Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ Hướng dẫn Luật hòa giải ở cơ sở
- Số hiệu văn bản: 15/2014/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 27-02-2014
- Ngày có hiệu lực: 25-04-2014
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3922 ngày (10 năm 9 tháng 2 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2014/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2014 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật hòa giải ở cơ sở ngày 20 tháng 6 năm 2013;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở.
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết về phạm vi hòa giải ở cơ sở; hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên và một số biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở.
Điều 2. Khuyến khích cá nhân tham gia hòa giải ở cơ sở
Cá nhân có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở được Nhà nước hỗ trợ tài liệu, được phổ biến pháp luật phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở; được khen thưởng khi tham gia tích cực hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Điểm d Khoản 1, Điểm d Khoản 2, Điểm d Khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
Điều 3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở
1. Tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở được Nhà nước cung cấp thông tin miễn phí về chính sách, pháp luật liên quan; được khen thưởng khi có đóng góp, hỗ trợ tích cực cho công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Điểm d Khoản 1, Điểm d Khoản 2, Điểm d Khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
2. Tổ chức của Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác về pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật hỗ trợ tài liệu phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở; phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở; hỗ trợ tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho hòa giải viên; tạo điều kiện cho thành viên, hội viên của tổ chức mình tham gia hòa giải ở cơ sở thì được khen thưởng theo quy định tại Điểm d Khoản 1, Điểm d Khoản 2, Điểm d Khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
Điều 4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm sau đây:
a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh) hướng dẫn, tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong phạm vi địa phương;
b) Biên soạn, hỗ trợ tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho cấp huyện; hướng dẫn cấp huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp;
c) Tổng hợp, trình dự toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương để Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định;
d) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; tiếp nhận, tổ chức thực hiện, khen thưởng tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xem xét, quyết định khen thưởng tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở của quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện; định kỳ sáu tháng, hằng năm và đột xuất khi có yêu cầu thực hiện thống kê, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và Bộ Tư pháp kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
2. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) có trách nhiệm sau đây:
a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện) hướng dẫn, tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong phạm vi địa phương; hướng dẫn lồng ghép thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng, bản, ấp, cụm dân cư; cung cấp thông tin miễn phí về chính sách, pháp luật liên quan cho tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị định này;
b) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho cấp xã; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo hướng dẫn của Sở Tư pháp;
c) Tổng hợp, trình dự toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương để Hội đồng nhân dân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định;
d) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; tiếp nhận, tổ chức thực hiện, khen thưởng hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khen thưởng tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở của quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khi cần thiết; xem xét, quyết định khen thưởng tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải của xã, phường, thị trấn trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã; định kỳ sáu tháng, hằng năm và đột xuất khi có yêu cầu thực hiện thống kê, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Sở Tư pháp kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
3. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm sau đây:
a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã) hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở; lồng ghép thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng, bản, ấp, cụm dân cư; hỗ trợ tài liệu, phổ biến pháp luật phục vụ hoạt động hòa giải ở cơ sở cho cá nhân quy định tại Điều 2 của Nghị định này;
b) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hướng dẫn Ban công tác Mặt trận phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thành lập, kiện toàn tổ hòa giải và công nhận, cho thôi tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên;
c) Xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải trình Hội đồng nhân dân cùng cấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định; thực hiện hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải tại xã, phường, thị trấn;
d) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; tiếp nhận, tổ chức thực hiện, khen thưởng hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện khen thưởng tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở của xã, phường, thị trấn khi cần thiết; định kỳ sáu tháng, hằng năm và đột xuất khi có yêu cầu thực hiện thống kê, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Phòng Tư pháp kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Chương 2.
PHẠM VI HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
Điều 5. Phạm vi hòa giải ở cơ sở
1. Hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:
a) Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);
b) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;
c) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;
d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính;
đ) Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây:
Không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
Pháp luật quy định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 164 của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại Khoản 1 Điều 169 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
e) Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm của Luật xử lý vi phạm hành chính;
g) Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.
