Hướng dẫn số 1819/ĐKVN-VAR ngày 10/09/2012 Thực hiện Thông tư 29/2012/TT-BGTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Cục Đăng kiểm Việt Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 1819/ĐKVN-VAR
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Cơ quan ban hành: Cục Đăng kiểm Việt Nam
- Ngày ban hành: 10-09-2012
- Ngày có hiệu lực: 01-10-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Ngày hết hiệu lực: 00/00/0000
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1819/ĐKVN-VAR | Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2012 |
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỂM CỦA THÔNG TƯ SỐ 29/2012/TT-BGTVT NGÀY 31/07/2012 CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUY ĐỊNH VỀ CẢI TẠO PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ
Căn cứ Quyết định số 26/2008/QĐ-BGTVT ngày 04/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đăng kiểm Việt Nam;
Căn cứ Thông tư số 29/2012/TT-BGTVT ngày 31/07/2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;
Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn cụ thể một số điểm của Thông tư số 29/2012/TT-BGTVT ngày 31/07/2012 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là Thông tư 29) như sau:
1. Đối tượng, phạm vi áp dụng
1.1. Hướng dẫn thực hiện thiết kế, thẩm định thiết kế cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là xe cơ giới);
1.2. Hướng dẫn thi công và nghiệm thu xe cơ giới cải tạo;
1.3. Làm căn cứ cho việc hướng dẫn và kiểm tra thực hiện công tác cải tạo xe cơ giới.
2. Hướng dẫn một số điểm của Thông tư 29
2.1. Điều 4:
a) Khoản 1: Không cải tạo thay đổi mục đích sử dụng (công dụng) giữa các loại ô tô chở người, ô tô tải, ô tô chuyên dùng có thời gian sử dụng trên 15 năm.
b) Khoản 1, khoản 2: Thời gian sử dụng được tính theo năm.
c) Khoản 8:
- Cải tạo lắp đặt thành thùng kín, thêm khung mui che mưa nắng bảo vệ hàng hóa là: cải tạo thành thùng chở hàng có mái che mưa nắng, bịt kín hoặc để hở phần mui phía trước, phía sau. Phần thùng kín, khung mui che mưa nắng bảo vệ hàng hóa chỉ gồm khung xương phủ tôn hoặc che bạt.
- Đối với trường hợp ô tô tải không thùng đã qua sử dụng được phép nhập khẩu thì kích thước thùng chở hàng sau khi cải tạo lắp đặt thùng chở hàng là kích thước thùng chở hàng của ô tô tải cùng nhãn hiệu, số loại của Hãng sản xuất.
d) Khoản 13: Việc cải tạo một hệ thống, tổng thành nếu dẫn đến việc ảnh hưởng tới đặc tính làm việc của các hệ thống, tổng thành có liên quan khác thì phải được xem xét, tính toán cụ thể và phải được coi là cải tạo cả hệ thống, tổng thành có liên quan.
Ví dụ: Khi cải tạo thay đổi cầu dẫn hướng, nếu dẫn tới việc thay đổi hình thang lái hoặc các góc đặt bánh xe dẫn hướng thì việc cải tạo này được coi là cải tạo cả hệ thống chuyển động và hệ thống lái; phải tính toán thiết kế cải tạo cho cả hệ thống chuyển động và hệ thống lái.
2.2. Điều 5:
a) Cơ quan thẩm định thiết kế thông báo, hướng dẫn Cơ sở thiết kế về việc Hồ sơ thiết kế phải có ký hiệu riêng, không trùng với ký hiệu thiết kế của Hồ sơ khác; ký hiệu thiết kế không quá 20 ký tự.
b) Khoản 1: Thuyết minh tính toán thiết kế được thể hiện trên giấy trắng khổ A4, có đóng dấu từng trang hoặc giáp lai.
c) Điểm c khoản 1: Nội dung thực hiện cải tạo và các bước công nghệ thi công:
- Phải có đầy đủ các nội dung cải tạo các hệ thống, tổng thành, chi tiết và các bộ phận liên quan khác.
- Phải xây dựng chi tiết các bước công nghệ để thực hiện thi công cải tạo; mô tả quy trình tháo, lắp các hệ thống, tổng thành chi tiết thi công cải tạo.
- Phải có yêu cầu kỹ thuật cụ thể về vật tư, phụ tùng, vật liệu sử dụng trong cải tạo, đảm bảo tiêu chuẩn và phù hợp với xe cơ giới trước cải tạo. Đối với dây dẫn điện phải được thiết kế thể hiện vị trí lắp đặt và dây dẫn được đặt trong ống bảo vệ bằng vật liệu chống cháy; cách định vị ống bảo vệ.
d) Điểm d khoản 1:
- Tính toán đầy đủ và đưa ra kết luận về các chỉ tiêu động học, động lực học, của xe cơ giới, hệ thống, tổng thành sau cải tạo.
đ) Điểm đ khoản 1:
- Tính toán đầy đủ và đưa ra kết luận về khả năng chịu bền của các chi tiết cải tạo, các chi tiết liên quan và các mối liên kết.
e) Khoản 2: Các bản vẽ kỹ thuật được trình bày trên giấy trắng khổ A3, có đóng dấu tại khung tên và bản vẽ bố trí chung của xe cơ giới sau cải tạo có ký tên, đóng dấu của đại diện Cơ sở thiết kế.
2.3. Điều 6:
Xe cơ giới được miễn lập hồ sơ thiết kế cải tạo thực hiện theo Phụ lục 1 của Hướng dẫn này.
2.4. Điều 7
a) Khoản 1:
- Việc thẩm định thiết kế thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Thông tư 29. Trình tự thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo thực hiện theo Phụ lục 2 của Hướng dẫn này.
- Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo được in trên giấy trắng khổ A4 từ Chương trình Quản lý cải tạo xe cơ giới (sau đây gọi tắt là Chương trình cải tạo), có đầy đủ các nội dung theo mẫu tại Phụ lục I Thông tư 29.
- Đối với trường hợp cải tạo khung xương ô tô khách theo quy định tại khoản 3, Điều 10 Thông tư 29 thì Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo phải ghi rõ yêu cầu về nghiệm thu khung xương, các dây dẫn điện, đường ống thông gió, điều hòa và các chi tiết, bộ phận khác trong vỏ xe trước khi bọc kín (ghi ở phần Nội dung chính), để Cơ sở thi công thực hiện theo quy định.
- Số Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo được ghi theo mẫu (để sử dụng Chương trình cải tạo). Cách ghi như sau:
Mã số cơ quan thẩm định thiết kế – Số thứ tự/năm/TĐTK
Trong đó:
+ Mã số cơ quan thẩm định thiết kế theo Phụ lục 3 của Hướng dẫn này;
+ Số thứ tự gồm 4 chữ số, lấy theo năm, mỗi năm bắt đầu từ số 0001, theo thứ tự tăng dần, liên tục.
Ví dụ: Số Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo đầu tiên của Sở Giao thông vận tải Hà Nam cấp năm 2012: 90-0001/2012/TĐTK
b) Khoản 3: Trường hợp các Sở Giao thông vận tải không đủ điều kiện thẩm định thiết kế: Phòng Kiểm định xe cơ giới, Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, cá nhân nộp Hồ sơ thiết kế qua hệ thống bưu chính về Phòng Kiểm định xe cơ giới – Cục Đăng kiểm Việt Nam (Địa chỉ: Số 18 – Đường Phạm Hùng – Mỹ Đình – Hà Nội; Điện thoại: 04.37684706) .
c) Khoản 5: Cơ quan thẩm định thiết kế có trách nhiệm niêm yết công khai các quy định về xe cơ giới cải tạo, trách nhiệm thẩm định thiết kế và trình tự, thủ tục, hồ sơ thẩm định thiết kế tại nơi tiếp nhận hồ sơ của Cơ quan.
d) Khoản 6: Hồ sơ thiết kế sau khi được thẩm định, cấp Giấy chứng nhận được giao cho tổ chức, cá nhân đã nộp Hồ sơ để gửi cho Cơ sở thiết kế, Cơ sở thi công cải tạo và Đơn vị đăng kiểm nghiệm thu cải tạo.
2.5. Điều 8:
a) Khoản 1: Xe cơ giới có đăng ký biển số của địa phương được hiểu như sau:
- Xe cơ giới đã có biển số đăng ký của địa phương.
- Xe cơ giới đang làm thủ tục chuyển vùng về địa phương để đăng ký biển số.
- Xe cơ giới đã qua sử dụng được phép nhập khẩu có địa chỉ tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc mua xe tại địa phương.
b) Điểm a, Khoản 1:
- Cải tạo, lắp đặt các hệ thống, tổng thành: khung, truyền lực, treo, buồng lái, thân xe thùng hàng, hệ thống điện, hệ thống đèn chiếu sáng và tín hiệu của ô tô tải gồm: ô tô tải thông dụng; ô tô tải tự đổ; ô tô tải có cần cẩu; ô tô tải có thiết bị nâng hạ hàng; ô tô tải bảo ôn; ô tô tải đông lạnh; ô tô PICKUP chở hàng cabin đơn; ô tô PICKUP chở hàng cabin kép; ô tô tải VAN.
c) Điểm b, Khoản 1: Lắp đặt thêm thiết bị chuyên dùng phục vụ việc bốc xếp và chở hàng cho ô tô tải thông dụng gồm: cần cẩu; thiết bị nâng hạ hàng (bửng nâng); giá chữ A chở kính; giá chở két bia; kết cấu chở gia súc, gia cầm.
d) Khoản 2:
- Ô tô chuyên dùng (ô tô có kết cấu và trang bị để thực hiện một chức năng, công dụng đặc biệt) như: ô tô chữa cháy; ô tô quét đường; ô tô hút chất thải; ô tô trộn vữa; ô tô trộn bê tông; ô tô bơm bê tông; ô tô cần cẩu; ô tô thang; ô tô khoan; ô tô cứu hộ (ô tô kéo xe hỏng); ô tô truyền hình lưu động; ô tô đo sóng truyền hình lưu động; ô tô rải nhựa đường; ô tô kiểm tra và bảo dưỡng cầu; ô tô kiểm tra cáp điện ngầm; ô tô chụp X-quang (ô tô y tế lưu động); ô tô phẫu thuật lưu động, ô tô nâng người làm việc trên cao.
- Ô tô tải chuyên dùng (ô tô tải có kết cấu và trang bị đặc biệt để chuyên chở một loại hàng hoá nhất định) như: ô tô chở ô tô con; ô tô chở xe máy thi công; ô tô xi téc; ô tô chở rác; ô tô chở bê tông ướt; ô tô chở bình ga; ô tô chở tiền; ô tô tải chở container; ô tô chở mô tô, xe máy.
2.6. Điều 9:
a) Khoản 2:
- Việc thi công cải tạo xe cơ giới phải thực hiện theo đúng thiết kế được thẩm định, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Sử dụng vật tư, phụ tùng, vật liệu đúng theo thiết kế đã được thẩm định.
- Đối với trường hợp cải tạo khung xương ô tô khách (kể cả việc cải tạo thay một phần khung xương, phần đầu, phần đuôi xe khách) thì việc bọc kín thân vỏ xe khách, sơn bảo quản khung xương, lắp đặt các dây dẫn điện, đường ống thông gió, điều hòa và các chi tiết, bộ phận khác bên trong thân vỏ xe phải đảm bảo đúng thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, chắc chắn, cách âm, cách nhiệt, phòng chống cháy; đối với dây dẫn điện phải được đi bên trong ống bảo vệ bằng vật liệu chống cháy, ống được định vị theo thiết kế. Sau khi hoàn thành thi công Cơ sở thi công có trách nhiệm thông báo với Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới sẽ nghiệm thu để được nghiệm thu các hạng mục trên trước khi thi công bọc kín thân vỏ xe.
b) Khoản 3: Biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo phải có đầy đủ các nội dung theo mẫu tại Phụ lục IV của Thông tư 29.
