cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Công văn số 3801/CV-UB ngày 17/09/1987 Yêu cầu báo cáo vật tồn kho ứ đọng do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 3801/CV-UB
  • Loại văn bản: Công văn
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 17-09-1987
  • Ngày có hiệu lực: 17-09-1987
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3991 ngày (10 năm 11 tháng 11 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-08-1998, Công văn số 3801/CV-UB ngày 17/09/1987 Yêu cầu báo cáo vật tồn kho ứ đọng do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 4340/QĐ-UB-NC ngày 21/08/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 3801/CV-UB
Về việc yêu cầu báo cáo vật tồn kho ứ đọng.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 9 năm 1987

 

Thi hành quyết định số 177/CT ngày 26-5-1987 của Hội đồng Bộ trưởng và các văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác kiểm tra xử lý vật tư tồn kho ứ đọng, nhiều sở, ngành, quận, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và triển khai xuống đến cơ sở như Sở Giao thông, Sở Công nghiệp, Sở Nông nghiệp, Tổng Công ty xuất nhập khẩu, quận 5… Một số cơ sở đã tiến hành kiểm kê xử lý và gởi báo cáo cho Ban Xử lý thành phố. Tuy nhiên tiến độ triển khai công tác này vẫn còn chậm và chưa đúng nội dung quy định.

Nhiều sở, ngành, quận, huyện và cơ sở chưa quán triệt đầy đủ khái niệm vật tư ứ đọng theo đúng tinh thần quyết định số 177/CT của Hội đồng Bộ trưởng nên báo cáo không đúng, không đủ lượng vật tư tồn kho ứ đọng.

Về giá vật tư tồn kho, hầu hết các đơn vị đều tính theo giá gốc lúc nhập kho, nên trị giá tồn kho rất thấp so với thực tế.

Tiến độ báo cáo rất chậm, đến ngày 31-8-1987 mới có trên 27% đơn vị gởi báo cáo cho Ban kiểm tra xử lý thành phố, trong đó chỉ có 28 đơn báo cáo có vật tư ứ đọng.

Để giúp các đơn vị thực hiện tốt quyết định số 177/CT của Hội đồng Bộ trưởng, Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn thêm một số điểm dưới đây để các đơn vị thực hiện:

1) Khái niệm vật tư ứ đọng trong đợt kiểm kê xử lý lần này bao gồm:

- Vật tư kém phẩm, mất phẩm chất, thiết bị phụ tùng lỗi thời chưa sử dụng, hoặc chưa bán được.

- Vật tư dự trữ vượt định mức:

Nhu cầu được phép dự trữ cho sản xuất = sản lượng sản phẩm những tháng cuối năm 1987 và đầu năm 1988 (nếu là vật tư nhập sản xuất trong nước thì dự trữ 9 tháng, vật tư nhập ngoại dự trữ 1 năm) nhân với định mức sử dụng vật tư cho 1 đơn vị sản phẩm.

Vật tư nằm trong quỹ hàng hóa (vật tư dùng để cung ứng, trao đổi, đối lưu hoặc ngoài quy trình sản xuất của đơn vị) được dự trữ 6 tháng.

Tất cả vật tư nhập kho trước 1-7-1986 đối với đơn vị sản xuất, và trước 1-1-1987 đối với các đơn vị cung ứng, hoặc thuộc quỹ hàng hóa của đơn vị mà còn đến 1-7-1987 đều coi là vật tư chậm luân chuyển và được tính vào diện giải quyết lần sau.

Những loại vật tư qu‎ý hiếm, vật tư chuyên dùng của đơn vị có thể dự trữ lâu hơn nhưng vẫn phải báo cáo và có thuyết minh chi tiết.

2) Về giá trị vật tư: phải tính theo 2 giá (giá gốc lúc nhập kho và giá hiện tại) để đánh giá đúng lực lượng tồn kho của đơn vị và làm cơ sở để xử lý.

3) Tất cả các sở ngành, quận huyện phải làm thông suốt khái niệm vật tư ứ đọng theo đúng tinh thần Quyết định 177/CT của Hội đồng Bộ trưởng cho các đơn vị cơ sở trực thuộc như đã nêu trên.

Các đơn vị cơ sở dựa theo biên bản kiểm kê vật tư tồn kho 1-7-1987, thẻ kho và các phiếu nhập kho để tiến hành phân loại xác định.

Nếu có vật tư ứ đọng hoặc dự trữ vượt định mức thì phải khẩn trương xử lý trong tháng 9-1987 để kịp đưa ra phục vụ cho sản xuất.

Vật tư xử lý trước tiên phải phục vu cho yêu cầu sản xuất của bản thân đơn vị và các đơn vị sản xuât trong sở, ngành: sau đó đến các đơn vị sản xuất khác theo tinh thành công văn số 662/CT-16V/CT của Hội đồng Bộ trưởng.

Nguyên tắc xử lý là giao thẳng cho đơn vị sản xuất, không qua khâu trung gian.

Các loại vật tư khó bán, phụ tùng lạc hậu đơn vị có thể dùng hình thức quảng cáo, trưng bày, bán đấu giá v.v… để tiêu thụ. Nếu trong tháng 9-1987 các đơn vị có vật tư ứ đọng và các ngành chủ quản không giải quyết được thì sang tháng 10-1987 Ban xử lý thành phố sẽ giúp đơn vị giải quyết.

4) Tất cả các đơn vị đều phải báo cáo kết quả giải quyết vật tư ứ đọng và gởi cho Ban xử lý thành phố, kể cả đơn vị không có vật tư ứ đọng cũng phải báo cáo cho thành phố biết. (Theo mẫu đính kèm về Cục thống kê thành phố 29 Hàn Thuyên, quận 1). Đơn vị nào không báo cáo, Thủ trưởng đơn vị phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước cấp trên, và sẽ phị phạt trừ trong việc trích lập các quỹ khi xét duyệt hoàn thành kế hoạch.

- Báo cáo 9 tháng có tại Ban Xử lý thành phố (Cục Thống kê thành phố) chậm nhứt là ngày 20-9-1987 (lấy số liệu đến 15 tháng 9 năm 1987).

- Báo cáo năm, chậm nhứt là ngày 5-12-1987 (lấy số liệu đến ngày 30-11-1987) gởi về Ban Xử lý thành phố (Cục Thống kê thành phố).

- Các sở ngành, quận, huyện tổng hợp báo cáo và gởi về Ban Xử lý thành phố (Cục thống kê thành phố) chậm nhứt là ngày 25 tháng 9 năm 1987 đối với báo cáo 9 tháng và 10-12-1987 đối với báo cáo năm.

Đối với các đơn vị không có báo cáo, báo cáo không có vật tư ứ đọng hoặc báo cáo không đúng sự thật, nếu ban xử lý kiểm tra phát hiện thì số vật tư ứ đọng ấy thuộc quyền Ban Xử lý thành phố giải quyết, và đơn vị không được hưởng các quyền lợi trong xử lý vật tư như chế độ quy định.

Ban xử lý thành phố giao Sở Tài chánh nghiên cứu tỷ lệ thỏa đáng trích để lại làm vốn tự có của đơn vị về số tiền báo vật tư ứ đọng để khuyến khích đơn vị tích cực thực hiện công tác này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
TRƯỞNG BAN XỬ LÝ VÀ KIỂM TRA XL/TP.




Lê Khắc Bình