2. Không hòa giải các trường hợp sau đây:
a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;
b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội;
c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này;
d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này;
đ) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 của Luật hòa giải ở cơ sở, bao gồm:
Hòa giải tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy định của Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Hòa giải tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 6. Giải quyết trường hợp vụ, việc không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở
Trong trường hợp xác định vụ, việc không thuộc phạm vi hòa giải theo quy định tại Điều 3 của Luật hòa giải ở cơ sở và Khoản 2 Điều 5 của Nghị định này, thì hòa giải viên giải thích cho các bên về lý do không hòa giải và hướng dẫn các bên làm thủ tục cần thiết để đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Điều 7. Hướng dẫn việc xác định phạm vi hòa giải ở cơ sở
Trong trường hợp chưa xác định được vụ, việc có thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở hay không, thì hòa giải viên đề nghị công chức Tư pháp - Hộ tịch hướng dẫn.
Chương 3.
HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
Điều 8. Thực hiện hòa giải giữa các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau
1. Trong trường hợp các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau, thì tổ trưởng tổ hòa giải hoặc hòa giải viên được phân công hòa giải ở các thôn, tổ dân phố đó phối hợp, trao đổi thông tin, bàn về biện pháp tiến hành hòa giải và thông báo với Trưởng ban công tác Mặt trận tại nơi đó cùng phối hợp giải quyết.
2. Các hòa giải viên phối hợp tiến hành hòa giải và thông báo kịp thời với tổ trưởng tổ hòa giải về kết quả hòa giải.
Điều 9. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc theo dõi, đôn đốc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành
Hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải có trách nhiệm thực hiện Điều 26 của Luật hòa giải ở cơ sở. Trong trường hợp tổ trưởng tổ hòa giải báo cáo có vấn đề phát sinh khi thực hiện thỏa thuận hòa giải thành, thì Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, gia đình, dòng họ, người có uy tín vận động, thuyết phục, có biện pháp giải quyết kịp thời vấn đề phát sinh đó.
Điều 10. Giải quyết trường hợp hòa giải không thành
1. Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và cả hai bên yêu cầu tiếp tục hòa giải, thì hòa giải viên tiếp tục tiến hành hòa giải.
2. Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và một bên yêu cầu tiếp tục hòa giải, nhưng có căn cứ cho rằng việc tiếp tục hòa giải không thể đạt kết quả thì hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 của Luật hòa giải ở cơ sở và hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp các bên yêu cầu lập văn bản hòa giải không thành, thì hòa giải viên lập văn bản, ghi rõ thông tin cơ bản về các bên; nội dung chủ yếu của vụ, việc; yêu cầu của các bên; lý do hòa giải không thành; chữ ký của hòa giải viên.
Điều 11. Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở
1. Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở có nội dung chủ yếu sau đây:
a) Ngày, tháng, năm nhận vụ, việc hòa giải;
b) Họ, tên, tuổi, địa chỉ của các bên, người có liên quan đến vụ, việc hòa giải;
c) Họ, tên của hòa giải viên, người được mời tham gia hòa giải (nếu có);
d) Nội dung chủ yếu của vụ, việc và yêu cầu của các bên;
đ) Kết quả hòa giải;
e) Chữ ký của hòa giải viên, người chứng kiến việc hòa giải và người được mời tham gia hòa giải (nếu có).
2. Sau khi kết thúc hòa giải, hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung ghi sổ.
3. Tổ trưởng tổ hòa giải có trách nhiệm lưu giữ, đôn đốc việc ghi Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Chương 4.
HỖ TRỢ KINH PHÍ CHO CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ VÀ HÒA GIẢI VIÊN
Điều 12. Kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở
Kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Luật hòa giải ở cơ sở được thực hiện như sau:
1. Kinh phí cho quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành.
2. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự cân đối được ngân sách bố trí, sử dụng nguồn thu ngân sách của địa phương để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở.
3. Ngân sách trung ương chi bổ sung cho các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Việc sử dụng kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Điều 13. Nội dung hỗ trợ kinh phí cho tổ hòa giải và hòa giải viên
1. Chi hỗ trợ để mua văn phòng phẩm; mua, sao chụp tài liệu phục vụ hoạt động của tổ hòa giải; tổ chức các cuộc họp, sơ kết, tổng kết hoạt động của tổ hòa giải.
2. Chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc; chi hỗ trợ cho hòa giải viên khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải.
Điều 14. Điều kiện được hưởng thù lao theo vụ, việc của hòa giải viên
1. Vụ, việc được tiến hành hòa giải và đã kết thúc theo quy định tại Điều 23 của Luật hòa giải ở cơ sở.
2. Hòa giải viên không vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 10 của Luật hòa giải ở cơ sở.
Điều 15. Thủ tục thanh toán thù lao cho hòa giải viên
1. Tổ trưởng tổ hòa giải lập hồ sơ đề nghị thanh toán thù lao cho hòa giải viên, bao gồm: Giấy đề nghị thanh toán thù lao của hòa giải viên có ghi rõ họ, tên, địa chỉ của hòa giải viên; tên, địa chỉ tổ hòa giải; số tiền đề nghị thanh toán; nội dung thanh toán (có danh sách các vụ, việc trong trường hợp đề nghị thanh toán thù lao cho nhiều vụ, việc); chữ ký của hòa giải viên; chữ ký xác nhận của tổ trưởng tổ hòa giải và xuất trình Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở để đối chiếu khi cần thiết.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định và trả thù lao cho hòa giải viên thông qua tổ hòa giải; trường hợp quyết định không thanh toán cho hòa giải viên thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Tổ hòa giải trả thù lao cho hòa giải viên theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được thù lao.
Điều 16. Trường hợp hòa giải viên được hỗ trợ khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải
1. Bị tai nạn hoặc rủi ro trong khi đang thực hiện hòa giải.
2. Bị tai nạn hoặc rủi ro trên đường đi và về từ nơi ở đến địa điểm thực hiện hòa giải trên tuyến đường và trong khoảng thời gian hợp lý.
Điều 17. Các khoản được hỗ trợ khi hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải
1. Hòa giải viên khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở được hỗ trợ như sau:
a) Chi phí cần thiết, hợp lý cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; nếu thu nhập thực tế của hòa giải viên không ổn định hoặc không thể xác định được thì áp dụng cách tính theo thu nhập bình quân hàng ngày của người làm công ăn lương chia theo khu vực thành thị, nông thôn, loại hình kinh tế ngoài nhà nước trong thời gian cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút.
2. Gia đình của hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở được hỗ trợ một lần bằng tiền để chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc hòa giải viên trước khi chết; người tổ chức mai táng được hỗ trợ chi phí cho việc mai táng.
Điều 18. Thủ tục thực hiện hỗ trợ khi hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải
1. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được lập thành 01 bộ, bao gồm:
a) Giấy đề nghị hỗ trợ của hòa giải viên hoặc gia đình hòa giải viên trong trường hợp hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng có xác nhận của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc Trưởng ban công tác Mặt trận trong trường hợp hòa giải viên bị thiệt hại là tổ trưởng tổ hòa giải. Giấy đề nghị hỗ trợ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người yêu cầu hỗ trợ; lý do yêu cầu hỗ trợ;
b) Biên bản xác nhận tình trạng của hòa giải viên bị tai nạn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn hoặc cơ quan công an nơi xảy ra tai nạn (bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp);
c) Giấy ra viện, hóa đơn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp);
d) Văn bản, giấy tờ hợp lệ về thu nhập thực tế theo tiền lương, tiền công hằng tháng của người bị tai nạn có xác nhận của tổ chức hoặc cá nhân sử dụng lao động để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút (bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp), bao gồm: Hợp đồng lao động, quyết định nâng lương của tổ chức hoặc cá nhân sử dụng lao động hoặc bản kê có thu nhập thực tế của hòa giải viên bị tai nạn và các giấy tờ chứng minh thu nhập thực tế hợp pháp khác (nếu có);
đ) Giấy chứng tử trong trường hợp hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng (bản chính hoặc bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện; bản phô tô và bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp trực tiếp).
2. Hòa giải viên hoặc gia đình hòa giải viên trong trường hợp hòa giải viên bị thiệt hại về tính mạng nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều này đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã ra quyết định công nhận hòa giải viên.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện kèm theo hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, ra quyết định hỗ trợ; trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Chậm nhất sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày ngày nhận được quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc chi tiền hỗ trợ.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 4 năm 2014.
Nghị định này thay thế Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
2. Các tổ hòa giải được thành lập theo Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, nhưng nay không đủ số lượng, thành phần theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Luật hòa giải ở cơ sở thì phải được bầu bổ sung hòa giải viên theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 8 của Luật hòa giải ở cơ sở trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Điều 20. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tổ chức thực hiện các quy định của Nghị định này.
2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước chi cho công tác hòa giải ở cơ sở; thủ tục, hồ sơ, mức thù lao cho hòa giải viên, hỗ trợ cho hòa giải viên khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |