Công văn số 482/CV-TTNN ngày 15/05/2002 Của Thanh tra Nhà nước về việc hướng dẫn tổ chức thi nâng ngạch Thanh tra viên lên Thanh tra viên chính năm 2002 (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 482/CV-TTNN
- Loại văn bản: Công văn
- Cơ quan ban hành: Thanh tra Nhà nước
- Ngày ban hành: 15-05-2002
- Ngày có hiệu lực: 15-05-2002
- Tình trạng hiệu lực: Không xác định
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THANH TRA NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 482/CV-TTNN | Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2002 |
CÔNG VĂN
CỦA THANH TRA NHÀ NƯỚC SỐ 482/CV-TTNN NGÀY 15 THÁNG 5 NĂM 2002 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC THI NÂNG NGẠCH THANH TRA VIÊN LÊN THANH TRA VIÊN CHÍNH NĂM 2002
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, |
Thực hiện Pháp lệnh cán bộ công chức, Nghị định số 95/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, Quyết định số 150/1999/QĐ-TCCP ngày 12/2/1999 của Bộ trưởng - Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc ban hành Quy chế thi nâng ngạch công chức và Quyết định số 1013/1999/QĐ-TTNN ngày 25/11/1999 của Tổng Thanh tra Nhà nước về việc ban hành quy định thi nâng ngạch Thanh tra viên lên Thanh tra viên chính.
Được sự nhất trí của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ tại Công văn số 151/BTCCBCP-CCVC ngày 23 tháng 04 năm 2002, Thanh tra Nhà nước hướng dẫn và bổ sung một số Điểm cụ thể trong kỳ thi nâng ngạch Thanh tra viên lên Thanh tra viên chính như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Điều kiện dự thi: Thực hiện như Quy định thi nâng ngạch ban hành kèm theo Quyết đinh số 1013/QĐ-TTNN ngày 25 tháng 11 năm 1999 của Tổng Thanh tra Nhà nước. Hai năm trước, việc tổ chức thi nâng ngạch thanh tra viên chính có châm trước một số tiêu chuẩn về lý luận chính trị, ngoại ngữ. Theo quy định của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ để phù hợp với tình hình thực tế và trình độ đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ công chức, nội dung khi xét tuyển người dự thi trong năm 2002 về Điều kiện dự thi yêu cầu như sau:
a. Tốt nghiệp đại học trở lên, được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên và có tối thiểu 9 năm xếp và hưởng lương ở ngạch chuyên viên và thanh tra viên (không kể thời gian tập sự).
b. Đã qua bồi dưỡng quản lý hành chính Nhà nước ngạch chuyên viên.
c. Về lý luận chính trị: Có chứng chỉ lý luận chính trị trung cấp.
d. Công chức có hệ số lương tính đến khi làm hồ sơ dự thi tối thiểu là 2,97.
e. Công chức có ngoại ngữ trình độ B (có chứng chỉ B hoặc tương đương).
2. Căn cứ nhu cầu, chức danh của các tổ chức Thanh tra Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức sơ tuyển cử cán bộ đủ Điều kiện tiêu chuẩn để tham gia dự thi.
3. Hồ sơ đăng ký dự thi:
Thực hiện như Quy định thi nâng ngạch ban hành kèm theo Quyết định số 1013/QĐ-TTNN ngày 25 tháng 11 năm 1999 của Tổng Thanh tra Nhà nước, kèm theo bản kê khai Phiếu Thanh tra viên.
II. NỘI DUNG THI
1. Thi viết: Nội dung được quy định tại Quyết định số 1013/QĐ-TTNN ngày 25 tháng 11 năm 1999 của Tổng Thanh tra Nhà nước, Thanh tra Nhà nước có tài liệu hướng dẫn cụ thể.
2. Thi vấn đáp: Nội dung thi theo tài liệu hướng dẫn của Thanh tra Nhà nước, tập trung vào các văn bản pháp luật về công tác thanh tra, xét giải quyết khiếu nại, tố cáo...
3. Thi ngoại ngữ 1 trong 5 thứ tiếng (Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc) trình độ B.
4. Về ngoại ngữ miễn thi cho các đối tượng sau:
a. Nam có tuổi đời đủ 55 tuổi trở lên và nữ có tuổi đời đủ 50 tuổi trở lên.
b. Những Thanh tra viên công tác ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa và sử dụng tiếng dân tộc trong công tác thanh tra (có xác nhận của Hội đồng sơ tuyển của tỉnh).
c. Những người tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ của 1 trong 5 thứ tiếng nói ở Điểm 3 Mục II.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Hội đồng sơ tuyển:
a. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập Hội đồng sơ tuyển theo quy định. Hội đồng sơ tuyển tổ chức việc xét duyệt cử người dự thi nâng ngạch theo đúng đối tượng và đảm bảo về lý lịch, phẩm chất, đạo đức, văn bằng, chứng chỉ của người được dự thi; đồng thời phải xem xét một số Điều kiện:
- Cơ quan cử người đi dự thi phải có nhu cầu, vị trí làm việc của chức danh Thanh tra viên chính để sau khi thi nếu đạt yêu cầu phải bố trí đúng vị trí;
- Phải đảm bảo cân đối giữa các đơn vị, không để tình trạng có đơn vị cử quá nhiều, có đơn vị không cử người dự thi;
b. Hội đồng sơ tuyển sau khi duyệt, lập danh sách tổng hợp trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh để có văn bản gửi Tổng Thanh tra Nhà nước đăng ký dự thi kèm theo toàn bộ hồ sơ của người dự thi.
Hồ sơ nộp về Thanh tra Nhà nước hạn cuối cùng ngày 15 tháng 7 năm 2002.
2. Hội đồng thi và Trường cán bộ thanh tra sẽ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, thời gian 3 tuần lễ trước khi thi, sau đó giới thiệu nội dung và tài liệu nghiên cứu từ 2 đến 3 ngày (riêng ngoại ngữ thí sinh tự túc tài liệu học và không tổ chức ôn thi); sẽ được thông báo cụ thể trong giấy báo dự thi nâng ngạch cho từng người.
3. Địa Điểm thi tổ chức tại hai nơi:
- Các Bộ, ngành và các địa phương từ Thừa Thiên Huế trở ra, tổ chức thi tại Trường cán bộ thanh tra tại Hà Nội.
- Các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào tổ chức thi tại Trụ sở cơ quan thường trực của Thanh tra Nhà nước số 496 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
4. Các tài liệu nghiên cứu người dự thi tự mua.
5. Về lệ phí thi thu 150.000 đến 170.000 đồng/người (theo Thông tư số 32/2001/TT-Bộ Tài chính ngày 23/5/2001, hướng dẫn chế độ thu và sử dụng lệ phí thi tuyển công chức và thi nâng ngạch cán bộ công chức).
Đề nghị các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố hỗ trợ lệ phí thi trong kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để Thanh tra các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố nộp về Hội đồng thi của Thanh tra Nhà nước (tại Tài vụ - Văn phòng) khi có giấy triệu tập về dự thi.
Trong phạm vi trách nhiệm của mình các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện việc sơ tuyển nâng ngạch Thanh tra viên lên Thanh tra viên chính đúng tiêu chuẩn, Điều kiện theo quy định và thông báo nội dung công văn này cho từng người đã được Hội đồng sơ tuyển cử dự thi để nghiên cứu trước. Khi sơ tuyển nếu có thí sinh được dự thi nâng ngạch Thanh tra viên lên Thanh tra viên chính, các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố sớm có văn bản báo về Thanh tra Nhà nước để có kế hoạch tổ chức thi.
Quá trình tổ chức thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh về Thanh tra Nhà nước nghiên cứu giải quyết.
| Trần Quốc Trượng (Đã ký)
|