cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Công văn về việc kiểm soát hàng hoá trên đường giao thông

  • Số hiệu văn bản: 10/QLTT-TW
  • Loại văn bản: Công văn
  • Cơ quan ban hành: Ban Chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương
  • Ngày ban hành: 26-01-1991
  • Ngày có hiệu lực: 26-01-1991
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-05-2000
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3388 ngày (9 năm 3 tháng 13 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 06-05-2000
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 06-05-2000, Công văn về việc kiểm soát hàng hoá trên đường giao thông bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 669/2000/QĐ-BTM ngày 21/04/2000 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực ban hành bởi Bộ trưởng Bộ Thương mại”. Xem thêm Lược đồ.

BAN CHỈ ĐẠO QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TRUNG ƯƠNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/QLTT-TW
Về việc kiểm soát hàng hoá trên đường giao thông

Hà Nội, ngày 26 tháng 1 năm 1991

 

Kính gửi:

- Uỷ ban nhân dân
- Ban chỉ đạo Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.

 

Thời gian gần đây, một số nơi đã không chấp hành nghiêm túc Quyết định số 80-CT ngày 11 tháng 3 năm 1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc giải thể các trạm kiểm soát trên đường giao thông, tự lập ra các trạm cố định hoặc tổ lưu động kiểm soát và thu thuế đối với hàng hoá vận chuyển trên đường giao thông, gây cản trở cho lưu thông hàng hoá hợp pháp, làm thiệt hại tài sản cho chủ hàng và cho Nhà nước.

Để thi hành nghiêm chỉnh Quyết định số 80-CT và các công điện số 2640-PPLT ngày 30 tháng 12 năm 1989, số 216-PPLT ngày 20 tháng 1 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tạo Điều kiện cho việc mở rộng giao lưu hàng hoá, góp phần bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mùi, Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương yêu cầu Uỷ ban nhân dân và Ban chỉ đạo Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố, đặc khu:

1- Giải thể ngay các trạm kiểm soát và thu thuế trên các tuyến đường giao thông trên địa bàn địa phương được lập ra trái phép dưới mọi hình thức. Chỉ những trạm kiểm soát liên ngành ra cửa khẩu biên giới được Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương cho phép thành lập theo Chỉ thị 84-CT và 156-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mới được tồn tại.

2- Các lực lượng cảnh sát, quân cảnh kiểm soát trật tự an toàn giao thông phải theo đúng quy định của Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng, chỉ được dừng phương tiện để xử lý khi có dấu hiệu vi phạm luật lệ giao thông; không được tuỳ tiện kiểm soát, tạm giữ hàng hoá trên các phương tiện vận tải, không được dừng và giữ phương tiện vận tải để giúp các lực lượng kiểm tra khác kiểm soát hàng hoá trên phương tiện vận tải ấy một cách tuỳ tiện. Trong trường hợp có tài liệu chắc chắn trên một phương tiện nào đó chở hàng lậu, cần dừng xe đó để kiểm tra thì phải có lệnh của cấp công an có thẩm quyền mà Bộ Nội vụ đã quy định.

Trong những trường hợp đó, việc kiểm tra cũng phải thực hiện rất nhanh, gọn, không được để ùn tắc giao thông, cản trở lưu thông hàng hoá hợp pháp.

3- Việc kiểm soát và thu thuế, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm, kinh doanh trái phép, trốn thuế phải tiến hành tại gốc nơi sản xuất, nơi tập kết hàng, nơi xuất phát vận chuyển, giao nhận hàng. Không được tuỳ tiện dừng phương tiện vận chuyển trên đường để kiểm soát hàng hoá, kể cả khi phương tiện vận chuyển tạm dừng, chờ qua cầu phà hoặc sửa chữa dọc đường.

Thủ trưởng cơ quan kiểm tra và người trực tiếp kiểm tra chịu trách nhiệm pháp lý về quyết định kiểm tra của mình. Nếu tuỳ tiện kiểm tra để xẩy ra tổn thất tài sản cho chủ hàng và chủ phương tiện thì phải bồi thường.

Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương yêu cầu các Đội kiểm tra đặc biệt liên ngành thuộc Ban phối hợp với các địa phương kiểm tra việc lập trạm kiểm soát và thu thuế đối với hàng hoá vận chuyển trên đường giao thông theo tinh thần nói trên.

 

Vũ Trọng Nam

(Đã ký)