Công văn số 1811/UB ngày 16/06/1986 Về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định 34/QĐ-UB ngày 29-01-1986 của UBND thành phố về tổ chức quản lý và vận dụng một số chánh sách đối với Tiểu công nghiệp -thủ công nghiệp cá thể, gia đình và nghề phụ gia đình do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 1811/UB
- Loại văn bản: Công văn
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 16-06-1986
- Ngày có hiệu lực: 16-06-1986
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4449 ngày (12 năm 2 tháng 9 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1811/UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 6 năm 1986 |
Để thống nhứt thực hiện quyết định 34/QĐ-UB ngày 29-01-1986 của Ủy ban nhân dân thành phố, sau khi nghiên cứu ý kiến của các ngành các cấp và các tổ chức quần chúng, Ủy ban nhân dân thành phố xin hướng dẫn một số điều chủ yếu để thi hành như sau :
I. VỀ TIÊU CHUẨN PHÂN LOẠI HỘ SẢN XUẤT CÁ THỂ, GIA ĐÌNH VÀ NGHỀ PHỤ GIA ĐÌNH:
Để phân lọai đúng các hộ sản xuất cá thể, gia đình và nghề phụ gia đình (gọi tắt là nghề phụ) đang hoạt động hoặc mới tổ chức, cần phải nắm chắc tiêu chuẩn (không mở rộng hoặc thu hẹp) nhằm phản ánh trung thực tính chất kinh doanh của cơ sở, phân rõ trình độ quan hệ sản xuất mà thực hiện chính sách cho đúng đối với từng loại hộ.
1. Đối với hộ sản xuất gia đình:
a) Đối với hộ sản xuất gia đình có trình độ kỹ thuật, cần áp dụng đúng tiêu chuẩn đã quy định, trong đó cần chú ý tiêu chuẩn: lao động trong hộ gồm những người có quan hệ gia đình: cha, mẹ, vợ, chồng, con, dâu, rể, anh chị em ruột, đều trực tiếp sản xuất, không thuê mướn nhân công. Nếu có thuê mướn nhân công thì xếp vào loại hộ sản xuất cá thể.
b) Nếu là hộ gia đình tư thương chuyển sang sản xuất, lao động trong hộ cũng gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con dâu, rể, anh chị em ruột, đều trực tiếp sản xuất nhưng chưa có kỹ thuật thì được phép thuê thêm 1 lao động kỹ thuật trong thời gian không quá 1 năm.
Ngành kinh tế kỹ thuật cần chủ động cử cán bộ kỹ thuật đến hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo, giúp cho các hộ này nắm đựơc kỹ thuật, không được kẻ xấu bắt chẹt.
2. Đối với hộ sản xuất cá thể:
a) Tiêu chuẩn chủ yếu để xác định hộ sản xuất cá thể là: chủ hộ phải trực tiếp sản xuất và điều hành sản xuất, có thuê mướn nhân công không quá 10 người.
b) Khi phân loại hộ sản xuất cá thể phải kết hợp giữa các tiêu chuẩn về thuê mướn nhân công (không quá 10 người) với các điểm nói ở điều 2 của quy định ban hành theo quyết định 34/QĐ-UB Không lấy năng suất lao động và công suất thiết bị cao hay thấp để định quy mô của hộ.
3. Đối với hộ sản xuất nghề phụ:
a) Tiêu chuẩn chủ yếu đối với loại hộ này là: lao động trực tiếp sản xuất trong hộ là lao động nhàn rỗi của công nhân viên, xã viên hợp tác xã và tổ viên tổ hợp tác sản xuất, không thuê mướn nhân công.
Thời gian lao động là thời gian ngoài giờ làm việc ở cơ quan, đơn vị; hoặc sử dụng lao động nhàn rỗi trong gia đình như nội trợ, học sinh, người quá tuổi lao động.
b) Nếu có sử dụng người trong độ tuổi lao động làm lao động chuyên nghiệp thì không thuộc hộ nghề phụ mà là hộ sản xuất gia đình; nếu có thuê mướn nhân công thì thuộc hộ sản xuất cá thể.
c) Công nhân viên và xã viên hợp tác xã ở khác hộ gia đình có thể cùng tổ chức sản xuất chung tại một địa điểm, cùng trực tiếp sản xuất ngoài giờ làm việc, không thuê mướn nhân công, cũng thuộc hộ nghề phụ, được khai báo đăng ký ở địa phương nơi đặt địa điểm sản xuất.
d) Đối với cán bộ hưu trí, cũng theo quy định nói ở điểm 1, 2, 3 trên đây.
Cả 3 loại hộ sản xuất cá thể, gia đình và nghề phụ đều phải có hộ khẩu thường trú tại thành phố mới được đăng ký kinhdoanh.
II. VỀ THỜI GIAN ĐƯỢC PHÉP HOẠT ĐỘNG:
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 5 đã xác định: “Tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp nước ta có tiềm năng to lớn, là một bộ phận quan trọng của công nghiệp hàng tiêu dùng, đã và đang được tổ chức lại thành một bộ phận quan trọng của kinh tế xã hội chủ nghĩa, có vị trí quan trọng lâu dài trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là trong chặng đường đầu tiên này”.
Kinh tế gia đình về nghề phụ còn chiếm vị trí quan trọng, cần được khuyến khích phát triển. Kinh tế cá thể là một bộ phận cấu thành trong 5 thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ ở miền Nam, sẽ được tồn tại lâu dài trong suốt quá trình của thời kỳ quá độ, sẽ được tổ chức và hướng dẫn làm ăn theo con đường xã hội chủ nghĩa, được chính quyền, đoàn thể và Mặt trận Tổ quốc giúp đỡ phát huy mặt tích cực, khắc phục mặt tiêu cực để ngày càng đóng góp thực sự vào công cuộc xây dưng chủ nghĩa xã hội.
Các tổ chức kinh tế này được bảo hộ và khuyến khích phát triển sản xuất, sẽ không bị quốc hữu hóa nếu cơ sở hoạt động theo đúng pháp luật.
Đối với các hộ sản xuất cá thể chấp hành tốt các chính sách và pháp luật, chịu sự chỉ đạo của ngành chủ quản và sự giám sát của công nhân lao động trong sản xuất bán sản phẩm cho Nhà nước, thì được coi là có công đóng góp vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, được bình đẳng trước pháp luật; quyền lợi về chính trị, kinh tế, việc học hành của con cái được bảo đảm không phân biệt đối xử.
Trong suốt quá trình của thời kỳ quá độ, Nhà nước sẽ tạo những điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội để phát triển kinh tế quốc doanh ngày càng lớn mạnh đủ sức đóng vai trò chủ đạo, phát triển kinh tế tập thể để thực sự phát huy tính ưu việt của cách làm ăn tập thể, hướng dẫn thu hút người sản xuất cá thể đi vào quỹ đạo xã hội chủ nghĩa, làm hco người sản xuất cá thể dần dần tự giá thấy rằng sản xuất cá thể không lợi hơn sản xuất tập thể hay quốc doanh cả về thu nhập vật chất và lợi ích tinh thần.
III. CÁC NGUYÊN TẮC TRONG VIỆC TỔ CHỨC, QUẢN LÝ:
- Các hộ sản xuất cá thể, gia đình và nghề phụ tùy theo ngành nghề được sắp xếp vào nhóm sản phẩm hoặc làm cơ sở vệ tinh của xí nghiệp quốc doanh hoặc hợp tác xã cùng ngành nghề. Khi cho phép tổ chức các hộ sản xuất cá thể và gia đình theo quyết định 34/QĐ-UB các quận, huyện phải bảo đảm không để ảnh hưởng đến sự phát triển các thành phần kinh tế khác, mà phải phát triển hài hòa các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế quốc doanh; phải xây dựng cho kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo; phải củng cố và có chính sách đảm bảo cho kinh tế tập thể đứng vững và phát triển tốt hơn cá thể.
- Ưu tiên phát triển những hộ sản xuất bằng nguồn nguyên liệu khai thác trong nước và bằng vật tư quý hiếm mà có khả năng khai thác từ nguồn nước ngoài.
- Ưu tiên phát triển những hộ sản xuất có tay nghề kỹ thuật, có nhu cầu lớn, mà sản xuất quốc doanh chưa đáp ứng đủ. Không phát triển thêm cơ sở mới đối với những ngành nghề mà năng lực sản xuất trong thành phố đang dư thừa chưa sử dụng hết công suất.
- Đình chỉ hoạt động và không cho đăng ký mới những hộ sản xuất không đủ điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm, không chịu sự quản lý của Nhà nước không có biện pháp bảo đảm vệ sinh công nghiệp, gây ô nhiễm độc hại trong khu dân cư.
IV. NGHĨA VỤ CỦA CÁC HỘ SẢN XUẤT:
Các hộ sản xuất cá thể, gia đình và nghề phụ có nghĩa vụ sau đây:
1. Tổ chức tốt sản xuất kinh doanh, thực hiện được tái sản xuất mở rộng, cải thiện được điều kiện lao động và nâng cao thu nhập của các thành viên tham gia sản xuất.
2. Đăng ký hoặc khai trình và chịu sự quản lý của một đầu mối là Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã; ngành kinh tế kỹ thuật phối hợp hướng dẫn.
3. Báo cáo trung thực và đầy đủ theo chế độ báo cáo của Nhà nước, chịu sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, như: thuế vụ…
4. Có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ theo chính sáchh và trích nộp kinh phí cho ngành theo quy định.
5. Có nghĩa vụ bán sản phẩm cho thương nghiệp quốc doanh hoặc hợp tác xã mua bán theo giá cả phù hợp.
V. VỀ CÁC NGÀNH NGHỀ ĐƯỢC PHÉP SẢN XUẤT KINH DOANH:
1. Nguyên tắc chung là các hộ được sản xuất kinh doanh các ngành nghề mà quy hoạch ngành cho phép, trừ các ngành mà Nhà nước độc quyền kinh doanh như rượu, thuốc lá, in, dược phẩm các loại, bia, nước lên men…
2. Các hộ nghề phụ có trình độ kỹ thuật cũng được phép sản xuất, kinh doanh những ngành nghề như hộ sản xuất cá thể, gia đình, kể cả gia công chi tiết hoặc công đoạn của sản phẩm đối với các ngành nghề mà quy hoạch chỉ dành cho quốc doanh hoặc hợp tác xã.
3. Trường hợp có những hộ có khả năng sản xuất kinh doanh các ngành nghề mà quy hoạch ngành không cho phép và ngoài quyết định 34/QĐ-UB thì căn cứ nhu cầu xã hội và khả năng kỹ thuật, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý ngành (liên hiệp xí nghiệp) xem xét và quyết định cho phép sản xuất kinh doanh theo các nguyên tắc như sau:
a) Các hộ có thiết bị hiện đại (sẵn có hoặc xin nhập mới), trình độ kỹ thuật cao, áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật tiên tiến, có khả năng tự cân đối vật tư (đặc biệt là vật tư hiếm do thân nhân ở nước ngoài gởi về), chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao và bán sản phẩm cho Nhà nước.
b) Nếu là hộ sản xuất gia đình, có thể xét cho sản xuất kinh doanh các ngành nghề mà quy hoạch chỉ dành cho hợp tác xã hoặc quốc doanh.
c) Nếu là hộ sản xuất cá thể thì có thể xét cho sản xuất kinh doanh các ngành nghề mà quy hoạch chỉ dành cho hợp tác xã hoặc tổ hợp tác sản xuất.
VI. MỘT SỐ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH:
1. Về đăng ký kinh doanh:
a) Các hộ sản xuất cá thể và gia đình phải thực hiện đầy đủ điều lệ đăng ký trong đó có đăng ký sản phẩm sản xuất, đăng ký lao động, nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm… theo quy định chung.
b) Các hộ nghề phụ thực hiện việc khai báo theo quy định sau đây:
- Nếu sản xuất kinh doanh các ngành nghề cần sử dụng điện hoặc vật tư Nhà nước thống nhất quản lý, cần ký hợp đồng kinh tế với Nhà nước, thì phải khai báo cho Ủy ban nhân dân phường, xã theo mẫu thống nhất, phường, xã xác nhận và lưu 1 bản, chủ hộ giữ 1 bản.
- Nếu làm các nghề thủ công đơn giản, hoặc gia công (như dán hộp, bao giấy đan mây tre lá, thêu, may, đan len…) thì chỉ khai báo cho tổ dân phố.
2. Về hợp đồng kinh tế:
a) Đối với các hộ sản xuất cá thể và gia đình thì thực hiện theo chế độ hợp đồng kinh tế hiện hành với thủ tục nhanh, gọn, không qua nhiều cơ quan xét duyệt, tạo điều kiện cho cơ sở trực tiếp với khách hàng.
b) Đối với các hộ nghề phụ gia đình:
- Nếu ký hợp đồng với các đơn vị kinh tế Nhà nước hoặc các đơn vị kinh tế khác trong thành phố, phải qua Ủy ban nhân dân phường, xã xác nhận hợp đồng. Khi vận chuyển sản phẩm, vật tư trong thành phố cần kèm theo biên lai, hóa đơn và hợp đồng.
- Nếu ký hợp đồng với các tỉnh, thành phố bạn và cần vận chuyển sản phẩm ra khỏi thành phố phải qua các thủ tục đã quy định chung.
3. Về vật tư:
a) Thương nghiệp quốc doanh của thành phố sẽ phấn đấu bán vật tư để khuyến khích sản xuất và mua lại sản phẩm. Trong lúc tình hình chung về vật tư đang còn mất cân đối, thành phố khuyến khích các hộ tìm mọi nguồn để liên doanh liên kết khai thác theo đúng các quy định hiện hành để sản xuất.
b) Các cơ quan thương nghiệp, vật tư, cung ứng hàng xuất khẩu và cửa hàng mua bán vật tư phế liệu quận, huyện cần được tăng cường củng cố để đảm bảo vật tư cho tiểu thủ công nghiệp để mua lại sản phẩm tiểu thu công nghiệp làm ra.
c) Thành phố khuyến khích việc vận động thân nhân ở nước ngoài gởi vật tư nguyên vật liệu máy móc thiết bị về để sản xuất, thay vì gởi hàng tiêu dùng. Vật tư thiết bị máy móc phụ tùng… của thân nhân từ nước ngoài gởi về cho các hộ sản xuất do Liên hiệp xã quận, huyện làm thủ tục, đưa lên Ủy ban nhân dân quận, huyện, xác nhận để tiếp nhận, sản phẩm làm ra phải bán cho Nhà nước.
Các cơ quan chức năng cần thực hiện thủ tục nhanh gọn, không gây khó khăn cho người nhận.
d) Các hộ sản xuất gia đình và nghề phụ có thể được hợp tác xã hoặc quốc doanh nhượng lại thiết bị không dùng đến (sau khi đã ưu tiên cho tập thể) để bổ sung năng lực sản xuất.
4. Về cung cấp điện:
a) Các hộ sản xuất cá thể, gia đình được cung cấp theo quy định chung.
Đối với hộ nghề phụ có hợp đồng và giấy khai báo sản xuất gia đình được Ủy ban nhân dân phường, xã xác nhận là đủ căn cứ để làm thủ tục xin cấp định mức điện theo chỉ tiêu của phường, xã, quận, huyện.
b) Trong tình hình nguồn điện lưới có hạn, các hộ dùng điện phải triệt để tiết kiệm điện (giảm định mức tiêu hao điện cho 1 đơn vị sản phẩm, tiết kiệm điện tiêu dùng…) để dành điện cho sản xuất.
Khuyến khích các hộ sản xuất cá thể, gia đình và nghề phụ sử dụng máy phát điện riêng để sản xuất.
5. Về thuế:
a) Các hộ sản xuất cá thể và gia đình phải làm nghĩa vụ nộp thuế hoặc được hưởng các chế độ miễn giảm thuế theo điều lệ thuế công thương nghiệp hiện hành.
Đối với các sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản phẩm xuất khẩu lần đầu được xét miễn giảm thuế theo quy định chung.
Đối với những hộ mới bỏ vốn ra sản xuất tùy theo mặt hàng sản xuất có thể được xem xét miễn giảm thuế từ 1 năm đến 2 năm đầu.
b) Đối với các nghề phụ vì sản lượng hàng hóa sản xuất không nhiều, không mang tính chất chuyên nghiệp, nên được miễn các loại thuế.
c) Máy móc thiết bị, vật tư nguyên liệu nhập qua thân nhân từ nước ngoài gởi về, sẽ tùy từng loại lần đầu được xét miễn hoặc giảm thuế, các lần sau cũng sẽ được xét miễn hoặc giảm thuế, các lần sau cũng sẽ được xét miễn giảm thuế nhập vật tư thiết bị theo nguyên tắc là miễn giảm cho khu vực cá thể thấp hơn khu vực tập thể.
d) Thành phố đang đề nghị với Trung ương không hạn chế số lần và số lượng vật tư nguyên vật liệu các hộ được nhận của thân nhân từ nước ngoài gởi về. Trong khi chờ đợi Trung ương cho phép, khi các hộ có đơn yêu cầu thì Ủy ban nhân dân thành phố và quận huyện sẽ cùng với Hải quân xem xét giải quyết.
6. Về giá:
Nguyên tắc chung là phải bảo đảm đủ các chi phí hợp lý khi tính giá thành và có lãi thích đáng để từ đó định giá mua giá bán đúng, không để người sản xuất bị lỗ, đồng thời cũng phải bảo đảm loại trừ các chi phí không hợp lý ra khỏi giá thành.
a) Đối với sản phẩm quan trọng, Nhà nước quy định giá và do Nhà nước bán vật tư thì ký kết hợp đồng kinh tế theo giá Nhà nước.
b) Đối với sản phẩm Nhà nước không bán hoặc có bán 1 phần vật tư có quy định khung giá thì ký kết hợp đồng theo giá thỏa thuận trong khung giá Nhà nước.
c) Đối với sản phẩm Nhà nước không quy định giá hoặc khung giá, hộ sản xuất tự cân đối vật tư, thì được ký kết hợp đồng kinh tế theo giá thỏa thuận (thuận mua, vừa bán).
d) Đối với sản phẩm mới sản xuất thử, bán ra có tính chất thăm dò thị trường, Nhà nước không quy định giá nhưng cơ sở phải đăng ký giá và bán theo giá đã đăng ký.
e) Đối với những sản phẩm đạt trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có giá trị nghệ thuật tinh xảo, có giá trị xuất khẩu cao, được áp dụng giá khuyến khích (cao hơn giá sản phẩm cùng loại; tùy từng loại, sau này sẽ quy định cụ thể thêm.
7. Về tiêu thụ sản phẩm:
a) Đối với sản phẩm làm bằng vật tư tự lo, quận, huyện và phường xã hướng dẫn các hộ sản xuất ưu tiên bán cho thương nghiệp xã hội chủ nghĩa theo giá thỏa thuận, nếu thương nghiệp xã hội chủ nghĩa không mua hoặc mua không hết thì ký gởi bán ở các cửa hàng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, nếu vẫn bán không hết thì được phép tự tổ chức tiêu thụ, có báo cho nơi đã đăng ký sản xuất.
b) Đối với sản phẩm cần giữ lại một số lượng nhất định để đối lưu, lấy vật tư sản xuất tiếp thì phải thể hiện trong hợp đồng và được quận huyệt duyệt.
c) Đối với sản phẩm xuất khẩu, các hộ được quyền sử dụng ngoại tệ như hợp tác xã và phải thực hiện đúng các thủ tục về quản lý ngoại tệ của Nhà nước.
8. Về tín dụng, ngân hàng:
Việc cho vay vốn, rút tiền mặt… đối với các hộ sản xuất gia đình và nghề phụ được giải quyết nhanh gọn, thủ tục đơn giản theo cơ chế kinh doanh của Nhà nước.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện (Phòng Công nghiệp LHX), kết hợp chặt chẽ với ngành kinh tế kỹ thuật (LHXN, XNLH, xí nghiệp quốc doanh) chỉ đạo tiến hành ngay các bước:
1. Rà soát lại các hộ sản xuất cá thể, gia đình và nghề phụ đang hoạt động và đăng ký mới.
2. Phân loại theo tiêu chuẩn đã quy định.
3. Hướng dẫn thủ tục khai báo nghề phụ và đăng ký kinh doanh đối với các hộ mới.
4. Bố trí sắp xếp các hộ gắn với ngành kinh tế kỹ thuật (làm cơ sở vệ tinh hoặc nằm trong nhóm sản phẩm với LHXN, XNLH hoặc xí nghiệp quốc doanh).
5. Quận, huyện tiến hành cấp lại đăng ký sản xuất kinh doanh, hoặc phường xã chính thức công bố đã có đăng ký để các hộ chính thức hoạt động.
Tùy tình hình cụ thể, từng quận, huyện có thể triển khai thí điểm ở một số phường xã, rút kinh nghiệm từng bước để mở rộng diện.
Các bước trên cần kết thúc trong vòng 1 tháng kể từ khi nhận được hướng dẫn này đối với hộ đang sản xuất, sau đó liên tục giải quyết cho những hộ mới đăng ký và khai trình.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc gì cần kịp thời báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tiếp.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |