cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên tịch số 62/2005/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 04/08/2005 giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Về việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

  • Số hiệu văn bản: 62/2005/TTLT-BTC-BNN&PTNT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 04-08-2005
  • Ngày có hiệu lực: 10-09-2005
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 28-07-2007
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 7014 ngày (19 năm 2 tháng 19 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 62 /2005/TTLT-BTC-BNN&PTNT

Hà Nội, ngày 04 tháng 08 năm 2005 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH  PHÍ CHO CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG

Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 9 tháng 3 năm 1995 của Chính phủ ban hành bản quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Chỉ thị số 21/2002/CT-TTg ngày 12/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng;
Liên Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng như sau:

Phần 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này áp dụng cho cơ quan Kiểm lâm các cấp; Ban quản lý rừng đặc dụng bao gồm: Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, Khu bảo vệ cảnh quan; Ban quản lý rừng phòng hộ, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập và các chủ rừng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

2. Kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng do ngân sách Nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các chủ rừng đầu tư.

Phần 2:

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nội dung chi và một số mức chi cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng:

a) Chi cho hoạt động tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng để các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, các đoàn thể quần chúng và nhân dân biết và thực hiện.

b) Chi xây dựng cấp dự báo cháy rừng, thông tin cấp cháy rừng; các quy trình quy phạm, các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; quy vùng sản xuất nương rẫy, xác định các trọng điểm cháy rừng trên bản đồ và trên thực địa; diễn tập chữa cháy rừng; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ về phòng cháy, chữa cháy rừng.

c) Chi mua sắm thiết bị phương tiện, chi xây dựng đường ranh, kênh mương cản lửa, chòi canh, hồ dự trữ nước, xây dựng các trạm dự báo cháy rừng và mạng lưới dự báo cháy rừng quốc gia từ trung ương đến cơ sở phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

d) Chi trực phòng cháy rừng: Cán bộ, viên chức kiểm lâm tham gia trực phòng cháy ngoài giờ làm việc theo quy định của Nhà nước được thanh toán tiền làm thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ-Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

đ) Chi bồi dưỡng cho những người tham gia chữa cháy rừng (bao gồm cả lực lượng Công an, Quân đội), mức chi bằng ngày công lao động nghề rừng cao nhất ở địa phương, nhưng tối đa không quá 30.000 đồng/người/ngày. Căn cứ vào thời gian tham gia chữa cháy rừng trong ngày, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với rừng do Trung ương quản lý), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với rừng do địa phương quản lý) quy định mức chi bồi dưỡng cho người tham gia chữa cháy rừng phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

e) Chi về nhiên liệu (xăng, dầu), sửa chữa, bồi thường thiệt hại khi phương tiện, thiết bị được huy động để chữa cháy rừng: Đối với phương tiện, thiết bị của chủ sở hữu (trừ chủ rừng) tham gia chữa cháy rừng được thanh toán các chi phí sau: Chi phí nhiên liệu, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại (nếu bị hư hỏng) theo quy định hiện hành.

g) Chi hỗ trợ cho người tham gia chữa cháy rừng bị tai nạn: Người tham gia chữa cháy rừng nếu bị tai nạn được thanh toán tiền khám, chữa bệnh theo chế độ hiện hành.

Đối với người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước ngoài số tiền hỗ trợ khám chữa bệnh, còn được hỗ trợ thêm 20.000 đồng/ngày/người trong thời gian điều trị tại bệnh viện; trường hợp không may bị chết trong khi tham gia chữa cháy rừng được Nhà nước hỗ trợ tiền mai táng phí theo quy định hiện hành.

h) Chi phát hiện và báo cháy rừng kịp thời: Người có công phát hiện và báo cháy kịp thời cho đơn vị kiểm lâm gần nhất (trừ lực lượng kiểm lâm và người đang tham gia trực phòng cháy rừng) được trả thù lao theo mức 20.000 đồng/1vụ cháy rừng.

i) Chi cho hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng cháy, chữa cháy rừng và Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng của địa phương theo quy định hiện hành của nhà nước.

2. Nguồn kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng:

Kinh phí bảo đảm cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm được cấp có thẩm quyền giao, bao gồm: kinh phí chi thường xuyên và vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

- Kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của Cục Kiểm lâm (bao gồm cả các Trung tâm Kỹ thuật bảo vệ rừng), Vườn quốc gia trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do ngân sách trung ương bảo đảm.

- Kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của cơ quan kiểm lâm, Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, trực thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do ngân sách địa phương bảo đảm.

Trường hợp cháy rừng ở diện rộng gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân, vượt quá khả năng của ngân sách địa phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.

3. Lập, chấp hành dự toán ngân sách nhà nước:

Việc lập, chấp hành dự toán ngân sách nhà nước phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Thông tư này hướng dẫn cụ thể thêm một số nội dung, như sau:

a) Lập và giao dự toán chi phòng cháy, chữa cháy rừng:

Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ của công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tình hình thực hiện dự toán năm trước; nội dung chi, mức chi nêu tại điểm 1 phần II Thông tư này và các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, các đơn vị lập dự toán kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, như sau:

- Lập dự toán chi phòng cháy, chữa cháy rừng:

+ Ở trung ương: Hàng năm Cục Kiểm lâm, các Vườn quốc gia trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự toán chi phòng cháy, chữa cháy rừng cùng với dự toán chi thường xuyên báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét duyệt và tổng hợp vào dự toán ngân sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét tổng hợp trình Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt.

+ Ở địa phương: Hàng năm Chi cục Kiểm lâm, Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ lập dự toán chi phòng cháy, chữa cháy rừng đối với diện tích rừng được giao quản lý, cùng với dự toán chi thường xuyên gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét tổng hợp vào dự toán ngân sách của địa phương trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định. Trường hợp Chi cục Kiểm lâm, Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì các đơn vị lập dự toán chi phòng cháy, chữa cháy rừng gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét duyệt và tổng hợp gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.

- Giao dự toán chi phòng cháy, chữa cháy rừng:

Căn cứ vào dự toán ngân sách hàng năm được cấp có thẩm quyền giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao dự toán chi phòng cháy, chữa cháy rừng cùng với dự toán chi thường xuyên cho Cục Kiểm lâm, các Vườn quốc gia trực thuộc.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với Chi cục Kiểm lâm, Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) giao dự toán chi phòng cháy, chữa cháy rừng cùng với dự toán chi thường xuyên cho Chi cục Kiểm lâm, Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Riêng kinh phí để làm đường ranh, kênh mương cản lửa, chòi canh, hồ dự trữ nước, xây dựng các trạm dự báo cháy rừng và mạng lưới dự báo cháy rừng quốc gia từ trung ương đến cơ sở, mua sắm thiết bị phương tiện... phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng bố trí bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, thì thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

b) Quyết toán kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng:

Cuối quí, năm Cục Kiểm lâm, các Vườn quốc gia trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Chi cục Kiểm lâm, Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trực thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phải quyết toán kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng đã sử dụng cùng với kinh phí chi thường xuyên. Trình tự lập, nội dung, mẫu biểu báo cáo, thời gian nộp và xét duyệt quyết toán thực hiện theo quy định hiện hành.

4. Kiểm tra việc sử dụng kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Tài chính, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư (đối với nhiệm vụ chi bố trí bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản) cùng cấp tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất việc sử dụng kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng bảo đảm sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả. Những trường hợp chi không đúng mục đích, chi sai chế độ phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước. Người ra lệnh chi sai chịu trách nhiệm bồi hoàn kinh phí cho ngân sách nhà nước và tuỳ theo mức độ sai phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Đối với diện tích rừng Nhà nước đã giao hoặc cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê:

Hàng năm chủ rừng phải lập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức lực lượng, phương tiện để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng; chủ rừng phải tự đảm bảo kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên diện tích rừng được Nhà nước giao, cho thuê.

Phần 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư Liên tịch số 06 TT/LB ngày 22/01/1996 của Bộ Tài chính- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn lập kế hoạch, cấp phát, quản lý và quyết toán kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT
THỨ TRƯỞNG




Hứa Đức Nhị

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG

 


Huỳnh Thị Nhân

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở TC, Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT,
KBNN, Chi cục KL các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Lưu: VT Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT.