Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ Hướng dẫn Luật người cao tuổi
- Số hiệu văn bản: 06/2011/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 14-01-2011
- Ngày có hiệu lực: 01-03-2011
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 01-01-2014
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 2: 01-11-2017
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5073 ngày (13 năm 10 tháng 28 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2011/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2011 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT NGƯỜI CAO TUỔI
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Người cao tuổi ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1.
PHỤNG DƯỠNG, CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI
Điều 1. Điều kiện đối với cá nhân hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi
1. Cá nhân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi phải bảo đảm điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;
c) Có sức khỏe và kỹ năng để chăm sóc người cao tuổi.
2. Tổ chức cung ứng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi phải đáp ứng quy định tại Điều 8 Nghị định này.
Điều 2. Hợp đồng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi
1. Hợp đồng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi giữa người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi với cá nhân hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi phải được lập thành văn bản.
2. Hợp đồng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi phải bảo đảm nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người cao tuổi, phải có ý kiến đồng ý của người cao tuổi hoặc người giám hộ người cao tuổi.
3. Hợp đồng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tình trạng sức khỏe, bệnh tật của người cao tuổi;
b) Thời gian chăm sóc, địa điểm chăm sóc, phương thức thực hiện chăm sóc;
c) Chi phí dịch vụ, phương thức thanh toán;
d) Quyền và nghĩa vụ của người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng;
đ) Quyền và nghĩa vụ của cá nhân hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ chăm sóc;
e) Các nội dung khác.
4. Việc ký kết, thực hiện, sửa đổi, bổ sung và chấm dứt hợp đồng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi do các bên thỏa thuận và theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 3. Hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch
1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần và rèn luyện sức khỏe của người cao tuổi.
2. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch đáp ứng nhu cầu tinh thần và rèn luyện sức khỏe của người cao tuổi được hưởng chính sách quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm hướng dẫn việc tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi tham gia học tập, sinh hoạt văn hóa, giải trí, du lịch, luyện tập dưỡng sinh và các hoạt động thể dục, thể thao phù hợp với sức khỏe, tâm lý quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Người cao tuổi.
Điều 4. Công trình công cộng, giao thông công cộng
1. Việc xây dựng, cải tạo nhà chung cư, công trình công cộng phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng và bảo đảm phù hợp với đặc điểm, nhu cầu sử dụng của người cao tuổi.
2. Trên các phương tiện giao thông công cộng phải có hướng dẫn, có chỗ ngồi ưu tiên cho người cao tuổi và tùy từng loại phương tiện có công cụ hỗ trợ hoặc sự trợ giúp phù hợp với người cao tuổi. Người tham gia giao thông có trách nhiệm hỗ trợ người cao tuổi khi cần thiết.
Điều 5. Giảm giá vé, giá dịch vụ khi sử dụng một số dịch vụ
1. Người cao tuổi được giảm ít nhất mười lăm phần trăm (15%) giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng tàu thủy chở khách, tàu hỏa chở khách, máy bay chở khách.
2. Người cao tuổi được giảm ít nhất hai mươi phần trăm (20%) giá vé, giá dịch vụ thăm quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh; tập luyện thể dục, thể thao tại các cơ sở thể dục thể thao có bán vé hoặc thu phí dịch vụ.
3. Để được giảm giá vé, giá dịch vụ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này người cao tuổi phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác chứng minh là người cao tuổi.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ có vé giảm giá riêng dành cho người cao tuổi.
5. Căn cứ điều kiện cụ thể, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các ngành, đoàn thể Trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định mức giảm giá vé, giá dịch vụ thuộc thẩm quyền quản lý quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Điều 6. Chính sách bảo trợ xã hội
1. Mức chuẩn trợ cấp xã hội để xác định mức trợ cấp xã hội hằng tháng, mức trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng đối với người cao tuổi là 180.000 đồng (hệ số 1,0).
2. Mức trợ cấp xã hội hằng tháng thấp nhất đối với người cao tuổi quy định tại Điều 17 Luật Người cao tuổi sống tại cộng đồng do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý như sau:
a) Mức 180.000 đồng/người/tháng (hệ số 1,0) đối với người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến 80 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng;
b) Mức 270.000 đồng/người/tháng (hệ số 1,5) đối với người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng;
c) Mức 180.000 đồng/người/tháng (hệ số 1,0) đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều này mà không có lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng.
3. Mức 360.000 đồng/người/tháng (hệ số 2,0) đối với người cao tuổi được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Người cao tuổi.
4. Mức 360.000 đồng/người/tháng (hệ số 2,0) đối với người cao tuổi đủ điều kiện tiếp nhận vào sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng quy định tại Điều 19 Luật Người cao tuổi.
5. Mức hỗ trợ chi phí mai táng khi người cao tuổi chết quy định tại Điều 18, Điều 19 Luật Người cao tuổi là 3.000.000 đồng.
6. Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các ngành, đoàn thể ở Trung ương nơi có cơ sở chăm sóc người cao tuổi; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức trợ cấp, trợ giúp cho người cao tuổi thuộc thẩm quyền quản lý nhưng không thấp hơn mức quy định tại khoản 2, khoản 3 khoản 4 và khoản 5 Điều này.
7. Trường hợp người cao tuổi thuộc diện hưởng các mức trợ cấp xã hội hằng tháng khác nhau quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này hoặc được hưởng các mức hỗ trợ mai táng phí khác nhau thì chỉ được hưởng một mức cao nhất.
8. Thời gian hưởng mức trợ cấp của người cao tuổi quy định tại khoản 4 Điều này được tính từ ngày ghi trong quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
9. Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ tiếp nhận người cao tuổi vào cơ sở bảo trợ xã hội; thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng và hỗ trợ chi phí mai táng.
Điều 7. Chúc thọ, mừng thọ
1. Mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ được quy định như sau:
a) Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức quà tặng của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho người thọ 100 tuổi, mức quà tặng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho người thọ 90 tuổi và nội dung chi, mức chi tổ chức mừng thọ quy định tại khoản 3 Điều 21 Luật Người cao tuổi;
b) Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức quà tặng người thọ 70, 75, 80, 85, 95 tuổi và trên 100 tuổi.
2. Việc tổ chức mừng thọ người cao tuổi thực hiện trang trọng, tiết kiệm phù hợp với nếp sống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương.
3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết việc tổ chức mừng thọ quy định tại khoản 2 Điều này.
Chương 2.
CƠ SỞ CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI
Điều 8. Thành lập, hoạt động, giải thể cơ sở chăm sóc người cao tuổi
1. Điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Người cao tuổi thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội.
2. Điều kiện, thủ tục thành lập và giải thể cơ sở chăm sóc người cao tuổi quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều 20 Luật Người cao tuổi theo quy định của pháp luật về loại hình tổ chức đó.
3. Cơ sở chăm sóc người cao tuổi quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều 20 Luật Người cao tuổi chỉ được phép hoạt động sau khi được cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi.
Điều 9. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi
Cơ sở chăm sóc người cao tuổi quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này được cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đã được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật;
2. Người đứng đầu cơ sở phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
3. Có nhân viên trực tiếp tư vấn, chăm sóc người cao tuổi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.
4. Cơ sở chăm sóc người cao tuổi phải bảo đảm điều kiện về môi trường, cơ sở vật chất, tiêu chuẩn chăm sóc, nuôi dưỡng quy định tại Điều 10, Điều 11 và Điều 12 Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội.
Điều 10. Giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi
1. Giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi có nội dung chính sau đây:
a) Tên cơ sở, địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại, số fax;
b) Họ và tên người đứng đầu cơ sở;
c) Phạm vi, nội dung dịch vụ cung cấp của cơ sở.
2. Cơ sở chăm sóc người cao tuổi chỉ được hoạt động theo nội dung ghi trong giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi.
3. Khi thay đổi tên gọi, địa chỉ trụ sở chính, người đứng đầu, phạm vi, nội dung dịch vụ phải làm thủ tục đề nghị điều chỉnh giấy phép; trường hợp thay đổi hình thức tổ chức, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép.
4. Khi giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi bị mất, bị hư hỏng thì cơ sở được cấp lại giấy phép.
Điều 11. Thẩm quyền cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi đối với các trường hợp sau đây:
a) Cơ sở thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có trụ sở chính đặt tại địa phương;
b) Cơ sở do tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập có trụ sở chính đặt tại địa phương;
c) Cơ sở do cơ quan, tổ chức cấp tỉnh thành lập.
2. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi đối với các cơ sở khác do các tổ chức, cá nhân trong nước thành lập mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này có trụ sở chính tại địa phương.
3. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi là cơ quan có thẩm quyền cấp lại, điều chỉnh, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi.
Điều 12. Hồ sơ cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi
1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi của cơ sở;
b) Bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở.
c) Các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
2. Hồ sơ điều chỉnh, cấp lại giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi bao gồm:
a) Văn bản đề nghị điều chỉnh, cấp lại giấy phép;
b) Giấy tờ chứng minh bị mất, bị hư hỏng giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi;
c) Giấy tờ chứng minh thay đổi tên gọi, địa chỉ trụ sở chính, người đứng đầu, phạm vi, nội dung dịch vụ.
Điều 13. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi
1. Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại và điều chỉnh giấy phép hoạt động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện theo quy định sau đây:
a) Cơ sở chăm sóc người cao tuổi lập hồ sơ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cấp, cấp lại hoặc điều chỉnh giấy phép hoạt động.
2. Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại và điều chỉnh giấy phép hoạt động do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện theo quy định sau đây:
a) Cơ sở chăm sóc người cao tuổi lập hồ sơ gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cấp, cấp lại hoặc điều chỉnh giấy phép hoạt động.
3. Trong trường hợp hồ sơ của cơ sở xin cấp giấy phép hoạt động chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan cấp giấy phép phải thông báo cho cơ sở biết để hoàn thiện hồ sơ.
4. Trường hợp cơ sở xin cấp giấy phép hoạt động không đủ điều kiện để cấp giấy phép thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan cấp giấy phép phải thông báo cho cơ sở lý do không đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi.
Điều 14. Tạm đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi
1. Cơ sở chăm sóc người cao tuổi trong quá trình hoạt động không bảo đảm đủ điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định này thì bị tạm đình chỉ hoạt động cho đến khi bảo đảm đủ điều kiện hoạt động.
2. Giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Giấy phép hoạt động được cấp cho cơ sở không đúng thẩm quyền hoặc không đúng quy định của pháp luật;
b) Sau 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi nhưng cơ sở không hoạt động;
c) Cơ sở thay đổi mục đích hoạt động;
d) Hết thời hạn tạm đình chỉ mà cơ sở vẫn không bảo đảm đủ điều kiện theo quy định;
đ) Cơ sở vi phạm bị xử phạt hành chính ba (03) lần trong 12 tháng;
e) Tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở bị giải thể, phá sản mà cơ sở đó không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
3. Cơ sở chăm sóc người cao tuổi phải có trách nhiệm giải quyết quyền lợi của người cao tuổi khi cơ sở bị tạm đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi.
Điều 15. Trách nhiệm tạm đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi
1. Khi phát hiện một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thu hồi giấy phép hoạt động chăm sóc người cao tuổi do mình cấp.
2. Trường hợp phát hiện cơ sở không còn bảo đảm các điều kiện quy định, tùy theo tính chất, mức độ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định tạm đình chỉ có thời hạn một phần hoặc toàn bộ hoạt động chăm sóc người cao tuổi theo quy định trong giấy phép do mình cấp.
Điều 16. Chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi
Tổ chức, cá nhân đóng góp đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Kinh phí thực hiện
1. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách bảo trợ xã hội; kinh phí khảo sát, thống kê, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội và kinh phí hoạt động chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội thực hiện theo quy định tại Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.
2. Kinh phí thực hiện các nội dung khác chưa quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của Luật Người cao tuổi và pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều 18. Trách nhiệm thực hiện
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tổ chức thực hiện các quy định của Nghị định này.
2. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến chính sách; khảo sát, thống kê người cao tuổi; xây dựng phần mềm quản lý; ban hành hệ thống chỉ tiêu theo dõi giám sát, mẫu hồ sơ và thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2011 và thay thế Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Người cao tuổi, khoản 3 Điều 4 và những quy định khác về người cao tuổi của Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.
Điều 20. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |