Công văn số 3515/CV-UB ngày 24/08/1987 Về việc thực hiện đề án chống thất thu thuế công thương nghiệp 1987 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 3515/CV-UB
- Loại văn bản: Công văn
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 24-08-1987
- Ngày có hiệu lực: 24-08-1987
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4130 ngày (11 năm 3 tháng 25 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-12-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3515/CV-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 08 năm 1987 |
Thực hiện chủ trương của Thường trực Thành ủy về việc giải quyết các tồn tại đối với công tác thuế công thương nghiệp trên địa bàn thành phố; Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn đề án chống thất thu thuế công thương nghiệp từ nay đến cuối năm 1987 (đính kèm).
Để tổ chức thực hiện, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chống thất thu thuế, gồm:
- Trưởng ban: Đồng chí Lê Khắc Bình – Phó Chủ tịch
- Thường trực: Đồng chí Lê Công Khanh – Chi cục Trưởng thuế công thương nghiệp.
- Các thành viên: Đại diện Ban Kinh tế, Ban tổ chức, Tuyên huấn Thành ủy, Ban Cải tạo công thương nghiệp, Ban Tổ chức chính quyền; Ủy ban Thanh tra Nhà nước, Sở Ăn uống khách sạn, Công ty dịch vụ thành phố, Liên hiệp xã TTCN, các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ.
Ban Chỉ đạo thành phố có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai đề án trên toàn thành phố và trực tiếp chỉ đạo đối với Quận 1 và Quận 5.
Đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện khẩn trương tổ chức triển khai theo đề án này và hàng tuần báo cáo kết quả về Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
ĐỀ ÁN
CHỐNG THẤT THU VỀ THUẾ CÔNG THƯƠNG NGHIỆP NĂM 1987
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THẤT THU THỜI GIAN QUA:
Thuế công thương nghiệp là nguồn thu quan trọng cho ngân sách các cấp và là một công cụ quản lý sắc bén của Nhà nước góp phần phục vụ các yêu cầu về sản xuất, chỉ đạo, đời sống. Mặt khác, trong tình hình hiện nay, thuế công thương nghiệp là một mũi nhọn tích cực góp phần giảm bội chi ngân sách; hạn chế khó khăn về tiền mặt của thành phố.
Nhiều năm qua và hiện nay tình trạng thất thu thuế còn khá nghiêm trọng như:
1) Chưa nắm chắc diện thu thuế, bỏ sót nhiều hộ, nhiều khoản thuế so với thực tế sản xuất kinh doanh của thành phố, nhất là các địa bàn trọng điểm, các loại hình cải tạo.
2) Về đối tượng: số hộ lớn và vừa chưa có biện pháp điều tiết đúng mức. Với số hộ nhỏ thì chưa ổn định thu sát với doanh số, cũng như chưa đảm bảo mức huy động công bằng hợp lý. Các loại hình cải tạo bị thất thu về số cơ sở, về doanh thu, về thuế suất áp dụng.
3) Các trọng điểm bị thất thu nhiều hơn so với các nơi khác. Chủ yếu là Quận 1, 5, 6, 10, 11, Tân Bình. Nếu chống thất thu tốt vào những nơi này có thể đảm bảo trên 70% tổng số thu thuế công thương nghiệp của toàn thành phố.
4) Về loại thuế: thất thu chủ yếu vào thuế doanh nghiệp và thuế lợi tức (hai loại thuế này chiếm gần 80% số thu) kế đến là thuế buôn chuyến, thuế hàng hóa.
Nguyên nhân là do:
1) Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp Ủy và Ủy ban các cấp đối với công tác thuế chưa được quan tâm đúng mức. Cơ chế lãnh đạo song trùng chưa được xác định cụ thể. Hiệu lực tổ chức thi hành chính sách và quản lý đội ngũ CBNV thuế trên địa bàn quận, huyện và phường, xã có mặt còn lỏng lẻo.
2) Hoạt động của ngành thuế nặng về sự vụ hành chánh, thiếu sâu sát tại cơ sở. Nhận thức, tư tưởng trong CBNV thuế có phần hữu khuynh, ngại khó, sợ va chạm. Biện pháp quản lý không chặt chẽ, yếu kém về vận động quần chúng, chưa vươn lên kịp với tầm vóc và sự phát triển của thị trường thành phố. Trong chấp hành chính sách, chế độ, các nguyên tắc quản lý của ngành còn tùy tiện vừa dễ thất thu vừa dễ dẫn đến tiêu cực.
3) Chính sách thuế có nhiều điểm không còn phù hợp với tình hình thực tế. Thành phố đã từng bước nghiên cứu vận dụng. Song ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn tùy tiện, không thi hành thống nhất, tạo sơ hở đưa đến thất thu.
4) Nhiều cơ sở, đơn vị sản xuất kinh doanh chưa cho cơ quan thuế đi vào quản lý kiểm tra, kiểm soát theo chức năng quy định của Nhà nước. Có nơi còn tùy tiện đặt ra thuế suất, đưa nguồn thu thuế sang lĩnh vực thu khác.
5) Công tác cải tạo, quản lý thị trường chưa gắn chặt với quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa chú trọng đến quan điểm điều tiết, động viên một cách công bằng hợp lý thu nhập xã hội của các tầng lớp dân cư.
II. Ý NGHĨA, MỤC TIÊU VÀ ĐỐI TƯỢNG CHỐNG THẤT THU:
1) Thành phố chỉ đạo tập trung đợt chống thất thu thuế công thương nghiệp từ nay đến cuối năm 1987 nhằm giải quyết cơ bản tình hình thất thu, trước mắt vào các trọng điểm, có ý nghĩa hết sức quan trọng để thu về một khối lượng tiền mặt quan trọng góp phần giảm bội chi, giảm lạm phát, còn tích cực góp phần lập lại trật tự trên lĩnh vực phân phối lưu thông, chống đầu cơ buôn lậu, kinh doanh trái phép.
2) Đối tượng tập trung chống thất thu từ nay đến cuối năm:
- Các hộ lớn, vừa, kinh doanh các ngành hàng phải điều tiết đúng mức thu nhập (ăn uống cao cấp, buôn bán hàng tiêu dùng ngoại nhập, cao cấp, dịch vụ sửa chữa hàng đắt tiền, có kinh doanh thương nghiệp…)
- Các cửa hàng hợp tác kinh doanh, các xí nghiệp, HD, xí nghiệp ĐS. Phần hoạt động của tư nhân, lợi dụng núp bóng trong các loại hình này để lủng đoạn kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế.
- Các loại hoạt động sản xuất trái phép, trốn thuế.
Về khu vực trọng điểm chống thất thu là Quận 1 và Quận 5. Riêng các quận huyện khác sẽ chọn một số phường, xã, chợ trọng điểm để triển khai trước, sau đó làm ra diện.
3) Mục tiêu phải đạt:
- Thuế phải thực hiện được việc quản lý, kiểm kê, kiểm soát tại từng cơ sở đặc biệt là hộ trọng điểm và nắm được toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh trên từng địa bàn.
- Kiên quyết xử lý các trường hợp thất thu về thuế, thu hồi đủ số thuế phải thu, áp dụng các biện pháp mạnh đối với các đối tượng chống lại để chấp hành chính sách thuế.
- Trên cơ sở chống thất thu, tạo điều kiện góp phần củng cố chấn chỉnh tổ chức bộ máy và đội ngủ CBNV ngành thuế, nâng cao ý thức trong quần chúng về nghĩa vụ nộp thuế để góp phần xây dựng đất nước.
- Phấn đấu thu trong 5 tháng cuối năm phải được khoảng 6,5 – 7 tỷ, bằng 2 lần số thu của 7 tháng đầu năm.
III. NỘI DUNG VÀ BIỆN PHÁP CỤ THỂ:
1) Các cấp Ủy và Ủy ban các cấp phải đảm bảo cho ngành thuế hoạt động đúng chức năng và chỉ đạo cho ngành thuế thực hiện đúng chính sách thuế của Nhà nước ban hành, theo hướng dẫn thống nhất của thành phố.
- Các hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc diện nộp thuế công thương nghiệp phải chịu sự quản lý của cơ quan thuế và phải nộp thuế theo chính sách quy định.
Mọi sự cản trở, từ chối hoặc chống đối phải được xử lý kỷ luật đúng mức.
- Mức thuế phải xác định theo đúng doanh số phát sinh theo thời giá, theo mức độ phát triển của xuất kinh doanh và thu theo thuế suất quy định. Đối với người sản xuất nhỏ, tiểu thương lao động… thì xét ổn định mức thu hàng quý, đảm bảo công bằng hợp lý, có sự tham gia bàn bạc dân chủ và công khai.
- Mọi sự vận dụng chính sách chế độ thuế ở thành phố, đều phải do sự chỉ đạo thống nhất của Ủy ban nhân dân thành phố.
2) Xác định khả năng nguồn thu trên từng địa bàn:
Sau khi đánh giá đúng mức tình hình thất thu, soát xét tất cả các nguồn thu, đối chiếu với chính sách, xác định khả năng nguồn thu và mức phấn đấu cho 5 tháng cuối năm, cả năm 1987.
Trên cơ sở này, Ủy ban nhân dân các quận, huyện giao mức phấn đấu cho Phòng thuế và cho từng Ủy ban nhân dân phường, xã; đề ra các biện pháp, kế hoạch hết sức cụ thể để huy động lực lượng đồng bộ của các cấp, các ngành, các đoàn thể có liên quan, thực hiện vượt mức nhiệm vụ đề ra.
3) Thống kê và phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh: trên từng địa bàn phường, xã, chợ, các tụ điểm kinh doanh bất thường (ngoài giờ hành chánh), nơi gởi hàng, lên xuống hàng, các hình thức đại lý, sử dụng tay nghề v.v… Ủy ban nhân dân phường xã trực tiếp chỉ đạo đội thuế gắn với công tác đăng ký kinh doanh hiện đang triển khai và phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan, thống kê tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh ở từng khu phố, xóm ấp (kếp hợp với Công an khu vực, Tổ dân phố).
Sau đó, tiến hành phân loại:
- Loại hộ A, B, C phải thu các loại thuế, theo quy định của Chi cục thuế.
- Loại chỉ phải nộp thuế môn bài hoặc được miễn tất cả các loại thuế: có sự chấp thuận của Phòng thuế, căn cứ ý kiến đề nghị của Ủy ban nhân dân phường, xã. Loại này cũng phải đưa vào sổ bộ thuế.
Làm xong việc đăng ký kinh doanh, tiến hành đối chiếu giữa số liệu của sổ bộ thuế và sổ kê khai đăng ký. Đội trưởng đội thuế chịu trách nhiệm nếu để sót hộ.
4) Thực hiện các biện pháp chống thất hu vào các loại hình sản xuất kinh doanh:
a) Các hộ AB: Nói chung thu theo đúng doanh số, thời giá, áp dụng đúng thuế suất và hướng dẫn thực hiện chế độ sổ sách, kế toán hóa đơn.
Riêng các đối tượng sau đây:
- Các hộ ăn nhậu, cà phê có nhạc.
- Buôn bán hàng tiêu dùng cao cấp, ngoại nhập.
- Dịch vụ sửa chữa cao cấp, đắt tiền.
Ngoài thuế suất bình thường, cần thiết thu theo thuế suất đặc biệt nếu phát hiện có đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái phép.
b) Hộ nhỏ (hộ C): Ủy ban nhân dân phường, xã chỉ đạo đội thuế thực hiện tốt việc bình nghị doanh thu, công khai mức thuế. Phòng thuế thực hiện việc cân đối mức huy động giữa các phường, xã với nhau, đảm bao công bằng hợp lý. Chi cục thuế có trách nhiệm hướng dẫn cân đối mức huy động giữa các quận, huyện và các nơi giáp ranh nhau.
Về thuế, chủ yếu thu đủ thuế doanh nghiệp và một phần thuế lợi tức (nếu có) đưa ra công khai việc xét miễn giảm thuế và các đối tượng chính sách, có khó khăn. Mức thuế được ổn định thu hang quý.
c) Các loại hình cải tạo
c1) Cửa hàng hợp tác kinh doanh:
- Loại đã đi vào quản lý tại cửa hàng: hướng dẫn củng cố chế độ kế toán tài vụ, thu đúng doanh thu, thuế suất, thu hàng tháng, không để chiếm dụng tiền thuế.
- Loại chưa đi vào quản lý: cùng với Công ty chủ quản đi vào quản lý và thực hiện các nội dung trên.
- Loại không cho vào quản lý: lập biên bản, nêu rõ lý do, đề nghị Ban chỉ đạo quận, huyện xử lý, đồng thời báo cáo về Ban chỉ đạo thành phố.
c2) Xí nghiệp hợp doanh, xí nghiệp đời sống:
- Áp dụng theo quy định của thành phố đối với các xí nghiệp hoạt động theo đúng chức năng.
- Truy thu, xử lý (có thể thu hồi toàn bộ) phần thu nhập do kinh doanh trái chức năng, phần chênh lệch giá trái phép, phần kinh doanh trốn thuế của tư nhân.
Chú ý: Cần gắn với kết quả kiểm tra hiện đang tiến hành đối với các loại hình này. Để thực hiện các biện pháp nêu trên, cần thiết kiến nghị các biện pháp chấn chỉnh hoặc giải thể các cơ sở hoạt động không đúng chức năng, kém hậu quả.
d) Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp:
- Thu đúng theo thực tế phát sinh, thực hiện đầy đủ các quy định miễn giảm thuế theo hướng dẫn của thành phố.
- Truy thu và xử phạt phần chênh lệch giá, phần ăn lậu man khai.
- Kết hợp với ngành Liên hiệp xã, đối với các cơ sở tập thể “trá hình” không đúng tính chất là tập thể, đưa về thu theo dạng cá thể.
5) Kiến quyết thu dứt điểm thuế phát sinh hàng tháng và thuế tồn đọng:
Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo cho Phòng thuế và Ủy ban nhân dân phường, xã kịp thời lập sổ bộ thuế hàng tháng, quý theo thời gian quy định, tổ chức thu nhanh, gọn. Có thể thí điểm thu qua Ngân hàng, quỹ tiết kiệm, qua tổ ngành hàng, tổ công thương. Riêng đối với:
- Thuế tồn đọng các năm trước, sau khi thanh lý (theo hướng dẫn của Chi Cục Thuế thì phải tập trung thu vào các hộ phải thu, có khả năng, kể cả số thuế phải truy thu qua đợt thanh tra thuế công thương nghiệp. Áp dụng biện pháp kiên quyết đối với các hộ chây ì, chống đối. Chi trích thù lao bồi dưỡng từ 1 – 3% tính trên số thuế tồn đọng thu được.
- Thuế đã thu nhưng bị chiếm dụng chưa nộp và phần thuế phải truy thu (do tính không đúng doanh số, thuế suất): phải nộp đủ - đặc biệt đối với các trọng điểm. Các khoản thu về thuế phải nộp qua cơ quan thuế, không được nộp qua lĩnh vực thu khác.
6) Đề nghị Ban Tuyên huấn của các cấp Ủy Đảng chỉ đạo cho các cơ quan thông tin đại chúng (báo, đài) các đoàn thể quần chúng có kế hoạch tuyênt ruyền, giải thích chính sách thuế, động viên nghĩa vụ nộp thuế trong các tầng lớp công thương, đấu tranh chống trốn thuế, lậu thuế, kinh doanh trái phép.
Các ngành Công an, Quản lý thị trường cần có chương trình phối hợp hành động cụ thể để kiên quyết mở đợt truy quét bọn đầu cơ, buôn lậu, làm ăn trái phép lấy chênh lệch giá, các tụ điểm lên xuống hàng, vận chuyển hàng lậu thuế, trốn thuế.
7) Phổ biến các quy định, chế độ thuế cho người chịu thuế biết để thực hiện nghĩa vụ của mình.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1) Ban chỉ đạo thành phố trực tiếp chỉ đạo triển khai đối với Quận 1 và Quận 5.
Các quận, huyện khác, Ban chỉ đạo quận, huyện trực tiếp chỉ đạo triển khai đối với các phường, xã điểm do quận, huyện xác định.
2) Ban chỉ đạo thành phố tổ chức các đợt kiểm tra và phúc tra việc thực hiện theo nội dung kế hoạch đã đề ra không chỉ ở 2 quận điểm mà còn đến các quận, huyện khác.
3) Đến 30-9 cơ bản hoàn tất đợt triển khai ở các điểm sẽ tiến hành sơ kết và triển khai ra diện.
4) Hàng tuần Ban chỉ đạo giao ban và báo cáo tiến độ, kết quả cho Thường trực Ủy ban nhân dân để có ý kiến chỉ đạo tiếp theo.
(Ban chỉ đạo thành phố sẽ giao ban tại Văn phòng Chi cụ Thuế).
5) Các Ban chỉ đạo cần có kế hoạch điều động cán bộ nhân viên của các ngành, đoàn thể để đảm bảo tiến trình thực hiện dưới sự lãnh đạo tập trung của Thường trực Ủy ban nhân dân các cấp.
Chi Cục thuế có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các phòng thuế xây dựng các biện pháp cụ thể, huy động lực lượng tập trung triển khai vào các trọng điểm, căn cứ kế hoạch của Ban chỉ đạo thành phố và quận, huyện.