Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 10:2012/BCT về an toàn trạm cấp khí dầu mỏ hóa lỏng (năm 2012)
- Số hiệu văn bản: QCVN 10:2012/BCT
- Loại văn bản: TCVN/QCVN
- Cơ quan ban hành: Bộ Công thương
- Ngày ban hành: 28-12-2012
- Ngày có hiệu lực: 30-11--0001
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 20061 ngày (54 năm 11 tháng 20 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
QCVN 10 : 2012/BCT
VỀ AN TOÀN TRẠM CẤP KHÍ DẦU MỎ HÓA LỎNG
National technical regulation on safety for Collective Supply of Liquefled Petroleum Gas
Lời nói đầu
QCVN 10 : 2012/BCT do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trạm cấp khí dầu mỏ hóa lỏng biên soạn, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành theo Thông tư số 49/2012/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA
VỀ AN TOÀN TRẠM CẤP KHÍ DẦU MỎ HÓA LỎNG
National technical regulation on safety for Collective Supply of Liquefled Petroleum Gas
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trạm cấp khí dầu mỏ hóa lỏng quy định các yêu cầu kỹ thuật an toàn áp dụng đối với trạm cấp khí dầu mỏ hóa lỏng (trạm cấp LPG) từ bồn chứa hoặc hệ thống dàn chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng trực tiếp qua đường ống dẫn đến nơi sử dụng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến thiết kế, chế tạo, lắp đặt, sở hữu, sử dụng trạm cấp LPG.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Các từ ngữ trong Quy chuẩn này được hiểu như sau:
1. Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG): Là sản phẩm hydrocacbon có nguồn gốc dầu mỏ với thành phần chính là propan (C3H8) hoặc butan (C4H10) hoặc hỗn hợp của cả hai loại này. Tại nhiệt độ, áp suất bình thường các hydrocacbon này ở thể khí và khi được nén đến một áp suất nhất định hoặc làm lạnh đến nhiệt độ phù hợp thì chúng chuyển sang thể lỏng.
2. Trạm cấp LPG là trạm sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dùng để cấp LPG từ bồn chứa cố định hoặc hệ thống dàn chai chứa LPG trực tiếp qua đường ống dẫn LPG hơi đến nơi sử dụng.
3. Bồn chứa LPG là bồn dùng để chứa LPG có dung tích bằng hoặc lớn hơn 0,15 m3.
a) Bồn chứa đặt nổi là bồn chứa được đặt trên mặt đất và không lấp cát hoặc đất;
b) Bồn chứa đặt chìm là bồn chứa được chôn dưới đất và được bao phủ bằng cát hoặc đất;
c) Bồn chứa đắp đất là bồn chứa được đặt trên mặt đất và được bao phủ bằng cát hoặc đất.
4. Điều áp là thiết bị giảm áp suất của LPG hơi trong đường ống từ áp suất cao đến áp suất thấp.
5. Máy hóa hơi là thiết bị sử dụng nhiệt để hóa hơi LPG lỏng.
6. Khoảng cách an toàn là khoảng cách nhỏ nhất cho phép tính từ mép ngoài cùng của thiết bị, công trình có chứa LPG (bồn chứa đặt nổi, bồn chứa đắp đất, cụm bồn chứa, xe bồn, điểm xuất nhập hoặc nhà nạp LPG) đến điểm gần nhất của các thiết bị, công trình liền kề để bảo đảm an toàn.
Đối với bồn chứa đặt chìm tính từ mép ngoài của khoang nổi chứa cụm van.
7. Vùng nguy hiểm là vùng mà tại đó hỗn hợp LPG và không khí có khả năng gây cháy, nổ.
8. Tường ngăn cháy là tường gạch hoặc bê tông hoặc vật liệu không cháy có khả năng chịu lửa tối thiểu 150 min, có độ cao tối thiểu 2 m hoặc cao hơn đỉnh bồn chứa nhằm ngăn chặn bức xạ nhiệt từ đám cháy bên ngoài ảnh hưởng đến bồn chứa, đồng thời đảm bảo khoảng cách đủ để phân tán hơi LPG không lan đến công trình lân cận hoặc tới nguồn lửa bên ngoài khi xảy ra rò rỉ LPG.
Điều 4.Các tiêu chuẩn được viện dẫn
TCVN 6008 : 2010, Thiết bị áp lực - Mối hàn - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử.
TCVN 6155 : 1996, Bình chịu áp lực - Yêu cầu kỹ thuật an toàn về lắp đặt, sử dụng, sửa chữa.
TCVN 6156 : 1996, Bình chịu áp lực - Yêu cầu kỹ thuật an toàn về lắp đặt, sử dụng, sửa chữa - Phương pháp thử.
TCVN 6486 : 2008, Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) - Tồn chứa dưới áp suất - Yêu cầu về thiết kế và vị trí lắp đặt.
TCVN 7441 : 2004, Hệ thống cung cấp khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại nơi tiêu thụ - Yêu cầu thiết kế, lắp đặt và vận hành.
TCVN 8366 : 2010, Bình chịu áp lực - Yêu cầu về thiết kế và chế tạo.
Chương 2.
QUY ĐỊNH VỀ KỸ THUẬT
Điều 5. Quy định chung
1. Yêu cầu về thiết kế
a) Thiết kế trạm cấp LPG phải tuân theo các quy định tại Quy chuẩn này và các quy định có liên quan;
b) Tất cả các thiết bị, phụ kiện làm việc trực tiếp với LPG sử dụng cho trạm cấp LPG phải là loại chuyên dùng cho LPG;
c) Hồ sơ thiết kế hệ thống điện phải xác định rõ vùng nguy hiểm.
2. Hồ sơ thiết kế
a) Bản vẽ mặt bằng, hồ sơ công nghệ phải được lưu giữ tại trạm cấp LPG;
b) Hồ sơ thiết kế phải được cơ quan có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy phê duyệt.
Điều 6.Yêu cầu đối với trạm cấp LPG có bồn chứa
1. Yêu cầu đối với bồn chứa
a) Thiết kế, chế tạo
- Bồn chứa phải được thiết kế, chế tạo theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6008:2010 , TCVN 6155:1996 , TCVN 6156:1996 , TCVN 6486:2008 , TCVN 7441:2004 và TCVN 8366:2010 ;
- Áp suất thiết kế của bồn chứa không nhỏ hơn 1,7 MPa. Nhiệt độ thiết kế thấp nhất là -10 °C;
- Nhãn trên vỏ bồn phải được ghi các thông tin dưới đây:
+ Tên nhà chế tạo;
+ Tháng năm chế tạo;
+ Tiêu chuẩn chế tạo;
+ Áp suất làm việc cao nhất;
+ Áp suất làm việc thấp nhất;
+ Nhiệt độ làm việc cao nhất;
+ Nhiệt độ làm việc thấp nhất;
+ Dung tích;
+ Cơ quan kiểm tra.
b) Các chi tiết đấu nối, lắp ráp
- Bồn chứa phải có cửa người chui hoặc cửa kiểm tra. Cửa người chui, nếu là hình bầu dục kích thước tối thiểu 400 mm x 300 mm, nếu là hình tròn đường kính tối thiểu 400 mm;
- Các chi tiết đấu nối, lắp ráp phải phù hợp cho việc sử dụng LPG.
c) Các thiết bị phụ
- Bồn chứa phải được trang bị các thiết bị sử dụng phù hợp với LPG sau đây:
+ Van an toàn;
+ Van nhập LPG lỏng;
+ Van xuất LPG lỏng;
+ Van xuất LPG hơi;
+ Van hồi hơi LPG;
+ Van hạn chế lưu lượng (excess flow valve);
+ Van xả đáy;
+ Thiết bị đo mức LPG lỏng;
+ Nhiệt kế;
+ Áp kế.
- Van an toàn
Van an toàn được nối vào phần không gian chứa hơi LPG của bồn chứa và có giải pháp phù hợp để có thể tháo van, thử, kiểm định định kỳ;
Dung tích bồn chứa nhỏ hơn hoặc bằng 20 m3 lắp ít nhất một van an toàn;
Dung tích bồn chứa lớn hơn 20 m3 lắp ít nhất hai van an toàn;
Van an toàn phải có các thông tin được in trên thân van:
+ Tên nhà sản xuất;
+ Năm sản xuất;
+ Áp suất tác động;
+ Kích thước miệng thoát;
+ Dấu hợp quy (CR) trên đó thể hiện tổ chức chứng nhận.
Lưu lượng xả tối thiểu của van an toàn đối với bồn chứa đặt chìm hoặc bồn chứa đắp đất như bảng 1:
Bảng 1- Lưu lượng xả tối thiểu của van an toàn đối với bồn chứa đặt chìm hoặc bồn chứa đắp đất
Diện tích bề mặt ngoài, S m2 | Lưu lượng dòng khí, A m3/min | Diện tích bề mặt ngoài, S m2 | Lưu lượng dòng khí, A m3/min |
m2 | m3/min | m2 | m3/min |
1,0 | 4 | 30 | 52 |
2,5 | 7 | 35 | 59 |
5,0 | 12 | 40 | 66 |
7,5 | 17 | 50 | 79 |
10 | 22 | 60 | 92 |
12,5 | 26 | 70 | 104 |
15 | 30 | 80 | 116 |
Trong đó:
S là tổng diện tích bề mặt ngoài của bồn chứa, (m2)
A là lưu lượng dòng khí cho phép thoát ra ở 15°C và áp suất khí quyển, (m3/min).
Với các bồn chứa mà kích thước không được liệt kê ở bảng trên thì có thể sử dụng công thức: A = 3,1965 S0,82
+ Lưu lượng xả của van an toàn đối với bồn chứa đặt nổi bằng 3,33 lần giá trị tương ứng trong bảng 1.
+ Chiều cao miệng ống xả của van an toàn tối thiểu phải cao hơn mặt đất 3 m và cao hơn đỉnh bồn 2 m.
- Van nhập LPG lỏng
Trên đường nhập LPG lỏng phải lắp một van một chiều và một van đóng ngắt. Các ống nối có đường kính danh định lớn hơn 50 mm phải được lắp van nối bích, chế tạo bằng thép đúc, có áp suất làm việc tối thiểu bằng áp suất thiết kế của hệ thống ống.
- Van xuất LPG lỏng và hơi
Các ống nối đầu ra của đường xuất LPG phải được lắp van đóng khẩn cấp đóng nhanh bằng tay hoặc kết hợp tự động để ngắt nguồn cung cấp LPG trong trường hợp khẩn cấp. Các ống nối có đường kính danh định lớn hơn 50 mm phải được lắp van nối bích bằng thép đúc, có áp suất làm việc tối thiểu bằng áp suất thiết kế của hệ thống ống.
- Van xả đáy
Miệng ống xả đáy trong bồn chứa phải bố trí ở điểm gom chất lỏng thấp nhất. Ống xả đáy ngoài bồn phải được lắp hai van đóng để đảm bảo chống rò rỉ, hai van cách nhau một đoạn ống dài 500 mm để tránh nước xả cặn làm đông cứng và nghẽn van.
- Thiết bị đo mức LPG lỏng
Bồn chứa phải lắp ít nhất một dụng cụ đo mức chất lỏng có dải đo thể hiện toàn bộ dung tích bồn chứa.
Đồng hồ đo mức kiểu xả LPG lỏng ra môi trường phải có đường kính lỗ xả không lớn hơn 1,5 mm.
- Áp kế
+ Bồn chứa phải có áp kế được lắp ở không gian chứa LPG hơi;
+ Cấp chính xác không lớn hơn 2,5;
+ Đường kính mặt áp kế không nhỏ hơn 75 mm;
+ Thang đo phải đảm bảo áp suất làm việc lớn nhất từ 1/3 đến 2/3 thang đo, trên mặt áp kế phải có vạch đỏ chỉ áp suất làm việc lớn nhất cho phép.
d) Bệ đỡ bồn chứa
- Bệ đỡ và móng bồn chứa phải đảm bào khả năng chịu tải ứng với bồn chứa đầy nước;
- Bồn chứa phải được gắn chặt vào bệ để không bị nổi lên khi xảy ra ngập lụt;
- Kết cấu của bệ đỡ phải đảm bảo không gian bên dưới bồn để lắp đặt đường ống và thao tác vận hành, bảo dưỡng thiết bị bên dưới an toàn.
2. Hàng rào trạm cấp LPG
a) Các hạng mục chính như bồn chứa, đường ống, máy hóa hơi phải được bao quanh bằng hàng rào, nơi không bố trí được hàng rào, các hạng mục chính phải được nằm trong hàng rào ranh giới của cơ sở;
b) Phải đảm bảo thuận tiện cho xe chữa cháy ra, vào trạm khi cần;
c) Các thiết bị đặt trong khu vực có nguy cơ bị hư hại phải được bảo vệ bằng các biện pháp an toàn như rào chắn, cột sắt, cột bê tông và có biển cảnh báo.
Các thiết bị an toàn này phải không làm ảnh hưởng tới độ thông thoáng của trạm cấp LPG;
d) Bên ngoài hàng rào phải có khoảng trống rộng ít nhất 0,5 m sát với hàng rào, được đổ bê tông và được đánh dấu bằng đường kẻ màu vàng trên nền để dễ nhận biết;
đ) Bồn chứa trạm cấp LPG không nằm dưới hành lang an toàn điện.
Điều 7. Yêu cầu đối với trạm cấp LPG có hệ thống dàn chai chứa
1. Sức chứa tối đa của trạm cấp cho phép là 1000 kg.
2. Trạm cấp đặt trong nhà dân dụng, công nghiệp có sức chứa dưới 700 kg và phải đảm bảo thông gió, an toàn phòng chống cháy nổ. Trạm cấp phải ngăn cách với các phần khác của tòa nhà bằng tường chắn, trần, nền kín, có giới hạn chịu lửa ít nhất là 150 min.
3. Trạm cấp đặt ngoài nhà dân dụng, công nghiệp phải có mái che làm bằng vật liệu không cháy, cách biệt với các tòa nhà khác hoặc hàng rào ranh giới của công trình bên cạnh có khoảng cách tối thiểu 1 m với sức chứa dưới 400 kg; 3 m với sức chứa từ 400 kg đến 1000 kg.
Điều 8. Máy hóa hơi
1. Máy hóa hơi phải đảm bảo an toàn, phù hợp với vùng nguy hiểm cháy nổ.
2. Các bộ phận chịu áp lực của máy hóa hơi phải được thiết kế, chế tạo cho LPG đáp ứng được điều kiện áp suất và nhiệt độ lớn nhất trong quá trình vận hành.
3. Nhãn hiệu máy phải ghi các đặc tính kỹ thuật của máy.
Điều 9. Van điều áp
1. Yêu cầu chung
Hệ thống cung cấp LPG bao gồm điều áp cấp 1, điều áp cấp 2 được thiết kế theo các yêu cầu sau:
a) Đảm bảo cung cấp LPG liên tục và ổn định;
b) Bảo vệ các thiết bị sau van điều áp không bị quá áp;
c) Tránh xảy ra nguy hiểm khi bị hỏng một van điều áp đơn cấp.
2. Van điều áp cấp 1
a) Để cung cấp LPG cho nhiều đối tượng sử dụng cùng một lúc. Phải có hệ thống điều áp gồm từ hai van điều áp lắp song song trở lên; một van điều áp hoạt động và van điều áp còn lại dự phòng hoặc tăng công suất khi cần thiết;
b) Có thể lắp đặt một đường ống với kích thước phù hợp từ bồn chứa tới van điều áp để cung cấp LPG hóa hơi tự nhiên (không qua máy hóa hơi);
c) Trên đường ống sau van điều áp cấp 1 phải có một van điều khiển chính để ngắt nguồn cung cấp LPG cho nơi tiêu thụ khi có sự cố. Sau điều áp phải có đồng hồ đo áp suất để xác định tình trạng hoạt động của van điều áp.
3. Van điều áp cấp 2
a) Van điều áp cấp 2 có thể được lắp đặt trong khu vực trạm cấp LPG;
b) Đối với hệ thống cung cấp LPG cho các hộ tiêu thụ dân dụng, áp suất trước khi vào thiết bị sử dụng không được vượt quá 3 kPa (30 mbar).
Điều 10. Yêu cầu hệ thống ống và thiết bị đường ống
1. Yêu cầu chung
a) Đường ống đi nổi LPG hơi sơn màu vàng, ống LPG lỏng sơn khác màu vàng;
b) Đường ống đi ngầm phải được bảo vệ để tránh ăn mòn bằng biện pháp phù hợp;
c) Khoảng cách giữa các giá đỡ cho đường ống lắp đặt nổi theo phương thẳng đứng và phương nằm ngang phải tuân theo bảng 2:
Bảng 2 - Khoảng cách giữa các giá đỡ cho đường ống lắp đặt nổi theo phương thẳng đứng và phương nằm ngang
Kích thước danh định của đường kính ống dẫn mm | Khoảng cách tối đa | |
Theo phương thẳng đứng m | Theo phương nằm ngang m | |
20 | 3 | 2,5 |
25 | 3 | 2,5 |
32 | 3 | 2,7 |
40 | 3,5 | 3 |
50 | 3,5 | 3 |
80 | 4,5 | 3 |
100 | 4,5 | 3 |
150 | 4,5 | 3 |
200 | 4,5 | 3 |
d) Trên đường ống, tại một số vị trí cần thiết phải có đồng hồ đo áp suất và các điểm kiểm tra (đầu chờ) để phục vụ cho quá trình vận hành hoặc kiểm tra trước khi đưa hệ thống vào hoạt động;
đ) Đường ống dẫn LPG hơi có áp suất lớn hơn 140 kPa (1,4 bar) hoặc LPG lỏng không được dẫn vào bên trong bất kỳ tòa nhà nào.
2. Vật liệu chế tạo
Đường ống LPG phải được chế tạo bằng vật liệu tuân thủ quy định Mục 4.2.7.2 TCVN 7441:2004 .
3. Van an toàn đường ống
a) Giá trị đặt áp suất mở van an toàn trên đường ống LPG hơi phải phù hợp với áp suất làm việc đường ống;
b) Giá trị đặt áp suất mở van an toàn trên đường ống LPG lỏng là 2,4 MPa (24 bar);
c) Đầu ra ống xả của van an toàn phải hướng ra nơi thông thoáng, không được hướng trực tiếp vào nơi có người, bồn chứa hoặc thiết bị;
d) Thời hạn kiểm định định kỳ van an toàn đường ống: Không quá 2 năm.
Điều 11. Quy định về lắp đặt
1. Lắp đặt bồn chứa
a) Các bồn chứa LPG phải được đặt ở ngoài trời, bên ngoài nhà, bên ngoài các công trình xây dựng kín. Không đặt bồn chứa trên nóc nhà, ban công, trong tầng hầm và dưới các công trình;
b) Bồn chứa LPG phải được lắp đặt đầy đủ các thiết bị an toàn và đo kiểm theo quy định. Bồn chứa phải được lắp đặt van đóng ngắt khẩn cấp;
c) Các bồn chứa không được đặt chồng lên nhau. Các bồn chứa hình trụ nằm ngang không được đặt thẳng hàng theo trục dọc, hướng về phía nhà ở hoặc các công trình dịch vụ;
d) Khoảng cách an toàn từ bồn chứa LPG tới bồn chứa chất lỏng dễ cháy có điểm bắt cháy dưới 65°C không được nhỏ hơn 7 m;
đ) Phải đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu từ bồn chứa đến công trình, tòa nhà, văn phòng và khoảng cách giữa các bồn chứa theo bảng 3:
Bảng 3 - Khoảng cách an toàn tối thiểu từ bồn chứa đến công trình, tòa nhà, văn phòng và khoảng cách giữa các bồn chứa
Dung tích bồn chứa, V (m3) | Khoảng cách an toàn tối thiểu (m) | Khoảng cách giữa các bồn chứa | |
Bồn chứa đặt chìm | Bồn chứa đặt nổi | ||
V ≤ 0,5 | 3 | 1,5 | 0 |
0,5 < V ≤ 1 | 3 | 3 | 0 |
1 < V ≤ 1,9 | 3 | 3 | 1 |
1,9 < V ≤ 7,6 | 3 | 7,6 | 1 |
7,6 < V ≤ 114 | 15 | 15 | 1,5 |
114 < V ≤ 265 | 15 | 23 | 1/4 tổng đường kính hai bồn lân cận |
265 < V ≤ 341 | 15 | 30 | |
341< V ≤ 454 | 15 | 38 | |
454 < V ≤ 757 | 15 | 61 | |
757 < V ≤ 3785 | 15 | 91 | |
V > 3785 | 15 | 122 |
2. Lắp đặt máy hóa hơi
a) Lắp đặt máy hóa hơi phải cách bồn chứa hoặc chai chứa tối thiểu 1,5 m, cách tòa nhà gần nhất tối thiểu 3 m;
b) Khi đặt máy hóa hơi bên trong tòa nhà thì máy hóa hơi chỉ đặt ở tầng một (tầng trệt) và nền tầng một không được thấp hơn mặt bằng xung quanh và phải thông thoáng;
c) Không được lắp đặt các cuộn dây gia nhiệt bên trong bồn chứa.
3. Lắp đặt đường ống
a) Đường ống kim loại có đường kính lớn hơn 50 mm không được sử dụng mối ghép ren;
b) Đường ống kim loại có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 50 mm được phép sử dụng mối ghép ren. Ống ren phải là loại chuyên dùng cho LPG có độ dày đảm bảo khả năng chịu áp lực LPG và là ren côn;
c) Gioăng sử dụng tại các điểm nối bích trên đường ống phải là vật liệu chịu được LPG. Nếu gioăng được làm bằng kim loại hoặc vật liệu có kim loại có điểm nóng chảy nhỏ hơn 816°C phải được bảo vệ chống lại tác động của ngọn lửa;
d) Sau khi lắp đặt, đường ống phải được xử lý để chống ăn mòn, sơn và có mũi tên chỉ hướng chuyển động của môi chất;
đ) Lắp đặt cơ cấu an toàn, van đường ống
- Các van đóng ngắt phải được lắp để cô lập thiết bị với các đường ống;
- Van an toàn đường ống phải được lắp vào mỗi phần đường ống LPG lỏng bị cô lập.
Điều 12. Quy định về kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định
1. Trạm cấp LPG, bồn chứa, đường ống LPG, máy hóa hơi trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định. Việc kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng phải được thực hiện với thời hạn không quá 5 năm.
2. Ống nối mềm giữa ống góp và chai LPG phải được thay thế khi xuất hiện dấu hiệu của sự thoái hóa, hư hỏng và trong mọi trường hợp không sử dụng quá 5 năm.
3. Các thiết bị khác được kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định theo các quy định tại Quy chuẩn này và các quy định hiện hành.
4. Hàng ngày, người vận hành phải kiểm tra tình trạng làm việc của các thiết bị trong trạm cấp LPG theo quy trình vận hành để đảm bảo các thiết bị làm việc an toàn và hoạt động tốt, không bị rò rỉ LPG.
Điều 13. Quy định về vận hành
1. Yêu cầu chung
a) Quy trình vận hành, quy định an toàn và quy trình xử lý sự cố trạm cấp LPG phải được đặt ở vị trí dễ thấy tại trạm;
b) Phải có sổ nhật ký vận hành, nhật ký sửa chữa tại trạm;
c) Người thực hiện các công việc vận hành phải được đào tạo chuyên môn, huấn luyện an toàn, huấn luyện phòng cháy chữa cháy theo quy định.
2. Nạp LPG vào bồn chứa
a) Khoảng cách an toàn giữa điểm nạp LPG bằng xe bồn hoặc toa bồn đường sắt tới công trình lân cận theo quy định tại bảng 4;
Bảng 4 - Khoảng cách an toàn giữa điểm nạp LPG bằng xe bồn hoặc toa bồn đường sắt tới công trình lân cận
Công trình lân cận | Khoảng cách an toàn (m) |
Nhà hoặc công trình xây dựng có tường ngăn cháy | 3,1 |
Nhà hoặc công trình xây dựng không có tường ngăn cháy | 7,6 |
Các kết cấu hở của tường nhà, hào rãnh ở vị trí ngang hoặc thấp hơn cao độ điểm xuất, nhập | 7,6 |
Ranh giới công trình lân cận được quy hoạch | 7,6 |
Nơi công cộng tập trung đông người, sân chơi, sân thể thao ngoài trời | 15 |
Đường phố | 7,6 |
Trục đường sắt | 7,6 |
Bồn chứa LPG nổi có sức chứa 16 m3 đến dưới 25 m3 | 3 |
Bồn chứa LPG nổi có sức chứa 25 m3 đến dưới 125 m3 | 6 |
Bồn chứa LPG nổi có sức chứa từ 125 m3 trở lên | 9 |
b) Mức nạp LPG lớn nhất không được vượt quá 90 % dung tích bồn chứa.
3. Thay chai của hệ thống ống góp
a) Trước khi thay chai LPG tại giàn chai phải đóng van chai LPG và van ngắt trên ống mềm;
b) Chai LPG phải được lắp đặt đúng kỹ thuật, chắc chắn, vị trí chai đặt đứng;
c) Sau khi thay thế chai, van chai LPG được mở nhẹ nhàng và kiểm tra rò rỉ.
Điều 14. Quy định về an toàn điện và phòng cháy
1. Quy định về an toàn điện
a) Phân loại vùng nguy hiểm
- Vùng 0: Là khu vực trong đó hỗn hợp LPG - không khí dễ bắt cháy thường xuyên xuất hiện khi vận hành bình thường;
- Vùng 1: Là khu vực trong đó hỗn hợp LPG - không khí dễ bắt cháy không thường xuyên xuất hiện khi vận hành bình thường;
- Vùng 2: Là khu vực trong đó hỗn hợp LPG - không khí dễ bắt cháy không thể xuất hiện trong vận hành bình thường, nếu có chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn.
Quy định vùng nguy hiểm các thiết bị của trạm cấp LPG theo bảng 5:
Bảng 5 - Quy định vùng nguy hiểm các thiết bị của trạm cấp LPG
Vị trí | Phạm vi phân loại | Vùng nguy hiểm | |
Bồn chứa | a) Trong vòng 1,5 m theo tất cả các hướng từ các vị trí đấu nối của bồn chứa | Vùng 1 | |
b) Lên đến 1,5 m bên trên mức nền giảm đều tới 0 trong vòng 3 m từ vỏ bồn, không bao gồm phạm vi a) | Vùng 2 | ||
Van an toàn | a) Theo hướng xả áp | Không lắp đặt thiết bị điện | |
b) Trong vòng 1,5 m theo tất cả các hướng | Vùng 1 | ||
c) Lớn hơn 1,5 m nhưng trong vòng 4,5 m theo tất cả các hướng từ điểm xả | Vùng 2 | ||
Đầu nối nạp | a) Trong vòng 1,5 m theo tất cả các hướng | Vùng 1 | |
b) Lớn hơn 1,5 m nhưng trong vòng 4,5 m theo tất cả các hướng | Vùng 2 | ||
Máy hóa hơi | 1. Ngoài trời | a) Trong vòng 1,5 m theo tất cả các hướng | Vùng 1 |
b) Lớn hơn 1,5 m nhưng trong vòng 3 m theo tất cả các hướng | Vùng 2 | ||
2. Trong nhà | Toàn bộ phòng và bất kỳ phòng liền kề nào không ngăn cách kín hơi | Vùng 1 | |
Khu vực chứa chai LPG | Vùng 2 |
b) Thiết bị điện
- Thiết bị điện sử dụng trong các vùng nguy hiểm phải là loại phòng nổ và có cấp nhiệt độ lớn nhất trên bề mặt phù hợp với yêu cầu của từng vị trí lắp đặt, phù hợp với điện áp và tần số danh định của lưới điện;
- Lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng các thiết bị điện phải tuân thủ nghiêm theo thiết kế đã được phê duyệt và hướng dẫn kỹ thuật do nhà sản xuất quy định;
- Trong khu vực nguy hiểm cháy nổ, các thiết bị có mạch điện, điện tử không phải là mạch an toàn thì phải đặt trong tủ điện phòng nổ, đảm bảo an toàn khi có sự cố điện xảy ra;
- Việc lựa chọn thiết bị điện phải đáp ứng yêu cầu công suất của trạm cấp, không để các thiết bị hoạt động trong tình trạng quá tải và phải tính đến khả năng mở rộng trạm cấp.
c) An toàn tĩnh điện
- Các bồn chứa LPG đặt nổi phải được nối đất, điện trở nối đất của bồn chứa không lớn hơn 4 W;
- Đường ống trên mặt đất và các thiết bị phụ trợ phía sau của các mặt bích phải được nối đất;
- Máy hóa hơi, hệ thống đường ống, bồn chứa, xe bồn phải có chung hệ thống tiếp đất;
- Việc nối đất các thiết bị và công trình phải theo quy định tại các Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và định kỳ kiểm tra.
2. Quy định về phòng cháy
a) Phải có phương án chữa cháy được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định;
b) Phải có hệ thống cảnh báo cháy, các thiết bị chữa cháy đảm bảo yêu cầu và phù hợp với vật liệu gây cháy của trạm;
c) Phải đặt các biển báo như: “Cấm lửa", “Cấm hút thuốc", “Không có nhiệm vụ miễn vào”, “Nội quy phòng cháy chữa cháy”, tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy và các biển báo khác theo quy định. Các biển báo phải được viết bằng tiếng Việt, chữ in hoa, dễ đọc và đặt ở vị trí dễ thấy. Kích thước của các chữ cái trên biển báo phải có chiều cao tối thiểu 120 mm.
Chương 3.
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ
Điều 15. Quy định về chứng nhận hợp quy
1. Trạm cấp LPG trước khi đưa vào vận hành và sử dụng phải được công bố hợp quy phù hợp với các quy định tại Chương II của Quy chuẩn này trên cơ sở kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức chứng nhận được Bộ Công Thương thừa nhận hoặc chỉ định.
2. Việc đánh giá sự phù hợp đối với trạm cấp LPG được thực hiện theo phương thức sau:
Phương thức 8: Thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm, hàng hóa.
Điều 16. Quy định về công bố hợp quy và việc chỉ định tổ chức chứng nhận, tổ chức kiểm định
Việc công bố hợp quy và việc chỉ định tổ chức chứng nhận đối với trạm cấp LPG được thực hiện theo các quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ và Mục II Chương II Thông tư số 48/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Điều 17. Phương thức kiểm tra
Việc kiểm tra vận hành của bồn chứa, dàn chai, máy hóa hơi, đường ống sử dụng cho trạm cấp LPG và hoạt động của trạm cấp LPG được thực hiện theo quy định tại Chương II của Quy chuẩn này.
Chương 4.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 18.Tổ chức, cá nhân sở hữu trạm cấp LPG và tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình lắp đặt, vận hành và sử dụng trạm cấp LPG phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng; Thông tư số 41/2011/TT-BCT ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Quy định về quản lý an toàn trong lĩnh vực khí dầu mỏ hóa lỏng và các yêu cầu kỹ thuật tại Chương II của Quy chuẩn này.
Điều 19.Tổ chức, cá nhân sở hữu trạm cấp LPG phải thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy phù hợp với các yêu cầu quy định tại Chương II của Quy chuẩn này, bảo đảm các yêu cầu an toàn của trạm cấp LPG theo đúng nội dung công bố và thực hiện trách nhiệm quy định tại các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Điều 20.Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các thiết bị lắp đặt trong trạm cấp LPG phải tuân thủ các yêu cầu quy định tại Chương II của Quy chuẩn này và bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa và nhãn hàng hóa phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 21.Tổ chức, cá nhân sở hữu trạm cấp LPG phải thực hiện báo cáo đánh giá rủi ro và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo quy định.
Điều 22.Cán bộ quản lý, người vận hành thiết bị và liên quan trong trạm cấp LPG phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy chữa cháy và được cấp giấy chứng nhận theo quy định.
Chương 5.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 23.Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quy chuẩn này.
Căn cứ vào yêu cầu quản lý, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có trách nhiệm kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn này.
Điều 24.Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quy chuẩn này trên địa bàn quản lý.
Định kỳ hàng năm, Sở Công Thương có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương (Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp) việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm cấp LPG và các vướng mắc, kiến nghị liên quan đến trạm cấp LPG trên địa bàn quản lý.
Điều 25.Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn được viện dẫn tại Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới./.