cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Điều lệ số 709-TTg về việc Tạm thời quản lý ngoại hối

  • Số hiệu văn bản: 709-TTg
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 21-03-1956
  • Ngày có hiệu lực: 10-04-1956
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 24-04-1957
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 709-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 1956 

 

ĐIỀU LỆ

TẠM THỜI QUẢN LÝ NGOẠI HỐI

Điều 1. Điều lệ này ban hành nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền tiền tệ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và góp phần đẩy mạnh giao dịch, buôn bán với nước ngoài.

Điều 2. Ngân hàng quốc gia Việt Nam là cơ quan duy nhất được phép kinh doanh ngoại hối. Ngoại hối nói trong điều lệ này là tất cả các loại tiền tệ của nước ngoài và các thứ tín phiếu của nước ngoài: tiền bằng vàng, bạc, bằng đồng, v.v…; giấy bạc Ngân hàng, ngân phiếu, tín dụng thư, trái phiếu, chứng khoán gửi tiền, v.v…

Điều 3. Tất cả việc thanh toán về hàng hóa hoặc tiền bạc giữa một cá nhân hoặc một tổ chức trong nước với một cá nhân hoặc một tổ chức nước ngoài đều phải qua Ngân hàng quốc gia Việt Nam.

Điều 4. Người nhận được ngoại hối từ nước ngoài gửi đến, trong thời hạn 7 ngày phải đem trình Ngân hàng quốc gia Việt Nam với những chứng từ cần thiết.

Điều 5. Những người từ nước ngoài vào nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (kể cả người Việt Nam) có mang theo ngoại hối, phải đổi số ngoại hối đó lấy tiền Việt Nam để tiêu dùng; nếu chỉ lưu trú ở Việt Nam một thời gian, thì có thể gửi ngoại hối lại Ngân hàng ở các cửa khẩu; số tiền gửi sẽ được trả lại khi người ấy trở ra.

Điều 6. Những công dân Việt Nam và ngoại kiều làm ăn sinh sống ở nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mà có các món tiền ở nước ngoài, khi thu hồi về bằng ngoại tệ thì phải theo thủ tục của Ngân hàng quốc gia Việt Nam.

Điều 7. Những người xuất hàng phải cam kết bán tất cả số ngoại hối do xuất hàng mà có cho Ngân hàng quốc gia Việt Nam; người nhập hàng phải nhập hàng đúng quy cách, số lượng và giá trị tương đương số ngoại hối đã mua của Ngân hàng.

Thời hạn cam kết và thể thức bảo đảm do Ngân hàng quốc gia Việt Nam quy định.

Điều 8. Khi đã quá thời hạn cam kết nhập hàng mà người nhập hàng không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngoại hối đã mua để nhập hàng thì phải bán lại cho Ngân hàng quốc gia Việt Nam. Trường hợp có lý do chính đáng, Ngân hàng quốc gia Việt Nam sẽ xét và có thể gia hạn.

Điều 9. Những người buôn bán xuất nhập khẩu, ngoài giấy phép của Sở quản lý xuất nhập khẩu, còn phải đến Ngân hàng quốc gia Việt Nam thanh toán ngoại hối kèm theo chứng từ cần thiết. Trong trường hợp mua bán dùng “hàng đổi hàng” cũng phải thông qua Ngân hàng quốc gia Việt Nam.

Điều 10. Tỷ giá mua và bán ngoại hối do Ngân hàng quốc gia Việt Nam Trung ương ấn định và công bố.

Điều 11. Ngân hàng quốc gia Việt Nam có quyền thu thủ tục phí và sai giá trong việc mua, bán ngoại hối theo tỷ lệ do Ngân hàng quốc gia Việt Nam quy định.

Điều 12. Những cá nhân hoặc tổ chức được phép sử dụng ngoại hối đều có nhiệm vụ thực hiện đúng kế hoạch sử dụng ngoại hối mà đương sự đã cùng Ngân hàng quốc gia Việt Nam thoả thuận và xuất trình những giấy tờ sổ sách khi Ngân hàng quốc gia Việt Nam cần đến.

Điều 13. Ngân hàng quốc gia Việt Nam có trách nhiệm theo dõi và kiểm soát việc thực hiện kế hoạch thu chi ngoại hối của các cơ quan, xí nghiệp.

Điều 14. Cấm xuất nhập khẩu, tàng trữ và lưu hành trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tất cả các thứ ngoại hối, trừ trường hợp được Ngân hàng quốc gia Việt Nam cho phép.

Điều 15. Những người làm trái với điều lệ này, tuỳ theo tội nặng nhẹ sẽ bị xử phạt theo một hay nhiều hình thức phạt dưới đây:

- Phạt tiền từ 10 đến 50% trị giá số ngoại hối phạm pháp.

- Tịch thu từ một phần cho đến toàn bộ số ngoại hối phạm pháp.

- Tịch thu toàn bộ tang vật và phạt tiền bằng từ 1 đến 5 lần trị giá ngoại hối phạm pháp.

- Đình chỉ việc cấp giấy phép mua bán ngoại hối.

- Nếu phạm pháp nhiều lần hoặc việc phạm pháp có tính chất phá hoại chính sách quản lý ngoại hối, thì người phạm pháp có thể bị truy tố trước toà án.

Điều 16. Những người đã tố cáo và giúp đỡ cơ quan có trách nhiệm khám phá được những vụ phạm pháp sẽ được thưởng từ 10 đến 30% số tiền phạt và từ 10 đến 30% trị giá số ngoại hối tịch thu.

Điều 17. Việc xử lý và truy tố trước Tòa án những vụ phạm pháp về quản lý ngoại hối do Ngân hàng quốc gia Việt Nam phụ trách.

Điều 18. Ngân hàng quốc gia Việt Nam có trách nhiệm giải thích và quy định những biện pháp cụ thể để thi hành điều lệ này.

Điều 19. Điều lệ này thi hành kể từ ngày được công bố, các điều khoản của những văn bản ban hành trước đây trái với bản điều lệ này đều bãi bỏ.

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng