Nghị định số 22/2009/NĐ-CP ngày 24/02/2009 của Chính phủ Sửa đổi Nghị định 70/2006/NĐ-CP quy định việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 22/2009/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 24-02-2009
- Ngày có hiệu lực: 10-04-2009
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 18-11-2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1683 ngày (4 năm 7 tháng 13 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 18-11-2013
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2009/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2009 |
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU NGHỊ ĐỊNH SỐ 70/2006/NĐ-CP NGÀY 24 THÁNG 7 NĂM 2006 QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ TANG VẬT, PHƯƠNG TIỆN BỊ TẠM GIỮ THEO THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2006 quy định việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính;
1. Khoản 4 Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“4. Thông báo cho Hội đồng bán đấu giá cấp huyện, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh về tang vật, phương tiện đã có quyết định tịch thu để bán đấu giá”.
2. Điểm c khoản 1 Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“c) Trường hợp chuyển tang vật, phương tiện đó sang Cơ quan điều tra, Hội đồng bán đấu giá cấp huyện, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh hoặc cơ quan giám định thì người quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải lập biên bản về số lượng, khối lượng, trọng lượng, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ, tình trạng của tang vật, phương tiện. Biên bản được lập thành hai bản có chữ ký của bên giao và bên nhận, mỗi bên giữ một bản”.
3. Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 11. Xử lý tang vật, phương tiện hết thời hạn bị tạm giữ
1. Đối với tang vật, phương tiện đã hết thời hạn tạm giữ mà không biết rõ chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận lại tang vật, phương tiện đó thì người có thẩm quyền tịch thu phải thông báo ít nhất hai lần liên tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tịch thu. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai mà không xác định được chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện đó theo quy định tại Điều 61 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 04 năm 2008 và Điều 35 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
2. Đối với tang vật, phương tiện bị tạm giữ đã có quyết định tịch thu, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định, người ra quyết định tịch thu có trách nhiệm:
a) Chuyển quyết định tịch thu cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh nơi xảy ra hành vi vi phạm đối với trường hợp tang vật, phương tiện do người có thẩm quyền của các cơ quan Trung ương ra quyết định tịch thu và trường hợp tang vật, phương tiện do người có thẩm quyền của các cơ quan cấp tỉnh ra quyết định tịch thu để tổ chức bán đấu giá;
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định nêu trên, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá phải có trách nhiệm tiếp nhận tang vật, phương tiện đó để tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
b) Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá để tổ chức bán đấu giá đối với các tang vật, phương tiện do người có thẩm quyền của cơ quan cấp huyện và cấp xã ra quyết định tịch thu. Thành phần Hội đồng gồm:
- Lãnh đạo cơ quan ra quyết định tịch thu làm Chủ tịch Hội đồng.
- Lãnh đạo cơ quan tài chính cùng cấp làm Phó Chủ tịch Hội đồng;
- Tùy theo tính chất, đặc điểm của từng vụ việc, người có thẩm quyền thành lập Hội đồng quyết định mời các thành viên khác (Viện Kiểm sát, Công an, Thanh tra và các cơ quan liên quan) tham gia Hội đồng.
3. Đối với tang vật, phương tiện bị tịch thu, nếu xét thấy không còn giá trị sử dụng thì thủ trưởng cơ quan của người ra quyết định tịch thu thành lập Hội đồng đánh giá tài sản. Thành phần Hội đồng gồm:
- Lãnh đạo cơ quan ra quyết định tịch thu làm Chủ tịch Hội đồng;
- Lãnh đạo cơ quan tài chính cùng cấp làm Phó Chủ tịch Hội đồng;
- Tùy theo tính chất, đặc điểm của từng vụ việc và tình hình thực tế tại địa phương, người có thẩm quyền thành lập Hội đồng quyết định mời các thành viên khác (Viện Kiểm sát, Công an, Thanh tra và các cơ quan liên quan) tham gia Hội đồng.
Sau khi đánh giá, nếu xét thấy tang vật, phương tiện bị tịch thu còn giá trị sử dụng thì xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều này. Nếu xác định tang vật, phương tiện không còn giá trị sử dụng thì xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 61 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008.
Việc đánh giá tài sản phải được lập biên bản có đầy đủ chữ ký của các thành viên Hội đồng”.
4. Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 12. Xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu mà Trung tâm dịch vụ bán đấu giá không tiếp nhận theo quy định và những địa phương chưa có Trung tâm dịch vụ bán đấu giá
1. Sau thời hạn quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định này mà Trung tâm dịch vụ bán đấu giá không tiếp nhận tang vật, phương tiện bị tịch thu để tổ chức bán đấu giá theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá để tổ chức bán đấu giá (theo đề nghị của cơ quan ra quyết định tịch thu) đối với các tang vật, phương tiện do người có thẩm quyền của các cơ quan cùng cấp và cơ quan Trung ương ra quyết định tịch thu. Thành phần Hội đồng gồm:
a) Lãnh đạo cơ quan tài chính cấp tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng;
b) Lãnh đạo cơ quan ra quyết định tịch thu làm Phó Chủ tịch Hội đồng;
c) Tùy theo tính chất, đặc điểm của từng vụ việc, người có thẩm quyền thành lập Hội đồng quyết định mời các thành viên khác (Viện Kiểm sát, Công an, Thanh tra và các cơ quan liên quan) tham gia Hội đồng.
2. Đối với những địa phương chưa có Trung tâm dịch vụ bán đấu giá thì việc xử lý đối với tang vật, phương tiện bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Việc bán đấu giá được thực hiện theo quy định hiện hành về bán đấu giá tài sản. Số tiền thu được từ bán đấu giá được xử lý theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008”.
Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 4 năm 2009.
Điều 3. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định này.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |