Công văn số 38/NCPL ngày 04/03/1989 Của Tòa án nhân dân tối cao về việc ghi họ và tên hội thẩm nhân dân trong quyết định đưa vụ án ra xét xử (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 38/NCPL
- Loại văn bản: Công văn
- Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
- Ngày ban hành: 04-03-1989
- Ngày có hiệu lực: 04-03-1989
- Tình trạng hiệu lực: Không xác định
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/NCPL | Hà Nội, ngày 04 tháng 03 năm 1989 |
CÔNG VĂN
VỀ VIỆC GHI HỌ VÀ TÊN HỘI THẨM NHÂN DÂN TRONG QUYẾT ĐỊNH ĐƯA VỤ ÁN RA XÉT XỬ
Một số Tòa án có hỏi Tòa án nhân dân tối cao về việc phải ghi họ và tên hội thẩm nhân dân trong quyết định đưa vụ án ra xét xử. Về vấn đề này Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến như sau: Theo Điều 151 Bộ luật tố tụng hình sự thì sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, phải mở phiên tòa trong thời hạn 15 ngày. Theo điều 153 Bộ luật tố tụng hình sự thì trong quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ họ và tên hội thẩm nhân dân. Qua các quy định này chúng ta có thể thấy là Bộ luật tố tụng hình sự muốn nhấn mạnh việc dành thời gian cần thiết cho hội thẩm nhân dân nghiên cứu hồ sơ vụ án để chuẩn bị cho việc tham gia xét xử tại phiên tòa một cách thiết thực.
Theo Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự thì quyết định đưa vụ án ra xét xử được giao cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ và người bào chữa chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa. Theo tinh thần của quy định này thì khi biết rõ ai sẽ là hội thẩm nhân dân tại phiên tòa bị cáo có thể sử dụng quyền được đề nghị thay đổi hội thẩm nhân dân (Điều 28 và điều 34 BLTTHS), và nếu đề nghị đó được chấp nhận thì Tòa án kịp thời thay thế bằng hội thẩm nhân dân khác trước ngày xét xử đã định trong quyết định đưa vụ án ra xét xử để khỏi phải hoãn phiên tòa.
Nếu phải thay đổi hội thẩm nhân dân trước khi mở phiên tòa vì đề nghị thay đổi hội thẩm nhân dân được chấp nhận hoặc vì lý do nào đó mà hội thẩm nhân dân không tham gia được phiên tòa vào ngày đã định, thì Tòa án mời hội thẩm nhân dân khác tham gia phiên tòa và thông báo ngay về sự thay đổi đó cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ và người bào chữa. Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó mà chỉ khi mở phiên tòa rồi bị cáo mới được biết họ và tên hội thẩm nhân dân mới do có sự thay đổi hội thẩm nhân dân, thì việc này cũng không phải là lý do buộc Tòa án phải hoãn xét xử, phiên tòa vẫn được tiến hành bình thường và bị cáo vẫn có quyền đề nghị thay đổi hội thẩm nhân dân mới đó giống như trường hợp tại phiên tòa bị cáo mới đề nghị thay đổi hội thẩm nhân dân.
Nếu có hội thẩm nhân dân dự bị thì họ và tên hội thẩm nhân dân dự bị cũng cần ghi rõ trong quyết định đưa vụ án ra xét xử.
|
|