cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 47/2013/NĐ-CP ngày 13/05/2013 của Chính phủ Sửa đổi Nghị định 82/2011/NĐ-CP quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 47/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Chính phủ
  • Ngày ban hành: 13-05-2013
  • Ngày có hiệu lực: 27-06-2013
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-04-2020
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2484 ngày (6 năm 9 tháng 24 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-04-2020
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-04-2020, Nghị định số 47/2013/NĐ-CP ngày 13/05/2013 của Chính phủ Sửa đổi Nghị định 82/2011/NĐ-CP quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 43/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020 của Chính phủ Quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc”. Xem thêm Lược đồ.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 13 tháng 05 năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 82/2011/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 9 NĂM 2011 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH BẰNG HÌNH THỨC TIÊM THUỐC ĐỘC

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật thi hành án hình sự ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc,

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc:

1. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 6. Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình

1. Thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình bao gồm:

a) Thuốc làm mất trí giác;

b) Thuốc làm liệt hệ vận động;

c) Thuốc làm ngừng hoạt động của tim.

2. Một liều gồm 3 loại thuốc quy định tại Khoản 1 Điều này và dùng cho một người.

3. Việc bàn giao thuốc phải được lập biên bản giao, nhận; niêm phong, quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật.”

2. Điểm c Khoản 4 Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“c) Đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định theo trình tự:

- Bước 1: Tiêm thuốc làm mất trí giác.

Sau khi tiêm thuốc xong, cán bộ chuyên môn thực hiện thi hành án tử hình phải tiến hành kiểm tra, nếu người bị thi hành án tử hình chưa mất trí giác thì tiếp tục tiêm thuốc cho đến khi họ mất trí giác.

- Bước 2: Tiêm thuốc làm liệt hệ vận động.

- Bước 3: Tiêm thuốc làm ngừng hoạt động của tim.”

3. Khoản 1 Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Bảo đảm nguồn cung ứng thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình theo kế hoạch dự trù thuốc hàng năm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; hướng dẫn bảo quản, sử dụng các loại thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành danh mục, liều lượng thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình.”

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 6 năm 2013.

2. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
-Lưu: Văn thư, NC (3b)

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng