TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 92/KHXX | Hà Nội, ngày 08 tháng 8 năm 1997 |
CÔNG VĂN
CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 92/KHXX NGÀY 8 THÁNG 8 NĂM 1997 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Kính gửi: Các Toà án nhân dân các cấp
Để xác định đúng thẩm quyền của Toà án nhân dân trong việc giải quyết các tranh cấp quyển sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật đất đai năm 1993, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục địa chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/TTLT ngày 28/7/1997 "Hướng dẫn về thẩm quyền của Toà án nhân dân trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Đất đai năm 1993" (sau đây gọi tắt là Thông tư). Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/8/1997.
Như vậy, kể từ ngày 15/8/1997, các Toà án nhân dân các cấp căn cứ vào các hướng dẫn tại Thông tư này để thụ lý và giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Để thống nhất cách hiểu và áp dụng đúng tinh thần các hướng dẫn tại Thông tư này, Toà án nhân dân tối cao lưu ý các Toà án nhân dân các cấp một số điểm như sau:
1. Trong trường hợp người khởi kiện nộp đơn khởi kiện chỉ yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất (kể cả đất có tài sản mà họ không tranh chấp tài sản), thì trước khi thụ lý, Toà án phải yêu cầu người khởi kiện xuất trình giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 1993 (bìa đỏ) hoặc giấy xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn... nơi có đất (là đối tượng tranh chấp quyền sử dụng đất) về việc đất đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 1993 (bìa đỏ). Chỉ sau khi có một trong hai loại giấy nêu trên để xác định chắc chắn là đối với đất đó (đang là đối tượng tranh chấp) đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 1993 (bìa đỏ), thì Toà án mới thụ lý để giải quyết theo thẩm quyền như đã được hướng dẫn tại khoản 1 phần I Thông tư. Nếu đương sự không xuất trình được một trong hai loại giấy nêu trên, thì Toà án không thụ lý để giải quyết, trừ trường hợp họ thay đổi yêu cầu thành việc tranh chấp tài sản gắn liền với việc sử dụng đất.
2. Trong trường hợp người khởi kiện nộp đơn khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp về tài sản gắn liền với việc sử dụng đất hoặc họ thay đổi yêu cầu thành việc tranh chấp tài sản gắn liền với việc sử dụng đất như đã nêu ở trên, thì về nguyên tắc, Toà án phải thụ lý để giải quyết tranh chấp tài sản. Tuy nhiên, để giải quyết cả tranh chấp quyền sử dụng đất theo yêu cầu của người khởi kiện và để không ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ kiện, thì trước khi thụ lý, Toà án phải yêu cầu người khởi kiện xuất trình giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai năm 1993 (bìa đỏ) hoặc giấy xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền về việc sử dụng đất đó thuộc trường hợp nào trong các trường hợp đã được nêu tại các điểm a, b, c khoản 2 phần I Thông tư. Nếu người khởi kiện chưa có một trong các loại giấy nêu trên, Toà án cần giải thích cho họ để họ đến Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xin giấy xác nhận việc sử dụng đất (là đối tượng tranh chấp) thuộc trường hợp nào trong các trường hợp được nêu trong các điểm a, b, c khoản 2 phần I Thông tư.
Đối với những vụ tranh chấp tài sản gắn liền với việc sử dụng đất mà Toà án đã thụ lý, thì Toà án có thể làm văn bản yêu cầu Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất của đương sự theo hướng dẫn tại khoản 2 phần II Thông tư.
Tuỳ thuộc nội dung xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền mà Toà án giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất theo hướng dẫn tại các điểm a, b, khoản 2 phần II Thông tư hoặc không giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất mà chỉ giải quyết tranh chấp tài sản theo hướng dẫn tại điểm c khoản 2 phần I Thông tư.
Trong quá trình thực hiện Thông tư và hướng dẫn tại Công văn này, nếu có gì vướng mắc hoặc phát hiện những vấn đề mới phát sinh, thì cần báo cáo bằng văn bản cho Toà án nhân dân tối cao để có hướng dẫn kịp thời.
| Trịnh Hồng Dương (Đã ký) |