cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Kế hoạch số 10872/KH-UBND ngày 11/12/2018 Về triển khai công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2019-2020 và các năm tiếp theo

  • Số hiệu văn bản: 10872/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Ngày ban hành: 11-12-2018
  • Ngày có hiệu lực: 11-12-2018
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 18-12-2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 7 ngày ( 7 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 18-12-2018
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 18-12-2018, Kế hoạch số 10872/KH-UBND ngày 11/12/2018 Về triển khai công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2019-2020 và các năm tiếp theo bị bãi bỏ, thay thế bởi Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 18/12/2018 Về công tác thông tin đối ngoại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2019-2020”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10872/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 11 tháng 12 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2019 - 2020 VÀ CÁC NĂM TIẾP THEO

Để triển khai hiệu quả những kết quả đạt được sau Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19, trên cơ sở định hướng hành động tại Công văn số 344/CNV-VP ngày 18/10/2018 của Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao về việc định hướng hành động sau Hội nghị Ngoại vụ 19, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020 và những năm tiếp theo như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Đẩy mạnh công tác đối ngoại của tỉnh đi vào chiều sâu, đúng định hướng, tranh thủ mọi nguồn lực bên ngoài nhằm góp phần thiết thực hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh về vai trò, vị trí của công tác đối ngoại trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nhằm khích lệ và tăng cường sự tham gia tích cực của các ngành vào các hoạt động đối ngoại chung của tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Các hoạt động đối ngoại cần được các cấp, các ngành chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ và triển khai đồng bộ.

- Các nội dung và chương trình của hoạt động đối ngoại phải tuân thủ chủ trương của Đảng, chính sách đối ngoại và pháp luật của Nhà nước.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ:

1. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội:

- Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế của tỉnh tại Quyết định số 901/QĐ-UBND ngày 12/4/2017 theo tinh thần Nghị Quyết 22-NQ/TW ngày 10/3/2013 của Bộ Chính trị; mở rộng các lĩnh vực hội nhập theo chiều sâu.

- Tăng cường hợp tác đa phương theo Chỉ thị 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, nhằm tranh thủ mọi nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của HĐND tỉnh hàng năm.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Kế hoạch số 24-KH/TU ngày 02/02/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên địa bàn tỉnh.

- Cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên nghiên cứu, tham mưu cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp liên hệ công tác; áp dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc.

- Phát huy có hiệu quả mối quan hệ với các địa phương nước ngoài mà tỉnh Đắk Lắk đã thiết lập quan hệ gồm: Mondulkiri - Campuchia và tỉnh Jeollabuk - Hàn Quốc.

2. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trên các lĩnh vực:

a) Công tác kinh tế đối ngoại:

- Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan vận động tài trợ ODA, NGO, thu hút FDI đầu tư vào các dự án hạ tầng đô thị, nông nghiệp nông thôn, các dự án xã hội hóa... từ nguồn vốn nước ngoài; đồng thời, tích cực tạo điều kiện cho dự án ODA, NGO, FDI hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả.

- Thúc đẩy nội dung hợp tác với nước ngoài về đầu tư, thương mại, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp.

- Tranh thủ các cuộc tiếp xúc với các phái đoàn nước ngoài để kêu gọi viện trợ ODA và thu hút FDI phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tổ chức có hiệu quả hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp Hàn Quốc nhân dịp Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, năm 2019 tại tỉnh Đắk Lắk.

- Tập trung hướng đến thị trường nước ngoài đối với các quốc gia trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Mỹ, Nga và các nước trong khu vực ASEAN,...

- Lĩnh vực kêu gọi và thu hút đầu tư, gồm:

+ Nông nghiệp: Hướng đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất tập trung quy mô lớn.

+ Công nghiệp: Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm thủy sản; năng lượng tái tạo; công nghiệp phục vụ nông nghiệp - nông thôn.

+ Du lịch: Tập trung thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; du lịch sinh thái; đầu tư hệ thống khách sạn tiêu chuẩn từ 03 đến 05 sao.

+ Thương mại - Dịch vụ: Thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh các siêu thị, trung tâm thương mại; nghiên cứu mở cửa thị trường một số nước cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh như cà phê, bơ, tiêu...

+ Giáo dục - Đào tạo: Hướng đến xây dựng các trường, các trung tâm giáo dục đào tạo mang tính cấp vùng, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại.

b) Công tác ngoại giao văn hóa: Tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020 của tỉnh; xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng năm, trong đó, tập trung một số hoạt động nổi bật như sau:

- Mời đoàn nghệ thuật của tỉnh Jeollabuk - Hàn Quốc, tỉnh Mondulkiri - Campuchia và các tỉnh Nam Lào sang biểu diễn tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần 7 vào tháng 3/2019 tại Đắk Lắk.

- Tạo điều kiện cho đoàn nghệ thuật của tỉnh Jeollabuk đến biểu diễn chương trình “Yeongsan Jakbub” (di sản phi vật thể số 18 của tỉnh Jeollabuk) vào tháng 5/2019 tại Đắk Lắk.

- Thành lập đoàn nghệ thuật tham gia giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc theo lời mời của chính quyền tỉnh Jeollabuk tại Lễ hội âm thanh quốc tế lớn nhất Hàn Quốc.

- Tổ chức các hoạt động hưởng ứng nhân kỷ niệm năm (chẵn, lẻ) thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và một số quốc gia nước ngoài.

- Phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao của Ấn Độ tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Yoga quốc tế tại tỉnh.

- Tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân giữa các tổ chức đoàn thể (đoàn thanh niên, hội phụ nữ, dân vận...) nhân dịp Tết cổ truyền và kỷ niệm năm thiết lập quan hệ truyền thống, đoàn kết, hữu nghị với các địa phương nước ngoài có quan hệ kết nghĩa và truyền thông với tỉnh.

c) Công tác thông tin đối ngoại:

- Tranh thủ một số hãng thông tấn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam đến để quảng bá, giới thiệu tiềm năng về kinh tế - xã hội của tỉnh đến với bạn bè quốc tế, đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc Tây Nguyên tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, năm 2019 với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn”.

- Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020, trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa chính trị của việc phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.

d) Công tác phi chính phủ nước ngoài:

- Xây dựng Chương trình xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2023 và xây dựng đề cương vận động viện trợ cho giai đoạn mới.

- Hỗ trợ các nhà tài trợ đang có thiện chí tìm hiểu về lĩnh vực tỉnh định hướng ưu tiên kêu gọi vận động.

- Tăng cường công tác vận động viện trợ, tập trung vào các tổ chức đã có hoạt động tại tỉnh hoặc từ các đơn vị có nguồn viện trợ thường xuyên cho tỉnh như: Tổng Lãnh sự quán Úc, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản...

e) Công tác biên giới lãnh thổ:

- Xây dựng các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, các chương trình, kế hoạch của Trung ương liên quan đến công tác quản lý nhà nước về biên giới, lãnh thổ.

- Triển khai các kế hoạch của tỉnh liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực biên giới và công tác quản lý Nhà nước về biên giới, lãnh thổ; tiếp tục triển khai các nội dung cần thiết đầu tư cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu Đắk Ruê để tạo điều kiện giao thương giữa hai tỉnh.

g) Công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân:

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 1737/CT-TTg ngày 20/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài trong tình hình hiện nay.

- Tiếp tục phối hợp Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tỉnh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức gặp mặt kiều bào nhân dịp Tết cổ truyền định kỳ hàng năm, qua đó nắm bắt tâm tư nguyện vọng, cung cấp thông tin tình hình tỉnh nhà, đồng thời, tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước cho cộng đồng kiều bào.

- Thực hiện tốt công tác vận động, thu hút sự đóng góp của chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia vào công cuộc xây dựng phát triển của quê hương, đất nước và làm cầu nối giúp tỉnh tiếp thu công nghệ tiên tiến, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, văn hóa đối ngoại, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.

- Khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có thành tích trong việc vận động xây dựng cộng đồng, đóng góp xây dựng đất nước trên địa bàn tỉnh.

h) Công tác lãnh sự:

- Quản lý chặt chẽ đối với các hoạt động của cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế; các chuyên gia đến thăm và làm việc tại tỉnh.

- Giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến tổ chức và người nước ngoài đang hoạt động sinh sống, làm việc, học tập.... trên địa bàn tỉnh.

3. Thực hiện nghiêm Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh:

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định 272-QĐ/TW ngày 21/01/2015 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại; Hướng dẫn số 01-HD/BĐNTW ngày 30/6/2015 của Ban Đối ngoại Trung ương thực hiện Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định 272-QĐ/TW; đồng thời, triển khai hiệu quả Quyết định số 569-QĐ/TU ngày 25/5/2017 kèm theo Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh của Tỉnh ủy.

4. Phát huy hiệu quả công tác đoàn ra:

- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 21/7/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài, trong đó lưu ý:

+ Không cử đoàn đi giao lưu, khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài có nội dung không đem lại hiệu quả thiết thực bằng ngân sách nhà nước.

+ Thành phần đoàn ra cần gọn nhẹ, không quá 10 người/đoàn.

+ Không được tham gia các đoàn đi nước ngoài do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ hoặc do các doanh nghiệp nước ngoài mời đích danh.

+ Việc cử cán bộ tham gia đoàn đi nước ngoài phải đúng đối tượng, thành phần, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

- Đối với các đoàn đi nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, cần xây dựng dự toán kinh phí cụ thể để trình cấp có thẩm quyền xem xét.

- Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định của Quyết định 569-QĐ/TU ngày 25/5/2017 của Tỉnh ủy về việc ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh, theo đó, sau khi kết thúc đợt công tác nước ngoài, trong vòng 07 ngày làm việc Trưởng đoàn (cá nhân) phải gửi báo cáo tới cấp có thẩm quyền cho phép đi nước ngoài, Sở Ngoại vụ và Ban Tổ chức tỉnh ủy để theo dõi.

- Định kỳ 06 tháng và hàng năm các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch đoàn ra gửi Sở Ngoại vụ tổng hợp trình Chủ tịch UBND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy để báo cáo Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương Đảng theo quy định.

- Thực hiện kế hoạch đoàn ra hàng năm, trong đó, tập trung vào một số hoạt động trọng tâm như sau:

+ Tham gia các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, đầu tư theo Chương trình Quảng bá địa phương ở nước ngoài do Bộ Ngoại giao tổ chức.

+ Tổ chức các đoàn của tỉnh đi Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... để triển khai các hoạt động cụ thể trên cơ sở các kết quả đã xúc tiến đầu tư của những năm trước.

+ Tổ chức các đoàn của tỉnh tham dự Lễ kỷ niệm, chúc tết, sơ kết các biên bản ghi nhớ, hợp tác kết nghĩa giữa tỉnh với địa phương các nước Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc.

5. Nâng cao trình độ, năng lực cán bộ làm công tác đối ngoại trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng:

Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên làm công tác đối ngoại tham gia các khóa tập huấn về hội nhập quốc tế và ngoại ngữ theo Kế hoạch đào tạo của Bộ Ngoại giao nhằm nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, trình độ ngoại ngữ góp phần làm tốt công tác ngoại vụ tại địa phương. Bên cạnh đó, đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác ngoại vụ địa phương cần tăng cường tham gia các chương trình tập huấn ngắn hạn ở nước ngoài và tham gia học bổng chuyên ngành do nước ngoài tài trợ để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn trong thời gian tới.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

Với phương châm “Chủ động, sáng tạo, phục vụ hội nhập hiệu quả và phát triển bền vững”, các hoạt động đối ngoại của tỉnh cần được xây dựng, triển khai theo chương trình, nhiệm vụ cụ thể đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế, phát triển bền vững.

Định hướng hoạt động trong thời gian tới cần đẩy mạnh hội nhập quốc tế phục vụ phát triển bền vững; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu, thu hút FDI, tranh thủ ODA và các nguồn thay thế; khai thác hiệu quả hợp tác cấp độ địa phương với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, qua đó mở rộng thị trường, tranh thủ các nguồn lực về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên, cần triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:

- Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác đối ngoại tại địa phương, theo hướng chuyên nghiệp, có trình độ đáp ứng được điều kiện làm việc trong môi trường quốc tế... để có thể phát huy tốt vai trò đầu mối, trung tâm trong công tác hội nhập tại tỉnh.

- Tranh thủ, phát huy sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước để triển khai toàn diện công tác đối ngoại tại địa phương, cụ thể:

+ Giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh, con người của địa phương với bạn bè thế giới qua các chương trình ngoại giao văn hóa, để lấy đó làm cơ sở nền tảng xây dựng kế hoạch kết nối, xúc tiến đầu tư phát triển kinh tế.

+ Làm tốt công tác lãnh sự và công tác người Việt Nam ở nước ngoài để thu hút nguồn lực chuyên gia, trí thức ở nước ngoài đóng góp vào sự phát triển khoa học công nghệ của tỉnh nhà.

+ Xây dựng hình ảnh mang thương hiệu của tỉnh; thu hút nguồn lực (FDI, ODA, NGO) hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Ngoại vụ chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch này và đề xuất các giải pháp, nội dung cần điều chỉnh, bổ sung để UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

2. Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức đoàn thể, chủ động xây dựng dự toán chi tiết hàng năm (cuối quý III) có liên quan đến nhiệm vụ được phân công, chủ động phối hợp Sở Tài chính để thẩm định nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện cho từng năm.

3. Sở Tài chính căn cứ khả năng ngân sách, kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt và dự toán chi tiết của các cơ quan, đơn vị xây dựng để tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện.

Trên đây là Kế hoạch hành động triển khai công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020 và các năm tiếp theo của tỉnh Đắk Lắk, đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị tổ chức triển khai thực hiện. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Ngoại vụ) đối với những nội dung phát sinh vượt thẩm quyền để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Ngoại giao;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các Ban Đảng Tỉnh ủy: Tuyên giáo, Tổ chức;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Các phòng: KGVX, KT;
- Lưu: VT, TH (ThN_70b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Cảnh