cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Công văn về việc triển khai áp dụng hệ thống chế độ kế toán hành chính sự nghiệp

  • Số hiệu văn bản: 69-TC/CĐKT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 07-01-1997
  • Ngày có hiệu lực: 07-01-1997
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 69-TC/CĐKT

Hà Nội, ngày 07 tháng 1 năm 1997

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 69 TC/CĐKT NGÀY 7 THÁNG 1 NĂM 1997 VỀ VIỆC THÔNG BÁO SỐ 1 VỀ TRIỂN KHAI KẾ TOÁN HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ
- Cơ quan Trung ương của các tổ chức Đoàn thể
- Uỷ ban nhân dân và Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 

Bộ Tài chính (Ban chỉ đạo cải cách kế toán Trung ương) thông báo tình hình và kết quả triển khai áp dụng hệ thống chế độ kế toán hành chính sự nghiệp mới (ban hành kèm theo Quyết định số 999 TC/QĐ/CĐKT ngày 2/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) cho đến những ngày đầu tháng 1/1997 như sau:

I. NHỮNG CÔNG VIỆC ĐÃ LÀM VÀ KẾT QUẢ:

Trong 2 ngày 9,10/12/1996, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị tập huấn Hệ thống chế độ kế toán hành chính sự nghiệp mới cho trên 500 cán bộ tài chính kế toán của các Bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể ở Trung ương và các địa phương về quan điểm cải cách và những nội dung cơ bản của Hệ thống chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Nhiều Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương đã khẩn trương triển khai các công việc để sớm đưa Hệ thống chế độ kế toán mới vào áp dụng trong thực tế.

Tổng hợp sơ bộ các báo cáo đến ngày 5/1/1997:

1. Đã có một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức đoàn thể ở Trung ương và các địa phương thành lập xong Ban chỉ đạo triển khai kế toán hành chính sự nghiệp. Trưởng ban chỉ đạo là lãnh đạo vụ (ban) Tài chính - kế toán và lãnh đạo Sở Tài chính. ở một số Bộ, cơ quan ngang Bộ đã cử Thứ trưởng, Tổng cục Phó (như Bộ Tư pháp, Bộ Y tế,...), ở một số địa phương giao nhiệm vụ cho Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm trưởng ban chỉ đạo. Thành phần tham gia Ban chỉ đạo được bố trí theo đúng tinh thần Công văn số 3941 TC/VP ngày 2/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Các Ban chỉ đạo đã khẩn trưởng hoạt động có hiệu quả.

Cho đến nay còn nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tổ chức đoàn thể ở Trung ương và phần lớn các địa phương chưa có báo cáo về việc thành lập và hoạt động của Ban chỉ đạo.

2. Công tác nghiên cứu, cụ thể hoá và tập huấn đã được triển khai khẩn trương và có chất lượng.

- Một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức đoàn thể đã khẩn trương tổ chức nghiên cứu, trao đổi, cụ thể hoá cho phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức của mình. Bộ Tài chính đã xem xét và cho phép một số Bộ, ngành (như: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Ban Tài chính quản trị Trung ương Đảng, Tổng cục Hải quan, Uỷ ban quốc gia dân số - kế hoạch hoá gia đình, cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cục dự trữ quốc gia...) được phép vận dụng theo hướng cụ thể hoá Hệ thống chế độ kế toán chung vào điều kiện cụ thể của mình.

- Việc huấn luyện nghiệp vụ kế toán mới đã được tiến hành khẩn trương không chỉ cho cán bộ kế toán mà còn cho cả cán bộ lãnh đạo, chủ tài khoản và cán bộ quản lý. Một số địa phương đã có kế hoạch triển khai hết sức tích cực, kịp thời tổ chức tập huấn ngay sau Hội nghị tập huấn của Bộ Tài chính (trước ngày 20/12/1996) như: các thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, các tỉnh Hoà Bình, Đồng Tháp, Sông Bé. Cho đến nay (5/1/1997) khá nhiều bộ, ngành và địa phương cũng đã tổ chức tập huấn cho cán bộ kế toán toàn ngành, địa phương, đó là các Bộ: Giáo dục, Quốc phòng, Thương mại, Tư pháp. Các Tổng cục Hải quan, Thể dục Thể thao; Các cơ quan và tổ chức như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Trong đó, Bộ Tư pháp đã chủ động triển khai, từ việc nghiên cứu vận dụng, chuẩn bị tài liệu (cụ thể, chi tiết phù hợp với đặc điểm hoạt động của ngành), tổ chức 3 Hội nghị ở 3 miền trong tháng 1/1997 để tập huấn cho trên 900 cán bộ kế toán của toàn ngành (từ Trung ương đến cấp huyện).

Theo báo cáo chưa đầy đủ, toàn quốc đã có trên 5.000 lượt cán bộ được huấn luyện kế toán mới.

Theo báo cáo sơ bộ, một số Bộ, ngành, địa phương khác cũng sẽ triển khai việc tập huấn trong nửa đầu tháng 1/1997, như: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, ban Tài chính quản trị Trung ương Đảng, Uỷ ban khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Bộ Y tế, Uỷ ban quốc gia dân số và kế hoạch hoá gia đình, Nghệ An...

Tuy nhiên cho đến nay còn khá nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa có báo cáo tình hình triển khai công tác nghiên cứu, cụ thể hoá và tập huấn của Bộ, ngành, địa phương mình cho Ban chỉ đạo cải cách kế toán Trung ương, trong đó có một số Bộ, ngành và địa phương lớn, như: Bộ Văn hoá, Bộ Ngoại giao, thành phố Hà Nội, Cần Thơ, Thanh Hoá, Đồng Nai,...

Các trường đại học, Trung học Kinh tế - Tài chính - Kế toán Trung ương cũng như địa phương đã tích cực tham gia triển khai tập huấn kế toán mới.

3. Các Bộ, ngành và địa phương đang tích cực hướng dẫn và các đơn vị cơ sở đang khẩn trương khoá sổ kế toán năm 1996 và thực hiện việc mở sổ, chuyển sổ, ghi chép theo hệ thống kế toán mới.

II. NHỮNG CÔNG VIỆC PHẢI LÀM TRONG THỜI GIAN TỚI

Để đảm bảo nắm và chỉ đạo kịp thời việc triển khai hệ thống kế toán mới, Bộ Tài chính quy định chế độ báo cáo tiến độ định kỳ (bằng văn bản) cho tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức đoàn thể và các địa phương một tháng 2 lần (vào ngày 1 và 15 hàng tháng) (Riêng các Bộ, ngành và địa phương chưa nộp báo cáo lần nào thì phải làm và nộp ngay báo cáo cho Bộ Tài chính). Nội dung của báo cáo tập trung vào những việc làm cụ thể (đã làm được, đang làm và sẽ làm) như hướng dẫn của Bộ Tài chính (Công văn số 3941 TC/VP ngày 2/11/1996). Cụ thể là:

1. Tình hình hoạt động của Ban chỉ đạo triển khai kế toán hành chính sự nghiệp (Danh sách, điện thoại liên hệ của Trưởng, Phó ban; phân công, phân nhiệm; công việc đã làm;...)

2. Tình hình nghiên cứu, vận dụng, cụ thể hoá vào điều kiện cụ thể của Bộ, ngành, địa phương.

3. Tình hình tập huấn, chỉ đạo triển khai áp dụng.

4. Những vướng mắc, kiến nghị về kế toán và chế độ quản lý tài chính.

5. Những khó khăn trong việc tập huấn, chỉ đạo...

Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chấp hành nghiêm chỉnh quy định về báo cáo tiến độ định kỳ nêu trên. Có gì khó khăn, vướng mắc cần kịp thời báo cáo về Ban chỉ đạo cải cách kế toán Trung ương (Vụ Chế độ kế toán - 8 Phan Huy Chú - Hà Nội) để có biện pháp giải quyết kịp thời.

 

Vũ Mộng Giao

(Đã ký)