2.7. Điều 10:
a) Khoản 1: Trình tự nghiệm thu xe cơ giới cải tạo được thực hiện theo các bước nêu tại Phụ lục 4 của Hướng dẫn này.
b) Khoản 2: Việc nghiệm thu xe cơ giới cải tạo được thực hiện tại các Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trực thuộc các Sở Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam, thực hiện như sau:
- Xe cơ giới cải tạo thực hiện nghiệm thu tại Đơn vị đăng kiểm quản lý Hồ sơ phương tiện. Trường hợp do cấm đường không vào được Đơn vị đăng kiểm quản lý Hồ sơ phương tiện hoặc xe cơ giới có Hồ sơ phương tiện tại Đơn vị đăng kiểm không có chức năng nghiệm thu như quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 29 thì nghiệm thu tại các Đơn vị đăng kiểm khác cùng địa phương. Trường hợp địa phương không có Đơn vị đăng kiểm có chức năng nghiệm thu hoặc xe cơ giới thi công cải tạo xa Đơn vị đăng kiểm quản lý Hồ sơ phương tiện thì nghiệm thu tại các Đơn vị đăng kiểm gần Cơ sở thi công.
- Đơn vị đăng kiểm không quản lý Hồ sơ phương tiện khi nghiệm thu có trách nhiệm kiểm tra thông số, đặc tính kỹ thuật của xe cơ giới trước cải tạo. Đơn vị đăng kiểm nghiệm thu gửi Đơn vị đăng kiểm quản lý Hồ sơ phương tiện bản chính Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo và 02 ảnh xe cơ giới sau cải tạo để cập nhật thay đổi và lưu Hồ sơ phương tiện.
c) Điểm đ Khoản 4: Ảnh chụp phải rõ nét, thể hiện được nội dung cải tạo; đối với ảnh tổng thể kiểu dáng xe thì phải thể hiện rõ phần phía trước và phía sau của xe cơ giới chụp góc 450 từ phía trước bên phải và phía sau ở góc đối diện.
d) Điểm g Khoản 4: Giấy chứng nhận đối với các thiết bị đặc biệt, thiết bị chuyên dùng thực hiện theo quy định. Riêng đối với các thiết bị xếp dỡ, nồi hơi, thiết bị chịu áp lực sử dụng trong giao thông vận tải phải có giấy chứng nhận theo quy định tại Thông tư số 35/2011/TT-BGTVT ngày 06/05/2011 của Bộ Giao thông vận tải.
đ) Khoản 6: Biên bản kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo được in từ Chương trình cải tạo, có đầy đủ nội dung theo mẫu quy định tại Phụ lục VI Thông tư 29 và ghi rõ số giấy, ngày cấp, cơ quan cấp của Giấy chứng nhận đối với các thiết bị đặc biệt, thiết bị chuyên dùng thiết bị xếp dỡ, thiết bị chịu áp lực, vật liệu.
- Số Biên bản kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo ghi theo mẫu sau:
Mã số đơn vị đăng kiểm – Số thứ tự/năm/BBNT
Trong đó:
+ Số thứ tự gồm 4 chữ số, lấy theo năm, mỗi năm bắt đầu từ số 0001, theo thứ tự tăng dần, liên tục.
