Công văn số 1222/UB ngày 21/04/1986 Về quản lý và sử dụng quỹ không chia của Xí nghiệp hợp doanh và Cửa hàng hợp tác kinh doanh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 1222/UB
- Loại văn bản: Công văn
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 21-04-1986
- Ngày có hiệu lực: 21-04-1986
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4505 ngày (12 năm 4 tháng 5 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1222/UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 4 năm 1986 |
Thực hiện các quy định tạm thời về Xí nghiệp hợp doanh và Cửa hàng hợp tác kinh doanh, theo đề nghị của Sở Tài chánh và Liên hiệp Công đoàn Thành phố, UBND Thành phố chỉ đạo việc quản lý và sử dụng các quỹ không chia của Xí nghiệp hợp doanh và Cửa hàng HTKD, như sau:
I. VỀ MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG CỦA TỪNG QUỸ:
1. Quỹ phát triển sản xuất, kinh doanh:
a) Quỹ phát triển sản xuất của Xí nghiệp hợp doanh:
Quỹ phát triển sản xuất được dùng vào việc hợp lý hóa sản xuất và cải tiến kỹ thuật, nhằm vào những công việc đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Cụ thể như sau :
- Cải tiến một phần máy móc, thiết bị, thay thế thiết bị cũ và mua thêm thiết bị lẻ - cải tiến nhỏ quy trình công nghệ, bố trí, sắp xếp lại dây chuyền sản xuât kinh doanh, nâng cao công suất máy móc thiết bị, đáp ứng tiêu chuẩn, quy trình tiến bộ và tăng thêm hiệu quả sản xuất kinh doanh, củng cố, mở rộng mặt hàng, xây dựng nhỏ các công trình phục vụ cho việc hợp lý hóa sản xuất và cải tiến kỹ thuật.
- Mua sắm, chế tạo, thay đổi, xây dựng bổ sung những bộ phận máy móc thiết bị hoặc công trình và các khoản chi phí khác về nguyên vật liệu, tiền lương… trong phạm vi nghiên cứu nhằm chế thử sản phẩm mới hoặc để sản xuất các mặt hàng phụ bằng phế liệu, phế phẩm.
- Mua sắm, chế tạo, thay đổi, xây dựng bổ sung những bộ phận máy móc thiết bị hoặc công trình nhằm cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo vệ sinh công nghiệp, bảo vệ an toàn lao động.
Nếu do nhu cầu hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, chế thử, cải thiện điều kiện lao động… mà xí nghiệp cần thực hiện việc mua sắm, chế tạo, thay đổi, xây dựng lớn, vượt quá khả năng của quỹ phát triển sản xuất, thì xí nghiệp được phép vay tiền ngân hàng để thực hiện. Tiền vay ngân hàng sẽ được hoàn trả lại ngân hàng bằng quỹ phát triển sản xuất, tiền lãi vay ngân hàng được hạch toán vào chi phí sản xuất của xí nghiệp.
b) Quỹ phát triển kinh doanh của Cửa hàng HTKD:
Quy định tạm thời về HTKD trong ngành Thương nghiệp và ăn uống đã xác định “Quỹ phát triển kinh doanh để mua sắm phương tiện kinh doanh. Trong thời gian đầu mới hoạt động, quỹ phát triển kinh doanh nói chung còn eo hẹp, nếu cần có vốn để đáp ứng các yêu cầu nói trên thì được sử dụng thêm vốn tự có hoặc động viên cổ đông tư nhân góp thêm vốn nếu còn thiếu vốn.
Vấn đề phát triển kinh doanh nói trên không bó hẹp vào việc mở mang kinh doanh ngành hàng mặt hàng đã đăng ký kinh doanh mà còn bao gồm cả việc tổ chức thêm bộ phận sản xuất để hỗ trợ cho việc kinh doanh. Thí dụ: Cửa hàng rau quả tổ chức theo bộ phận chế biến một số mặt hàng thực phẩm từ rau quả không tiêu thụ hết. Cửa hàng phế liệu, phế thải tổ chức bộ phận sơ chế hoặc tái chế phế liệu, phế thải.
Quỹ phát triển sản xuất của XNHD và quỹ phát triển kinh doanh của cửa hàng HTKD nếu chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết thì có thể bổ sung cho vốn lưu động khi có nhu cầu.
2. Quỹ phúc lợi tập thể (xí nghiệp, cửa hàng)
Quỹ phúc lợi tập thể được dùng vào những việc sau đây;
- Xây dựng thêm, mở rộng, sửa chữa nhà ở, câu lạc bộ, nhà nghỉ, trại điều dưỡng, nhà trẻ, nhà ăn, căn tin, các công trình TDTT, bếp ăn… và làm những công việc khác phục vụ cho đời sống của người lao động trong xí nghiệp cửa hàng.
Cải thiện điều kiện sinh hoạt văn hóa và chăm lo sức khỏe của người lao động trong xí nghiệp, cửa hàng mua sắm thêm dụng cụ y tế, thuốc mên cho cơ sở điều trị của xí nghiệp, cửa hàng trang bị dụng cụ cho nhà ăn, căngtin, cơ sở điều trị, câu lạc bộ, nhà trẻ, chi phí về điều dưỡng, tham quan du lịch.
- Cho vay làm vốn tăng giá sản xuất nhằm cải thiện sinh hoạt cho người lao động trong xí nghiệp, cửa hàng.
- Chi phí thêm về bổ túc văn hóa và học tập nghiệp vụ, kỹ thuật ở xí nghiệp, cửa hàng.
- Trợ cấp thêm về khó khăn đột xuất cho người lao động trong xí nghiệp, cửa hàng.
Trong điều kiện quỹ phúc lợi còn eo hẹp cần dành ưu tiên cho những việc nhằm phục vụ phúc lợi tập thể. Ngay trong những việc phục vụ phúc lợi tập thể cũng phải tùy theo khả năng của quỹ mà giải quyết theo thứ tự: Việc nào thiết yếu cho đời sống của tập thể thì giải quyết trước. Ví dụ: mua thêm dụng cụ y tế, thuốc men cho cơ sở điều trị cần được giải quyết trước việc xây dựng câu lạc bộ hay nhà nghỉ.
3. Quỹ khen thưởng (xí nghiệp, cửa hàng):
Quỹ khen thưởng được dùng vào những việc sau đây:
- Khen thưởng tổng kết hoàn thành kế hoạch của xí nghiệp, cửa hàng trong đó có kết hợp với thưởng danh hiệu thi đua.
- Khen thưởng đột xuất cho những điển hình tốt về cải tiến sản xuất và quản lý làm lợi cho xí nghiệp, cửa hàng, chú ý không dùng quỹ khen thưởng để thưởng tăng năng suất (dùng quỹ lương).
Trong việc thực hiện chế độ khen thưởng cần xem xét cụ thể thành tích của từng người từng tổ để người, tổ có thành tích nhiều được thưởng nhiều, có thành tích ít được thưởng ít, không có thành tích không thưởng, tránh việc phân phối một cách bình quân.
- Khen thưởng những cá nhân, tập thể ngoài xí nghiệp, cửa hàng, có thành tích trực tiếp giúp đỡ xí nghiệp, cửa hàng hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
- Những khuyến khích bằng vật chất phải được thực hiện trong giới hạn khả năng của quỹ, tránh việc vay mượn các quỹ khác để khen thưởng hàng tháng xí nghiệp, cửa hàng phải trích từ 5% đến 10% quỹ khen thưởng nộp lên cơ quan chủ quản cấp trên để lập quỹ khen thưởng chung cho cán bộ, nhân viên của ngành quản lý và của các xí nghiệp, cửa hàng trực thuộc.
4. Quỹ bảo hiểm xã hội (xí nghiệp, cửa hàng):
Quỹ bảo hiểm xã hội được dùng vào việc thực hiện các chế độ của Nhà nước về ốm đau, sinh đẻ, tai nạn lao động và bảo hộ lao động:
- Về ốm đau, sanh đẻ: tùy khả năng của quỹ bảo hiểm xã hội mà Ban Giám đốc xí nghiệp hợp doanh, ban quản lý cửa hàng HTKD quy định thể thức trợ cấp phù hợp với tình hình của xí nghiệp, cửa hàng, sau khi đã bàn bạc thống nhất với tổ chức Công đoàn cơ sở và xin ý kiến của Công đoàn cơ sở và xin ý kiến của Công đoàn cấp trên trực tiếp.
- Về tai nạn lao động và bảo hộ lao động: thi hành đầy đủ theo chế độ BHXH và điều lệ bảo hộ lao động hiện hành. Xí nghiệp, Cửa hàng có nhiệm vụ trích một phần quỹ BHXXH để nộp cho Liên hiệp Công đoàn theo hướng dẫn của Liên hiệp Công đoàn.
Việc sử dụng quỹ không chia phải đúng mục đích, không được dùng quỹ này để bổ sung cho quỹ kia.
II. VỀ ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG:
Ngoại trừ quỹ phát triển sản xuất kinh doanh, đối với các quỹ khác nói chugn đối tượng được hưởng là tất cả những người lao động trong xí nghiệp, cửa hàng, kể cả cán bộ Nhà nước biệt phái đến công tác tại xí nghiệp, cửa hàng và cổ đông tham gia lao động.
Cán bộ Nhà nước biệt phái được hưởng các chế độ phúc lợi, khen thưởng, BHXH tại xí nghiệp, cửa hàng. Cổ đông không tham gia lao động ở xí nghiệp, cửa hàng thì không được hưởng các chế độ phúc lợi, khen thưởng, BHXH. Cũng không được hưởng các chế độ nói trên những lao động thuê ngoài theo hợp đồng ngắn hạn.
III. VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC QUỸ:
Về nguyên tắc các quỹ phát triển sản xuất kinh doanh, phúc lợi, khen thưởng, BHXH phải do xí nghiệp, cửa hàng quản lý và sử dụng. Căn cứ các chế độ hạch toán hiện hành (hạch toán kinh tế độc lập, hạch toán kế toán tại cơ sở, hạch toán báo sổ) ngành chủ quản và ngân hàng hướng dẫn cơ sở mở tài khoản thích hợp tại ngân hàng.
Hàng năm cùng với việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, xí nghiệp, cửa hàng phải xây dựng kế hoạch các quỹ để trình ngành chủ quản xét duyệt. Việc xây dựng kế hoạch sử dụng các quỹ phải được bàn bạc thống nhất với tổ chức Công đoàn cơ sở vả thông qua hội nghị công nhân viên chức. Căn cứ vào kế hoạch đã được duyệt, xí nghiệp cửa hàng thực hiện việc chỉ tiêu trong phạm vi các quỹ của từng đơn vị mặc dù có trường hợp Công đoàn cơ sở bao gồm nhiều cửa hàng HTKD. Đối với những khoản chỉ tiêu (quá mức do ngành chủ quản quy định) việc chỉ tiêu chỉ được phép thực hiện sau khi có ý kiến của ngành chủ quản về đề nghị chi của xí nghiệp, cửa hàng.
Trong bất cứ trường hợp nào ngành chủ quản không được tự ý sử dụng các quỹ của xí nghiệp, cửa hàng.
Việc trích lập quỹ phải thực hiện ngay sau khi quyết toán. Xí nghiệp, cửa hàng nào thực hiện được quyết toán lổ lãi hàng tháng thì việc trích lập quỹ cũng phải thực hiện hàng tháng. Nếu không thực hiện được quyết toán lổ lãi hàng tháng thì hàng tháng phải căn cứ vào kế hoạch trích lập quỹ mà tạm trích 75% số phải trích theo kế hoạch để nộp vào các quý. Cuối quý căn cứ vào quyết toán mà điều chỉnh số lãi đã tạm trích nộp. Các ngành chủ quản, cơ quan tài chánh, thuế, Liên hiệp công đoàn được giao nhiệm vụ giám sát việc quản lý và sử dụng các quỹ không chia của xí nghiệp hợp doanh, cửa hàng HTKD và để làm nhiệm vụ đó được quyền yêu cầu xí nghiệp, cửa hàng xuất trình sổ sách, chứng từ để kiểm tra xem xét.
Việc sử dụng các quỹ trong các xí nghiệp hợp doanh, cửa hàng HTKD có nhiều ý nghĩa về chính trị, kinh tế, tài chánh, xã hội, do đó yêu cầu các Sở, Ban, Ngành có liên quan, UBND quận huyện hướng dẫn các xí nghiệp, cửa hàng trực thuộc thi hành nghiêm chỉnh văn bản này.
Trong quá trình thực hiện có gặp khó khăn trở ngại gì thì kịp thời phản ánh UBND Thành phố để được hướng dẫn giải quyết.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |