Quy định số 1745-BCNN-CBLĐ ngày 23/09/1963 Về một số chế độ điều chỉnh công nhân thời vụ giữa các xí nghiệp thuộc Bộ do Bộ Công nghiệp nhẹ ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 1745-BCNN-CBLĐ
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Cơ quan ban hành: Bộ Công nghiệp nhẹ
- Ngày ban hành: 23-09-1963
- Ngày có hiệu lực: 23-09-1963
- Tình trạng hiệu lực: Không xác định
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 1745-BCNN-CBLĐ | Hà Nội, ngày 23 tháng 09 năm 1963 |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐIỀU CHỈNH CÔNG NHÂN THỜI VỤ GIỮA CÁC XÍ NGHIỆP THUỘC BỘ
Bộ có một số xí nghiệp sản xuất theo mùa, hàng năm số công nhân ở các xí nghiệp này chỉ làm việc sản xuất chính vào khoảng 6, 7 tháng. Để tận dụng khả năng đó, nên việc điều hòa lực lượng này trong các xí nghiệp thuộc ngành ta là điều cần thiết. Từ trước tới nay, việc điều chỉnh này đã có làm nhưng còn gặp một số mắc mứu nhất là về mặt tư tưởng và chế độ.
Để tạo điều kiện cho việc điều hòa nhân lực giữa các nhà máy nhằm nâng cao năng suất lao động, bộ ban hành bản quy định này làm cơ sở đảm bảo cho việc giao nhận giữa hai xí nghiệp được thuận lợi và vận dụng các chế độ giữa các xí nghiệp được thống nhất.
I. NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1. Hai bên giao và nhận công nhân phải quán triệt và xuất phát từ hợp tác kinh doanh xã hội chủ nghĩa mà giải quyết vấn đề, cần thấy việc thực hiện công tác này là nhiệm vụ chung nhằm tận dụng mọi khả năng để đẩy mạnh tăng năng suất lao động. Do vật, khi giải quyết những vấn đề cụ thể hai bên phải bàn bạc thương lượng có chiếu cố đến tình hình của nhau để đi đến nhất trì và đảm bảo các nguyên tắc của bộ đề ra.
Để cụ thể hóa vấn đề này:
Bên giao công nhân căn cứ vào yêu cầu của nơi nhận mà chuyển người. Số người được chuyển phải là người ở trong diện thường xuyên. Mức tuổi tối đa không quá 50 tuổi, không giao và nhận người có chửa quá ba tháng và người có con mọn dưới 12 tháng (quy định này chỉ áp dụng cho các nhà máy ở cách xa nhau. Nhà máy trong một khu vực hay thành phố có thể tùy theo tình hình mà châm chước). Về sức khỏe nói chung phải đảm bảo được công việc sản xuất bình thường của xí nghiệp yêu cầu.
Bên nhận công nhân cần thông cảm và thấy được khó khăn chung, hết sức tránh đòi hỏi quá cao, không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho việc giao nhận giữa hai xí nghiệp.
Điều 2. Việc quản lý công nhân nói chung do xí nghiệp cũ chịu trách nhiệm về mọi mặt. Đối với xí nghiệp sử dụng cũng phải có trách nhiệm thi hành đầy đủ mọi chính sách do Nhà nước và bộ đã quy định. Đồng thời quản lý về mọi mặt trong thời gian sử dụng ở xí nghiệp mình.
Điều 3. Những vấn đề đã ký kết trong hợp đồng, nếu một xí nghiệp xét thấy cần phải thay đổi lại điều gì thì hai xí nghiệp đưa ra bàn bạc thương lượng với nhau trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích chung, đồng thời phải báo trước cho xí nghiệp kia biết trước ít nhất một tháng để có thời gian chuẩn bị.
Điều 4. Sau khi thống nhất giao nhận giữa hai xí nghiệp, có văn bản hợp đồng làm căn cứ. Văn bản ấy hai xí nghiệp giữ làm bằng và gửi cho cơ quan quản lý cấp trên và các cơ quan lao động có quan hệ mỗi nơi một bản làm tài liệu để chứng kiến và theo dõi.
II. CÁC CHẾ ĐỘ VÀ QUYỀN LỢI
Tất cả các chế độ, thể lệ và quyền lợi của công nhân do Nhà nước ban hành hai bên đều phải áp dụng và thi hành một cách nhiêm chỉnh. Để chiếu cố đế tình hình thực tế của công nhân sản xuất với tính chất theo mùa, nay quy định thêm một số điểm cho phù hợp như sau:
Điều 5. Trong khi sử dụng nếu công nhân bị ốm, tai nạn lao động, mà nguyên nhân của những sự kiện này không phải do tình hình sản xuất và xã hội của xí nghiệp cũ gây nên thì xí nghiệp sử dụng phải đài thọ theo chế độ chung. Trường hợp hết hợp đồng mà công nhân đó chưa khỏi thì xí nghiệp sử dụng phải đài thọ đến khi khỏi mới trả lại cho xí nghiệp cũ.
Điều 6. Các chế độ như phép năm, thai sản, nếu hai xí nghiệp ký hợp đồng có tính chất thường xuyên hàng năm thì mỗi bên chịu một nửa, nếu chỉ ký hợp đồng một vụ thì xí nghiệp cũ phải đài thọ cả năm.
Điều 7. Xí nghiệp sử dụng phải tìm mọi biện pháp giải quyết cho công nhân nơi ăn, ở với khả năng cố gắng trong điều kiện có thể để bảo đảm sản xuất. Tuy vậy đối với xí nghiệp có người đưa đi, nếu có điều kiện cũng nên góp phần tích cực để giải quyết vấn đề này.
Điều 8. Đối với vấn đề bảo hiểm xã hội, hai xí nghiệp đã ký hợp đồng, tuỳ theo thời gian sử dụng dài hay ngắn mỗi xí nghiệp phải căn cứ vào số lượng công nhân thực tế trong thời gian sử dụng mà tính các khoản kinh phí và quyền lợi của công nhân như sau:
- Khi chuyển giao công nhân, xí nghiệp giao phải chuẩn bị đầy đủ các thủ tục cần thiết và chuyển giao những thứ cần thiết như phiếu thực phẩm, lương thực, và những thứ xét thấy cần dùng trong thời gian đến làm công tác ở xí nghiệp mới.
Kể từ khi nhận công nhân, cơ quan sử dụng có trách nhiệm làm dự trù các loại kinh phí:
- 4,7% tiền lương nộp quỹ bảo hiểm xã hội
- Y dược phí
- Kinh phí cấp dưỡng, trợ cấp con, gia đình khó khăn, bảo hộ lao động v .v…
Xí nghiệp mới phải chấp hành các chế độ phúc lợi tập thể hiện hành của Nhà nước đối với công nhân trong thời gian xí nghiệp sử dụng số công nhân đó.
Riêng đối với công tác y tế, nếu bên nhận yêu cầu cán bộ y tế (nếu chuyển trên 100công nhân) thì bên giao có thể cử đi theo. Vấn đề này do hai bên thương lượng trên tinh thần thỏa thuận với nhau.
Điều 9. Do tính chất sản xuất không ổn định, số công nhân này hàng năm phải lưu động trong một số xí nghiệp, nên vấn đề sinh hoạt phần nào gặp khó khăn. Do vậy, khi chuyển làm việc ở cơ sở mới, hai bên nên bàn bạc với nhau, cố gắng sắp xếp những công việc cho tương đối hợp lý.
Còn về tiền lương và phụ cấp khu vực hai nhà máy dựa trên cơ sở chính sách hiện hành của Nhà nước bàn bạc giải quyết.
Điều 10. Sau khi ký hoặc hết hợp đồng, công nhân chuyển hay trở về ngày nào thì xí nghiệp phải trả lương đến hết ngày tới xí nghiệp kia nhận công tác. Tiền tàu xe lộ phí mỗi bên chịu thanh toán một vòng.
Điều 11. Về khen thưởng, kỷ luật cả hai xí nghiệp phải thực hiện như sau:
Khen thưởng: Sau khi hết vụ hoặc hết hợp đồng tùy theo thời gian dài hay ngắn cả hai xí nghiệp đều phải dành một số thời gian cần thiết để tổ chức bình bầu khen thưởng tiến hành theo chế độ chung.
Kỷ luật: Tùy theo khuyết điểm nặng nhẹ, xí nghiệp sử dụng phải kiên trì giáp dục là chủ yếu, khi cần thiết phải dùng hình thức kỷ luật, xí nghiệp sử dụng có thể tiến hành từ mức phê bình đến cảnh cáo, xí nghiệp sử dụng không được tự ý trả lại công nhân cho xí nghiệp cũ hoặc tự ý đuổi, trường hợp đặc biệt không thể để công nhân đó lại được thì cần có ý kiến của xí nghiệp cũ mới được giải quyết và báo cho cơ quan lao động địa phương biết.
III. TRÁCH NHIỆM HAI BÊN
Điều 12. Đối với xí nghiệp cũ trước khi giao phải:
- Giáo dục tư tưởng động viên cho anh chị em thông suốt nhiệm vụ và giải quyết tốt các mặt chính sách để công nhân yên tâm phấn khởi công tác.
- Bàn giao tình hình tổ chức và các thứ giấy tờ cần thiết để giúp cho xí nghiệp mới tiện việc theo dõi.
- Sau khi chuyển công nhân đi, xí nghiệp cũ nên ủy nhiệm cho một người đại diện nắm tình hình chung để thường kỳ phản ánh về hoặc hàng tháng cử cán bộ đến xí nghiệp mới nắm tình hình theo dõi và góp ý kiến với xí nghiệp mới.
Điều 13. Đối với xí nghiệp nhận người phải:
- Đối với công nhân có nghề, xí nghiệp sử dụng tình hình cụ thể, cố gắng bố trí cho hợp với khả năng và sức khỏe của từng loại, tạo điều kiện cho họ đi sâu vào nghề nghiệp;
- Phải chú ý động viên lãnh đạo tư tưởng chăm lo đến đời sống vật chất và đảm bảo sinh hoạt bình thường về mọi hoạt động chính trị, văn hóa v .v… cho anh chị em công nhân;
- Trong quá trình sử dụng số công nhân này có biểu hiện gì hoặc có gì thay đổi lớn cần thường xuyên thông báo cho xí nghiệp cũ biết;
- Sau khi hết hợp đồng, phải bàn giao lại tình hình về mọi mặt để xí nghiệp cũ tiện việc theo dõi và quản lý.
IV. HIỆU LỰC TIẾN HÀNH
Điều 14. Bản quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Những văn bản do bộ ban hành trái với quy định trên đều bãi bỏ.
Trường hợp Nhà nước có những ban hành gì mới trái với những điều khoản trong văn bản này sẽ do bộ quy định và hướng dẫn thi hành cho thích hợp.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ |