TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 98-TCHQ/TC | Hà Nội, ngày 19 tháng 2 năm 1992 |
CÔNG VĂN
CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 98-TCHQ/TC NGÀY 19 THÁNG 2 NĂM 1992 HƯỚNG DẪN THU NỘP LỆ PHÍ HẢI QUAN
Kính gửi: Các đơn vị Hải quan thành phố, tỉnh, các Vụ, Cục trực thuộc Tổng cục Hải quan
Căn cứ Thông tư liên Bộ số 1010-BTC-TCHQ ngày 31 tháng 12 năm 1991 của Bộ Tài chính - Tổng cục Hải quan quy định mức thu và việc sử dụng các loại lệ phí hải quan.
Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện cụ thể như sau:
I - CÁCH TÍNH CÁC LOẠI LỆ PHÍ:
1. Lệ phí lưu kho hải quan:
a. Thời gian tính lưu kho: Từ ngày nhập kho các loại hàng hoá, hành lý, kim khí, đá quý, ngoại tệ và vật phẩm khác v.v... tạm gửi vào kho hải quan cho đến lúc xuất kho để làm thủ tục hải quan hoặc thực hiện theo quyết định xử lý. Đối với các vụ phạm pháp hải quan phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ, tang vật phạm pháp phải thanh toán tiền lưu kho hải quan. Nếu hàng hoá, tang vật phải di lý thì đơn vị nhận hàng di lý phải nộp khoản tiền lưu kho hải quan.
b. Những loại hàng lưu kho hải quan chưa có quy định trong thông tư thì căn cứ vào các loại hàng tương ứng vận dụng mức thu cho phù hợp, nếu hàng đơn chiếc, rời trị giá dưới 100.000đ/chiếc tính lưu kho mỗi ngày 1000đ/chiếc. Nếu trị giá từ 100.000đ,000 trở lên thu lệ phí 2.000đ/1 chiếc.
Trường hợp lưu kho từ ba tháng trở lên, số tiền lưu kho tương đương với giá trị hàng hoá đó, nếu chủ hàng làm đơn đề nghị giảm lệ phí lưu kho thì giám đốc Hải quan tỉnh, thành phố, Vụ, Cục xem xét cụ thể, có thể giảm một phần, nhưng mức tối đa giảm không quá 50% số lệ phí lưu kho phải nộp.
Trường hợp lưu kho 6 tháng trở lên, hải quan đã thông báo 3 lần mà chủ hàng không đến làm thủ tục thì được thanh lý theo Pháp lệnh Hải quan.
c. Những hàng hoá, hành lý lưu kho nhưng lỗi thuộc về hải quan thì không thu lệ phí lưu kho.
2. Lệ phí làm thủ tục hải quan tại các địa điểm ở nội địa, ngoài khu vực cửa khẩu: Theo yêu cầu của chủ hàng được hải quan tỉnh, thành phố cho phép.
a. Những hàng hoá, chủ hàng thấy việc làm thủ tục kiểm hoá tại cửa khẩu không thuận tiện, thì chủ hàng làm đơn đề nghị đưa về kho riêng hoặc một địa điểm khác ngoài khu vực cửa khẩu, khi được hải quan tỉnh, thành phố đồng ý thì đơn vị nào làm thủ tục kiểm hoá sẽ thu khoản lệ phí làm thủ tục hải quan.
b. Mức thu đã quy định tại điểm b.1 (mục 2) Thông tư liên Bộ.
Cách tính: Ví dụ chủ hàng có 100 kiện hàng quần áo mỗi kiện dưới 1m3, hải quan tỉnh đồng ý cho đưa về kho riêng kiểm hoá, như vậy số tiền lệ phí làm thủ tục phải thu: 100 kiện x 2.500đ,00 = 250.000đ,00.
Việc kiểm đại diện hoặc kiểm hoá toàn bộ do nghiệp vụ kiểm hoá quyết định. Lệ phí làm thủ tục vẫn căn cứ vào số lượng, khối lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu...
c. Hàng hoá làm thủ tục tại cửa khẩu không thu lệ phí.
2B. Lệ phí giám sát hàng hoá.
a. Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để trong kho cảng, sân bay, đường sắt, bưu điện hoặc nhận trực tiếp từ tàu, chủ hàng phải nộp cho Hải quan, tiền lệ phí giám sát.
b. Mức thu lệ phí giám sát hàng hoá tính theo trọng lượng hàng hoá (không tính theo thời gian) mỗi tấn hàng, thu lệ phí 10.000đ,000. Khoản tiền lệ phí giám sát hàng hoá chỉ thu một lần khi chủ hàng làm thủ tục hải quan.
3. Lệ phí áp tải, niêm phong, cặp chì:
A. Lệ phí áp tải:
a. Hàng hoá, hành lý, phương tiện vận tải thực hiện chế độ áp tải đều phải nộp lệ phí áp tải.
b. Căn cứ vào phương tiện vận chuyển và quãng đường để tính lệ phí áp tải theo mức đã quy định tại điểm b, mục 3 Thông tư Liên Bộ.
Thí dụ: Hải quan Hải Phòng cử một số cán bộ áp tải 10 ôtô hàng nhập khẩu về Hà Nội với quãng đường 105km. Như vậy lệ phí áp tải Hải quan Hải Phòng thu 100.000đ/ôtô x 10 ôtô = 1.000.000đ,00.
B. Lệ phí niêm phong, cặp chì
a. Đối với hàng hoá, hành lý phải thực hiện niêm phong bằng giấy hoặc niêm phong bằng cặp chì đều phải nộp khoản lệ phí niêm phong cặp chì.
b. Mức thu đã được quy định tại điểm b.2 mục 3 Thông tư liên Bộ: Mỗi một niêm phong bằng giấy hoặc cặp chì 2.500đ,00 đối với chủ hàng Việt Nam, 0,5 USD đối với chủ hàng nước ngoài và Việt kiều.
Số lượng niêm phong, cặp chì tuỳ theo mức độ cần thiết, nhưng đối với các túi, các kiện hàng hoá dưới 1m3 chỉ thu 2.500đ,000 hoặc 0,5 USD.
Các loại hàng cồng kềnh, khối lượng to hoặc phương tiện lớn dù phải dùng nhiều niêm phong nhưng mỗi phương tiện chỉ thu tối đa 10.000đ hoặc 2 USD.
c. Trường hợp các vật phẩm nhỏ số lượng nhiều, phải niêm phong từng chiếc, sau đó bỏ vào túi hoặc kiện rồi niêm phong túi, kiện thì lệ phí niêm phong chỉ thu tối đa 10.000đ,00 và một kiện hoặc một túi.
Ví dụ: Một ô tô hàng đã thực hiện 2 cặp chì thì thu lệ phí niêm phong 2 x 2.500 đ = 5.000đ,00 cũng ô tô tương tự phải niêm phong 8 cặp chì, nhưng lệ phí niêm phong cặp chì chỉ được thu 10.000đ,00.
4. Lệ phí hàng hoá, phương tiện quá cảnh, mượn đường Việt Nam, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác cho nước ngoài.
a. Tất cả hàng hoá, phương tiện quá cảnh, mượn đường, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác dù có áp tải hoặc không áp tải đều thu lệ phí mượn đường.
b. Căn cứ vào số lượng phương tiện vận tải và quãng đường đã quy định tại điểm b mục 4 Thông tư liên Bộ.
Thí dụ: Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu cử cán bộ áp tải 10 ô tô chở hàng quá cảnh của Cămpuchia từ Vũng Tàu đến An Giang với quãng đường 500km.
- Lệ phí mượn đường hải quan qua Vũng Tàu phải thu là
10 ô tô x 300.000đ,00 = 3.000.000đ,00.
- Lệ phí áp tải:
10 ô tô x 150.000đ,00 = 1.500.000đ,00
Cộng: 4.500.000đ,00
Nếu không thực hiện áp tải thì chỉ thu khoản lệ phí mượn đường quá cảnh và lệ phí niêm phong cặp chì.
Lệ phí hàng hoá, phương tiện vận tải quá cảnh, mượn đường hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác phải nộp một lần cho hải quan cửa khẩu trước lúc làm thủ tục hải quan.
5. Lệ phí hàng hoá, hành lý yêu cầu xác nhận lại chứng từ:
a. Tất cả những giấy tờ, chứng từ đề nghị hải quan xác nhận lại người có yêu cầu phải có đơn đề nghị và nói rõ lý do.
- Các loại chứng từ yêu cầu xác nhận lại, hải quan tỉnh, thành phố xác nhận, ký tên đóng dấu mới có giá trị.
b. Mỗi loại giấy tờ đề nghị hải quan xác nhận phải nộp lệ phí 10.000đ,00 đối với chủ hàng Việt Nam và 2 USD đối với chủ hàng nước ngoài.
Trước lúc hải quan tỉnh xác nhận, người đề nghị xác nhận lại chứng từ phải xác nhận lại biên lai thu lệ phí do cửa khẩu hoặc phòng nghiệp vụ đã thu tiền.
6. Trong các trường hợp có sự thoả thuận giữa Chính phủ ta với nước ngoài thì các khoản lệ phí quy định trong Thông tư Liên Bộ được thực hiện theo sự thoả thuận đó.
Tổng cục Hải quan sẽ hướng dẫn những đối tượng được ưu đãi để các đơn vị thực hiện.
II. THỦ TỤC THU, NỘP VÀ SỬ DỤNG LỆ PHÍ
1. Các khoản lệ phí nói trên thu bằng tiền Việt Nam (đối với chủ hàng Việt Nam) và đô la Mỹ (đối với chủ hàng nước ngoài và Việt kiều). Trước mắt dùng loại biên lai thu lệ phí của Tổng cục Hải quan phát hành để thu các khoản lệ phí nói trên căn cứ vào tờ khai và các giấy tờ đề nghị để tính lệ phí và lập biên lai thu lệ phí.
2. Các đơn vị thu lệ phí phải thực hiện ghi số S2 và biên lai thu lệ phí.
3. Số lệ phí các đơn vị cửa khẩu, đội trạm thu được bằng tiền Việt Nam chuyển về tài khoản tạm gửi của hải quan tỉnh, thành phố. Hải quan tỉnh, thành phố được trích 15% để sử dụng chi công tác phí cho cán bộ đi áp tải (tiền vé tàu, vé xe, nghỉ trọ, lưu trú).
Tiền tàu xe được thanh toán theo vé, tiền nghỉ trọ được thanh toán theo vé trọ của khách sạn bình thường.
Tiền lưu trú và phụ cấp đi đường được tính gấp 2 lần chế độ công tác phí hiện hành đối với cán bộ kiểm hoá tại các địa điểm nội địa (ngoài khu vực cửa khẩu) được phụ cấp 5.000đ/người ngày đi kiểm hoá.
Khi thanh toán phải có giấy công lệnh, vé tàu xe, vé nghỉ trọ và danh sách đi kiểm hoá phải có lãnh đạo đội, phòng xác nhận kiểm hoá lô hàng gì theo tờ khai số bao nhiêu, loại hàng gì, số lượng ấy, số tiền thu bằng tiền Việt Nam còn lại 85% chuyển nộp vào Tổng cục Hải quan tài khoản số 339- 404 Ngân hàng Công thương khu vực II Hai Bà Trưng Hà Nội để Tổng cục chuyển nộp ngân sách.
4. Số tiền lệ phí thu được bằng ngoại tệ USD các đơn vị nộp về hải quan tỉnh, thành phố và hải quan tỉnh, thành phố chuyển nộp 100% về tài khoản của Tổng cục Hải quan số 220-130-37-0192 Ngân hàng Ngoại thương Trung ương.
5. Chế độ báo cáo:
Định kỳ 10 ngày một lần các đơn vị cửa khẩu, đội trạm phòng trực tiếp thu lệ phí báo cáo về hải quan tỉnh (từ ngày 1 đến ngày 10, từ ngày 11 đến ngày 20, từ ngày 21 đến hết tháng).
Hàng tháng hải quan tỉnh tổng hợp báo cáo Tổng cục số thu lệ phí bằng tiền Việt Nam, bằng ngoại tệ.
- Số lệ phí để lại tỉnh bằng tiền Việt Nam bao nhiêu, số đã chi công tác phí bao nhiêu, bồi dưỡng kiểm hoá bao nhiêu, còn lại mua sắm dụng cụ, và phương tiện kiểm hoá bao nhiêu.
Số chuyển nộp Tổng cục phải báo cáo cụ thể từng uỷ nhiệm chi, ngày tháng và số tiền chuyển nộp.
III. MỘT SỐ ĐIỂM CẦN LƯU Ý:
1. Xuất phát từ tình hình thực tế, Nhà nước đã cho phép ngành Hải quan thu một số lệ phí để trang trải những nhu cầu cần thiết. Đó là sự quan tâm thiết thực của Nhà nước đối với ngành Hải quan.
Để việc thực hiện lệ phí đạt kết quả tốt Tổng cục yêu cầu các đồng chí lãnh đạo Hải quan địa phương chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ cụ thể là:
Lãnh đạo hải quan các cấp cần tăng cường trách nhiệm đối với khách hàng, đảm bảo an toàn hàng hoá và làm thủ tục nhanh chóng, chính xác, giải phóng hàng nhanh.
Đối với những phát sinh mới mà văn bản này chưa đề cập tới các đồng chí Giám đốc hải quan địa phương căn cứ vào chế độ, vào thực tế để giải quyết có lý có tình để khách hàng có thể chấp nhận mà Nhà nước không thất thu. Sau đó báo cáo về Tổng cục để cùng Bộ Tài chính bổ sung, sửa đổi kịp thời nếu xét thấy cần thiết.
Sau 6 tháng thực hiện thu lệ phí sẽ sơ kết rút kinh nghiệm nếu xét thấy có những điểm nào không phù hợp với thực tế. Tổng cục Hải quan cùng Bộ Tài chính sẽ thống nhất bổ sung sửa đổi.
3. Văn bản này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế cho các văn bản, điện trước đây về vấn đề này.
| Nguyễn Thanh (Đã ký) |