ban và một số Phó Ban giúp việc. Trưởng Ban chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân thành phố lãnh đạo toàn bộ các mặt công tác của Ban quy định ở điều 1 và điều 2 nêu trên. Các Phó trưởng Ban giúp việc Trưởng Ban được phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác của Ban. Có một Phó trưởng ban thường trực được ủy nhiệm thay mặt Trưởng Ban điều hành công tác của Ban khi Trưởng Ban đi vắng.
Bộ máy giúp việc của ban tinh, gọn, có hiệu lực, gồm các bộ phận chuyên trách: kế toán, giáo dục, sản xuất kinh doanh, kỹ thuật, tài vụ – vật tư – đời sống, quản trị – hành chánh. Biên chế bộ máy của Ban có mặt năm 1980 ấn định năm mươi sáu (56) người (biên chế lao động các trường, trại trực thuộc Ban áp dụng theo định mức quy định trong quyết định số 333/ QĐ-UB ngày 14-12-1979 của Ủy ban Nhân dân thành phố).
Điều 4. – Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Giám đốc Sở Công an, Giám đốc Sở Thương binh và xã hội, Giám đốc Sở Lao động, Giám đốc Sở Tài chánh, Giám đốc Sở Lương thực, Giám đốc Sở Thương nghiệp, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước thành phố và thủ trưởng các Sở, các ngành hữu quan của thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện có trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |