cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Điều lệ số 695– TTg về tổ chức cục thống kê trung ương, các cơ quan thống kê địa phương và các tổ chức thống kê của bộ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà

  • Số hiệu văn bản: 695-TTg
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 20-02-1956
  • Ngày có hiệu lực: 06-03-1956
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 23-04-1957
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 413 ngày (1 năm 1 tháng 18 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 23-04-1957
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 23-04-1957, Điều lệ số 695– TTg về tổ chức cục thống kê trung ương, các cơ quan thống kê địa phương và các tổ chức thống kê của bộ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 142-TTg ngày 08/04/1957 Quy định lại tổ chức, nhiệm vụ của các cơ quan thống kê các cấp, các ngành do Thủ tướng ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)”. Xem thêm Lược đồ.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 695–TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 1956

 

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC CỤC THỐNG KÊ TRUNG ƯƠNG, CÁC CƠ QUAN THỐNG KÊ ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÁC TỔ CHỨC THỐNG KÊ CỦA BỘ CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Mục 1.- CỤC THỐNG KÊ TRUNG ƯƠNG.

Điều 1.- Nay thành lập Cục Thống kê trung ương trong Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước của Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, các Ban Thống kê địa phương, các tổ chức thống kê ở các Bộ, các cơ quan xí nghiệp.

Cục Thống kê trung ương và các cơ quan Thống kê ở địa phương là một hệ thống thống nhất, tập trung.

Điều 2. - Cục Thống kê trung ương trong Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một cơ quan Nhà nước để lãnh đạo thống nhất và tập trung mọi việc thống kê và kế toán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Điều 3. - Nhiệm vụ chủ yếu của Cục Thống kê trung ương là sưu tầm, thu nhập, khai thác, nghiên cứu và để trình Chính phủ những tài liệu thống kê chính xác, phân tích một cách khoa học, để có thể nêu được quá trình thực hiện kế hoạch Nhà nước, sự phát triển kinh tế và văn hoá trong nước, những nguồn tài nguyên và cách sử dụng tài nguyên đó, tỷ lệ phát triển của các ngành kinh tế, văn hoá và mức độ phát triển của từng ngành.

Nhiệm vụ cụ thể của Cục Thống kê trung ương là:

1) Tổ chức và lãnh đạo công tác thống kê và kế toán, một công cụ chủ yếu giúp Chính phủ lãnh đạo việc phát triển và kế hoạch hóa nền Kinh tế và văn hoá nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

2) Xây dựng và cải tiến các phương pháp thống kê và kế toán trên cơ sở khoa học Mác- Lênin.

3) Kiểm tra một cách có hệ thống việc thi hành các kế hoạch Nhà nước dựa trên báo cáo đã quy định, dựa trên các cuộc kiểm tra và các tài liệu thống kê khác.

4) Kiểm kê một cách có hệ thống nguồn tài nguyên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Và kiểm tra việc sử dụng các tài nguyên đó.

5) Tiến hành các cuộc kiểm kê về nông nghiệp, công nghiệp và các mặt khác một cách có quy củ. Chương trình và thời gian tiến hành các cuộc kiểm kê ấy phải được Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà chuẩn y.

6) Thường xuyên và kịp thời cung cấp những tài liệu thống kê cho Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.

7) Lãnh đạo và kiểm tra công tác thống kê ở các Bộ, các địa phương, các xí nghiệp và thẩm tra tính chất chính xác của những báo cáo của các cơ quan nói trên.

8) Cục Thống kê trung ương thực hiện nhiệm vụ của mình hoặc trực tiếp hoặc qua các cơ quan thống kê địa phương.

Điều 4.-Cục trưởng Cục Thống kê trung ương do Sắc lệnh bổ nhiệm sau khi Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thông qua.

Cục trưởng Cục Thống kê trung ương chịu trách nhiệm trước Hội đồng Chính phủ và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước về việc lãnh đạo thống kê trong toàn quốc.

Điều 5.- Cục Thống kê trung ương tạm thời gồm các phòng:

1) Phòng tổng hợp thống kê phụ trách tình hình thống kê về mọi mặt để làm các bản báo cáo chung, làm thống kê về sản phẫm xã hội, thu nhập quốc dân và bản cân đối kinh tế quốc dân , xây dựng và cải tiến các phương pháp thống kê và kế toán, xây dựng các bản mẫu thống kê theo dõi việc xây dựng tổ chức thống kê và đào tạo cán bộ.

2) Phòng thống kê nông nghiệp:Phụ trách các công tác thống kê về nông nghịêp, lâm nghiệp, chăn nuôi, tình hình thuỷ lợi, chống lụt, chống hạn, tình hình cải cách rưộng đất và tình hình phát triển các tổ chức hợp tác sản xuất ở nông thôn.

3) Phòng thống kê công nghiệp:Vận tải phụ trách các công tác thống kê về công nghiệp (kể cả xí nghiệp công và tư, thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp), về điện lực, vận tải , giao thông, bưu điện, xây dựng thành phố, xây dựng cơ bản, cung cấp vật tư v.v....

4) Phòng thống kê thương nghiệp, tài chính: phụ trách các công tác thống kê về thương nghiệp ( kể cả nội thương và ngoại thương) tài chính, tiền tệ,tín dụng, tình hình hoạt động của các hợp tác xã mua bán và các hợp tác xã tiêu thụ.

5)Phòng thống kê văn hoá, giáo dục, y tế, dân số, lao động: phụ trách các công tác thống kê về đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, về việc phân phối, sử dụng nhân công, về tiền lương và năng suất lao động.

Các Trưởng phó phòng do Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước bổ nhiệm.

Điều 6.- Cục Thống kê trung ương có quyền:

1) Trực tiếp ra chỉ thị, thông tri cho các cơ quan thống kê địa phương.

2) Gửi chỉ thị, thông tri cho các tổ chức thống kê các Bộ, các cơ quan xí nghiệp qua ông Bộ trưởng các Bộ, ông Thủ trưởng các cơ quan, ông Giám đốc các xí nghiệp. Các chỉ thị thông tri đó phải đựơc chấp hành nghiêm chỉnh.

3) Các Bộ, cơ quan xí nghiệp có nhiệm vụ gửi đến Cục Thống kê trung ương những báo cáo về thống kê và kế toán theo đúng mẫu thời hạn đã quy định, những tài liệu khác về công tác kiểm kê và thống kê đã sưu tầm trong từng giai đoạn , những báo cáo về kinh tế, những bản chỉ thị, những bản thuế biểu, những bản giá cả, những tập san...Mỗi tài liệu phải cung cấp bao nhiêu bản là do sự yêu cầu của Cục Thống kê trung ương.

Các bản báo cáo thống kê đều do ông Bộ trưởng các Bộ,thủ trưởng các cơ quan, ông Giám đốc các xí nghiệp ký và chịu trách nhiệm về sự chính xác của các tài liệu.

Để hiểu rõ các bản báo cáo, Cục Thống kê trung ương yêu cầu cán bộ các Bộ mang theo ý kiến của ông Bộ trưởng đến trình bày các chi tiết về các báo cáo và cung cấp thêm tài liệu.

Cục Thống kê trung ương có quyền bác bỏ các báo cáo không chính xác, không hợp lệ và yêu cầu báo cáo lại.

4) Đi kiểm tra công tác thống kê ở các địa phương, các Bộ, các cơ quan và các xí nghiệp.

5) Triệu tập các cuộc hội nghị thống kê.

Mục 2.- TỔ CHỨC THỐNG KÊ Ở CÁC ĐỊA PHƯƠNG:

Điều 7.- Ở các địa phương có những tổ chức như sau:

1) Ban Thống kê khu.

2) Ban Thống kê tỉnh.

3) Thanh tra thống kê huyện.

4) Phụ trách thống kê xã.

5) Ban Thống kê thành( ở các thành phố lớn)

Điều 8.- Các Ban Thống kê khu.tỉnh, Thanh tra thống kê huyện ở cạnh Uỷ ban Hành chính khu, tỉnh, huyện là một tổ chức độc lập đối với Uỷ ban hành chính và Uỷ ban Kế hoạch khu , tỉnh, huỵên và chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Cục Thống kê trung ương. Ban Thống kê khu lãnh đạo Ban Thống kê tỉnh ,Ban Thống kê tỉnh lãnh đạo Thanh tra thống kê huyện ,Thanh tra thống kê huyện lãnh đạo phụ trách thống kê xã Phụ trách thống kê xã là mỗi uỷ viên trong Uỷ ban hành chính xã.

Trưởng Ban Thống kê khu, tỉnh do Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà bổ nhiệm.

Các Thanh tra thống kê huyện do Cục trưởng Cục Thống kê trung ương bổ nhiệm theo sự giới thiệu của Trưởng Ban Thống kê khu

Danh sách phụ trách thống kê xã do Trưởng Ban Thống kê tỉnh duyệt y.

Ban Thống Kê các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, trực thuộc Cục Thống kê trung ương . Ban này có một số Thanh tra thống kê phụ trách các khu phố.

Các Khu Tự trị có Ban Thống kê khu và các Thanh tra thống kê châu

Điều 9.- Nhiệm vụ của các Ban Thống kê khu , tỉnh và Thanh tra thống kê huyện là :

1) Thực hiện những công tác thống kê do Chính phủ đề ra cho địa phương thi hành những chương trình và nhiệm vụ công tác do Cục Thống kê trung ương đề ra.

2) Kiểm tra có hệ thống việc thực hiện các kế hoạch trong địa phương mình phụ trách, nghiên cứu, phân tích những số liệu chứng minh việc phát triển kinh tế và văn hoá ở trong khu, tỉnh, huyện.

3) Kiểm tra công tác thống kê ở các cơ quan, xí nghiệp trong phạm vi mình phụ trách và thẩm tra sự chính xác của các báo cáo của các cơ quan đó.

4) Hệ thống hoá những số liệu thống kê về kinh tế ở địa phương và báo cáo kịp thời lên tổ chức Thống kê cấp trên.

5) Triệu tập hội nghị cán bộ thống kê và kế toán ở các cơ quan và xí nghiệp trong phạm vi mình phụ trách để cải tiến công tác thống kê và kế toán.

6) Thường xuyên gửi cho Uỷ ban hành chính và Uỷ ban kế hoạch địa phương những bản báo cáo tổng kết thống kê tình hình kinh tế văn hoá trong địa phương cũng như những bản phân tích về tình hình thực hiện kế hoạch trong địa phương. Nội dung và cách thức làm các bản trên do Cục Thống kê trung ương quy định. (Uỷ ban hành chính và Uỷ ban kế hoạch địa phương không duyệt các báo cáo đó).

Điều 10.- Hệ thống báo cáo:

Ban Thống kê khu trực tiếp gửi cho Cục Thống kê trung ương các bản báo cáo tổng kết tình hình toàn khu.

Ban Thống kê tỉnh trực tiếp gửi báo cáo cho Cục Thống Kê trung ương, đồng thời gửi cho Ban Thống kê khu.

Thanh tra Thống kê huyện gửi báo cáo cho Ban Thống kê tỉnh .Thanh tra thống kê huyện nhận báo cáo về tình hình nông nghiệp và các tình hình khác do phụ trách thống kê xã trong Uỷ ban Hành chính xã gửi lên. Đồng thời bản thân người Thanh tra Thống kê huyện phải đi điều tra tận xã để nắm thêm tình hình.

Các xí nghiệp một mặt gửi báo cáo cho Bộ, một mặt gửi thẳng cho Ban Thống kê tỉnh( không qua Thanh tra Thống kê huyện). Các xí nghiệp ở các khu tự trị một mặt gửi báo cáo cho Bộ, một mặt gửi thẳng cho Ban Thống kê khu.

Điều 11.- Các cơ quan địa phương nhất thiết không được điều động các bộ thống kê và cán bộ kế toán khu, tỉnh, huyện đi làm bất kỳ một công tác gì khác.

Điều 12.- Các vấn đề thuộc về hành chính như lương, phụ cấp các chi phí khác.... của các cơ quan Thống kê địa phương do chính quyền địa phương quản lý.

Mục 3.- TỔ CHỨC THỐNG KÊ Ở CÁC BỘ, CÁC CƠ QUAN VÀ XÍ NGHIỆP.

Điều 13.- Ở mỗi Bộ và mỗi cơ quan, xí nghiệp đều có tổ chức thống kê nằm trong Phòng kế hoạch. Hệ thống tổ chức thống kê này do mỗi Bộ quy định sau khi có sự tham gia ý kiến của Cục Thống kê trung ương. Các tổ chức thống kê ấy phải bảo đảm lãnh đạo mọi công tác thống kê, kế toán của Bộ, các cơ quan xí nghiệp một cách thống nhất tập trung.

Mục 4.- CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG.

Điều 14.- Liên hệ giữa công tác thống kê và công tác kế toán quy định như sau:

Công tác kế toán trong nước do Bộ tài chính lãnh đaọ. Nhưng công tác kế toán phải liên hệ chặt với công tác thống kê hợp thành một hệ thống nhất “ thống kê kế toán” để phục vụ mục đích quản lý và kế hoạch hoá nền kinh tế và nền văn hoá nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trong hệ thống ấy , công tác thống kê là chủ yếu. Do đó, các bản kế toán thường dùng( kế toán hành chính, thu, chi, cấp phát) thì do Bộ Tài chính quy định sau khi hỏi ý kiến Cục Thống kê trung ương, còn những bản mẫu tổng kết hàng năm , các bản kế toán cơ sở ở xí nghiệp.... thì do Cục Thống kê trung ương và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tập thể trong việc xây dựng và duyệt y.

Điều 15.- Để đảm bảo tính chất thống nhất và chính xác của các tài liệu thống kê, tất cả các mẫu báo cáo thống kê đều phải được Thủ tướng Phủ thông qua. Không một cơ quan nào có thể thêm bớt, sửa chữa hoặc đặt thêm những mẫu mới. Các chỉ dẫn ghi trong các bản mẫu, các chỉ thị giải thích đều phải được thi hành nghiêm chỉnh.

Các bản mẫu thống kê do các Bộ vạch cho các cơ quan, xí nghiệp thuộc Bộ mình để làm báo cáo gửi cho Bộ phải được Cục Thống kê trung ương thông qua.

Điều 16.- Các bản thông báo về số liệu thống kê đều phải được Cục Thống kê trung ương thông qua để đảm bảo tính chất thống nhất và chính xác của tài liệu, đồng thời đảm bảo bí mật quốc gia.

Điều 17.- Để tổ chức thống kê được chắc chắn và bảo đảm bí mật quốc gia, cơ quan phụ trách phải lựa chọn cẩn thận cán bộ thống kê, đặc biệt chú trọng về lịch sử và lập trường.

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng