Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội Về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự
- Số hiệu văn bản: 24/2008/QH12
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Quốc hội
- Ngày ban hành: 14-11-2008
- Ngày có hiệu lực: 28-11-2008
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5895 ngày (16 năm 1 tháng 25 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
Bản án sử dụng
- 31/2011/KDTM-PT (15-03-2011) Áp dụng: Khoản 1
- 164/2015/DS-ST (10-04-2015) Áp dụng: Khoản 1
- 164/2015/DS-ST (10-04-2015) Áp dụng: Khoản 1
- 164/2015/DS-ST (10-04-2015) Áp dụng: Khoản 1
- 531/2007/KDTM-ST (04-04-2007) Áp dụng: Khoản 1 Điều 17; Khoản 3 Điều 18
- 39/2011/KDTM-PT (29-03-2011) Áp dụng: Khoản 1
- 39/2011/KDTM-PT (29-03-2011) Áp dụng: Khoản 1
QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2008/QH12 | Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2008 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THI HÀNH LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Luật thi hành án dân sự số 26/2008/QH12,
QUYẾT NGHỊ
1. Luật thi hành án dân sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009.
Đối với các việc thi hành án đã được thi hành xong theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành, mà đương sự còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 để giải quyết.
Đến thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành mà việc thi hành án chưa được thi hành hoặc chưa thi hành xong thì áp dụng các quy định của Luật này để thi hành. Các quyết định, hành vi của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên đã được thực hiện theo đúng quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 có giá trị thi hành.
Đối với việc thi hành các khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng (năm trăm ngàn đồng), mà thời gian tổ chức thi hành án đã quá 05 năm, tính đến thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành nhưng người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức việc thi hành án phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp lập danh sách đề nghị Tòa án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở ra quyết định miễn thi hành đối với khoản nghĩa vụ đó.
2. Để triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự, giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương.
Việc thí điểm được thực hiện từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến ngày 01 tháng 7 năm 2012.
Chính phủ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
3. Để phù hợp với điều kiện cụ thể về nguồn công chức làm công tác thi hành án tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa trong giai đoạn hiện nay, giao Chính phủ quy định những cơ quan thi hành án dân sự cụ thể ở các địa bàn nêu trên được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm Chấp hành viên không qua thi tuyển trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành.
4. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a. Tự mình hoặc phối hợp với cơ quan hữu quan tổ chức việc rà soát các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự hiện hành để hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới phù hợp với quy định của Luật thi hành án dân sự, bảo đảm có hiệu lực cùng với Luật này từ ngày 01 tháng 7 năm 2009.
b. Phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật thi hành án dân sự trong cán bộ, công chức và nhân dân nhằm góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy tác dụng của Luật thi hành án dân sự trong bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
5. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện và hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2008.
| CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |