Nghị định số 45/2009/NĐ-CP ngày 13/05/2009 của Chính phủ Hướng dẫn việc nhập khẩu mẫu, lấy mẫu, quản lý, sử dụng mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần vì mục đích quốc phòng, an ninh
- Số hiệu văn bản: 45/2009/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 13-05-2009
- Ngày có hiệu lực: 01-07-2009
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2022
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4567 ngày (12 năm 6 tháng 7 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-01-2022
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45/2009/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 13 tháng 05 năm 2009 |
NGHỊ ĐỊNH
HƯỚNG DẪN VIỆC NHẬP KHẨU MẪU, LẤY MẪU, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG MẪU CÁC CHẤT MA TÚY, TIỀN CHẤT, THUỐC GÂY NGHIỆN, THUỐC HƯỚNG THẦN VÌ MỤC ĐÍCH QUỐC PHÒNG, AN NINH
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 09 tháng 12 năm 2000, đã được sửa đổi, bổ sung ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này hướng dẫn việc nhập khẩu mẫu, lấy mẫu, quản lý và sử dụng mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để huấn luyện nghiệp vụ, truy nguyên nguồn gốc phục vụ công tác phòng, chống tội phạm về ma túy của lực lượng Công an, Quân đội, Hải quan (sau đây viết gọn là các hoạt động hợp pháp về ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh).
2. Việc quản lý, xử lý vật chứng, lấy mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để trưng cầu giám định phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tội phạm ma túy thực hiện theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Huấn luyện nghiệp vụ phòng, chống tội phạm về ma túy bao gồm hoạt động giảng dạy, đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy; huấn luyện động vật và các hoạt động khác về cách nhận biết chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.
2. Truy nguyên nguồn gốc ma túy là việc áp dụng các phương pháp hóa học, lý học để xác định trạng thái, bản chất nguyên liệu, chữ viết, hình in, lô gô trên bao gói, nhằm xác định nguồn gốc nơi sản xuất, phương pháp, cách thức điều chế, sản xuất các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần phục vụ công tác phòng, chống tội phạm về ma túy.
Điều 3. Nguyên tắc tiến hành các hoạt động hợp pháp về ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh
1. Các hoạt động nhập khẩu mẫu, lấy mẫu, quản lý và sử dụng mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần phải đúng mục đích, theo quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
2. Nghiêm cấm việc lợi dụng, lạm dụng các hoạt động hợp pháp quy định tại Nghị định này để trục lợi, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, xâm phạm các quy tắc quản lý nhà nước về công tác phòng, chống ma túy.
Chương 2.
NHẬP KHẨU MẪU, LẤY MẪU, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG MẪU CÁC CHẤT MA TÚY, TIỀN CHẤT, THUỐC GÂY NGHIỆN, THUỐC HƯỚNG THẦN VÌ MỤC ĐÍCH QUỐC PHÒNG, AN NINH
Điều 4. Việc nhập khẩu mẫu, lấy mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần
1. Nguồn mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần được lấy từ vật chứng trong các vụ án về tội phạm ma túy đã bị phát hiện, thu giữ và nhập khẩu thông qua các cơ quan, tổ chức hợp pháp nước ngoài.
2. Các lực lượng thi hành pháp luật khi phát hiện, thu giữ các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần có khối lượng từ 350 gam hoặc từ 100 viên, ống hoặc 5 lít chất lỏng trở lên và trường hợp có khối lượng ít hơn nhưng đó là loại ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần mới xuất hiện, thì cùng với việc lấy mẫu để giám định theo thủ tục tố tụng còn phải trích mẫu gửi về Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để truy nguyên nguồn gốc.
3. Việc lấy mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần phải được tiến hành theo quy định như lấy mẫu phục vụ giám định trong Bộ Luật Tố tụng hình sự. Bộ Công an thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định cụ thể số lượng, quy trình, thủ tục lấy mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần từ vật chứng thu giữ các vụ án về tội phạm ma túy.
4. Việc nhập khẩu mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần thực hiện theo quy định hiện hành về nhập khẩu chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.
Điều 5. Các cơ quan, đơn vị được tiến hành các hoạt động hợp pháp về ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh
1. Khi có yêu cầu và được phép của người có thẩm quyền, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an được nhập khẩu mẫu, lấy mẫu, quản lý và sử dụng mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để huấn luyện nghiệp vụ và truy nguyên nguồn gốc phục vụ công tác phòng, chống tội phạm về ma túy của lực lượng Công an, Quân đội, Hải quan.
2. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an, Cục Phòng, chống tội phạm về ma túy Bộ Tư lệnh biên phòng; Cục Cảnh sát biển Bộ Quốc phòng, Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan được nhận mẫu, quản lý và sử dụng mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần từ Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để huấn luyện nghiệp vụ.
3. Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được nhận mẫu, quản lý và sử dụng mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần từ Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để huấn luyện nghiệp vụ và truy nguyên nguồn gốc.
4. Các cơ sở đào tạo cán bộ phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính được nhận mẫu, quản lý và sử dụng mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần từ Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để huấn luyện nghiệp vụ.
5. Các đơn vị huấn luyện chó nghiệp vụ hoặc động vật khác để phát hiện ma túy thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính được nhận mẫu, quản lý và sử dụng mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần từ Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để huấn luyện.
Điều 6. Việc quản lý, sử dụng, tiêu hủy mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần vì mục đích quốc phòng, an ninh
1. Các đơn vị quy định tại Điều 5 Nghị định này khi tiếp nhận mẫu các chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần từ Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để sử dụng phải lập biên bản giao nhận. Việc quản lý, sử dụng mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần phải chặt chẽ, không được để mất mát, hư hỏng hoặc sử dụng sai mục đích. Trường hợp mẫu các chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần không còn khả năng sử dụng để huấn luyện nghiệp vụ, truy nguyên nguồn gốc thì lập hội đồng tiêu hủy, ghi rõ trong biên bản và lưu hồ sơ theo dõi.
2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng, tiêu hủy mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để huấn luyện nghiệp vụ, truy nguyên nguồn gốc.
Điều 7. Chế độ báo cáo, thống kê hoạt động hợp pháp về ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh
1. Cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần phải thực hiện chế độ báo cáo, thống kê theo quy định của Bộ Công an. Các tài liệu liên quan đến hoạt động hợp pháp về ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh phải được lưu giữ, quản lý theo chế độ tài liệu mật.
2. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị có nhu cầu nhập khẩu mẫu, sử dụng mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần vì mục đích quốc phòng, an ninh phải lập dự trù, gửi về Bộ Công an để xem xét, quyết định.
3. Bộ Công an hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục, đơn vị quản lý, theo dõi việc nhập khẩu mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Chương 3.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Quản lý nhà nước hoạt động hợp pháp về ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước việc nhập khẩu mẫu, lấy mẫu, quản lý và sử dụng mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần vì mục đích quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật, bao gồm:
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế, kế hoạch nhập khẩu mẫu, lấy mẫu, quản lý và sử dụng mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần vì mục đích quốc phòng, an ninh.
2. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác liên quan đến nhập khẩu mẫu, lấy mẫu, quản lý và sử dụng mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần vì mục đích quốc phòng, an ninh.
3. Cấp, thu hồi giấy phép nhập khẩu mẫu chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần vì mục đích quốc phòng, an ninh.
4. Thực hiện thống kê nhà nước về nhập khẩu mẫu chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần vì mục đích quốc phòng, an ninh.
5. Hợp tác quốc tế và kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về nhập khẩu mẫu, lấy mẫu, quản lý và sử dụng mẫu các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Điều 9. Ngân sách bảo đảm hoạt động hợp pháp về ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh
1. Ngân sách nhà nước bảo đảm cho các hoạt động hợp pháp về ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh được cân đối, bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm giao cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính.
2. Việc lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước bảo đảm cho các hoạt động hợp pháp về ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh được thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 10. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện các quy định của Nghị định này thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của Nghị định này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009.
Điều 12. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các cơ quan thi hành pháp luật về phòng, chống ma túy trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |