Công văn số 2068/UB ngày 10/11/1982 Về một số vấn đề cấp bách về quản lý ổn định thị trường do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 2068/UB
- Loại văn bản: Công văn
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 10-11-1982
- Ngày có hiệu lực: 10-11-1982
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5763 ngày (15 năm 9 tháng 18 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-08-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 2068/UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 11 năm 1982 |
Kính gởi : | - Chủ tịch UBND các Quận, Huyện |
Thực hiện Nghị quyết Đại Hội 5 và Nghị quyết 01 của Bộ Chánh trị về công tác thành phố, Nghị quyết 17 của Thành ủy về một số vấn đề cấp bách về quản lý ổn định thị trường.
Ủy ban nhân dân đã có một số biện pháp chuyên đề đang kiểm tra. Đồng thời Ủy ban nhân dân thành phố cũng ra bản quy định tạm thời về quản lý tổ chức hoạt động kinh doanh đối với các trạm các công ty nội ngoại thương của các tỉnh và các ngành trung ương trên địa bàn thành phố và đối với các công ty của thành phố, của các quận huyện hoạt động thu mua ở các tỉnh bạn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Chủ tịch các quận, huyện, Giám đốc các sở, ban ngành, tổ chức triển khai thông suốt toàn văn bản quy định này cho tất cả các tổ chức kinh doanh sản xuất có mặt trên địa bàn từng quận, huyện, từng ngành để tổ chức lại và hoạt động đúng theo bản quy định này của Ủy ban nhân dân thành phố.
Ủy ban nhân dân quận, huyện, các ngành chức năng phối hợp với Ban Quản lý thị trường các cấp, các đoàn thể thường xuyên kiểm tra giám sát mọi hoạt động kinh doanh và kịp thời xử lý nghiêm khắc các vụ vi phạm. Trong quá trình thi hành thường xuyên báo cáo kết quả, khó khăn trở ngại về Thường ttrực Ủy ban nhân dân thành phố.-
Nơi nhận : | T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ VIỆC MUA BÁN TRAO ĐỔI HÀNG HÓA CỦA CÁC CTY THƯƠNG MẠI, TRẠM THU MUA CỦA CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ BẠN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Thành phố Hồ Chí Minh “là một trung tâm công nghiệp, một đầu mối giao thông quan trọng…” và cũng là nơi có nhu cầu lớn về nông sản thực phẩm. Hiện nay, thành phố có rất nhiều đơn vị thuộc các tổ chức kinh tế của các tỉnh, thành phố bạn đặt Trạm thường trực dưới các hình thức : Công ty thương mại, Trạm thu mua v.v… để quan hệ mua bán trao dổi hàng hóa tại thành phố. Ngược lại, các quận, huyện của thành phố cũng quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với các huyện của nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long và các nơi khác.
Để thắt chặt mối quan hệ giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố bạn về trao đổi, mua bán hàng hóa, hỗ trợ công tác cải tạo và tổ chức lại thị trường ở thành phố Hồ Chí Minh. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quy định tạm thời một số quy chế về việc mua bán, trao đổi hàng hóa, gia công đặt hàng với các đơn vị kinh tế của thành phố và việc các đơn vị kinh tế của thành phố (thương nghiệp quốc doanh, thương nghiệp hợp tác xã, xí nghiệp quốc doanh + công tư hợp doanh, hợp tác xã sản xuất tiểu thủ công nghiệp) đi mua bán trao đổi hàng hóa ở các tỉnh bạn như sau :
A. CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ MUA BÁN, TRAO ĐỔI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
1/ Các đại diện Công ty của các tỉnh, thành phố bạn và của các ngành trung ương đóng và hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh phải được phép của Ủy ban nhân dân thành phố và phải đăng ký với Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện sở tại.
2/ Các đơn vị của tỉnh cần sử dụng người của thành phố làm nhân viên cho mình phải báo cáo danh sách cho Ủy ban nhân dân thành phố, sau khi được Ủy ban nhân dân thành phố đồng ý mới được sử dụng.
3/ Các đơn vị của các tỉnh, thành phố bạn đến thành phố Hồ Chí Minh mua bán trao đổi hàng hóa theo kế hoạch đã ký hợp đồng giữa thành phố với tỉnh thì Sở, Ty giới thiệu đến thực hiện, ngoài điều đã ký thì phải có giấy giới thiệu của Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố. Các Công ty của tỉnh, thành phố bạn không được trực tiếp với các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các công ty xuất nhập khẩu của thành phố, các công ty cung ứng xuất khẩu quận huyện của thành phố để mua bán trao đổi hàng hóa (trừ những địa phương có liên doanh, hợp tác xuất nhập khẩu với thành phố theo chương trình hợp tác kinh tế đã được Ủy ban nhân dân hai địa phương thông qua).
4/ Những hàng hóa, vật tư của các tỉnh, thành phố bạn mang đến trao đổi với thành phố Hồ Chí Minh nếu thuộc loại hàng xuất khẩu hoặc vật tư chiến lược phải có phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố bạn về mặt hàng, số lượng và giá cả (bằng văn bản hoặc xác nhận vào hợp đồng đã ký kết) và phải thông qua Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
5/ Các tỉnh, thành phố bạn có bộ phận nào đóng tại thành phố Hồ Chí Minh thì bộ phận này chỉ được giao dịch để tổ chức giao nhận hàng hóa theo hợp đồng đã ký kết. Các Công ty của ngành kinh doanh sản xuất của trung ương, các bộ phận của các tỉnh, thành phố bạn không được tổ chức mua bán trực triếp với tư thương tại thành phố ; không được tổ chức thu mua hàng ở các chợ đầu cầu, không được mua hàng của tỉnh này bán lại cho tỉnh khác tại thành phố. Các tỉnh phía Bắc và phía Nam không dùng thành phố làm nơi giao nhận hàng của hai bên tại thành phố - thành phố không cho phép các hoạt động trao đổi này trên địa bàn thành phố.
6/ Các tỉnh, thành phố bạn có nguyên liệu vật tư cần gia công tại thành phố phải được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt. Các Sở, xí nghiệp không được ký tắc. Giá cả hợp đồng do Ủy ban nhân dân đôi bên quyết định. Các Sở Công nghiệp, Liên hiệp xã thành phố ; quận, huyện theo dõi giúp đỡ các tỉnh gia công tại thành phố. Các dịch vụ sửa chữa của tỉnh tại thành phố cũng phải tuân theo quy định như gia công. Việc mua bán phải theo hợp đồng trao đổi giữa ngành Thương nghiệp của thành phố, quận, huyện (thương nghiệp quốc doanh - hợp tác xã mua bán) với các tỉnh, không được bán cho tư thương.
7/ Các ngành thuộc trung ương đóng tại thành phố, nếu có hàng ngoài kế hoạch cần bán ra hoặc các đơn vị ngoại thương các tỉnh, thành phố bạn có một số hàng tiêu dùng nhập khẩu cần bán ra nhanh để lấy tiền mặt phục vụ cho việc mua hàng tái xuất, không được tự tổ chức bán lẻ hoặc bán cho tư thương mà phải giao cho thương nghiệp thành phố để tổ chức bán ra.
8/ Thông qua Liên hiệp xã thành phố, các hợp tác xã sản xuất tiểu thủ công nghiệp sau khi đã hoàn thành xong các hợp đồng bán hàng cho Nhà nước thì được quyền dùng một số hàng do mình sản xuất đi trao đổi để lấy nguyên liệu về phục vụ sản xuất của cơ sở mình. Nếu hàng đổi không phải nguyên liệu sản xuất thì giao cho thương nghiệp tổ chức bán ra. Nếu cần đem hàng đó để trao đổi tiếp tam tứ giác lấy nguyên liệu sản xuất, thì có kế hoạch cùng lúc báo trước với Sở Thương nghiệp thành phố biết và trình cho Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường xã để kiểm soát.
9/ Các tỉnh thành phố bạn muốn thuê kho tàng đều phải có hợp đồng thuê kho và báo cáo Ủy ban nhân dân quận, huyện và phường xã sở tại để có trách nhiệm bảo vệ. Những hàng hóa trong kho phải có đầy đủ chứng từ chứng minh là hàng nhận của thành phố, hoặc hàng nhận của trung ương (thông qua hợp đồng kinh tế và phiếu xuất kho) số hàng hóa còn lại ngoài chứng từ coi như hàng hóa phi pháp.
10/ Tất cả các hợp đồng mua bán, trao đổi của các tỉnh với các tổ chức thương nghiệp của thành phố đều phải qua Sở Thương nghiệp duyệt và cấp giấy phép xuất tỉnh như tinh thần văn bản 2031/UB ngày 28/10/1981 của Ủy ban nhân dân thành phố đã quy định.
Ngân hàng các quận huyện không chuyển khoản thanh toán các hợp đồng của các tỉnh nếu không được Sở Thương nghiệp duyệt.
Hàng của các tỉnh quá cảnh thành phố hoặc nhận của cấp I theo kế hoạch được lưu thông bình thường không thu thuế nhưng phải có đầy đủ hợp đồng và hóa đơn xuất kho của đơn vị bán hàng.
B. CÁC ĐƠN VỊ CỦA THÀNH PHỐ ĐẾN CÁC TỈNH MUA, BÁN, TRAO ĐỔI HÀNG HÓA.
1/ Các đơn vị của thành phố (bao gồm thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán, các công ty ngoại thương cấp Thành và cấp quận) đến các tỉnh giao dịch, mua bán, trao đổi hàng hóa theo hợp đồng ký kết giữa hai bên thì phải có giấy giới thiệu của Sở Thương nghiệp, Sở Ngoại thương thành phố. Ngoài hợp đồng, phải có giấy giới thiệu của Ủy ban nhân dân thành phố đến Ủy ban nhân dân tỉnh.
2/ Các đơn vị khi đến địa phương để quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa phải tuân theo các quy định quản lý thị trường, giá cả của Ủy ban nhân dân tỉnh.
3/ Phải quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với thương nghiệp quốc doanh hoặc hợp tác xã thông qua hợp đồng kinh tế. Trường hợp cần sử dụng tư thương trong khâu nghiệp vụ giao nhận thu mua hoặc gom hàng phải được sự đồng ý của địa phương đó, không được sử dụng tư thương đi giao dịch, ký kết hợp đồng kinh tế.
4/ Trường hợp cần lập trạm trung chuyển, giao hoặc nhận hàng hóa tại tỉnh bạn phải xin phép của Ủy ban nhân dân tỉnh đó.
5/ Về giá cả, mặc dù quan hệ mua bán trao đổi hàng hóa nông sản ngoài kế hoạch của trung ương theo giá cả do hai bên thỏa thuận nhưng nhất thiết phải tuân theo giá quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Hai bên ký kết hợp đồng không được tùy tiện thỏa thuận nâng giá trái với quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
6/ Để tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết, các đơn vị của thành phố có ký hợp đồng trao đổi hàng hóa với tỉnh bạn hàng tháng phải báo cáo tình hình thực hiện các hợp đồng cho Sở Thương nghiệp để Sở Thương nghiệp giúp Ủy ban nhân dân thành phố tổng hợp theo dõi, đôn đốc thực hiện. Những hợp đồng đã quá hạn mà chưa thực hiện đầy đủ các đơn vị phải báo cáo lên cơ quan Trọng tài kinh tế thành phố để xử lý theo nguyên tắc thể lệ hợp đồng kinh tế hiện hành.-
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