cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Công văn số 2964/UB ngày 19/08/1988 Về việc hướng dẫn việc ký kết hợp đồng đối ngoại và bản ghi nhớ với nước ngoài do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 2964/UB
  • Loại văn bản: Công văn
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 19-08-1988
  • Ngày có hiệu lực: 19-08-1988
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3654 ngày (10 năm 4 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-08-1998, Công văn số 2964/UB ngày 19/08/1988 Về việc hướng dẫn việc ký kết hợp đồng đối ngoại và bản ghi nhớ với nước ngoài do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 4340/QĐ-UB-NC ngày 21/08/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 2964/UB
V/v hướng dẫn việc ký kết HĐ đối ngoại và bản ghi nhớ với nước ngoài.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 08 năm 1988

 

Kính gởi :

- Các Sở, Ban, Ngành,
- UBND các Quận, Huyện

 

Thời gian qua, một số đơn vị kinh tế và cơ quan quản lý của thành phố và quận huyện sau khi tiếp xúc giao dịch với thương nhân nước ngoài hoặc Công ty Việt kiều đã tự tiến hành ký các hợp đồng đối ngoại. Một số nơi vì thiếu kinh nghiệm, tính toán không chặt chẽ đã có nhiều sơ hở trong ký kết làm thiệt hại quan trọng cho phía ta. Mặt khác, về nguyên tắc, các hợp đồng này không có giá trị pháp lý đối ngoại (xem như bất hợp pháp), không thể tiến hành được trong xuất nhập nhập khẩu. Theo quy định của Bộ Kinh tế đối ngoại, ngoài các Tổng Công ty xuất nhập khẩu của Trung ương, tại thành phố Hồ Chí Minh có Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố Hồ Chí Minh và sắp tới có 5 đơn vị của thành phố được hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp với nước ngoài gồm có: xí nghiệp Quốc doanh chế biến hàng xuất khẩu, xí nghiệp Đông lạnh xuất khẩu I, Công ty lương thực thành phố, Công ty xuất khẩu hàng tiểu thủ công – mỹ nghệ.

Các đơn vị này được Nhà nước công nhận có tư cách pháp nhân đối ngoại, được đăng ký hoạt động và công bố vốn kinh doanh với nước ngoài, được quyền ký kết các hợp đồng giao dịch đối ngoại.

Để chấn chỉnh việc ký kết các hợp đồng đối ngoại của các đơn vị thành phố, quận, huyện tránh sơ hở thiệt hại và theo đúng nguyên tắc của Nhà nước, Thường trực Ủy ban nhân thành phố có ý kiến như sau:

1. Từ nay, các đơn vị kinh tế của thành phố và quận huyện muốn ký các hợp đồng đối ngoại, thực hiện việc xuất nhập khẩu cho đơn vị điều phải thông qua các đơn vị xuất nhập khẩu trực tiếp (được Nhà nước công nhận) để ký hợp đồng đối ngoại, đối tác với nước ngoài. Về nội bộ các đơn vị kinh tế thành phố và quận huyện ký tiếp hợp đồng ủy thác cho đơn vị xuất nhập khẩu trực tiếp thực hiện dịch vụ xuất nhập khẩu cho mình. Các đơn vị xuất nhập khẩu trực tiếp có trách nhiệm phối hợp rà soát các điều khoản ghi trong hợp đồng, đặc biệt là giá cả, phương thức thanh toán để đảm bảo việc ký kết hợp đồng đối ngoại với nước ngoài được chặt chẽ, đúng nguyên tắc, bảo vệ quyền lợi của các đơn vị ủy thác không bị hớ về giá cả. Về phần đơn vị được xuất nhập khẩu, trực tiếp phải có trách nhiệm hướng dẫn hỗ trợ tạo điều kiện cho các đơn vị kinh tế làm ăn với các Công ty nước ngoài cho tốt không được cửa quyền gây khó dễ, hạn chế tính năng động trong kinh doanh của các đơn vị kinh tế khác.

Trong lãnh vực đầu tư nhập thiết bị, máy móc toàn bộ và các chương trình đầu tư hợp tác với bên nước ngoài, các đơn vị của thành phố, quận huyện (kể cả đơn vị xuất nhập khẩu trực tiếp của thành phố) cần phải trao đổi với Ban Kinh tế đối ngoại và Ủy ban Kế hoạch thành phố để báo cáo tình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố cho ý kiến chỉ đạo trong đàm phán và sau khi được Thường trực Ủy ban phê duyệt mới được tiến hành ký kết hợp đồng.

2. Các đơn vị kinh tế thành phố, quận huyện được quyền tiếp xúc, trao đổi, đàm phán và có thể ký kết với các Công ty nước ngoài dưới dạng bảng ghi nhớ (Memorandum) để ghi nhận các vấn đề tạm thời ước hẹn với nhau (chưa có tính chất cam kết). Trước khi ký bản ghi nhớ, các đơn vị cần trao đổi với Ban kinh tế đối ngoại để được góp ý kiến. Tùy tính chất vấn đề và mức độ quan trọng, phức tạp, Ban Kinh tế đối ngoại phải xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực UBND thành phố. Tiếp đó, khi tiến hành đàm phán tiến tới ký kết hợp đồng, các đơn vị phải thông qua đơn vị được phép làm xuất nhập khẩu trực tiếp để ký kết hợp đồng với nước ngoài theo điểm 1 nói ở trên. Đối với các đơn vị quản lý Nhà nước của thành phố và quận huyện không nên ký kết gì với nước ngoài (kể cả các Công ty Việt kiều). Một số trường hợp đặc biệt hoặc ngoại lệ, các đơn vị phải trao đổi ý kiến với Ban Kinh tế đối ngoại thành phố để có hướng dẫn cụ thể.

Các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện thuộc thành phố cần thông báo các ý kiến chỉ đạo nói trên đến các đơn vị trực thuộc để thực hiện nghiêm chỉnh việc giao dịch, ký kết với nước ngoài theo như luật định.

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Vĩnh Nghiệp