Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm
- Số hiệu văn bản: 61/2015/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 09-07-2015
- Ngày có hiệu lực: 01-09-2015
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 08-11-2019
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3427 ngày (9 năm 4 tháng 22 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 61/2015/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 2015 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM VÀ QUỸ QUỐC GIA VỀ VIỆC LÀM
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động và Luật Việc làm về chính sách việc làm công, hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên và Quỹ quốc gia về việc làm.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Luật Việc làm.
2. Người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Bộ luật Lao động.
3. Cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 1 Nghị định này.
Chương II
CHÍNH SÁCH VIỆC LÀM CÔNG
Mục 1. LỰA CHỌN VÀ THÔNG BÁO DỰ ÁN, HOẠT ĐỘNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH VIỆC LÀM CÔNG
Điều 3. Lựa chọn dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công
1. Các dự án, hoạt động theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Luật Việc làm được lựa chọn để thực hiện chính sách việc làm công bao gồm:
a) Dự án, hoạt động bảo vệ, quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất, nước, rừng; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu;
b) Dự án, hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa và du lịch;
c) Dự án, hoạt động xây dựng, cải tạo và bảo dưỡng: Đường giao thông, trường học, nhà trẻ, trạm y tế, chợ, công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa thể thao; công trình thủy lợi, tưới tiêu, đê điều; công trình cung cấp điện, nước sạch, vệ sinh môi trường;
d) Dự án, hoạt động phục vụ cộng đồng khác.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) quyết định thực hiện chính sách việc làm công đối với các dự án, hoạt động theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 4. Thông báo dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công
1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện; chất lượng, tiến độ công việc cần đạt được và nhu cầu sử dụng lao động tham gia thực hiện chính sách việc làm công.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai tại trụ sở, các nơi sinh hoạt cộng đồng và thông báo trên các phương tiện truyền thông của cấp xã về các nội dung thông báo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Mục 2. THAM GIA CHÍNH SÁCH VIỆC LÀM CÔNG
Điều 5. Đăng ký tham gia chính sách việc làm công
1. Người lao động có nhu cầu tham gia chính sách việc làm công đăng ký tham gia dự án, hoạt động quy định tại Điều 3 Nghị định này với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hợp pháp theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách người lao động có nhu cầu tham gia chính sách việc làm công; niêm yết công khai tại trụ sở, các nơi sinh hoạt cộng đồng và thông báo trên các phương tiện truyền thông của cấp xã.
Điều 6. Lựa chọn người lao động tham gia chính sách việc làm công
Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với nhà thầu (nếu có), các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cộng đồng dân cư hưởng lợi từ dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công lựa chọn người lao động tham gia chính sách việc làm công trong danh sách người lao động đăng ký tham gia theo thứ tự ưu tiên:
1. Các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 19 Luật Việc làm.
2. Người lao động thuộc hộ gia đình hoạt động sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.
3. Người lao động cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án, hoạt động.
Điều 7. Chế độ đối với người lao động tham gia chính sách việc làm công
1. Người sử dụng lao động có sử dụng lao động tham gia chính sách việc làm công phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động và bảo đảm các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.
2. Dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công có sự tham gia của cộng đồng theo quy định của pháp luật về đấu thầu thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các chế độ đối với người lao động.
Mục 3. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH VIỆC LÀM CÔNG
Điều 8. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện chính sách việc làm công.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện các dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công; kiểm tra và gửi kết quả thực hiện chính sách việc làm công đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện các dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công trên địa bàn; kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện chính sách việc làm công theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 9. Giám sát việc thực hiện chính sách việc làm công của cộng đồng
1. Cộng đồng dân cư giám sát việc sử dụng lao động và việc thực hiện các chế độ đối với người lao động tham gia chính sách việc làm công trên địa bàn.
2. Các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát việc sử dụng lao động và việc thực hiện các chế độ đối với người lao động tham gia chính sách việc làm công trên địa bàn.
Chương III
HỖ TRỢ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG
Điều 10. Chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ:
1. Hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết gồm:
a) Học phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết;
b) Tiền ăn trong thời gian thực tế học;
c) Chi phí đi lại (01 lượt đi và về) từ nơi cư trú đến địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên hoặc từ 10 km trở lên đối với người lao động cư trú hợp pháp tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Riêng người lao động thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ thêm tiền ở và đồ dùng cá nhân thiết yếu.
2. Hỗ trợ chi phí làm thủ tục hộ chiếu, thị thực, khám sức khoẻ, lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
3. Hỗ trợ giải quyết rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
4. Hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề trong trường hợp nước tiếp nhận yêu cầu.
5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn quy trình, thủ tục và mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng.
Điều 11. Hỗ trợ vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
1. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và người lao động là người dân tộc thiểu số được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định của pháp luật.
2. Người lao động thuộc hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định tại Mục 3 Chương V Nghị định này.
Điều 12. Hỗ trợ phát triển thị trường lao động ngoài nước
1. Hỗ trợ phát triển thị trường lao động ngoài nước thông qua các hoạt động sau đây:
a) Nghiên cứu, khảo sát thị trường lao động ngoài nước;
b) Quảng bá thông tin về nguồn lao động Việt Nam;
c) Xúc tiến phát triển thị trường lao động ngoài nước.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn nội dung và mức hỗ trợ phát triển thị trường lao động ngoài nước.
Điều 13. Kinh phí thực hiện
Nguồn kinh phí để hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được bố trí từ ngân sách nhà nước. Riêng nguồn kinh phí hỗ trợ người lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn.
Chương IV
HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN
Mục 1. ĐÀO TẠO NGHỀ CHO THANH NIÊN HOÀN THÀNH NGHĨA VỤ QUÂN SỰ, NGHĨA VỤ CÔNG AN, THANH NIÊN TÌNH NGUYỆN
Điều 14. Đối tượng hỗ trợ đào tạo nghề
Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được hỗ trợ đào tạo nghề khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 15 Nghị định này.
Điều 15. Điều kiện hỗ trợ đào tạo nghề
Các đối tượng theo quy định tại Điều 14 Nghị định này được hỗ trợ đào tạo nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Có nhu cầu đào tạo nghề trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội;
2. Chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 16. Nội dung và mức hỗ trợ đào tạo nghề
1. Các đối tượng theo quy định tại Điều 14 Nghị định này tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ:
a) Miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn;
b) Vay vốn để tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
2. Các đối tượng theo quy định tại Điều 14 Nghị định này tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề và có giá trị sử dụng trong 01 năm kể từ ngày cấp.
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định này.
Điều 17. Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề
Nguồn kinh phí để hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định này thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Mục 2. HỖ TRỢ THANH NIÊN LẬP NGHIỆP, KHỞI SỰ DOANH NGHIỆP
Điều 18. Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp
1. Đối tượng hỗ trợ:
a) Học sinh các trường trung học phổ thông;
b) Thanh niên đang học tại cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
c) Thanh niên đã tốt nghiệp cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
2. Nội dung hỗ trợ:
a) Định hướng nghề nghiệp;
b) Cung cấp thông tin về việc làm, nghề nghiệp;
c) Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tìm việc và làm việc;
d) Tham gia chương trình thực tập làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức;
đ) Cho vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật.
3. Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc hỗ trợ thanh niên lập nghiệp.
Điều 19. Hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp
1. Đối tượng hỗ trợ:
a) Thanh niên có nhu cầu khởi sự doanh nghiệp;
b) Thanh niên đã khởi sự doanh nghiệp.
2. Nội dung hỗ trợ:
a) Cung cấp kiến thức về pháp luật, quản trị doanh nghiệp và các vấn đề có liên quan khởi sự doanh nghiệp;
b) Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp;
c) Cho vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật.
3. Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp.
Chương V
QUỸ QUỐC GIA VỀ VIỆC LÀM
Mục 1. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC GIA VỀ VIỆC LÀM
Điều 20. Sử dụng Quỹ quốc gia về việc làm
Quỹ quốc gia về việc làm (sau đây gọi chung là Quỹ) được sử dụng cho các hoạt động sau đây:
1. Cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm;
2. Cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Điều 21. Quản lý Quỹ quốc gia về việc làm
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Quỹ; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ nguồn vốn và giao chỉ tiêu thực hiện cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan trung ương của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức thực hiện chương trình).
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan trung ương của tổ chức thực hiện chương trình được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng nguồn vốn từ Quỹ theo quy định tại Nghị định này.
3. Quỹ được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý và cho vay theo quy định tại Nghị định này. Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo kết quả thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Mục 2. CHO VAY ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA, HỢP TÁC XÃ, TỔ HỢP TÁC, HỘ KINH DOANH VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG
Điều 22. Nguyên tắc cho vay vốn
1. Bảo đảm đúng đối tượng, vì mục tiêu hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
2. Bảo toàn vốn.
3. Thủ tục đơn giản, công khai, minh bạch.
Điều 23. Đối tượng vay vốn
1. Đối tượng vay vốn được quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật Việc làm.
2. Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (sau đây gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh) sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số tại Điểm a Khoản 2 Điều 12 Luật Việc làm được quy định như sau:
a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật là cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật;
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người dân tộc thiểu số là cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số;
c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số là cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số.
Điều 24. Mức vay
1. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay 01 dự án tối đa là 01 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm.
2. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng.
Điều 25. Thời hạn vay vốn
Thời hạn vay vốn không quá 60 tháng. Thời hạn vay vốn cụ thể do Ngân hàng chính sách xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn.
Điều 26. Lãi suất vay vốn
1. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật Việc làm, lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.
2. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật Việc làm, lãi suất vay vốn bằng 50% lãi suất theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất vay vốn theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Điều 27. Điều kiện bảo đảm tiền vay
Đối với mức vay trên 50 triệu đồng từ Quỹ, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
Điều 28. Lập hồ sơ vay vốn
1. Người lao động, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu vay vốn từ Quỹ lập hồ sơ vay vốn gửi chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (sau đây gọi chung là Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương) nơi thực hiện dự án.
2. Hồ sơ vay vốn:
a) Đối với người lao động:
- Giấy đề nghị vay vốn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc cư trú hợp pháp;
- Bản sao giấy tờ chứng minh đối tượng ưu tiên quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 12 của Luật Việc làm (nếu có).
b) Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, hồ sơ vay vốn gồm:
- Dự án vay vốn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án;
- Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, hợp đồng hợp tác, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao giấy tờ chứng minh đối tượng ưu tiên quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 12 của Luật Việc làm (nếu có);
- Giấy tờ liên quan đến tài sản bảo đảm (nếu có).
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Khoản 2 Điều này.
Điều 29. Thẩm định, phê duyệt hồ sơ vay vốn
1. Đối với dự án thuộc nguồn vốn do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý:
a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương tổ chức thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án phê duyệt;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình duyệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án xem xét, phê duyệt. Nếu không ra quyết định phê duyệt thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do để Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương nơi thực hiện dự án thông báo cho người vay.
2. Đối với dự án thuộc nguồn vốn do tổ chức thực hiện chương trình quản lý:
a) Trong hạn 10 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương tổ chức thẩm định trình Thủ trưởng cơ quan cấp tỉnh của tổ chức thực hiện chương trình xem xét, phê duyệt;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình duyệt, Thủ trưởng cơ quan cấp tỉnh của tổ chức thực hiện chương trình xem xét, phê duyệt. Nếu không ra quyết định phê duyệt thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do để Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương nơi thực hiện dự án thông báo cho người vay.
Điều 30. Thu hồi và sử dụng vốn vay
1. Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan thu hồi cả gốc và lãi của vốn vay khi đến hạn, đối tượng vay có thể thỏa thuận trả vốn vay trước hạn. Trong quá trình cho vay, Ngân hàng Chính sách xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện vốn vay được sử dụng không đúng mục đích, không bảo đảm chỉ tiêu tạo việc làm theo dự án vay vốn trong thời gian vay vốn thì báo cáo với cơ quan phê duyệt hồ sơ vay vốn ra quyết định thu hồi vốn vay trước thời hạn.
2. Ngân hàng Chính sách xã hội sử dụng vốn vay đã thu hồi để cho vay, hạn chế vốn tồn đọng.
3. Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh nguồn vốn vay giữa các địa phương, các tổ chức thực hiện chương trình, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định. Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm chuyển nguồn vốn vay theo quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 31. Sử dụng lãi vốn vay
1. Tiền lãi vốn vay được sử dụng như sau:
a) Trích lập Quỹ dự phòng;
b) Chi kinh phí quản lý cho vay, thu hồi vốn vay, kiểm tra, giám sát;
c) Bổ sung vốn cho Quỹ.
2. Các cơ quan phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình thẩm định, giải ngân và thu hồi vốn vay được hưởng phí do Ngân hàng Chính sách xã hội chi trả từ lãi vốn vay.
3. Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng lãi vốn vay theo quy định tại Điều này.
Điều 32. Xử lý nợ rủi ro vốn vay
Xử lý nợ rủi ro vốn vay thực hiện theo quy định của Chính phủ về cơ chế xử lý nợ rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Điều 33. Xây dựng, phê duyệt kế hoạch vốn vay và chỉ tiêu việc làm
1. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức thực hiện chương trình xây dựng kế hoạch vốn vay và chỉ tiêu việc làm gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Hằng năm, trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo kế hoạch vốn vay và chỉ tiêu việc làm cho các địa phương, các tổ chức thực hiện chương trình và Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng kế hoạch thực hiện.
Điều 34. Tổ chức chuyển vốn vay
1. Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước về nguồn vốn bổ sung vốn vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, Bộ Tài chính làm thủ tục cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển vốn về Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương để thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt.
2. Trường hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huy động nguồn vốn để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm thì được cấp bù chênh lệch lãi suất.
Mục 3. CHO VAY ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG
Điều 35. Nguyên tắc cho vay vốn
1. Bảo đảm đúng đối tượng.
2. Bảo toàn vốn.
3. Bảo đảm công khai, minh bạch.
Điều 36. Mức vay
Mức vay tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Điều 37. Điều kiện bảo đảm tiền vay
Đối với mức vay trên 50 triệu đồng, người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
Điều 38. Thời hạn vay vốn
Thời hạn vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không vượt quá thời hạn làm việc ở nước ngoài của người lao động ghi trong hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Điều 39. Lãi suất vay vốn
1. Lãi suất vay vốn ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định.
2. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất vay vốn theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 40. Lập hồ sơ vay vốn
1. Người lao động có nhu cầu vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lập hồ sơ vay vốn gửi Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương nơi cư trú.
2. Hồ sơ vay vốn:
a) Giấy đề nghị vay vốn theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc cư trú hợp pháp;
b) Bản sao giấy tờ chứng minh người lao động thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định này;
c) Bản sao hợp đồng ký kết giữa người lao động với doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
d) Bản sao hộ chiếu còn thời hạn của người lao động;
đ) Các giấy tờ có liên quan đến tài sản bảo đảm (nếu có).
Điều 41. Thẩm định, phê duyệt vốn vay
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương tổ chức thẩm định và phê duyệt. Nếu không ra quyết định phê duyệt thì Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương thông báo cho người lao động bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 42. Thu hồi vốn vay
1. Ngân hàng Chính sách xã hội thu hồi cả gốc và lãi của vốn vay khi đến hạn; người lao động có thể thỏa thuận về việc trả vốn vay trước hạn.
2. Đối với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài quản lý tiền lương của người lao động ở nước ngoài thì doanh nghiệp, người lao động và Ngân hàng Chính sách xã hội thỏa thuận về việc doanh nghiệp chuyển tiền lương của người lao động để trả vốn vay.
Điều 43. Sử dụng lãi vốn vay
1. Tiền lãi vốn vay được sử dụng như sau:
a) Trích lập Quỹ dự phòng;
b) Chi kinh phí quản lý cho vay, thu hồi vốn vay;
c) Bổ sung vốn vay cho Quỹ.
2. Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng lãi vốn vay theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 44. Xử lý nợ rủi ro vốn vay
Xử lý nợ rủi ro vốn vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện theo quy định của Chính phủ về cơ chế xử lý nợ rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Điều 45. Xây dựng, phê duyệt kế hoạch vốn vay
1. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch vốn vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Hằng năm, trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo kế hoạch vốn vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho các địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng kế hoạch thực hiện.
Điều 46. Tổ chức chuyển vốn vay
1. Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước về nguồn vốn bổ sung vốn vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ Tài chính làm thủ tục cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển vốn về Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương để tổ chức thực hiện.
2. Trường hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huy động nguồn vốn để thực hiện cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì được Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 47. Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2015.
2. Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý và điều hành Quỹ quốc gia về việc làm và Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi và bổ sung một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ; các quy định về chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề quy định tại Quyết định số 121/2009/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hoạt động của các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề; Điều 4 Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
3. Các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đã được phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo dự án đã được phê duyệt.
4. Các chương trình, dự án, đề án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo chương trình, dự án, đề án đã được phê duyệt.
5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |