cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 31/2012/NĐ-CP ngày 12/04/2012 của Chính phủ Quy định mức lương tối thiểu chung (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 31/2012/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Chính phủ
  • Ngày ban hành: 12-04-2012
  • Ngày có hiệu lực: 01-06-2012
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-08-2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 440 ngày (1 năm 2 tháng 15 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-08-2013
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-08-2013, Nghị định số 31/2012/NĐ-CP ngày 12/04/2012 của Chính phủ Quy định mức lương tối thiểu chung (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27/06/2013 của Chính phủ Quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công, viên chức và lực lượng vũ trang (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 31/2012/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 04 năm 2012

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU CHUNG

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động ngày 29 tháng 6 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật lao động ngày 02 tháng 4 năm 2007;

Căn cứ Nghị quyết số 14/2011/QH13 ngày 10 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu chung,

Điều 1. Mức lương tối thiểu chung

Mức lương tối thiểu chung thực hiện từ ngày 01 tháng 5 năm 2012 là 1.050.000 đồng/tháng.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Mức lương tối thiểu chung quy định tại Nghị định này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức:

1. Cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

2. Đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

Điều 3. Áp dụng mức lương tối thiểu chung

Mức lương tối thiểu chung quy định tại Nghị định này được dùng làm cơ sở để:

1. Tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương, mức phụ cấp lương và thực hiện một số chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định tại Điều 2 Nghị định này.

2. Tính trợ cấp kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2012 trở đi đối với lao động dôi dư theo Nghị định số 91/2010/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

3. Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng tính theo lương tối thiểu chung.

Điều 4. Kinh phí thực hiện mức lương tối thiểu chung

1. Kinh phí thực hiện đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm từ các nguồn:

a) Sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) theo dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao năm 2012 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

b) Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2012 của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thu. Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế, sử dụng tối thiểu 35% số thu để lại theo chế độ (sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế).

c) Sử dụng 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương, không kể tăng thu tiền sử dụng đất (bao gồm 50% nguồn tăng thu thực hiện so với dự toán thu năm 2011 Thủ tướng Chính phủ giao và 50% tăng thu dự toán năm 2012 so với dự toán thu năm 2011 Thủ tướng Chính phủ giao).

d) Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2011 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các cấp ngân sách địa phương.

đ) Ngân sách trung ương bổ sung nguồn kinh phí để thực hiện mức lương tối thiểu chung trong trường hợp các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đúng các quy định tại Điểm a, b, c và Điểm d Khoản 1 Điều này nhưng vẫn còn thiếu.

e) Ngân sách Trung ương hỗ trợ những địa phương khó khăn, chưa cân đối được nguồn với mức bình quân 2/3 so với mức lương tối thiểu chung đối với người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn, ở thôn và tổ dân phố được xác định theo đúng quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ.

2. Kinh phí khi thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với người lao động làm việc trong các công ty quy định tại Khoản 3 Điều 2 do công ty bảo đảm và được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí sản xuất kinh doanh.

Điều 5. Trách nhiệm hướng dẫn thi hành

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sau khi lấy ý kiến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện người sử dụng lao động và Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; hướng dẫn tính trợ cấp theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định này đối với người lao động dôi dư theo Nghị định số 91/2010/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2010.

2. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Nghị định này.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm:

a) Hướng dẫn việc tính toán, cân đối nguồn kinh phí để thực hiện mức lương tối thiểu chung theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này.

b) Thẩm định và bổ sung kinh phí thực hiện mức lương tối thiểu chung cho các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 4 Nghị định này và bảo đảm nguồn bổ sung có mục tiêu đối với những địa phương khó khăn theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 4 Nghị định này và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2012.

Các quy định nêu tại Nghị định này được tính hưởng từ ngày 01 tháng 5 năm 2012.

2. Bãi bỏ Nghị định số 22/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu chung.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển VN;
- Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Tập đoàn kinh tế NN, Tổng công ty 91;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý Thủ tướng CP, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng