cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Công văn về việc triển khai thi hành Pháp lệnh kế toán và thống kê; Điều lệ Tổ chức kế toán Nhà nước và Điều lệ kế toán trưởng

  • Số hiệu văn bản: 475-TC/CĐKT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 24-04-1989
  • Ngày có hiệu lực: 24-04-1989
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 475-TC/CĐKT
Về việc triển khai thi hành pháp lệnh kế toán và thống kê; điều lệ tổ chức kế toán nhà nước và điều lệ kế toán trưởng

Hà Nội, ngày 24 tháng 4 năm 1989

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 475 TC/CĐKT NGÀY 24 THÁNG 4 NĂM 1989 VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH PHÁP LỆNH KẾ TOÁN VÀ THỐNG KÊ; ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC KẾ TOÁN NHÀ NƯỚC VÀ ĐIỀU LỆ KẾ TOÁN TRƯỞNG

Kính gửi:

 

- Các đồng chí thủ trưởng các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng và các cơ quan đoàn thể ở Trung ương.
- Các đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.

Xuất phát từ đòi hỏi bức thiết của công cuộc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, ngày 20-5-1988 Hội đồng Nhà nước đã công bố Pháp lệnh Kế toán và thống kê (Lệnh số 06-LTC-HĐNN8); ngày 18-3-1989 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước (Nghị định số 25/HĐBT ngày 18-3-1989) và Điều lệ kế toán trưởng xí nghiệp quốc doanh (Nghị định số 26/HĐBT ngày 18-3-1989).

Việc khiển khai thực hiện Pháp lệnh kế toán và Thống kê và các Điều lệ kế toán trong tình hình hiện nay trở thành một biện pháp hết sức quan trọng để chấn chỉnh công tác kế toán, thống kê, thông tin kinh tế ở các ngành, các cấp, góp phần lập lại kỷ cương trong công tác quản lý kinh tế, tài chính và làm lành mạnh hoá các quan hệ kinh tế - xã hội, tạo điều kiện đưa cơ chế quản lý kinh tế mới đi vào cuộc sống.

Để việc triển khai thực hiện Pháp lệnh và các Điều lệ kế toán đạt kết quả thiết thực, trong 2 năm 1989-1990, đề nghị các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị cơ sở quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các việc sau đây:

1- Tổ chức nghiên cứu, phổ biến để quán triệt tinh thần và nội dung của Pháp lệnh và các Điều lệ kế toán đến các đơn vị cơ sở; xây dựng kế hoạch và biện pháp chấn chỉnh và hoàn thiện công tác kế toán, thống kê, thông tin kinh tế từ nay đến hết năm 1990; khắc phục những sai sót trong việc thực hiện các thủ tục, nguyên tắc cơ bản của kế toán và quản lý, đưa dần công việc xuất, nhập, thu, chi, vật tư tài sản, thủ tục chứng từ, ghi chép sổ sách hạch toán hàng ngày vào nền nếp và tổ chức sắp xếp lại bộ máy kế toán, thống kê ở đơn vị cơ sở.

2- Trong năm 1989, Bộ Tài chính phối hợp với Tổng cục Thống kê và các ngành hữu quan tiến hành cải tiến, hoàn thiện căn bản các chế độ kế toán hiện hành, trước mắt là Hệ thống tài khoản kế toán, chế độ sổ sách kế toán và chế độ báo cáo kế toán áp dụng thống nhất cho tất cả các ngành và các thành phần kinh tế.

Các Bộ, Tổng cục và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ kế toán thống nhất mới thích hợp với đặc điểm hoạt động, quy mô và trình độ hạch toán của từng loại đơn vị cơ sở, từng lĩnh vực hoạt động.

Các đơn vị cơ sở căn cứ vào chế độ kế toán thống nhất và hướng dẫn của ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng các mô hình và quy trình hạch toán cụ thể cho từng phần hành, phần việc kế toán ở đơn vị.

Công việc này phải cơ bản hoàn thành trong quý II và quý III/1989 để trong quý IV/1989 tổ chức tập huấn và chỉ đạo thí điểm, chuẩn bị triển khai thực hiện đồng loạt ở tất cả các ngành, các địa phương và đơn vị cơ sở bắt đầu từ 1/1/1990.

Trong khi nghiên cứu hướng dẫn thực hiện chế độ cần chú ý kết hợp đáp ứng ngay các yêu cầu cấp bách trước mắt đối với những lĩnh vực hoạt động mới hoặc đã có nhiều thay đổi, như kế toán đối với ngành ngân hàng khi chuyển sang cơ chế kinh doanh, kế toán khu vực ngoài quốc doanh, kế toán các hoạt động liên doanh, liên kết, các công ty cổ phần, kế toán xí nghệp liên doanh với nước ngoài, kế toán ngoại tệ và các hoạt động xuất nhập khẩu, sử dụng máy tính trong công tác kế toán ... và dành thời gian cần thiết để tổ chức làm thử chế độ kế toán mới.

3- Mở các lớp tập huấn ngắn ngày để bồi dưỡng và đào tạo lại đội ngũ cán bộ kế toán và kế toán trưởng xí nghiệp theo chế độ kế toán mới, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện vật chất cần thiết (như biểu mẫu chứng từ, sổ sách, báo biểu...) cho việc triển khai thực hiện.

Việc tập huấn chế độ kế toán mới phải hoàn thành chậm nhất trong quý IV/1989. Từ năm 1990 trở đi các ngành, các địa phương có kế hoạch thường xuyên mở lớp tập huấn ngắn ngày theo những hình thức thích hợp để bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ kế toán, định kỳ tổ chức sát hạch thi tay nghề, thi kế toán giỏi, kết hợp với việc tổ chức các hình thức sinh hoạt khác như hội thảo chuyên đề, hội nghị trao đổi kinh nghiệm và sáng kiến cải tiến, sinh hoạt các câu lạc bộ kế toán, tham quan khảo sát các đơn vị kế toán tiên tiến...

Các trường đại học và trung học tài chính, kế toán ở trung ương và địa phương phải kịp thời cải tiến chương trình và nội dung đào tạo, biên soạn lại giáo khoa, giáo trình phù hợp với các chế độ kế toán mới và hệ thống chức danh, tiêu chuẩn cán bộ kế toán đã ban hành, thực hiện giảng dạy kế toán theo giáo khoa, giáo trình mới từ niên khoá 1990 -1991.

4- Tổ chức chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh, Điều lệ và các chế độ kế toán mới ban hành, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra kế toán đối với các đơn vị cơ sở. Trong năm 1989 các ngành và các địa phương tập trung cán bộ có năng lực hướng dẫn các đơn vị cơ sở triển khai thực hiện Pháp lệnh và các Điều lệ kế toán theo kế hoạch đã vạch ra, giúp các đơn vị giải quyết dứt điểm những khó khăn tồn tại trong công tác hạch toán, tập trung chỉ đạo các đơn vị trọng điểm và các đơn vị yếu kém, chuẩn bị mọi điều kiện để bắt đầu từ 1/1/1990 tất cả các đơn vị trong ngành, địa phương đều chuyển sang thực hiện chế độ kế toán mới. Trong 6 tháng đầu năm 1990, các ngành, các địa phương cần tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện các chế độ kế toán mới ở tất cả các đơn vị cơ sở theo một kế hoạch thống nhất với những bước đi thích hợp. Đầu quý III/1990 tiến hành kiểm tra đánh giá kết quả và phân loại các đơn vị trong việc thực hiện chế độ mới để lập lại trật tự, nề nếp công tác kế toán ở cơ sở. Đối với đơn vị khá cần có hình thức động viên khen thưởng về tinh thần và vật chất kịp thời, đối với các đơn vị yếu kém cần có biện pháp tiếp tục chỉ đạo để đến cuối năm 1990 vươn lên loại trung bình và khá. Bộ Tài chính sẽ quy định cụ thể tiêu chuẩn phân loại đơn vị để áp dụng thống nhất trong cả nước, đồng thời sẽ ban hành quy chế cấp "giấy chứng nhận" cho các đơn vị kế toán được xếp loại trung bình trở lên.

Để công tác kế toán được thực hiện theo đúng Pháp lệnh và thường xuyên duy trì được kỷ cương, nề nếp, phải tăng cường công tác kiểm tra kế toán. Ở mỗi Bộ, Tổng cục, ở mỗi Sở chủ quản và các đơn vị cấp trên cơ sở cần bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn cao để chuyên trách công tác kiểm tra kế toán và lập kế hoạch kiểm tra kế toán nhằm ngăn ngừa các vi phạm, giúp các đơn vị tháo gỡ những tồn tại vướng mắc, nâng cao trình độ công tác hạch toán phục vụ yêu cầu quản lý sản xuất kinh doanh của cơ sở.

5- Xây dựng đội ngũ kế toán trưởng xí nghiệp và kiện toàn hệ thống tổ chức chỉ đạo công tác kế toán ở các ngành, các địa phương. Trong năm 1989, từng ngành, từng địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá và bố trí sắp xếp, sử dụng hợp lý đội ngũ kế toán trưởng, giải quyết kịp thời chế độ đãi ngộ theo Điều lệ quy định đối với những kế toán trưởng đã được bổ nhiệm chính thức. Lựa chọn những cán bộ kế toán có đủ tiêu chuẩn về chính trị, nghiệp vụ, chuyên môn để bổ nhiệm ngay cho những xí nghiệp chưa có kế toán trưởng hoặc thay thế những kế toán trưởng yếu kém không có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ . Ở những xí nghiệp, đã bổ nhiệm kế toán trưởng thì không còn chức vụ trưởng phòng kế toán. Đi đôi với việc bổ nhiệm kế toán trưởng, các ngành, và địa phương có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kế toán trưởng. Năm 1989, Bộ Tài chính sẽ thành lập Câu lạc bộ kế toán trưởng trung ương, ở các ngành, các địa phương có thể thành lập câu lạc bộ kế toán trưởng của ngành và địa phương, nhằm tạo điều kiện cho kế toán trưởng xí nghiệp và cán bộ kế toán nắm bắt kịp thời những chế độ chính sách mới và học tập, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao trình độ và tay nghề.

Cần khẩn trương kiện toàn bộ máy làm nhiệm vụ chỉ đạo và kiểm tra kế toán ở các Bộ, Tổng cục, các Sở Tài chính và các sở chủ quản, các tổ chức cấp trên cơ sở. Bộ máy chỉ đạo kế toán phải tinh giảm nhưng đủ khả năng để giúp lãnh đạo các cấp cụ thể hoá và hướng dẫn thi hành các chế độ thể lệ kế toán, nghiên cứu xây dựng các mô hình kế toán tiên tiến, tổ chức chỉ đạo thực hiện ở các đơn vị cơ sở, tổ chức kiểm tra, tổng kết, đánh gía tình hình công tác kế toán, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác kế toán hàng năm của ngành và địa phương.

Bộ Tài chính đề nghị các đồng chí lãnh đạo các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở quan tâm chỉ đạo chặt chẽ để các công việc trên được thực hiện có hiệu quả.Vụ kế toán tài chính các Bộ, Tổng cục, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tham mưu giúp lãnh đạo các ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch biện pháp cụ thể cho ngành và địa phương, cùng các cơ quan liên quan tổ chức chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện ở các đơn vị trực thuộc nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nội dung công việc đã nêu ở trên.

 

Hoàng Quy

(Đã ký)