Ví dụ: Số Biên bản kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo đầu tiên của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 9001S – Tỉnh Hà Nam cấp năm 2012: 9001S-0001/2012/BBNT
2.8. Khoản 1 Điều 11
- Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận cải tạo) được in từ Chương trình cải tạo, có đầy đủ nội dung theo mẫu quy định tại Phụ lục VII của Thông tư 29.
- Giấy chứng nhận cải tạo gồm 02 liên:
+ Liên 1: Dùng cho đăng ký;
+ Liên 2: Dùng cho kiểm định.
- Phôi Giấy chứng nhận cải tạo theo mẫu tại Phụ lục 5 của Hướng dẫn này có các đặc điểm chống làm giả do Cục Đăng kiểm Việt Nam thống nhất phát hành.
- Giấy chứng nhận cải tạo không còn giá trị khi bị sửa chữa, tẩy xóa, nhàu nát không rõ nội dung.
- Số Giấy chứng nhận cải tạo ghi theo mẫu sau:
Mã số đơn vị đăng kiểm – Số thứ tự/năm/CNCT
Trong đó:
+ Số thứ tự gồm 4 chữ số, lấy theo năm, mỗi năm bắt đầu từ số 0001, theo thứ tự tăng dần, liên tục.
Ví dụ: Giấy chứng nhận cải tạo đầu tiên của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 9001S – Tỉnh Hà Nam cấp năm 2012: 9001S-0001/2012/CNCT
2.9. Điều 12: Đơn vị đăng kiểm có trách nhiệm niêm yết công khai trình tự, thủ tục và hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới cải tạo theo quy định tại nơi làm thủ tục kiểm định của đơn vị.
3. Sử dụng Chương trình Quản lý cải tạo xe cơ giới
3.1. Cán bộ thực hiện thẩm định thiết kế, đăng kiểm viên thực hiện nghiệm thu cải tạo phải sử dụng Chương trình cải tạo để in:
- Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo.
- Biên bản kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo.
- Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo.
- Báo cáo công tác cải tạo.
3.2. Cán bộ thực hiện thẩm định thiết kế, đăng kiểm viên thực hiện nghiệm thu cải tạo được cấp tên đăng nhập, mật khẩu để sử dụng Chương trình cải tạo và phải chịu trách nhiệm bảo mật cơ sở dữ liệu, tên đăng nhập, mật khẩu được cấp; không được sử dụng thông tin kỹ thuật của xe cơ giới vào mục đích khác.
3.3. Chỉ các cán bộ thẩm định thiết kế, đăng kiểm viên được cấp Giấy chứng nhận đã tham gia tập huấn nghiệp vụ về công tác cải tạo xe cơ giới mới được sử dụng Chương trình cải tạo. Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ thu hồi tên đăng nhập và mật khẩu đối với các cá nhân vi phạm quy định về sử dụng Chương trình cải tạo và yêu cầu về bảo mật.
4. Sử dụng Phôi Giấy chứng nhận cải tạo, lưu trữ hồ sơ, báo cáo công tác cải tạo.
4.1. Sử dụng Phôi Giấy chứng nhận cải tạo
a) Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới gửi đề nghị cung cấp phôi Giấy chứng nhận cải tạo từ ngày 15 đến ngày 20 hàng tháng cùng đề nghị cấp Ấn chỉ kiểm định.
b) Đơn vị đăng kiểm có trách nhiệm nhận, kiểm tra, ký xác nhận số lượng Phôi trong Phiếu cấp phát và gửi trả lại Phòng Kiểm định xe cơ giới. Mở Sổ theo dõi cấp phát Giấy chứng nhận cải tạo theo mẫu tại Phụ lục 6 của Hướng dẫn này.
c) Đơn vị đăng kiểm chỉ sử dụng Phôi Giấy chứng nhận cải tạo đã cấp cho Đơn vị.
d) Trong quá trình sử dụng, các Phôi hỏng, Giấy chứng nhận cải tạo quá hạn phải thu hồi và lưu trữ để kiểm tra đối chiếu hàng năm.
4.2. Lưu trữ hồ sơ: Hồ sơ thẩm định thiết kế và Hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới cải tạo được lưu trữ đầy đủ, bảo quản tốt, dễ tra cứu.
a) Lưu trữ Hồ sơ thẩm định thiết kế bao gồm:
- 01 Bộ thiết kế và Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo.
- Các giấy tờ quy định tại các điểm a, c, d, đ khoản 4 Điều 7 Thông tư 29.
b) Lưu trữ Hồ sơ nghiệm thu bao gồm:
- Bản sao chụp Liên 2 của Giấy chứng nhận cải tạo.
- Biên bản kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo.
- Các giấy tờ, hồ sơ quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 29.
- Ảnh chụp khung xương, dây dẫn điện, đường ống thông gió, điều hòa và các chi tiết, bộ phận khác (đối với ô tô khách cải tạo khung xương).
c) Liên 2 (dùng cho kiểm định) của Giấy chứng nhận cải tạo được lưu trữ vào Hồ sơ phương tiện tại Đơn vị đăng kiểm quản lý Hồ sơ phương tiện.
4.3. Báo cáo: Báo cáo đầy đủ các nội dung theo mẫu tại Phụ lục VIII Thông tư 29 và gửi trước ngày 05 hàng tháng về Cục Đăng kiểm Việt Nam.
5. Tổ chức thực hiện
5.1. Hướng dẫn này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2012 và bãi bỏ các văn bản sau đây:
a) Hướng dẫn số 231/ĐK ngày 23/03/2005 của Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn thực hiện Quyết định 15/2005/QĐ-BGTVT ngày 15/02/2005 của Bộ Giao thông vận tải.
b) Hướng dẫn số 717/ĐKVN-VAR ngày 25/05/2011 của Cục Đăng kiểm Việt Nam Hướng dẫn Cải tạo thùng hàng/lắp ráp khung mui trên ô tô tải theo Thiết kế mẫu do Cục Đăng kiểm Việt Nam ban hành.
c) Văn bản số 715/ĐKVN-VAR ngày 25/05/2011 của Cục Đăng kiểm Việt Nam thông báo sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong văn bản số 231/ĐK ngày 23/03/2005 của Cục Đăng kiểm Việt Nam Hướng dẫn thực hiện Quyết định 15/2005/QĐ-BGTVT ngày 15/02/2005 về việc cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 37/2011/TT-BGTVT ngày 06/05/2011 của Bộ Giao thông vận tải
d) Nội dung tại các văn bản khác của Cục Đăng kiểm Việt Nam trái với Hướng dẫn này.
5.2. Đối với các xe cơ giới cải tạo theo thiết kế trước ngày 01/10/2012 thực hiện nghiệm thu tại các Đơn vị đăng kiểm. Sau khi nghiệm thu đạt yêu cầu, Đơn vị đăng kiểm tự nhập thông số kỹ thuật xe cơ giới cải tạo vào Chương trình cải tạo để in Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo. Các Đơn vị đăng kiểm có trách nhiệm thông báo với các Cơ sở thi công, chủ xe để thực hiện đến hết ngày 31/12/2012.
5.3. Phòng Kiểm định xe cơ giới có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện, báo cáo về công tác cải tạo xe cơ giới và phối hợp với Trung tâm Tin học hướng dẫn sử dụng Chương trình cải tạo, quản lý cơ sở dữ liệu cải tạo, tên truy cập, mật khẩu để sử dụng Chương trình cải tạo của cán bộ thẩm định thiết kế, đăng kiểm viên nghiệm thu xe cơ giới cải tạo.
5.4. Đối với các trường hợp cải tạo phát sinh chưa được quy định tại Thông tư 29 và các vướng mắc trong quá trình thực hiện thì tổ chức, cá nhân cần thông báo về Cục Đăng kiểm Việt Nam để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xin ý kiến giải quyết.
Nơi nhận: | CỤC TRƯỞNG |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|