cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Công văn số 3893/TCHQ-KTTT ngày 19/08/2004 Ngày 19/08/2004 của Tổng cục Hải quan về việc hồ sơ, thủ tục xử lý thuế truy thu theo Điểm 2 Mục I Thông tư số 06/1999/TTLT-BTC-TCHQ ngày 15/1/1999 (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 3893/TCHQ-KTTT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Cơ quan ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Ngày ban hành: 19-08-2004
  • Ngày có hiệu lực: 19-08-2004
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3893/TCHQ-KTTT
V/v hồ sơ, thủ tục xử lý thuế truy thu theo Điểm 2 Mục I Thông tư số 06/1999/TTLT-TCHQ ngày 15/1/1999

Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 2004

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

 

Thực hiện Điểm 2 Mục I Thông tư số 06/1999/TTLT-BTC-TCHQ ngày 15/01/1999 và công văn số 4094 TC/TCT ngày 04/10/2000 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan hướng dẫn việc lập hồ sơ và trình tự thủ tục xử lý các trường hợp đề nghị miễn truy thu thuế do nguyên nhân khách quan đối với các tờ khai hàng xuất nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan trước ngày 31/12/1998 như sau:

1/Hồ sơ đề nghị miễn truy thu thuế và miễn các Khoản phạt chậm nộp (nếu có) do doanh nghiệp lập gồm:

- Công văn của doanh nghiệp đề nghị miễn truy thu thuế, miễn phạt trong đó giải trình rõ lý do đề nghị miễn truy thu, số tiền thuế đã truy thu;

- Tờ khai hàng hoá xuất nhập khẩu bị truy thu thuế;

- Thông báo thuế lần đầu của cơ quan hải quan;

- Biên lai nộp thuế theo thông báo thuế lần đầu của cơ quan hải quan;

- Quyết định hoặc thông báo truy thu thuế của cơ quan hải quan;

- Biên lai nộp thuế truy thu theo quyết định hoặc thông báo truy thu thuế (nếu đã nộp thuế truy thu);

- Quyết định phạt chậm nộp thuế truy thu (nếu có);

- Biên lai nộp phạt chậm nộp thuế truy thu (nếu đã nộp);

- Hợp đồng thương mại;

- Hoá đơn thương mại, vận đơn;

- Giấy tờ chứng nhận giám định của cơ quan giám định (nếu có).

Các giấy tờ nêu trên, trừ công văn đề nghị miễn truy thu thuế, miễn phạt chậm nộp của doanh nghiệp là bản chính, còn lại là bản photocopy có dấu sao y bản chính.

Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị miễn truy thu và miễn phạt nói trên đến Cục Hải quan địa phương nơi làm thủ tục hải quan đối với lô hàng bị truy thu thuế để kiểm tra, xác nhận tính xác thực của bộ hồ sơ.

2/ Trình tự thủ tục xem xét xử lý miễn truy  thu thuế và miễn phạt chậm nộp (nếu có):

Trên cơ sở hồ sơ do doanh nghiệp lập, Cục Hải quan địa phương kiểm tra đối chiếu với quy định tại Điểm 2 Mục I Thông tư số 06/1999/TTLT-BTC-TCHQ ngày 15/01/1999. Điều kiện để được xét miễn truy thu thuế, miễn phạt chậm nộp (nếu có) như sau:

- Các Khoản truy thu thuế, tiền phạt đề nghị được miễn của lô hàng có tờ khai hải quan đăng ký với cơ quan hải quan trước ngày 31/12/1998.

- Có đủ hồ sơ nêu tại Điểm 1 công văn này.

- Có các nguyên nhân khách quan được xét miễn truy thu thuế, miễn phạt chậm nộp đối với số thuế bị truy thu như sau:

+ Văn bản mới về chính sách thuế (như giá tính thuế, thuế suất) được ban hành sau ngày đăng ký tờ khai hàng hoá nhập khẩu và có tính hồi tố, doanh nghiệp đã nộp thuế theo thông báo thuế của cơ quan hải quan trước ngày có hiệu lực của văn bản mới, sau đó bị cơ quan hải quan truy thu thuế.

+ Văn bản hướng dẫn áp mã số, áp giá tính thuế của cơ quan hải quan trước đây không rõ ràng, chưa đúng với thực tế của hàng hoá hoặc chưa đúng với quy định, sau đó có văn bản khác hướng dẫn hoặc Điều chỉnh lại. Theo đó, nếu tính lại thì số thuế phải nộp cao hơn số thuế cơ quan hải quan đã thông báo cho doanh nghiệp, do đó bị cơ quan hải quan truy thu thuế.

+ Một mặt hàng có nhiều kết quả giám định khác nhau hoặc khó phân loại, cơ quan hải quan không phân loại được chính xác mã số thuế khi làm thủ tục hải quan, sau đó doanh nghiệp bị truy thu thuế.

- Có các nguyên nhân do chủ quan của cán bộ hải quan được xét miễn truy thu thuế, miễn phạt chậm nộp đối với số thuế bị truy thu nhưng cán bộ hải quan và cơ quan hải quan hữu quan chịu trách nhiệm bồi thường vật chất như sau:

+ Cán bộ hải quan không nghiên cứu kỹ chính sách, văn bản, hồ sơ liên quan đến hàng hoá nhập khẩu nêu áp nhầm thuế hoặc giá tính thuế; áp thuế suất hoặc giá tính thuế theo ý kiến chủ quan của cán bộ hải quan, thực hiện không đúng ý kiến chỉ đạo hoặc hiểu sai ý kiến chỉ đạo của cơ quan hải quan cấp trên.

+ Kiểm hoá hàng hoá sai thực tế, xác định sai tên hàng hoá nhập khẩu.

+ Cán bộ hải quan áp dụng sai tỷ giá do các nguyên nhân không cập nhật thông tin về tỷ giá, không nghiên cứu kỹ chính sách về tỷ giá.

+ Ra thông báo thuế nhầm, số thuế thông báo thấp hơn số thuế phải thu.

a. Trường hợp đủ Điều kiện miễn truy thu thuế, miễn phạt theo quy định:

Cục Hải quan địa phương gửi toàn bộ hồ sơ xin miễn truy thu của doanh nghiệp có công văn gửi Tổng cục Hải quan báo cáo, đề xuất ý kiến xử lý theo các nội dung sau:

+ Nguyên nhân chủ quan, khách quan (như nêu trên), tình Tiết, nội dung sự việc dẫn đến việc đã tính (hoặc thông báo) sai số thuế phải nộp, do đó phải truy thuế;

+ Đề xuất ý kiến xử lý;

+ Số tiền thuế đã thông báo lần đầu;

+ Số tiền thuế phải truy thu;

+ Số tiền thuế truy thu và tiền phạt đề nghị miễn.

b. Trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp không đủ Điều kiên để miễn truy thu thuế, miễn phạt theo quy định: Cục Hải quan địa phương có văn bản trả lời cho doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp nộp đủ số thuế bị truy thu, nộp đủ phạt chậm nộp thuế truy thu theo đúng quy định.

Trên cơ sở hồ sơ và báo cáo do Cục Hải quan tỉnh, thành phố gửi, Tổng cục Hải quan kiểm tra, soạn thảo văn bản trình Bộ Tài chính ra quyết định miễn truy thu cho doanh nghiệp.

Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan các địa phương thông báo công khai các quy định về hồ sơ và trình tự thủ tục miễn truy thu thuế, miễn phạt nói trên. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ theo quy định.

Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố biết và thực hiện./.

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Đặng Thị Bình An