cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Công văn hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch về chống buôn lậu theo Nghị quyết số 85/CP-m ngày 11/7/1997 của Chính phủ

  • Số hiệu văn bản: 4695/TM/QLTT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Cơ quan ban hành: Bộ Thương mại
  • Ngày ban hành: 24-10-1997
  • Ngày có hiệu lực: 24-10-1997
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4695/TM/QLTT

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 1997

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 4695/TM/QLTT NGÀY 24 THÁNG 10 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN THÔNG TƯ LIÊN TỊCH VỀ CHỐNG BUÔN LẬU THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 85/CP-M NGÀY 11-7-1997 CỦA CHÍNH PHỦ

 

Thi hành Nghị quyết 85/CP-m ngày 11-7-1997 của Chính phủ về chống buôn lậu và Chỉ thị số 853/1997/CT-TTg ngày 11-10-1997 của Thủ tướng Chính phủ, liên Bộ Thương mại - Nội vụ - Tài chính - Tổng cục Hải quan đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/1997/TTLT-BTM-BNV-BTC-TCHQ ngày 21-10-1997 hướng dẫn thực hiện việc chống buôn lậu và phối hợp lực lượng chống buôn lậu.

Để thực hiện các chủ trương và biện pháp chống buôn lậu theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch nói trên, Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch về chống buôn lậu trong ngành Thương mại như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

Đấu tranh chống buôn lậu để giữ vững kỷ cương, phép nước, lập lại trật tự trong hoạt động thương mại là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của Nhà nước ta. Trước mắt, từ nay cho đến hết quý I/1998, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thương mại, các Sở Thương mại và Chi cục Quản lý thị trường thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành ngay việc tổng kiểm tra để chống các hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, nhất là các hoạt động buôn lậu có tổ chức. Đợt tổng kiểm tra này nhằm đặt mục đích yêu cầu sau:

1. Ngăn chặn ngay và có hiệu quả hàng hoá nhập lậu qua biên giới vào nước ta, kiểm tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với hàng hoá nhập lậu đang lưu thông ở thị trường nội địa, góp phần lành mạnh hoá thị trường, bảo vệ và thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

2. Góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động kinh doanh, trước hết là việc chấp hành chế độ đăng ký và đăng ký lại kinh doanh, chế độ sổ sách, chứng từ hoá đơn, chống thất thu ngân sách Nhà nước.

3. Thực hiện việc tổng kiểm tra một cách có kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm, không gây ảnh hưởng đến lưu thông hàng hoá và tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

4. Các đơn vị kinh doanh ngành Thương mại không buôn lậu, không tiếp tay cho buôn lậu, không kinh doanh hàng nhập lậu trên thị trường.

II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC VỤ, CỤC CHỨC NĂNG VÀ CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG NGÀNH

Bộ Thương mại yêu cầu các Vụ, Cục, Ban thuộc Bộ, các Sở Thương mại, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố và thủ trưởng các đơn vị kinh doanh trong ngành, quán triệt sâu sắc Nghị quyết 85/CP-m của Chính phủ, Chỉ thị 853/1997/CT-TTg ngày 11-10-1997 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch về chống buôn lậu và thực hiện tốt các việc sau:

1. Các cơ quan thuộc Bộ:

1.1. Vụ Xuất nhập khẩu:

- Rà soát lại các quy định về cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu đã ban hành cho phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ, không để bọn buôn lậu lợi dụng cơ chế để buôn lậu, gian lận thương mại.

- Soát xét lại việc cấp hạn ngạch xuất nhập khẩu sao cho phù hợp với nhu cầu sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp và đảm bảo ổn định thị trường, ưu tiên cho phát triển sản xuất trong nước.

- Vụ Xuất nhập khẩu chủ trì cùng Vụ Châu á - Thái Bình Dương và các Cục, Vụ liên quan hoàn chỉnh lại dự thảo Quy chế buôn bán qua biên giới Việt - Trung để ban hành.

- Có kế hoạch cụ thể rà soát lại quy định về tạm nhập - tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh.

- Phối hợp với Hải quan xem xét lại các quy định đối với những hàng hoá, phương tiện của các cơ quan, tổ chức người nước ngoài đưa vào Việt Nam sử dụng hết thời hạn phải tái xuất; hàng phi mậu dịch; quy chế kho ngoại quan... để góp phần chống buôn lậu.

1.2. Vụ Đầu tư:

- Soát xét lại tình hình thực hiện giấy phép của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hoá.

- Rà soát lại những quy định về cơ chế, chính sách và tình hình thực hiện của các doanh nghiệp trong lĩnh vực gia công hàng xuất khẩu; việc tạm nhập tái xuất máy móc thiết bị để sản xuất hàng gia công; tỷ lệ nhập nguyên, phụ liệu cho sản xuất, và tái xuất hàng gia công của các doanh nghiệp.

1.3. Vụ Tài chính kế toán:

Chủ trì phối hợp với Thanh tra Bộ, Cục Quản lý thị trường và các Vụ liên quan có kế hoạch và biện pháp tổng kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động thương mại trực thuộc Bộ về thu chi tài chính và hạch toán kế toán có liên quan đến hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Trước hết kiểm tra ngay các doanh nghiệp, cửa hàng, quầy hàng có dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại, tiêu thụ hàng ngoại không đầy đủ hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

1.4. Vụ Chính sách thị trường trong nước:

- Sớm hoàn chỉnh Quy chế chợ biên giới để ban hành.

- Phối hợp với Vụ Tài chính - kế toán và các Vụ, Cục thuộc cơ quan Bộ trong việc chống buôn lậu.

1.5. Vụ Châu á - Thái Bình Dương

Cùng Vụ Xuất nhập khẩu hoàn chỉnh Quy chế buôn bán qua biên giới Việt - Trung và cùng Vụ Chính sách thị trường trong nước hoàn chỉnh Quy chế chợ biên giới để ban hành.

Các Vụ Xuất nhập khẩu, Đầu tư, Tài chính kế toán, Thị trường trong và ngoài nước phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường trong việc kiểm tra và phát hiện các vụ việc buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu và gian lận thương mại.

1.6- Vụ Pháp chế và các Vụ Thị trường ngoài nước:

Có biện pháp theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của các Văn phòng đại diện, Chi nhánh Công ty nước ngoài đặt trên lãnh thổ Việt Nam, phát hiện và ngăn ngừa các hoạt động trái luật pháp Việt Nam.

1.7- Báo Thương mại, Truyền hình Thương mại:

Kết hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường và các đơn vị trong ngành thường xuyên có bài, tin tuyên truyền về công tác kiểm tra đăng ký kinh doanh và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

1.8- Các Vụ, Cục khác:

Chủ động đề xuất ý kiến với lãnh đạo Bộ về cơ chế, chính sách nhằm góp phần vào việc chống buôn lậu.

1.9- Cục Quản lý thị trường:

- Phối hợp với các Vụ, Cục chức năng thuộc cơ quan bộ rà soát lại các văn bản hiện hành về cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu và chế độ thu chi tài chính, hạch toán kế toán... để phục vụ cho công tác kiểm tra, kiếm soát, ngăn ngừa hàng nhập lậu.

- Có kế hoạch cụ thể chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố quán triệt và thực hiện tốt nghị quyết của Chính phủ và Thông tư liên tịch về chống buôn lậu. Tổ chức hội nghị phổ biến Thông tư liên tịch tới tất cả các Sở Thương mại, các Chi cục Quản lý thị trường.

- Cử cán bộ về các tỉnh, các địa bản trọng điểm để trực tiếp nắm tình hình và hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện kế hoạch này. Tổ chức chỉ đạo thí điểm từ 2 dến 3 tỉnh trọng điểm về chống buôn lậu để rút kinh nghiệm phổ biến cho các Chi cục thực hiện.

- Làm đầu mối giúp lãnh đạo Bộ kiểm tra, đôn đốc các ngành và các địa phương hoàn thành việc đăng ký và đăng ký lại kinh doanh theo tinh thần Chỉ thị 657/TTg ngày 13-9-1996 của Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nội vụ, Tài chính, Hải quan trong việc tổng hợp tình hình, kiểm tra đôn đốc các tỉnh, thành phố triển khai nhanh và thực hiện có kết quả việc chống buôn lậu, gian lận thương mại.

2. Ở địa phương:

2.1- Sở Thương mại các tỉnh, thành phố:

Theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là tỉnh), Sở Thương mại có trách nhiệm:

- Lập kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 85/CP-m của Chính phủ, Chỉ thị số 853/1997/CT-TTg ngày 11-10-1997 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 07/1997/TTLB-BTM-BNV-BTC-TCHQ phù hợp với tình hình địa phương, quán triệt chủ trương chính sách của Nhà nước đến tận các cơ sở kinh doanh thương mại thuộc các thành phần kinh tế kể cả các đơn vị kinh doanh của Công an, Quân đội, đơn vị kinh tế Đảng, đoàn thể trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật và chủ trương chống buôn lậu.

- Thường trực giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh phối hợp với các ngành: Tài chính, Thuế, Hải quan, Công an chỉ đạo đôn đốc các quận, huyện tuyên truyền phổ biến đến mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh nghiêm túc chấp hành chế độ chính sách của Nhà nước:

+ Chấp hành chế độ đăng ký kinh doanh.

+ Thực hiện kinh doanh đúng nội dung, mặt hàng, địa điểm đã đăng ký.

+ Mở sổ sách kế toán, ghi chép đầy đủ, kịp thời, phản ánh đúng quá trình hoạt động kinh doanh của mình.

+ Khi bán hàng phải viết hoá đơn cho khách hàng đúng quy định.

+ Không kinh doanh hàng cấm nhập khẩu; hàng nhập khẩu không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

- Các cơ sở kinh doanh viết cam kết thực hiện các nội dung nêu trên, đặc biệt các đơn vị trực thuộc Sở quản lý.

Theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Thương mại phối hợp với các ngành tổng kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trực thuộc về hoạt động kinh doanh, chế độ thu chi tài chính, hạch toán kế toán. Trước hết, kiểm tra ngay các đơn vị có dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại và buôn bán hàng nhập lậu.

- Thường xuyên thông báo kịp thời chính sách mặt hàng cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế biết để thực hiện.

2.2- Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố:

Điều tra nắm vững tình hình hàng nhập lậu đang lưu thông ở địa phương mình để lập kế hoạch trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt; chủ động phối hợp với các ngành Công an, Thuế, Quân đội tổ chức chống hàng nhập lậu đang lưu thông trên thị trường:

a) Chống hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu vào địa phương mình. Đây là khâu hết sức quan trọng của công tác chống buôn lậu. Nếu không ngăn chặn được hàng từ biên giới, từ các cửa khẩu vào thì khi hàng nhập lậu đã phân tán ra thị trường việc truy tìm nguồn gốc hàng hoá rất khó khăn, phức tạp và tốn nhiều công sức. Chi cục phải phối hợp tốt với Công an, Hải quan, Đường sắt, Bưu điện... chủ động nắm chắc địa bàn, đối tượng, tổ chức lực lượng điều tra trinh sát để kiểm soát chặt chẽ các luồng hàng hoá đang vận động, bắt trúng các đầu nậu, các đường dây buôn lậu quan trọng, các lô hàng lậu lớn.

b. Chống hàng nhập lậu lưu thông, bầy bán trên thị trường:

- Trọng tâm là kiểm tra các cửa hàng bán buôn, bán lẻ, kinh doanh hàng nhập khẩu. Cần làm tốt việc tổ chức trinh sát nắm chắc tình hình:

+ Đối tượng kinh doanh hàng nhập khẩu.

+ Phát hiện các kho hàng, tụ điểm chứa chấp hàng nhập lậu, các điểm phát luồng hàng nhập lậu.

+ Các tuyến đường thường có phương tiện vận chuyển hàng nhập lậu.

+ Các thủ đoạn và quy luật hoạt động của các đường dây buôn lậu.

- Chi cục Quản lý thị trường chủ trì phối hợp với Công an, Thuế vụ cùng Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tiến hành một đợt kiểm tra hàng hoá nhập khẩu đang lưu thông trên thị trường không có nguồn gốc rõ ràng. Trước mắt tập trung vào các mặt hàng ghi ở điểm 2.2 mục B phần III của Thông tư liên tịch.

- Tập trung kiểm tra những cơ sở kinh doanh hàng nhập khẩu có quy mô lớn, các trung tâm, tụ điểm thương mại lớn, gắn công tác kiểm tra đăng ký kinh doanh và đăng ký lại kinh doanh theo Chỉ thị 657-TTg với việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng nhập khẩu.

c) Phối hợp với cơ quan thuế tiến hành tổ chức việc kê khai hàng hoá nhập khẩu thuộc diện phải dán tem hàng nhập khẩu và thực hiện việc dán tem theo quy định.

3. Các đơn vị kinh doanh trong ngành:

- Bất kể đơn vị đó thuộc Trung ương hay địa phương đều có trách nhiệm quán triệt Nghị quyết 85/CP-m của Chính phủ, Chỉ thị số 853/1997/CT-TTg ngày 11-10-1997 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch về chống buôn lậu. Thủ trưởng các đơn vị kinh doanh có trách nhiệm phổ biến nội dung Chỉ thị và Thông tư này tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tới cán bộ, nhân viên do đơn vị mình phụ trách. Đồng thời, thủ trưởng đơn vị phải liên đới chịu trách nhiệm nếu cán bộ công nhân viên dưới quyền có những hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu.

- Các đơn vị, các phòng ban trực thuộc có bản cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu; không gian lận trong kê khai hàng hoá xuất nhập khẩu và không tham gia tiếp tay buôn lậu dưới mọi hình thức. Nếu các cơ quan kiểm tra, kiểm soát phát hiện có những hành vi buôn lậu hoặc tiếp tay buôn lậu, gian lận thương mại sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

- Có những biện pháp ngăn ngừa, xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với cán bộ, công nhân viên do mình phụ trách có những hành vi buôn lậu và tiếp tay buôn lậu.

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát nếu đơn vị, cá nhân của đơn vị mình có dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng nhập lậu. Làm rõ những hoạt động kinh doanh, chế độ thu chi tài chính, hạch toán kế toán của đơn vị khi cơ quan kiểm tra, kiểm soát yêu cầu theo Chỉ thị số 853/1997/CT-TTg ngày 11-10-1997 của Thủ tướng Chính phủ.

III - ĐỐI TƯỢNG VÀ NỘI DUNG KIỂM TRA

1. Đối tượng kiểm tra:

1.1- Hàng nhập khẩu của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế đang bầy bán tại cửa hàng, cửa hiệu, đang cất giữ trong kho, đang vận chuyển trên đường nếu có dấu hiệu hàng nhập lậu.

1.2- Các phương tiện viện tải có dấu hiệu vận chuyển hàng lậu như quy định tại điểm 2 phần II Thông tư liên tịch.

- Từ nay đến hết quý I năm 1998 mở đợt tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các địa bàn, các tụ điểm tập trung nhiều hàng hoá có dấu hiệu nhập lậu.

2- Nội dung kiểm tra:

Căn cứ điểm 3.2 mục 3 phần II Thông tư liên tịch, việc kiểm tra tập trung vào một số nội dung sau:

2.1- Kiểm tra việc chấp hành chế độ đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo tinh thần Chỉ thị 657-TTg ngày 13-9-1996 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

- Đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có giấy phép kinh doanh hoặc chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chưa có giấy phép kinh doanh.

- Kinh doanh đúng hoặc không đúng nội dung đã đăng ký về ngành hàng, mặt hàng và địa điểm kinh doanh.

2.2- Kiểm tra hoá đơn, chứng từ hàng nhập khẩu đang kinh doanh gồm:

- Có hoặc không có hoá đơn, chứng từ của hàng nhập khẩu đang kinh doanh.

- Tính hợp pháp của hoá đơn, chứng từ hàng nhập khẩu (bao gồm cả chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu) theo quy định của Nhà nước.

- Số lượng, chủng loại, xuất xứ của hàng hoá nhập khẩu đang kinh doanh so với hoá đơn, chứng từ kèm theo.

2.3- Đối với hàng nhập khẩu đang vận chuyển trên đường (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường bưu điện...): chỉ được tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu nhập lậu và thực hiện chủ yếu ở nơi xuất phát, nơi đến. Trường hợp có căn cứ để nhận định rằng trên phương tiện đó có vận chuyển hàng nhập lậu thì phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông để kiểm tra theo quy định tại khoản 4 điểm 3.2 phần II Thông tư liên tịch.

3. Mặt hàng kiểm tra:

Căn cứ quy định tại điểm 2.2, mục B, phần III Thông tư liên tịch số 07/1997/TTLT-BTM-BNV-BTC-TCHQ ngày 21-10-1997 và tình hình thực tế của từng địa bàn, các địa phương xác định cụ thể mặt hàng cần tiến hành tập trung kiểm tra.

4. Xử lý vi phạm:

4.1- Căn cứ điểm 3.3 phần III Thông tư liên tịch hướng dẫn việc xử lý vi phạm để thực hiện.

4.2. Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6-7-1995 và các Nghị định của Chính phủ quy dịnh việc xử lý vi phạm trong từng lĩnh vực quản lý Nhà nước để xác định hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt.

4.3. Những vụ việc vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Việc kiểm tra, xử lý đối với hàng nhập lậu lưu thông trên thị trường nội địa là công việc phức tạp, cần có sự chỉ đạo tập trung của các cấp chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng liên quan. Trường hợp cần thiết, địa phương có thể thành lập lực lượng phối hợp kiểm tra, kiểm soát do Quản lý thị trường chủ trì.

2. Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện ngay một số việc như Thông tư liên tịch đã quy định và từ 1-12-1997 tiến hành ngay việc kiểm tra đồng loạt các quầy hàng, cửa hàng kinh doanh hàng nhập khẩu có dấu hiệu hàng nhập lậu trên từng địa phương.

3. Khi tiến hành kiểm tra, xử lý hàng nhập lậu lưu thông trên thị trường nội địa, lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng kiểm tra, kiểm soát khác phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm tra, khám xét hàng hoá, phương tiện vi phạm, xử lý vi phạm.

4. Sở Thương mại và Chi cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các báo, Đài ở Trung ương và địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng, có kế hoạch triển khai tuyên truyền thường xuyên nhiệm vụ này; phối hợp với các tổ chức đoàn thể quần chúng và Mặt trận tổ quốc Việt Nam làm tốt công tác tuyên truyền, vận động toàn dân không buôn lậu, không tiếp tay cho buôn lậu và giúp đỡ các lực lượng chống buôn lậu.

5. Trong đợt tổng kiểm tra này, các Sở Thương mại, các Chi cục Quản lý thị trường thường xuyên và định kỳ 10 ngày 1 lần vào các ngày 10, 20, 30 hàng tháng báo cáo tình hình triển khai về Bộ Thương mại (Cục Quản lý thị trường) để kịp thời chỉ đạo và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

 

Đỗ Như Đính

(Đã ký)