cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 83/2019/QH14 ngày 14/06/2019 của Quốc hội Về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV

  • Số hiệu văn bản: 83/2019/QH14
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Quốc hội
  • Ngày ban hành: 14-06-2019
  • Ngày có hiệu lực: 29-07-2019
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 522 ngày (1 năm 5 tháng 7 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-01-2021
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-01-2021, Nghị quyết số 83/2019/QH14 ngày 14/06/2019 của Quốc hội Về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội Về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII”. Xem thêm Lược đồ.

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 83/2019/QH14

Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XIV

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;

Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1

Quốc hội ghi nhận các kết quả đạt được và giải pháp, cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

1. Đối với lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội

- Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy, liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, xâm hại phụ nữ, trẻ em, nhất là việc khẩn trương nghiên cứu, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy. Rà soát, đánh giá việc thực hiện, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và tài sản của Nhân dân.

- Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân về các loại tội phạm, tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

- Kiện toàn tổ chức, bộ máy lực lượng công an nhân dân, gắn trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp trong công tác quản lý đối tượng, địa bàn; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tiếp tay, bao che tội phạm.

- Tiếp tục triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng công an, hải quan, biên phòng và cảnh sát biển trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng hàng không, hàng hải và trên biển; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma tuý sang nước thứ 3; nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác cai nghiện, quản lý đối với người nghiện, cơ sở cai nghiện ma tuý.

- Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm tại địa bàn cơ sở và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm; nhân rộng các mô hình tự quản trong đấu tranh phòng chống tội phạm; có biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh cầm đồ, dịch vụ tài chính liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; phát hiện, xử lý nghiêm các hoạt động siết nợ, đòi nợ thuê, băng nhóm đòi nợ có tính chất “xã hội đen”, “bảo kê” vi phạm pháp luật.

- Thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020. Rà soát, đấu tranh, triệt phá các đường dây, đối tượng môi giới mua bán người, tổ chức cho người ra nước ngoài mang thai hộ trái pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc phòng, chống mua bán người; hoàn thiện quy trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện vi phạm quy định pháp luật về sử dụng rượu, bia, ma túy và chất kích thích khác khi tham gia giao thông; thống nhất số liệu thống kê về tai nạn giao thông giữa các cơ quan liên quan.

2. Đối với lĩnh vực xây dựng

- Rà soát, hoàn thiện quy định của pháp luật về xây dựng, nhà ở, quản lý đô thị, kinh doanh bất động sản bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tiễn. Sửa đổi quy định liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư, trong đó chú trọng đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị, doanh nghiệp quản lý, quy trình vận hành và quy bảo trì nhà chung cư. Có cơ chế, chính sách đẩy nhanh việc cải tạo các chung cư, tập thể cũ xuống cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Nghiên cứu, ban hanh quy chế quản lý, vận hành đối với loại hình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn.

- Đến năm 2021, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cốt lõi, hệ thống định mức và đơn giá xây dựng. Trong năm 2019, ban hành 03 quy chuẩn về quy hoạch xây dựng, nhà chung cư, an toàn cháy nổ cho nhà và công trình. Rà soát quy hoạch xây dựng các công trình tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục, công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng; đẩy mạnh phân cấp trong quản lý xây dựng và đầu tư xây dựng công trình.

- Nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị, giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng; kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch, gắn với giảm áp lực dân số nội đô, phù hợp với hệ thống hạ tầng, công trình văn hóa, giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, cảnh quan đô thị, bảo đảm công khai, minh bạch, đồng bộ và được sự đồng thuận của người dân. Hoàn thành việc lập cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch trong năm 2019. Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết tại các địa phương; kiểm soát và xử lý nghiêm tình trạng chậm hoặc không triển khai quy hoạch, sai phạm trong điều chỉnh quy hoạch cục bộ và quy hoạch chi tiết.

- Thực hiện cơ cấu lại thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia; có chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại cho người có thu nhập thấp; phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, “thổi giá”, “làm giá” để lừa đảo, trục lợi; xây dựng cơ sở dữ liệu về bất động sản; rà soát, xử lý các khu dân cư tự phát, các dự án không có người ở.

- Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý trật tự đô thị, hoạt động xây dựng, quản lý thị trường bất động sản, quản lý vận hành nhà chung cư. Tổng kết, hoàn thiện mô hình thanh tra xây dựng đô thị cho phù hợp với thực tiễn.

3. Đối với lĩnh vực giao thông vận tải

- Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải; sửa đổi quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa taxi truyền thống, taxi công nghệ và xe vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử; nghiên cứu hoàn thiện quy định về xử phạt đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông qua trích xuất hình ảnh từ thiết bị ghi hình.

- Khẩn trương điều chỉnh và thực hiện các quy hoạch ngành giao thông vận tải theo Luật Quy hoạch; phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; cân đối nguồn lực để đầu tư hiệu quả hệ thống giao thông, ưu tiên khu vực khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Có cơ chế huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

- Thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án giao thông trọng điểm. Xử lý các vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án giao thông, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng; có phương án giải quyết dứt điểm các dự án đang thực hiện dở dang chưa được bố trí vốn. Nâng cao chất lượng công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông; thực hiện tốt công tác đấu thầu, ưu tiên các nhà đầu tư, nhà thầu trong nước đủ điều kiện, năng lực; thực hiện nghiệm thu, kiểm toán, quyết toán dứt điểm các công trình sau khi hoàn thành.

- Đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực vận tải, tăng cường kết nối các phương thức vận tải. Nâng cấp, hiện đại hóa công tác đăng kiểm và áp dụng công nghệ mới trong kiểm định phương tiện; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tăng cường thanh tra, kiểm tra các trung tâm đăng kiểm, trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe và xử lý nghiêm các vi phạm; kiểm soát chặt chẽ xe quá khổ, quá tải và xe hết niên hạn sử dụng. Năm 2019, hoàn thành Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT). Đến hết năm 2019, tất cả các trạm thu phí thực hiện thu phí tự động không dừng. Rà soát, xử lý các vướng mắc tại một số trạm thu phí BOT giao thông đường bộ, trong đó tập trung xử lý nghiêm các vi phạm trong việc thu phí. Giám sát chặt chẽ và công khai việc thu phí hoàn vốn của các dự án BOT giao thông.

- Thực hiện các biện pháp, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; rà soát, khắc phục các “điểm đen” trên các tuyến quốc lộ. Thực hiện kết nối dữ liệu giám sát hành trình của tất cả phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa với cơ quan có thẩm quyền quản lý; tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vận tải sử dụng nhiều lái xe, lái tàu có hành vi vi phạm pháp luật.

4. Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

- Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; chú trọng công tác hướng dẫn thi hành pháp luật, phối hợp giải quyết những nội dung có tính chất liên ngành, liên vùng. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, đặc biệt là các di tích cấp quốc gia, tác phẩm nghệ thuật có giá trị, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống.

- Đẩy mạnh đầu tư, có chính sách thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, khuyến khích nhà văn, nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tạo, hỗ trợ hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Phát huy vai trò chủ động của các địa phương trong công tác quản lý, khai thác và bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, bảo đảm quyền tham gia của người dân. Có chính sách đầu tư thông qua đặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim, ảnh về truyền thống lịch sử, dân tộc, phim thiếu nhi có tính giáo dục cao cho trẻ em; hoàn thiện quy trình, nâng cao chất lượng kiểm duyệt phim nhựa, phim truyền hình. Tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các sai phạm trong việc tổ chức phát hành, phổ biến phim, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, cuộc thi người đẹp, người mẫu.

- Tổ chức thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; quản lý và sử dụng nguồn thu tư các di sản văn hóa. Công khai, minh bạch thông tin về các dự án đầu tư khu du lịch tâm linh theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân, đấu tranh phòng, chống mê tín dị đoan. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng hành nghề mê tín dị đoan nhằm thu lợi bất chính.

- Rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch với mục tiêu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; quy hoạch đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng nhằm phát huy thế mạnh và tiềm năng phát triển du lịch biển; nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch; huy động nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế; đa dạng hóa sản phẩm du lịch với chất lượng cao, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch tại các địa phương; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường du lịch; kiểm soát, quản lý tốt các điểm đến du lịch, bảo đảm chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn cho du khách; chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc liên doanh, liên kết tổ chức du lịch giá rẻ, không bảo đảm chất lượng dịch vụ; tăng cường quản lý hoạt động tổ chức đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài.

Điều 2

1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chanh an Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2019.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Thị Kim Ngân