cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Điều lệ số 735-TTg về hợp đồng kinh doanh

  • Số hiệu văn bản: 735-TTg
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 10-04-1956
  • Ngày có hiệu lực: 05-05-1956
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 735-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm 1956 

 

ĐIỀU LỆ

TẠM THỜI VỀ HỢP ĐỒNG KINH DOANH

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. Để quy định thể thức ký kết và trách nhiệm thị hành các hợp đồng kinh doanh, nay ban hành điều lệ tạm thời về hợp đồng kinh doanh ký kết giữa các đơn vị kinh doanh với nhau. (Sau đây hợp đồng kinh doanh gọi tắt là hợp đồng).

Điều 2. Hợp đồng là một bản quy định mối quan hệ giữa hai hay nhiều đơn vị kinh doanh tự nguyện cam kết với nhau thực hiện một số nhiệm vụ nhất định trong những thời gian nhất định nhằm mục đích phát triển kinh doanh công thương nghiệp góp phần thực hiện Kế hoạch Nhà nước.

Hợp đồng phải được xây dựng trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng, thật thà, hai bên đều có lợi và có lợi cho việc phát triển kinh tế quốc dân.

Điều 3. Hợp đồng có nhiều loại. Bộ Thương nghiệp sẽ tuỳ theo mối quan hệ giữa các thành phần kinh tế với nhau mà quy định các loại hợp đồng và những chi tiết hướng dẫn ký kết, thực hiện các loại hợp đồng ấy.

Điều 4. Bản điều lệ này áp dụng cho tất cả các cơ sở kinh doanh muốn ký kết hợp đồng với nhau bất cứ là quốc doanh, hợp tác xã, công tư hợp doanh hay tư doanh, bất cứ là người Việt Nam hay ngoại kiều kinh doanh trên đất nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Chương 2:

THỂ LỆ VỀ HỢP ĐỒNG - NỘI DUNG HỢP ĐỒNG

Điều 5. Bản hợp đồng cần ghi rõ những điều khoản chính sau đây:

a) Họ tên, tư cách pháp nhân của những người ký kết,

b) Ngày giờ và nơi ký kết.

c) Nhiệm vụ mà hai bên cam kết thực hiện.

d) Thời hạn thực hiện hợp đồng.

đ) Quyền lợi và trách nhiệm của hai bên ký kết, gồm các điều khoản:

- Về trách nhiệm thực hiện những điều đã ký kết.

- Về thanh toán.

- Về gia hạn hay hủy bỏ hợp đồng.

- Về bồi thường, khiếu nại và xử phạt.

e) Bảo đảm hợp đồng.

g) Họ tên và trách nhiệm người đứng ra xin đăng ký hợp đồng.

Điều 6. Những điều khoản trong hợp đồng kinh doanh phải được rõ ràng cụ thể. Kèm theo các bản hợp đồng chính, hai bên ký kết có thể lập những bản phụ lục ghi rõ những điều khoản cụ thể hơn và những chi tiết  thi hành những nguyên tắc đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Ngoài ra hai bên có thể trao cho nhau các mẫu hàng để làm bằng.

THỦ TỤC KÝ KẾT VÀ ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG, BẢO ĐẢM HỢP ĐỒNG

Điều 7. Người ký kết hợp đồng phải là:

- Người thay mặt được uỷ quyền của cơ quan, của quốc doanh, hợp tác xã, công tư hợp doanh hay công ty tư doanh.

- Người chủ xí nghiệp, chủ hiệu hoặc người thay mặt được ủy quyền.

Người ủy quyền và người được ủy quyền ký kết hợp đồng đều có trách nhiệm như nhau trong việc thực hiện hợp đồng.

Điều 8. Trong hạn 5 ngày sau khi ký kết, tất cả các hợp đồng giữa tư doanh với nhau, giữa tư doanh với quốc doanh hay hợp tác xã đều phải đem đăng ký tại cơ quan công thương tỉnh, thành phố hay Ủy ban hành chính huyện (được ủy nhiệm) ở nơi hai bên ký kết hợp đồng.

Hợp đồng ký kết giữa các đơn vị quốc doanh hay hợp tác xã với nhau, giữa quốc doanh với hợp tác xã không phải theo thủ tục đăng ký quy định ở điều 9 dưới đây, nhưng phải sao gửi cơ quan công thương một bản để theo dõi.

Những hợp đồng nhỏ ký kết giữa quốc doanh, hợp tác xã với các tập thể nông dân (tập đoàn sản xuất, tổ đối công, v.v…) thì phải đưa đến Ủy ban hành chính xã thị thực.

Hợp đồng được đăng ký hay thị thực thì mới có giá trị về mặt pháp lý.

Điều 9. Muốn xin đăng ký hợp đồng, đương sự phải nộp cơ quan công thương tỉnh, thành phố, Ủy ban hành chính huyện:

- Một đơn xin đăng ký hợp đồng do hai bên cùng ký (làm thành 3 bản) một bản có dán tem.

- Hợp đồng kinh doanh đã ký kết (3 bản), kèm theo các bản phụ lục vào hợp đồng và các mẫu hàng đưa cho nhau nếu có (mỗi thứ 3 bản).

Sau khi đăng ký xong, cơ quan đăng ký sẽ giữ lại một bản hợp đồng (cùng các phụ lục và mẫu hàng kèm), còn hai bản sẽ trả lại cho hai bên.

Điều 10. Để việc thực hiện hợp đồng được nghiêm chỉnh, hợp đồng kinh doanh cần phải được bảo đảm. Hợp đồng có thể bảo đảm hoặc bằng tiền ký quỹ, bằng hàng hoặc do hai người đứng ra bảo đảm.

Chương 3:

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG THANH TOÁN, GIA HẠN, HỦY BỎ HỢP ĐỒNG, BỒI THƯỜNG VÀ XỬ PHẠT

Điều 11. Hai bên ký kết hợp đồng đều có trách nhiệm thi hành đúng đắn và đầy đủ mọi điều kiện đã cam kết. Nếu xảy ra tranh chấp hoặc thực hiện hợp đồng không đầy đủ, thì sẽ tuỳ theo trường hợp mà xử lý theo điều 18, 19 và 20 dưới đây.

Điều 12. Để tăng cường lòng tin cậy lẫn nhau, hai bên ký kết có nhiệm vụ bày tỏ cho nhau biết rõ khả năng thực hiện các điều khoản đã cam kết.

Điều 13. Các điều khoản về thanh toán hợp đồng do hai bên thỏa thuận và trực tiếp thi hành.

Điều 14. Hợp đồng được gia hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Vì những lý do chính đáng, một bên chưa có thể thực hiện được đầy đủ và đúng kỳ hạn những điều đã cam kết, có đề nghị gia hạn hợp đồng và được bên kia thỏa thuận.

b) Nếu cả hai bên đều thấy cần thiết phải gia hạn, mới có thể hoàn thành hợp đồng.

Điều 15. Muốn gia hạn hợp đồng thì phải được cơ quan đăng ký cho phép; hợp đồng gia hạn phải đăng ký lại.

Điều 16. Hợp đồng có thể hủy bỏ trong những trường hợp sau đây:

a) Hai bên cùng thỏa thuận yêu cầu hủy bỏ hợp đồng vì những lý do chính đáng.

b) Vì lý do đặc biệt nào đó (như bị tai nạn bất ngờ, bị mất tư cách pháp nhân, hay bị chết mà không có người đủ tư cách thay thế) mà một bên không còn đủ khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng. Trường hợp này phải được cơ quan đăng ký hợp đồng xác nhận, và cơ quan có thẩm quyền (nói ở điều 20 dưới đây) sẽ quy định các khoản bồi thường về những thiệt hại do việc hủy bỏ hợp đồng gây nên.

Điều 17. Muốn hủy bỏ hợp đồng, đương sự phải làm đơn nói rõ lý do và hoàn cảnh bắt buộc phải hủy bỏ hợp đồng, đệ trình cơ quan đăng ký xét. Thời hạn xét định nhiều nhất là 5 ngày.

Nếu hợp đồng không được phép hủy bỏ, hai bên vẫn có trách nhiệm tiếp tục thực hiện đầy đủ và đúng kỳ hạn như đã định.

Điều 18. Hợp đồng quy định bên này phải bồi thường cho bên kia trong những trường hợp sau đây:

- Một bên tự ý bỏ dở việc thực hiện hợp đồng làm thiệt hại cho bên kia.

- Một trong các điều khoản của hợp đồng không được thi hành đúng đắn và đầy đủ (nhất là các điều khoản về loại hàng, số lượng, mẫu mực, phẩm chất, giá cả, thời hạn, cách giao nhận, v.v…) gây ra thiệt hại cho bên kia.

Điều 19. Nếu đương sự không thực hiện đúng hợp đồng gây thiệt hại nhiều cho Kế hoạch Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền (nói ở điều 20) có thể truy tố trước tòa án nhân dân.

Điều 20. Nếu xảy ra tranh chấp về hợp đồng kinh doanh thì tùy theo các trường hợp sau đây mà đưa ra các cơ quan có thẩm quyền giải quyết:

a) Nếu là tranh chấp giữa tư doanh với nhau, giữa tư doanh với quốc doanh hay hợp tác xã thì đưa ra cơ quan đăng ký hay thị thực hợp đồng giải quyết. Nếu xét thấy cần đề nghị truy tố trước tòa án nhân dân nơi sở tại.

b) Nếu có tranh chấp giữa các tổ chức hợp tác xã hay tổ chức quốc doanh với nhau thì đưa lên cơ quan cấp trên hoặc hội nghị liên tịch các cơ quan cấp trên mà giải quyết.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN PHỤ

Điều 21. Điều lệ này thi hành kể từ ngày công bố. Các hợp đồng ký kết trước khi ban hành bản điều lệ này mà còn đang thực hiện phải đăng ký lại.

Điều 22. Quyền giải thích và quy định những chi tiết thi hành bản điều lệ này thuộc Bộ Thương nghiệp.

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng