Quy định tạm thời số 180/QĐ-UB ngày 24/08/1978 Về phân công trách nhiệm quản lý công nghiệp và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp giữa Sở Công nghiệp-Phòng Công nghiệp quận, huyện và Ủy ban nhân dân phường, xã thuộc thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 180/QĐ-UB
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 24-08-1978
- Ngày có hiệu lực: 24-08-1978
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 11-11-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 7384 ngày (20 năm 2 tháng 24 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 11-11-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 180/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 8 năm 1978 |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP VÀ TIỂU CÔNG NGHIỆP, THỦ CÔNG NGHIỆP GIỮA SỞ CÔNG NGHIỆP –PHÒNG CÔNG NGHIỆP QUẬN, HUYỆN VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG, XÃ THUỘC THÀNH PHỐ
Thi hành nghị quyết số 47/TVTU của Thường vụ Thành ủy “Về tăng cường cải tạo và tổ chức quản lý, ra sức phát huy thế mạnh tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp ở thành phố” tháng 12/77, Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành bản quy định tạm thời về phân công trách nhiệm quản lý của các cấp ở thành phố như sau:
I. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CỦA MỖI CẤP QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP VÀ TIỂU CÔNG NGHIỆP – THỦ CÔNG NGHIỆP CỦA THÀNH PHỐ
Lực lượng sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp của thành phố rất to lớn. Nó có một vị trí rất quan trọng và lâu dài; cần phải được phân công trách nhiệm quản lý rõ ràng giữa các cấp từ thành phố đến quận, huyện và phường, xã, nhằm đảm bảo tốt nguyên tắc kết hợp quản lý và kế hoạch hóa theo ngành với quản lý và kế hoạch hóa theo địa phương và lãnh thổ.
Căn cứ vào nghị quyết số 33-CP ngày 4-2-1978 của Hội đồng Chính phủ về việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp huyện trong lĩnh vực quản lý kinh tế, và quyết định số 612/QĐ-UB-TC ngày 16-11-1977 của Ủy ban Nhân dân thành phố về phân công, phân cấp quản lý kinh tế, Ủy ban Nhân dân thành phố xác định cụ thể trách nhiệm quản lý công nghiệp – tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp cho mỗi cấp như sau:
1. Sở Công nghiệp có trách nhiệm là tốt các nhiệm vụ sau đây:
- Nghiên cứu xây dựng quy hoạch cải tạo, tổ chức lại sản xuất và kế hoạch phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp trong phạm vi thành phố và thống nhất quản lý việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch ấy.
- Quản lý và hướng dẫn việc thực hiện chính sách, chế độ quản lý kinh tế - kỹ thuật đối với công nghiệp quốc doanh và tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp cho phù hợp với đặc điểm tình hình của thành phố.
- Điều hòa, phối hợp trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch tổ chức sản xuất theo nhóm sản phẩm và hợp đồng hoạt động sản xuất, kinh doanh giữa các quận, huyện trong một cơ cấu thống nhất của thành phố, tránh hiện tượng phân tán, cục bộ.
- Kết hợp với các cơ quan chức năng tổng hợp khác như thống kê, tài chánh,… để hướng dẫn về mặt nghiệp vụ quản lý kinh tế - kỹ thuật, tài vụ kế toán, v.v… cho các quận, huyện và cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ cho khu vực của thành phố.
- Thực hiện công tác tuyên truyền, động viên phong trào thi đua trong công nghiệp và tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp trong thành phố.
2. Các phòng Công nghiệp quận, huyện có trách nhiệm làm tốt các nhiệm vụ sau đây:
- Tổ chức thực hiện việc cải tạo, xây dựng và phát triển lực lượng sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp (và một số cơ sở công nghiệp quốc doanh cỡ nhỏ, nếu có). Quản lý trực tiếp các hợp tác xã, tổ sản xuất và các cơ sở sản xuất tư nhân, cá thể trong phạm vi quận, huyện.
- Có biện pháp chủ động giải quyết nhu cầu về vật tư, kỹ thuật, lao động, tài chánh của cơ sở và tận dụng năng lực sẵn có trong quận, huyện, chủ yếu là lao động, máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu…, phế liệu để phát triển sản xuất tiểu-thủ công nghiệp.
- Chỉ đạo các phường, xã thực hiện công tác cải tạo và phát triển sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp ở phường xã.
II. PHÂN CÔNG CÁC MẶT QUẢN LÝ CỤ THỂ GIỮA SỞ CÔNG NGHIỆP VÀ CÁC PHÒNG CÔNG NGHIỆP QUẬN, HUYỆN
1. Về quy hoạch tổ chức lại sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp
- Sở làm quy hoạch cải tạo và tổ chức lại sản xuất các ngành nghề công nghiệp và tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp toàn thành phố theo yêu cầu chung của thành phố.
- Quận, huyện làm quy hoạch cải tạo và tổ chức lại sản xuất các ngành nghề trong phạm vi của mình theo sự hướng dẫn chung của Sở.
2. Về xây dựng kế hoạch, giao kế hoạch và chỉ đạo thực hiện kế hoạch
Quận, huyện phải dựa vào con số kiểm tra hoặc các chỉ tiêu kế hoạch của Ủy ban Nhân dân thành phố giao cho Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, và kế hoạch gia công của các công ty thuộc Sở và các cơ quan khác của trung ương, của thành phố hoặc của các tỉnh bạn mà (các quận, huyện) tự xây dựng tổng hợp thành một kế hoạch toàn bộ các ngành công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp của quận, huyện, có sự tham gia ý kiến chỉ đạo của Sở.
Ủy ban Kế hoạch thành phố cùng Sở Công nghiệp giúp Ủy ban Nhân dân thành phố xét duyệt và giao kế hoạch công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho Ủy ban Nhân dân quận, huyện. Khi kế hoạch được giao cho quận, huyện thì đồng thời phải thông báo cho Sở Công nghiệp biết phần kế hoạch công nghiệp và tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp do Sở Công nghiệp phải quản lý ở quận, huyện để Sở Công nghiệp theo dõi chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch.
- Thông qua các công ty hoặc xí nghiệp quốc doanh gia công thuộc Sở để Sở chỉ đạo thực hiện kế hoạch gia công đối với các quận, huyện.
- Thông qua việc phối hợp với các Sở khác có liên quan (ví dụ: Sở Ngoại thương, Sở Thương nghiệp, v.v…), Sở Công nghiệp sẽ gợi ý kế hoạch cho các quận, huyện và hỗ trợ, giúp đỡ các quận, huyện thực hiện tốt các kế hoạch hợp đông kinh tế đó.
- Phòng Công nghiệp quận, huyện nhận kế hoạch trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện và trước Giám đốc Sở Công nghiệp; có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch về tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp của quận, huyện và của phường, xã; hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ và quản lý toàn bộ lực lượng công nghiệp, tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp trong quận, huyện.
3. Về quản lý kỹ thuật
- Sở chỉ đạo theo dõi kiểm tra chất lượng mặt hàng và tiến bộ kỹ thuật đối với các ngành nghề chủ yếu và truyền thống, và giúp các quận, huyện về phương hướng tổ chức trang bị kỹ thuật mới.
- Cơ quan gia công đặt hàng hoặc thu mua sản phẩm, có trách nhiệm quản lý kỹ thuật sản xuất, định mức tiêu hao vật tư, nguyên liệu và quy cách, chất lượng của sản phẩm đối với các cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp.
- Quận, huyện trực tiếp tổ chức hướng dẫn việc quản lý kỹ thuật cho các đơn vị cơ sở, và duy trì sự phát triển của các ngành nghề truyền thống, khuyến khích, giúp đỡ các nghệ nhân và quản lý các nghệ nhân.
4. Về quản lý vật tư kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm
- Sở chỉ đạo các công ty thuộc Sở đảm bảo phần vật tư kỹ thuật, nguyên nhiên liệu đối với kế hoạch sản lượng do công ty gia công cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
- Sở kiến nghị với Ủy ban Kế hoạch thành phố và cơ quan quản lý cung ứng vật tư, điều hòa vật tư giữa các quận, huyện. Hướng dẫn các quận, huyện trong việc tổ chức khai thác vật tư, nguyên liệu ngoài thành phố, tạo điều kiện cho quận, huyện hoàn thành kế hoạch sản xuất được Ủy ban Nhân dân thành phố giao.
- Quận, huyện trực tiếp lập kế hoạch và tổ chức khai thác vật tư, nguyên liệu và lo liệu vật tư phù hợp với nhiệm vụ sản xuất.
- Sở hướng dẫn công tác nghiệp vụ về quản lý sử dụng và khai thác vật tư, nguyên liệu cho các quận, huyện.
5. Về quản lý lao động, giá cả, tài chánh, tín dụng
Quận, huyện có trách nhiệm thực hiện việc phân bố lực lượng lao động công nghiệp và tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp và góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân lao động trong quận, huyện theo quy hoạch và kế hoạch chung.
- Quận, huyện quản lý và thi hành các chính sách, chế độ về lao động tiền lương, giá cả, tài chánh, thuế, và tín dụng,… của Chính phủ và Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành có sự hướng dẫn, giúp đỡ, theo dõi, giám sát của Sở đối với đơn vị công nghiệp và tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp.
- Căn cứ vào kiến nghị của các quận, huyện, Sở phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu và đề nghị ban hành những chính sách, chế độ cụ thể về các mặt nói trên cho phù hợp với ngành nghề công nghiệp và tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp của quận, huyện.
- Sự theo dõi, uốn nắn, đề xuất ý kiến để giải quyết các vướng mắc về chính sách, chế độ nói trên.
- Sở hướng dẫn các mặt nghiệp vụ quản lý và nghiên cứu vận dụng các chính sách, chế độ quản lý của Trung ương ban hành cho các xí nghiệp quốc doanh và các đơn vị tập thể tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp.
- Sở giúp đào tạo kế toán, thống kê cho quận, huyện nhằm quản lý trực tiếp hệ thống kế toán, thống ke của hợp tác xã và tổ sản xuất.
Về quản lý cán bộ và đào tạo
Sở theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ phụ trách các Phòng Công nghiệp quận, huyện về chuyên môn nghiệp vụ quản lý, đề xuất ý kiến với Ủy ban Nhân dân quận, huyện trong việc quản lý cán bộ.
- Sở phối hợp với quận, huyện đào tạo, bồi dưỡng một số cán bộ phụ trách quản lý hợp tác xã, tổ sản xuất và một số cán bộ nghiệp vụ và công nhân chuyên nghiệp cần thiết.
- Quận, huyện đào tạo cán bộ cho các cơ sở và phường, xã theo chương trình và kế hoạch thống nhứt của Sở.
III. VỀ NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN QUẢN LÝ TIỂU CÔNG NGHIỆP – THỦ CÔNG NGHIỆP CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG, XÃ (chủ yếu là các phường nội thành)
- Về mặt chính quyền Nhà nước, Ủy ban Nhân dân phường, xã là một cấp chính quyền cơ sở, tiến hành công tác quản lý Nhà nước đối với mọi cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trong địa phương mình.
Trách nhiệm quản lý Nhà nước đó được thể hiện bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa chức năng quản lý theo địa phương (lãnh thổ) của mình với sự tôn trọng trách nhiệm và quyền hạn quản lý theo ngành của các đơn vị quản lý cấp trên.
Thông thường, các đơn vị kinh tế hoạt động trên địa dư của phường, xã gồm có các cơ sở quốc doanh trung ương, quốc doanh địa phương, (tỉnh, thành phố hoặc quận, huyện) và các đơn vị sản xuất khác chưa vào quy hoạch và kế hoạch quản lý của cấp trên. Ủy ban Nhân dân phường, xã trước hết phải biết xác định từng loại cơ sở và trách nhiệm của mình đối với từng loại cơ sở đó.
- Đối với các loại cơ sở do cấp trên trực tiếp quản lý đã đi vào quy hoạch và kế hoạch, thì Ủy ban Nhân dân phường, xã chỉ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát về mặt thi hành luật lệ và các chính sách, chế độ của Nhà nước.
- Kế hoạch sản xuất và kinh doanh của các đơn vị kinh tế do trách nhiệm của cấp trên, nếu phường, xã có ý kiến gì thì đề đạt, phản ánh lên cấp trên, không được phép can thiệp vào kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở đó.
Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh không thuộc quyền quản lý trực tiếp của cấp trên, hoặc không làm vệ tinh cho các đơn vị kinh tế do cấp trên trực tiếp quản lý, thì Ủy ban Nhân dân phường, xã có quyền quản lý cả về mặt quản lý Nhà nước và về mặt quản lý sản xuất, kinh doanh. (Sẽ có hướng dẫn về phương pháp quản lý cụ thể sau).
- Đối với cơ sở vừa có sản xuất theo kế hoạch ngành và có phần tự sản xuất, tự tiêu riêng, thì nên phân biệt nội dung trách nhiệm của từng phần mà quản lý theo nguyên tắc nói trên.
Trách nhiệm cụ thể của đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp ở phường, xã.
Các Phó Chủ tịch phường, xã phụ trách về quản lý tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp có nhiệm vụ sau đây;
- Nắm được năng lực sản xuất của cơ sở tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp trong phường, xã gồm có: hợp tác xã, tổ sản xuất và tư nhân cá thể. Phân chia loại nào cấp trên trực tiếp quản lý, loại nào thuộc phường, xã quản lý để tổ chức lại sản xuất để xác định trách nhiệm quản lý của Ủy ban Nhân dân phường, xã cho đúng với từng đối tượng.
- Giúp đỡ các cơ sở kinh tế tập thể và cá thể thuộc phường, xã quản lý xác định được phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch sản xuất, kinh doanh và hướng dẫn sự hợp tác tương trợ giữa các cơ sở cùng ngành nghề trong phường xã.
- Nắm được tình hình sản xuất, kinh doanh, hiệu quả hoạt động và đời sống của người lao động trong các cơ sở.
- Cùng với Phòng Công nghiệp quận, huyện hướng dẫn công tác quản lý kinh tế - tài chánh như mở sổ sách, làm thủ tục giấy tờ quản lý sản xuất, kinh doanh hợp lệ, tạo điều kiện cho cơ sở làm tốt nghĩa vụ và tôn trọng luật lệ Nhà nước.
Tìm mọi biện pháp giúp đỡ cho các cơ sở cá thể đi vào con đường làm ăn tập thể và hướng dẫn cá thể làm ăn có tổ chức nhằm phát triển sản xuất, góp phần cải thiện đời sống nhân dân lao động trong phường, xã.
Quan hệ với các đoàn thể quần chúng để giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị tư tưởng nhằm thực hiện quyền làm chủ tập thể và quản lý dân chủ cho những người lao động.
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc làm báo cáo định kỳ 1 tháng, 6 tháng, 1 năm cho Phòng Công nghiệp quận, huyện và góp phần giải quyết các khó khăn, mắc mứu của cơ sở trong phạm vi trách nhiệm của phường, xã.
IV. TRÁCH NHIỆM PHỤ TRÁCH CỦA CÁC CÔNG TY THUỘC SỞ CÔNG NGHIỆP VÀ CÁC ĐƠN VỊ NGOÀI SỞ
- Tình hình phát triển tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp rất phụ thuộc vào sự hoạt động của các công ty có gia công sản xuất.
- Các công ty thuộc Sở Công nghiệp hoặc các công ty có gia công sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp của cơ quan khác có trách nhiệm chủ động phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, phải thực sự dựa vào các công ty gia công để làm tốt chức năng quản lý của mình về mặt gia công, sản xuất đối với các cơ sở.
- Các công ty trực thuộc Sở có gia công đều có chức năng giúp Sở làm quy hoạch, kế hoạch hóa theo ngành kinh tế - kỹ thuật đối với loại sản phẩm gia công và thông báo cho các Phòng Công nghiệp quận, huyện về kế hoạch đó.
- Kịp thời thông báo khả năng gia công và dự kiến gia công đối với các cơ sở tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp trong quận, huyện cho các Phòng Công nghiệp quận, huyện biết trước mỗi đầu kỳ kế hoạch để giúp các Phòng Công nghiệp chủ động trong việc xây dựng kế hoạch gia công cho các đơn vị cơ sở thuộc mình quản lý.
- Giúp các Phòng Công nghiệp quận, huyện tổ chức hợp lý màng lưới gia công, cùng nhau xác định phương thức, chính sách gia công hợp lý và hướng dẫn các xí nghiệp gia công tiến hành ký hợp đồng kinh tế lâu dài với các cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp trong quận, huyện.
- Thông qua kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng gia công mà giải quyết khó khăn của cơ sở trong quá trình gia công.
- Có trách nhiệm quản lý kỹ thuật gia công, giúp đỡ các cơ sở gia công về tiến bộ kỹ thuật và hoàn chỉnh các định mức gia công để không ngừng nâng cao chất lượng mặt hàng, tăng năng suất gia công.
- Cùng Phòng Công nghiệp quận, huyện kịp thời tổ chức các cuộc họp bàn để giải quyết mọi vấn đề trong khu vực gia công tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp.
- Những bất đồng ý kiến trong công tác quản lý gia công, sản xuất giữa các công ty và Phòng Công nghiệp quận, huyện sẽ được Ủy ban Nhân dân quận, huyện và Sở Công nghiệp thành phố chỉ đạo giải quyết.
Các đơn vị gia công ngoài Sở Công nghiệp, cần phải quan hệ hợp tác chặt chẽ với Sở Công nghiệp và các Phòng Công nghiệp quận, huyện có cơ sở tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp gia công sản xuất hàng cho đơn vị mình.
Trên đây là một số quy định tạm thời để xác định sự phân công cụ thể về trách nhiệm trong hệ thống quản lý công nghiệp và tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp từ Sở Công nghiệp đến Phòng Công nghiệp quận, huyện và Ủy ban Nhân dân phường, xã, đồng thời xác định mối quan hệ của các công ty gia công để tạo nề nếp ban đầu cho việc quản lý công nghiệp và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp từ trên xuống dưới. Sở Công nghiệp thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện những điều quy định tạm thời đã nói trên.
Trong quá trình thực hiện chúng ta sẽ chú ý rút ra kinh nghiệm và bổ sung những quy định đó được cụ thể và thích hợp với đặc điểm tình hình của thành phố.
| TM.ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |