cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Công văn số 108/HĐNN7 ngày 13/06/1987 Của Hội đồng Nhà nước về việc gửi đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải thích 3 vấn đề trong Bộ luật hình sự (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 108/HĐNN7
  • Loại văn bản: Công văn
  • Cơ quan ban hành: Hội đồng Nhà nước
  • Ngày ban hành: 13-06-1987
  • Ngày có hiệu lực: 13-06-1987
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-1986
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 528 ngày (1 năm 5 tháng 13 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-01-1986
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-01-1986, Công văn số 108/HĐNN7 ngày 13/06/1987 Của Hội đồng Nhà nước về việc gửi đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải thích 3 vấn đề trong Bộ luật hình sự (Tình trạng hiệu lực không xác định) bị bãi bỏ, thay thế bởi Bộ luật Hình sự số 17-LCT/HĐNN7 ngày 27/06/1985 của Quốc Hội (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 108/HĐNN7

Hà Nội, ngày 13 tháng 06 năm 1987 

 

CÔNG VĂN

GỬI ĐỒNG CHÍ VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO VÀ ĐỒNG CHÍ CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO GIẢI THÍCH 3 VẤN ĐỀ TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ

 

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có đề nghị Hội đồng Nhà nước giải thích ba vấn đề trong Bộ luật hình sự:

- Có trường hợp nào Tòa án có thể miễn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo không?

- Việc miễn trách nhiệm hình sự (quy định ở Điều 48 của Bộ luật hình sự) và quyền miễn tố của Viện kiểm sát nhân dân (quy định ở Điều 10 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân) khác nhau như thế nào?

- Người bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội có phải thực hiện một số nghĩa vụ về cải tạo không giam giữ và có thể bị khấu trừ một phần thu nhập để sung quỹ Nhà nước theo quy định ở Điều 24 không?

Hội đồng Nhà nước có ý kiến như sau:

1- Khoản 1, Điều 44 của Bộ luật hình sự quy định:

“Khi xử phạt tù không quá năm năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm”.

Theo tinh thần và lời văn của điều luật này, việc ấn định thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo là bắt buộc, bất kỳ trong trường hợp nào cũng không thể cho miễn thời gian thử thách.

Hơn nữa, việc áp dụng Điều 44 của Bộ luật còn liên quan đến việc áp dụng Điều 53 của Bộ luật. Theo Điều 53, người được hưởng án treo mà không phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì đương nhiên được xóa án. Nếu miễn thời gian thử thách cho người được hưởng án treo, thì việc đương nhiên xóa án đối với họ sẽ không có căn cứ để xác định.

Trong thực tế, cá biệt cũng có trường hợp tạm giam một thời gian rồi mới kết luận là không có hành vi phạm tội, hoặc có hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, hoặc bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo, hoặc bị phạt tù giam với thời hạn ít hơn thời gian đã bị tạm giam. Đối với những trường hợp này, các đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng nội vụ cùng nhau nghiên cứu biện pháp giải quyết thích hợp để đề nghị Hội đồng Nhà nước ra văn bản quy định chung.

2- Miễn tố là một khái niệm pháp lý được dùng trước khi có Bộ luật hình sự. Với khái niệm này có những cách hiểu khác nhau.

Vì vậy, Bộ luật hình sự không dùng khái niệm miễn tố nữa, mà dùng khái niệm miễn trách nhiệm hình sự (Điều 48). Miễn trách nhiệm hình sự là biện pháp chỉ áp dụng trong trường hợp đã xác định rõ hành vi của bị can là tội phạm, và xác định rõ bị can ở vào điều kiện quy định ở Điều 48 của Bộ luật hình sự để miễn trách nhiệm hình sự. Việc miễn trách nhiệm hình sự có thể được quyết định ở giai đoạn điều tra, cũng có thể được quyết định ở giai đoạn xét xử.

Ngoài quyền quyết định miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 48 của Bộ luật hình sự, Viện kiểm sát nhân dân còn có quyền đình chỉ tố tụng và chuyển vụ án sang cơ quan hành chính hoặc tổ chức xã hội để xử lý bằng biện pháp khác, hoặc đình chỉ tố tụng vì không có hành vi phạm tội, hoặc vì người có hành vi nguy hiểm cho xã hội thực hiện hành vi đó trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự v.v…

Các quyết định của Viện kiểm sát nhân dân đối với những trường hợp này không phải là miễn tố.

3- Khoản 4, điều 24 của Bộ luật hình sự quy định: “Đối với người phạm tội là quân nhân tại ngũ, trong trường hợp điều luật quy định hình phạt cải tạo không giam giữ thì áp dụng hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội quy định ở Điều 70”.

Như vậy, đối với quân nhân tại ngũ phạm một tội mà điều luật có quy định hình phạt cải tạo không giam giữ, trong trường hợp cần xử với mức hình phạt này, thì không áp dụng Điều 24 mà áp dụng Điều 70 xử phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội. Nhưng Điều 70 không quy định người bị phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội phải thực hiện một số nghĩa vụ về cải tạo không giam giữ và có thể bị khấu trừ một phần thu nhập để sung quỹ Nhà nước. Do đó, khi đã áp dụng hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội theo Điều 70, thì không thể áp dụng thêm một số nghĩa vụ về cải tạo không giam giữ, kể cả việc khấu trừ một phần thu nhập quy định ở Điều 24.