cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Công văn số 361/LĐTBXH-PCTNXH ngày 11/02/2004 Ngày 11/02/2004 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kinh phí phòng, chống mại dâm, cai nghiện phục hồi năm 2004 (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 361/LĐTBXH-PCTNXH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Cơ quan ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Ngày ban hành: 11-02-2004
  • Ngày có hiệu lực: 11-02-2004
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 361/LĐTBXH-PCTNXH
V/v hướng dẫn thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kinh phí phòng, chống mại dâm cai nghiện phục hồi năm 2004

Hà Nội, ngày 11 tháng 2 năm 2004

 

Kính gửi: Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện chương trình hành động phòng, chống ma tuý, phòng, chống tệ nạn mại dâm theo Quyết định 150, 151/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, kinh phí phòng, chống mại dâm, cai nghiện phục hồi như sau:

I. MỤC TIÊU NHIỆM VỤ:

1. Phòng, chống mại dâm:

a. Mục tiêu tổng quát về phòng chống tệ nạn mại dâm năm 2004 theo tinh thần Quyết định 151/2000/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ: “Giảm cơ bản tệ nạn mại dâm ở đô thị, khu du lịch, địa bàn trọng điểm, các tụ điểm mại dâm có tổ chức, các đường dây đưa phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài vì mục đích mại dâm”.

b. Mục tiêu cụ thể:

- Tiếp tục xoá bỏ mại dâm công cộng và mại dâm hoạt động trong các khâu kinh doanh dịch vụ trá hình, đặc biệt là các cơ sở doanh nghiệp Nhà nước.

- Chặn đứng tình trạng cán bộ, viên chức vi phạm tệ nạn mại dâm.

- Không để tệ nạn mại dâm xâm nhập học đường.

- Giáo dục, chữa trị cho 7.000 gái mại dâm bằng 41,1% số đối tượng có hồ sơ quản lý.

- Dạy nghề, tạo việc làm cho 4.500 đối tượng bằng  64,5% số đối tượng được giáo dục, chữa bệnh.

- Giảm tỷ lệ tái phạm 15% so với 2003.

- Xây dựng mới 1000 xã phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội.

2. Cai nghiện, phục hồi:

a. Cai nghiện ít nhất cho 45.000 đối tượng, bằng 30,42% số đối tượng có hỗ sơ quản lý.

b. Dạy nghề, tạo việc làm cho 20.000 đối tượng, bằng 44,5% số đối tượng được cai nghiện.

c. Giảm tỷ lệ tái nghiện: 10% so với năm 2003.

II. KINH PHÍ PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM, CAI NGHIỆN PHỤC HỒI.

1. Nội dung chi, mức chi cho công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện phục hồi thực hiện theo nội dung công văn số 441/LĐ-TBXH-PCTNXH ngày 21 tháng 2 năm 2001 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn sử dụng kinh phí phòng, chống mại dâm năm 2004 và các chế độ quy định hiện hành của Nhà nước trong công tác cai nghiện, phục hồi.

2. Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ phòng, chống mại dâm, cai nghiện phục hồi năm 2004 theo tinh thần Quyết định 150, 151/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, bố trí ngân sách 2004 cho công tác này, chú trọng đầu tư cho một số nội dung cơ bản.

a. Kinh phí phòng, chống mại dâm: Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ, tình hình thực tế tệ nạn mại dâm, bố trí kinh phí tương xứng trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ phải đầu tư để thực hiện các biện pháp phòng ngừa phát sinh lây lan các tệ nạn xã hội. Tăng cường kinh phí cho nội dung thông tin, tuyên truyền, ưu tiên đầu tư kinh phí phòng, chống mại dâm cho các đơn vị cơ sở, xã phường để làm tốt công tác xây dựng xã phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Tăng cường kinh phí các hoạt động thanh tra, kiểm tra, triệt phá ổ nhóm mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em. Đổi mới và phối hợp đồng bộ các hoạt động có chiều sâu; gắn công tác phòng, chống mại dâm với chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương để đạt kết quả bền vững. Với các tỉnh có chung biên giới với các nước và các địa phương có nhiều phụ nữ, trẻ em bị buôn bán hoặc bị lừa ra nước ngoài, cần đầu tư cho công tác tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong nhân dân, nâng cao nhận thức và hiểu biết để phòng ngừa.

b. Kinh phí cai nghiện, phục hồi: Căn cứ vào kế hoạch, chỉ tiêu số lượng cai nghiện, phục hồi trong năm cần bố trí kinh phí cai nghiện, phục hồi tương xứng để đảm bảo thực hiện công tác cai nghiện, phục hồi theo Luật phòng, chống ma tuý. Chú trọng đầu tư cho các dự án giải quyết việc làm, dạy nghề, quản lý giám sát đối tượng tại xã phường để đảm bảo kết quả bền vững của công tác cai nghiện, phục hồi chống tái nghiện.

Thực hiện tốt nội dung Thông báo số 88/TBVP ngày 23 tháng 8 năm 2003 của Văn phòng Chính phủ; thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đầu tư cải tạo, nâng cấp mạng lưới cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các trung tâm cai nghiện để các trung tâm này đáp ứng đưa cơ bản số người nghiện có hồ sơ quản lý, có thời gian nghiện lâu vào cai nghiện tập trung và thực hiện tốt quy trình cai nghiện theo Thông tư 31 nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, phục hồi.

 

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Đàm Hữu Đắc