Quyết định số 1353/QĐ-TTg ngày 23/09/2008 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt đề án “quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020”
- Số hiệu văn bản: 1353/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Ngày ban hành: 23-09-2008
- Ngày có hiệu lực: 23-10-2008
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 07-12-2018
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 2: 24-09-2020
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 02-12-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4057 ngày (11 năm 1 tháng 12 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 02-12-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1353/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 23 tháng 09 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC KHU KINH TẾ VEN BIỂN CỦA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 7237/BKH-CLPT ngày 03 tháng 10 năm 2006; số 8921/BKH-CLPT ngày 31 tháng 11 năm 2006 và tờ trình số 5530/TTr-BKH ngày 30 tháng 7 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển các Khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020” với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục đích hình thành khu kinh tế ven biển
a) Hình thành các khu kinh tế động lực trong phạm vi lãnh thổ nhất định trên cơ sở có sự phát triển đa ngành thúc đẩy sự phát triển chung, nhất là thúc đẩy sự phát triển của các vùng nghèo trên các vùng ven biển của Việt Nam;
b) Tạo tiền đề thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài.
2. Điều kiện thành lập, mở rộng khu kinh tế ven biển
Điều kiện thành lập, mở rộng khu kinh tế ven biển thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
3. Quan điểm
a) Phát triển khu kinh tế ven biển phải gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và của vùng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn cao nhất và bảo đảm phát triển bền vững.
b) Phát triển khu kinh tế ven biển hướng tới hiện đại; đảm bảo sử dụng một cách hiệu quả cả quỹ đất, mặt nước và không gian của khu kinh tế ven biển.
c) Phát triển mỗi khu kinh tế ven biển phải hướng tới hình thành chức năng nòng cốt, chủ đạo và gắn kết chặt chẽ với phát triển vùng.
d) Phát triển các khu kinh tế ven biển phải theo từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện cụ thể và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
đ) Khu kinh tế ven biển sẽ được Nhà nước hỗ trợ tài chính bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng xã hội.
e) Phát triển các khu kinh tế ven biển phải chú ý tới yêu cầu bảo vệ môi trường và yêu cầu an ninh, quốc phòng.
g) Các cơ chế, chính sách và mô hình quản lý phát triển các khu kinh tế ven biển phải thống nhất và phù hợp với các quy định của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
4. Phương hướng phát triển
a) Phương hướng chung:
- Hình thành hệ thống 15 khu kinh tế ven biển:
+ Khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh);
+ Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng);
+ Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa);
+ Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An (Nghệ An);
+ Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh);
+ Khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình);
+ Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên Huế);
+ Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam)
+ Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi);
+ Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định);
+ Khu kinh tế Nam Phú Yên (Phú Yên);
+ Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa);
+ Khu kinh tế Phú Quốc (Kiên Giang);
+ Khu kinh tế Định An (Trà Vinh);
+ Khu kinh tế Năm Căn (Cà Mau).
- Xây dựng các khu kinh tế ven biển ở miền Bắc: trước hết xây dựng khu kinh tế Vân Đồn ở tỉnh Quảng Ninh trở thành cửa mở hướng ra biển, phát triển theo hướng hội nhập kinh tế với khu vực Đông Bắc Á, trong hợp tác của hai hành lang, một vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ.
- Xây dựng các khu kinh tế ven biển ở miền Trung: trước hết xây dựng khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh và khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa trở thành cửa mở hướng ra biển và theo hướng hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây và Bắc – Nam.
- Xây dựng các khu kinh tế ven biển ở miền Nam: trước hết xây dựng khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trở thành cửa mở hướng ra biển, hội nhập kinh tế khu vực ASEAN.
b) Phương hướng phát triển đến năm 2010:
- Phát triển nhanh 13 khu kinh tế ven biển đã được thành lập: Vân Đồn, Đình Vũ – Cát Hải, Nghi Sơn, Đông Nam Nghệ An, Vũng Áng, Hòn La, Chân Mây – Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Nam Phú Yên, Vân Phong, Phú Quốc. Trước mắt tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng sau:
+ Xây dựng kế hoạch đầu tư của từng khu kinh tế theo các dự án, công trình nòng cốt mang ý nghĩa quốc gia với các bước đi thích hợp. Đề xuất cơ chế tài chính cho từng nhóm dự án, nhất là nhóm dự án xây dựng kết cấu hạ tầng; tính toán dự báo rõ nhu cầu hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước;
+ Xúc tiến đầu tư và mở rộng hợp tác quốc tế để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu kinh tế ven biển;
+Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng xã hội của từng khu kinh tế ven biển.
- Thành lập khu kinh tế tổng hợp Định An ở tỉnh Trà Vinh theo các quy định về điều kiện, trình tự và thủ tục thành lập theo Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
Sau khi hoàn thành thủ tục thành lập, tiến hành lập quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở đó, tiến hành xây dựng kế hoạch đầu tư theo các dự án, công trình nòng cốt mang ý nghĩa quốc gia, theo bước đi thích hợp. Đề xuất cơ chế tài chính cho từng nhóm dự án, nhất là nhóm dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội.
c) Phương hướng phát triển sau năm 2010:
- Thành lập khu kinh tế Năm Căn ở tỉnh Cà Mau theo các quy định của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
- Tiếp tục đầu tư phát triển theo quy hoạch, kế hoạch phát triển đã được điều chỉnh, bổ sung đối với 14 khu kinh tế ven biển đã được thành lập trước năm 2010.
- Phấn đấu đến năm 2020, các khu kinh tế ven biển đóng góp vào tổng GDP của cả nước khoảng 15 – 20% và tạo ra việc làm phi nông nghiệp cho khoảng 1,3 – 1,5 triệu người.
5. Cơ chế, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với khu kinh tế ven biển.
a) Cơ chế, chính sách phát triển đối với khu kinh tế ven biển thực hiện theo quy định tại Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21 của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế và theo các Quy chế hoạt động được ban hành kèm theo Quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Thủ tướng Chính phủ đối với từng khu kinh tế.
b) Nội dung quản lý nhà nước đối với khu kinh tế ven biển thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
c) Quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp, các ngành đối với khu kinh tế ven biển thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 23 đến Điều 35 của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
d) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 36 đến Điều 39 của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Phổ biến quy hoạch
Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công bố công khai Đề án “Quy hoạch phát triển các Khu kinh tế ven biển ở Việt Nam đến năm 2020”, các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển khu kinh tế ven biển phù hợp với các giai đoạn phát triển.
2. Phân công trách nhiệm
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện quy hoạch này; kiểm tra, giám sát việc lập thành quy hoạch phát triển của từng khu kinh tế ven biển và việc đầu tư xây dựng khu kinh tế ven biển.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu kinh tế ven biển theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
- Tổ chức các hội nghị tổng kết và cung cấp các thông tin về khu kinh tế ven biển.
b) Đối với các Bộ, ngành: thực hiện theo chức năng, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chỉ đạo ngành dọc ở các địa phương trong công tác theo dõi, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển.
c) Chính quyền địa phương, các Ban Quản lý khu kinh tế, chủ doanh nghiệp đầu tư khu kinh tế ven biển có trách nhiệm quảng bá và có kế hoạch xúc tiến đầu tư phát triển các khu kinh tế ven biển.
d) Hàng năm, trên cơ sở đánh giá thực hiện quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của từng vùng, miền có khu kinh tế ven biển.
Điều 3. Điều khoản thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |