Nghị định số 50/2015/NĐ-CP ngày 18/05/2015 của Chính phủ Về thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc
- Số hiệu văn bản: 50/2015/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 18-05-2015
- Ngày có hiệu lực: 15-07-2015
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3419 ngày (9 năm 4 tháng 14 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 50/2015/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2015 |
NGHỊ ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM - HÀN QUỐC
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
Chính phủ ban hành Nghị định về việc thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc.
Điều 1. Thành lập Viện
1. Thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc.
2. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (sau đây gọi là Viện) là tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.
Viện có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội và được mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài khi cần thiết.
3. Viện thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghệ nguồn, nghiên cứu nâng cấp các công nghệ phục vụ các ngành công nghiệp chiến lược, then chốt; phát triển các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực; phát triển công nghệ tích hợp để thay thế công nghệ nhập khẩu và các nhiệm vụ khác được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động.
Điều 2. Cơ cấu tổ chức
1. Cơ cấu tổ chức của Viện gồm Hội đồng viện, Viện trưởng và các Phó Viện trưởng, Hội đồng khoa học, các đơn vị nghiên cứu và phát triển và các đơn vị khác.
2. Hội đồng Viện là cơ quan có thẩm quyền quyết định chiến lược phát triển, định hướng nghiên cứu; cơ cấu tổ chức các đơn vị trực thuộc; nhân sự Viện trưởng và tổ chức giám sát các hoạt động của Viện.
Hội đồng Viện gồm một lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ là Chủ tịch Hội đồng, đại diện một số Bộ, ngành, một số nhà khoa học có uy tín và đại diện doanh nghiệp. Các thành viên Hội đồng không hưởng lương của Viện.
3. Viện trưởng là người đại diện trước pháp luật của Viện: Viện trưởng do Hội đồng Viện bầu, bãi nhiệm và được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê chuẩn.
Các Phó Viện trưởng do Viện trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi được Hội đồng Viện thông qua.
4. Hội đồng khoa học Viện do Viện trưởng thành lập, gồm một số nghiên cứu viên cao cấp của Viện và các nhà khoa học có uy tín trong nước và ở nước ngoài. Hội đồng khoa học có chức năng tư vấn cho Viện trưởng các vấn đề học thuật, nội dung chuyên môn của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đánh giá kết quả khoa học và công nghệ của Viện.
5. Khi Viện mới được thành lập, Thủ tướng Chính phủ quyết định Chủ tịch và các thành viên Hội đồng Viện trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Sau khi Viện trưởng, các Phó Viện trưởng được bổ nhiệm và Hội đồng khoa học Viện đi vào hoạt động, Hội đồng Viện được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện.
Điều 3. Cơ chế hoạt động
1. Viện được thực hiện cơ chế tự chủ áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định pháp luật khác có liên quan. Ngoài ra, Viện được thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù riêng quy định tại Nghị định này.
2. Viện quyết định kế hoạch hoạt động và các biện pháp để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định này.
3. Viện quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể và quy định chức năng, nhiệm vụ, điều lệ tổ chức và hoạt động của các đơn vị có tư cách pháp nhân và các đơn vị khác thuộc Viện.
4. Viện quyết định cơ cấu và số lượng cá nhân trực tiếp hoạt động khoa học và công nghệ tại Viện; quyết định tuyển dụng, cho thôi việc, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm và thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật và quản lý đối với các cá nhân làm việc tại Viện; quyết định cử lãnh đạo và cá nhân làm việc tại Viện đi đào tạo, thực tập, làm việc, công tác, tham dự hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và nước ngoài.
5. Viện hoạt động theo cơ chế đặt hàng của Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân. Trong thời gian đầu hoạt động, Viện được Nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này.
Điều 4. Cơ chế tài chính
1. Nhà nước bố trí vốn đối ứng cho Dự án hợp tác xây dựng Viện theo cam kết tại Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, đồng thời hỗ trợ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng cơ sở hạ tầng trang thiết bị nghiên cứu hiện đại cho Viện.
2. Nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên hằng năm và các khoản thuế phải nộp của Viện trong thời gian tối đa là 10 năm. Mức hỗ trợ căn cứ vào kết quả hoạt động hằng năm, định kỳ 3 năm và kết quả kiểm toán hằng năm của Viện, theo hướng tăng dần tự chủ về kinh phí.
3. Viện được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù tương tự như đối với các trường đại học tiên tiến được thành lập trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài, bảo đảm khuyến khích các nhà khoa học trình độ cao là người nước ngoài, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Viện.
4. Ngoài việc thực hiện kiểm toán theo quy định của pháp luật, Viện thực hiện chế độ kiểm toán độc lập hằng năm.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:
a) Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện; ban hành Quy chế tài chính đặc thù của Viện sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính;
b) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Viện trên tinh thần tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Viện.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cân đối nguồn vốn đầu tư và kinh phí hoạt động của Viện theo quy định của Nghị định này.
Điều 6. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2015.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |