Nghị định số 06/2009/NĐ-CP ngày 22/01/2009 của Chính phủ Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 06/2009/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 22-01-2009
- Ngày có hiệu lực: 08-03-2009
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 01-09-2010
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 2: 01-03-2013
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1760 ngày (4 năm 10 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-01-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2009/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2009 |
NGHỊ ĐỊNH
XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC SẢN XUẤT, KINH DOANH RƯỢU VÀ THUỐC LÁ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 08 tháng 3 năm 2007 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
NGHỊ ĐỊNH
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá.
2. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá là hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
3. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá quy định tại Nghị định này bao gồm: vi phạm các quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy phép sản xuất, điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu sản phẩm, dán tem sản phẩm.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá quy định tại Nghị định này.
2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
3. Người chưa thành niên có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá bị xử phạt theo quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. "Sản phẩm rượu" là đồ uống chứa cồn thực phẩm, sau đây được gọi chung là rượu. Rượu được sản xuất từ quá trình lên men, có hoặc không chưng cất từ tinh bột của các loại ngũ cốc, dịch đường của các loại cây và hoa quả.
2. "Sản xuất rượu thủ công" là hoạt động sản xuất rượu bằng thiết bị đơn giản, quy mô nhỏ và do hộ kinh doanh, hộ gia định hoặc cá nhân thực hiện.
3. "Sản xuất rượu công nghiệp" là hoạt động sản xuất rượu trên dây chuyền máy móc, thiết bị công nghiệp.
4. "Nguyên liệu thuốc lá" là thuốc lá dưới dạng lá rời, lá đã sơ chế tách cọng hoặc thuốc lá sợi, thuốc lá tấm, cọng thuốc lá và các chế phẩm thay thế khác dùng để sản xuất ra các sản phẩm thuốc lá.
5. "Sản phẩm thuốc lá" là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá, sau đây được gọi chung là thuốc lá. Thuốc lá được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi.
6. "Năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá" là khả năng của máy móc, thiết bị đồng bộ để sản xuất thuốc lá.
7. "Chế biến nguyên liệu thuốc lá" là hoạt động chế biến được thực hiện trên dây chuyền máy móc, thiết bị để sơ chế, tách cọng thuốc lá hoặc chế biến ra thuốc lá sợi, thuốc lá tấm và các chế phẩm thay thế khác dùng để sản xuất ra thuốc lá.
Điều 4. Nguyên tắc xử phạt
1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá được áp dụng theo quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá phải do người có thẩm quyền quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định này thực hiện.
3. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá được xem xét theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
4. Việc xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá phải tuân theo quy định tại Điều 121 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 5. Thời hiệu xử phạt và thời hạn được coi là chưa bị xử phạt
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá là một năm kể từ ngày vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá được thực hiện, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm rượu, thuốc lá hoặc dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu rượu, thuốc lá; hành vi buôn lậu, buôn bán hoặc vận chuyển hàng nhập lậu; hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả thì thời hiệu xử phạt là hai năm kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện.
3. Đối với cá nhân bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án của cơ quan có thẩm quyền mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá thì bị xử phạt hành chính; thời hiệu xử phạt là ba tháng kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.
4. Trong thời hạn được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nếu cá nhân, tổ chức lại có hành vi vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này và được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
5. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh rượu và thuốc lá, nếu quá một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá.
6. Trường hợp quá thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này thì cá nhân, tổ chức vi phạm không bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và quy định tại Nghị định này.
Điều 6. Các hình thức xử phạt
1. Hình thức xử phạt chính: đối với mỗi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo
Đối với những hành vi vi phạm do vô ý, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với những hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 đến 16 tuổi thực hiện.
b) Phạt tiền
Mức phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá là mức trung bình của khung phạt tiền đối với hành vi đó. Nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt có thể giảm thấp hơn nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung phạt tiền. Nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức phạt có thể tăng cao hơn nhưng không được tăng quá mức tối đa của khung phạt tiền.
2. Hình thức xử phạt bổ sung: tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Tước quyền sử dụng Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: ngoài các hình thức xử phạt chính và xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định cụ thể tại các điều của Chương II, Chương III và chương IV Nghị định này.
Chương II
CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH CHUNG TRONG LĨNH VỰC SẢN XUẤT, KINH DOANH RƯỢU VÀ THUỐC LÁ, HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT
Điều 7. Vi phạm các quy định về Giấy phép sản xuất
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh khi không có Giấy phép sản xuất rượu thủ công (áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2010);
b) Giả mạo, tẩy xoá, sửa chữa, cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, mua bán Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.
2. Phạt tiền 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sản xuất rượu công nghiệp hoặc sản xuất thuốc lá khi Giấy phép sản xuất đã hết hiệu lực;
b) Sản xuất rượu công nghiệp hoặc sản xuất thuốc lá khi không có Giấy phép sản xuất;
c) Giả mạo, tẩy xoá, sửa chữa, cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, mua bán Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp hoặc Giấy phép sản xuất thuốc lá.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu Giấy phép sản xuất đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều này.
Điều 8. Vi phạm các quy định về Giấy phép kinh doanh
1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kinh doanh bán lẻ, đại lý bán lẻ rượu hoặc thuốc lá khi Giấy phép kinh doanh bán lẻ, đại lý bán lẻ đã hết hiệu lực;
b) Kinh doanh bán lẻ, đại lý bán lẻ rượu hoặc thuốc lá khi không có Giấy phép kinh doanh bán lẻ, đại lý bán lẻ;
c) Giả mạo, tẩy xoá, sửa chữa, cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, mua bán Giấy phép kinh doanh bán lẻ, đại lý bán lẻ rượu hoặc thuốc lá.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kinh doanh bán buôn, đại lý bán buôn rượu hoặc thuốc lá khi Giấy phép kinh doanh bán buôn, đại lý bán buôn hết hiệu lực;
b) Kinh doanh bán buôn, đại lý bán buôn rượu hoặc thuốc lá khi không có Giấy phép kinh doanh bán buôn, đại lý bán buôn
c) Giả mạo, tẩy xoá, sửa chữa cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, mua bán Giấy phép kinh doanh bán buôn, đại lý bán buôn rượu hoặc thuốc lá.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu Giấy phép kinh doanh đối với những hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều này.
Điều 9. Vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh
1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thương nhân bán lẻ, đại lý bán lẻ rượu thực hiện không đúng quy định về bảo quản chất lượng rượu hoặc phòng chống cháy, nổ tại nơi bảo quản rượu;
b) Thương nhân bán lẻ, đại lý bán lẻ thuốc lá thực hiện không đúng quy định về địa điểm kinh doanh, địa chỉ, quy hoạch hệ thống mạng lưới kinh doanh.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thương nhân bán buôn, đại lý bán buôn rượu thực hiện không đúng quy định về địa điểm kinh doanh, địa chỉ, các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị, quy hoạch hệ thống kinh doanh bán buôn rượu, kho dự trữ hàng, bảo quản chất lượng rượu và phòng chống cháy, nổ;
b) Thương nhân bán buôn, đại lý bán buôn thuốc lá thực hiện không đúng quy định về địa điểm kinh doanh, địa chỉ, quy hoạch hệ thống mạng lưới kinh doanh, cơ sở vật chất, năng lực tài chính.
Điều 10. Vi phạm các quy định về nhập khẩu
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nhập khẩu rượu hoặc thuốc lá không đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế;
b) Nhập khẩu rượu hoặc thuốc lá không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký;
c) Nhập khẩu rượu lần đầu tiên vào Việt Nam nhưng không thực hiện khai báo, không có văn bản xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận mẫu rượu đạt yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nhập khẩu giấy cuốn điếu thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá khi không có giấy phép của Bộ Công Thương;
b) Nhập khẩu số lượng giấy cuốn điếu thuốc lá vượt quá chỉ tiêu nhập khẩu hàng năm đã được công bố;
c) Nhập khẩu thuốc lá với mục đích thương mại không đúng với nhãn hiệu đã đăng ký và bảo hộ tại Việt Nam.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nhập khẩu trực tiếp, uỷ thác nhập khẩu rượu không có Giấy phép sản xuất rượu hoặc Giấy phép kinh doanh bán buôn rượu;
b) Bán nước cốt rượu nhập khẩu dùng để pha chế thành rượu thành phẩm cho tổ chức, cá nhân không có Giấy phép sản xuất rượu.
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nhập lậu rượu hoặc thuốc lá có giá trị đến 5.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này có giá trị từ trên 5.000.0000 đồng đến 10.000.000 đồng.
6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này có giá trị từ trên 10.000.0000 đồng đến 20.000.000 đồng.
7. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này có giá trị từ trên 20.000.0000 đồng đến 50.000.000 đồng.
8. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này có giá trị từ trên 50.000.0000 đồng đến 100.000.000 đồng.
9. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 đến khoản 8 Điều này.
10. Biện pháp khắc phục hậu quả: tổ chức, cá nhân buộc phải tiêu huỷ tang vật, hàng hoá, chịu mọi chi phí liên quan đến việc tiêu huỷ tang vật vi phạm và khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b khoản 1 các khoản 4, 5, 6, 7 và khoản 8 Điều này. Trường hợp không thể áp dụng được biện pháp buộc cá nhân, tổ chức vi phạm tiêu huỷ thì tịch thu để tiêu huỷ theo quy định.
Điều 11. Vi phạm các quy định về kinh doanh rượu và thuốc lá nhập lậu
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi kinh doanh rượu hoặc thuốc lá nhập lậu có giá trị đến 500.000 đồng.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tài khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 đến khoản 7 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh 01 năm đối với những hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 đến khoản 7 Điều này.
9. Biện pháp khắc phục hậu quả: cá nhân, tổ chức buộc phải tiêu huỷ tang vật theo quy định, chịu mọi chi phí liên quan đến việc tiêu huỷ tang vật vi phạm, khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 đến khoản 7 Điều này. Trường hợp không thể áp dụng được biện pháp buộc cá nhân, tổ chức vi phạm tiêu huỷ thì tịch thu để tiêu huỷ theo quy định.
Điều 12. Vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá giả
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh rượu hoặc thuốc lá giả có giá trị đến 500.000 đồng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
7. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 đến khoản 7 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy phép sản xuất, Giấy phép kinh doanh 01 năm đối với những hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 đến khoản 7 Điều này.
9. Biện pháp khắc phục hậu quả: cá nhân, tổ chức buộc phải tiêu huỷ tang vật theo quy định, chịu mọi chi phí liên quan đến việc tiêu huỷ tang vật vi phạm, khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 đến khoản 7 Điều này. Trường hợp không thể áp dụng được biện pháp buộc cá nhân, tổ chức vi phạm tiêu huỷ thì tịch thu để tiêu huỷ theo quy định.
Điều 13. Vi phạm các quy định về nhãn hiệu sản phẩm và ghi nhãn
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không ghi nhãn rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh hoặc ghi nhãn không đúng quy định
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Ghi nhãn rượu sản xuất công nghiệp hoặc thuốc lá không đúng quy định,
b) Nhập khẩu rượu, thuốc lá vào Việt Nam nhưng không thực hiện ghi nhãn theo quy định.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất thuốc lá mang nhãn hiệu nước ngoài để tiêu thụ trong nước khi chưa được phép của Thủ tướng Chính phủ.
4. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Điều 14. Vi phạm các quy định về dán tem
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không dán tem rượu sản xuất thủ công nhằm mục đích kinh doanh để tiêu thụ trong nước có giá trị đến 1.000.000 đồng.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 5.000.000 đồng trở lên.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không dán tem rượu sản xuất công nghiệp hoặc thuốc lá để tiêu thụ trong nước có giá trị đến 10.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điếu này có giá trị trên 50.000.000 đồng.
8. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện dán tem nhập khẩu đối với rượu hoặc thuốc lá nhập khẩu với mục đích thương mại có giá trị đến 1.000.000 đồng.
9. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đền 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 8 Điều này có giá trị từ trên 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
10. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 8 Điều này có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
11. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 8 Điều này có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
12. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 8 Điều này có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
13. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 8 Điều này có giá trị từ trên 50.000.000 đồng.
14. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 đến khoản 13 Điều này.
Chương III
CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐẶC THÙ TRONG LĨNH VỰC SẢN XUẤT, KINH DOANH RƯỢU, HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT
Điều 15. Vi phạm các quy định về sản xuất rượu thủ công
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sản xuất rượu thủ công không đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
2. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này.
Điều 16. Vi phạm các quy định về việc cung cấp thông tin về rượu
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh không cung cấp đầy đủ thông tin về rượu bao gồm thành phần, hàm lượng, chỉ tiêu chất lượng, tác hại của việc lạm dụng rượu theo quy định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất rượu công nghiệp, không cung cấp đầy đủ thông tin về rượu bao gồm thành phần, hàm lượng, chỉ tiêu chất lượng, tác hại của việc lạm dụng rượu theo quy định.
Điều 17. Vi phạm các quy định về nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh rượu
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không niêm yết bản sao hợp lệ Giấy phép kinh doanh rượu, chủng loại, giá các loại rượu đang có bán tại địa điểm kinh doanh của thương nhân.
Chương IV
CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐẶC THÙ TRONG LĨNH VỰC SẢN XUẤT, KINH DOANH THUỐC LÁ, HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT
Điều 18. Vi phạm các quy định về phòng, chống tác loại của thuốc lá
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Ghi lời cảnh báo tác hại của thuốc lá trên vỏ bao thuốc lá không đầy đủ nội dung hoặc không đúng quy định;
b) Không ghi lời cảnh báo tác hại của thuốc lá.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất thuốc lá để tiêu thụ trong nước có hàm lượng các chất Tar, Nicotin vượt mức quy định.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả: tổ chức, cá nhân buộc phải tiêu huỷ tang vật, hàng hoá, chịu mọi chi phí liên quan đến việc tiêu huỷ tang vật vi phạm và khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Trường hợp không thể áp dụng được biện pháp buộc cá nhân, tổ chức vi phạm tiêu huỷ thì tịch thu để tiêu huỷ theo quy định.
Điều 19. Vi phạm các quy định về trồng, kinh doanh nguyên liệu thuốc lá
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng giống cây thuốc lá không thực hiện theo các quy định của pháp luật về quản lý giống;
b) Đầu tư phát triển vừng trồng cây thuốc lá không phù hợp với Quy hoạch.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau sau đây:
a) Kinh doanh nguyên liệu thuốc lá khi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nguyên liệu thuốc lá đã hết hiệu lực;
b) Kinh doanh nguyên liệu thuốc lá khi chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nguyên liệu thuốc lá;
c) Giả mạo, tẩy xoá, sửa chữa, cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, mua bán Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nguyên liệu thuốc lá.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nguyên liệu thuốc lá đối với những hành vi vi phạm điểm c khoản 2 Điều này.
Điều 20. Vi phạm các quy định chế biến nguyên liệu thuốc lá
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Chế biến nguyên liệu thuốc lá khi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chế biến nguyên liệu thuốc lá đã hết hiệu lực;
b) Chế biến nguyên liệu thuốc lá khi chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện chế biến nguyên liệu thuốc lá;
c) Giả mạo, tẩy xoá, sửa chữa, cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, mua bán Giấy chứng nhận đủ điều kiện chế biến nguyên liệu thuốc lá.
2. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu Giấy chứng nhận đủ điều kiện chế biến nguyên liệu thuốc lá đối với những hành vi vi phạm điểm c khoản 1 Điều này.
Điều 21. Vi phạm các quy định về năng lực và sản lượng sản xuất thuốc lá
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất sản lượng thuốc lá hàng năm vượt dưới 10% năng lực sản xuất được phép.
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất sản lượng thuốc lá hàng năm vượt trên 10% năng lực sản xuất được phép.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 22. Vi phạm các quy định về sử dụng tem, giấy cuốn điếu, giá bán tối thiểu thuốc lá
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, chuyển nhượng tem thuốc lá.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, chuyển nhượng trái phép giấy cuốn điếu thuốc lá có giá trị đến 10.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này có giá trị từ trên 50.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với doanh nghiệp sản xuất thuốc lá có hành vi bán thuốc lá thấp hơn giá tối thiểu do Bộ Tài chính quy định.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này;
b) Tước Giấy phép sản xuất thuốc lá trong 06 tháng đối với những hành vi vi phạm tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Điều 23. Vi phạm các quy định về sử dụng, thanh lý, nhập khẩu, xuất khẩu, tái xuất, nhượng bán máy móc, thiết bị chuyên ngành thuốc lá
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có một trong các hành vi sau đây:
a) Thanh lý, tiêu huỷ máy móc thiết bị chuyên ngành thuốc lá không đúng quy định;
b) Không tái xuất máy móc, thiết bị chuyên ngành thuốc lá khi hết thời gian cho phép được tạm nhập.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân, tổ chức có một trong các hành vi sau đây:
a) Nhượng bán máy móc, thiết bị chuyên ngành thuốc lá không đúng quy định;
b) Nhập khẩu máy móc, thiết bị chuyên ngành thuốc lá không đúng quy định.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Chương V
THẨM QUYỀN VÀ THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC SẢN XUẤT, KINH DOANH RƯỢU VÀ THUỐC LÁ
Điều 24. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã và tương đương có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn quản lý của địa phương.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn quản lý của địa phương.
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn quản lý của địa phương.
Điều 25. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường, Thanh tra Nhà nước chuyên ngành, Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành
1. Cơ quan Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt đối với các vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn và lĩnh vực quản lý của ngành theo thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan và Quản lý thị trường có quyền xử phạt đối với các hành vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn và lĩnh vực quản lý của mình theo thẩm quyền quy định cụ thể tại khoản 7, khoản 8 và khoản 9 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 37 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
3. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Thanh tra Nhà nước chuyên ngành có quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá quy định tại Nghị định này thuộc địa bàn và lĩnh vực quản lý của mình theo thẩm quyền quy định tại khoản 12 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
4. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá quy định tại Nghị định này theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 26. Uỷ quyền và nguyên tắc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá
1. Uỷ quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá được áp dụng theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
2. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá được áp dụng theo quy định tại khoản 17 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 27. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh rượu và thuốc lá
1. Thủ tục, trình tự xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
2. Các tài liệu liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính phải lưu giữ đầy đủ tại cơ quan xử phạt. Biên bản vi phạm hành chính được lập đầy đủ theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
3. Cá nhân, tổ chức bị phạt tiền phải nộp tiền phạt đúng thời hạn và tại nơi ghi trong quyết định xử phạt trừ trường hợp đã nộp tiền phạt tại chỗ theo quy định tại khoản 21 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 58 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
4. Trong trường hợp áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải thực hiện đúng các quy định tại khoản 25 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 28. Chấp hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá
1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định này phải nghiêm chỉnh chập hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu cá nhân, tổ chức bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản Điều 66 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và khoản 22 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của pháp luật.
2. Trong trường hợp áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá, cơ quan và người có thẩm quyền phải tuân thủ trình tự, thủ tục cưỡng chế theo quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Pháp lệnh, Xử lý vi phạm hành chính, khoản 28 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của pháp luật.
Điều 29. Quy định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả
1. Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 24, Điều 25 và Điều 26 Nghị định này khi quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả phải căn cứ vào quy định của pháp luật, mức độ thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm hành chính gây ra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
2. Cá nhân, tổ chức bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện xong biện pháp khắc phục hậu quả trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được giao quyết định xử phạt.
3. Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá phải tịch thu hoặc tiêu hủy thì thực hiện theo quy định tại khoản 25 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Chương VI
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 30. Khiếu nại, tố cáo
1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh rượu và thuốc lá hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo.
2. Công dân có quyền tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân quy định tại Nghị định này hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá theo quy định của pháp luật.
3. Trong thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vẫn phải thi hành quyết định xử phạt.
4. Trình tự, thủ tục, thời hạn, thẩm quyền khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh rượu và thuốc lá thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Điều 31. Xử lý vi phạm
1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá có các hành vi: sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức, xử phạt vượt quá thẩm quyền quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá nếu không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành; trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà có hành vi ngăn cản, chống đối người thi hành công vụ hoặc dùng các thủ đoạn gian dối, hối lộ hoặc thủ đoạn khác để trì hoãn, trốn tránh việc chấp hành quyết định xử phạt của người có thẩm quyền thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 32. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành. Các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 33. Tổ chức thực hiện
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
| TM. CHÍNH PHỦ |