cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 57/2008/NĐ-CP ngày 02/05/2008 của Chính phủ Về quy chế quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 57/2008/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Chính phủ
  • Ngày ban hành: 02-05-2008
  • Ngày có hiệu lực: 26-05-2008
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-04-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3986 ngày (10 năm 11 tháng 6 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 25-04-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 25-04-2019, Nghị định số 57/2008/NĐ-CP ngày 02/05/2008 của Chính phủ Về quy chế quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/03/2019 của Chính phủ Hướng dẫn Luật Thủy sản”. Xem thêm Lược đồ.

CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 57/2008/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 2008

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ CÁC KHU BẢO TỒN BIỂN VIỆT NAM CÓ TẦM QUAN TRỌNG QUỐC GIA VÀ QUỐC TẾ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế quản lý các Khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Bãi bỏ Điều 3 Nghị định số 27/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật Thuỷ sản.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

TM. CHINH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ CÁC KHU BẢO TỒN BIỂN VIỆT NAM CÓ TẦM QUAN TRỌNG QUỐC GIA VÀ QUỐC TẾ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 57/2008/NĐ-CP ngày 02 tháng 05 năm 2008 của Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về tiêu chuẩn phân loại, việc tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển các Khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế; trách nhiệm của các Bộ, ngành và các địa phương.

2. Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến các Khu bảo tồn biển nêu trên, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

3. Đối với trường hợp đặc biệt quan trọng vì an ninh quốc gia, được tiến hành các hoạt động có liên quan trong Khu bảo tồn biển, sau khi được phép của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Tiêu chuẩn phân loại các Khu bảo tồn biển có giá trị tầm quan trọng quốc gia và quốc tế.

1. Khu bảo tồn biển có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế (dưới đây gọi tắt là Khu bảo tồn biển) được phân loại thành: Vườn quốc gia; Khu bảo tồn loài, sinh cảnh; Khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh.

2. Vườn Quốc gia có đủ các điều kiện sau:

a) Là vùng biển có một hay nhiều hệ sinh thái điển hình như: san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn hay hệ sinh thái đầm phá, cửa sông còn nguyên vẹn hoặc ít bị tác động của con người; là nơi sinh cư của một hay nhiều loài động, thực vật biển hoang dã, quý hiếm, đang bị đe dọa có nguy cơ tuyệt chủng, cần được quản lý, bảo vệ, bảo tồn.

b) Diện tích Vườn Quốc gia nhỏ nhất không ít hơn 20.000 ha. Trong đó, diện tích các hệ sinh thái điển hình còn nguyên vẹn hoặc ít bị tác động của con người tối thiểu phải chiếm 1/3 diện tích của Vườn.

c) Là khu vực mà mục tiêu bảo tồn bảo đảm được thực hiện và không bị thay đổi bởi những hoạt động bất lợi của con người.

3. Khu bảo tồn loài, sinh cảnh có đủ các điều kiện sau:

a) Là vùng biển có một hay nhiều loài động, thực vật biển hoang dã, quý hiếm, đang bị đe dọa có nguy cơ tuyệt chủng; có các hệ sinh thái điển hình như san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn, hay hệ sinh thái đầm phá, cửa sông còn nguyên vẹn hoặc ít bị tác động của con người, cần được quản lý, bảo vệ, bảo tồn.

b) Diện tích của Khu bảo tồn loài, sinh cảnh nhỏ nhất không ít hơn 10.000 ha. Trong đó, vùng bảo vệ nghiêm ngặt tối thiểu phải chiếm 1/5 diện tích của Khu bảo tồn.

c) Là khu vực mà mục tiêu bảo tồn bảo đảm được thực hiện và không bị thay đổi bởi những hoạt động bất lợi của con người.

4. Khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh có đủ các điều kiện sau:

a) Là vùng biển, nơi sinh cư của nhiều loài động, thực vật biển; có các bãi đẻ hay khu vực tập trung các loài sinh vật biển chưa trưởng thành; nguồn giống bổ sung cho các vùng biển liền kề.

b) Diện tích của Khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên nhỏ nhất không ít hơn 10.000 ha. Trong đó, diện tích các bãi đẻ hoặc khu vực tập trung các loài sinh vật biển chưa trưởng thành tối thiểu phải chiếm 2/3 diện tích của Khu bảo tồn.

c) Là khu vực mà mục tiêu bảo tồn bảo đảm được thực hiện và không bị thay đổi bởi những hoạt động bất lợi của con người.

Điều 3. Các phân khu chức năng trong Khu bảo tồn biển

1. Tùy thuộc đặc điểm tự nhiên và giá trị cần bảo vệ, mỗi Khu bảo tồn biển phân chia ít nhất thành ba phân khu chức năng sau:

a) Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: là vùng biển được bảo toàn nguyên vẹn, được quản lý và bảo vệ chặt chẽ để theo dõi diễn biến tự nhiên của các loài động, thực vật, các hệ sinh thái thủy sinh tiêu biểu.

b) Phân khu phục hồi sinh thái: Là vùng biển được quản lý, bảo vệ để phục hồi, tạo điều kiện cho các loài thuỷ sinh vật, các hệ sinh thái tự tái tạo tự nhiên.

c) Phân khu phát triển: Là phần diện tích còn lại của các Khu bảo tồn, được tiến hành các hoạt động được kiểm soát như: nuôi trồng thuỷ sản, khai thác thuỷ sản, du lịch sinh thái, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

2. Thiết lập các phân khu chức năng:

a) Diện tích, vị trí của từng phân khu chức năng được xác định tùy thuộc các giá trị cần bảo vệ và được phê duyệt khi thành lập Khu bảo tồn biển;

b) Việc điều chỉnh diện tích, vị trí các phân khu chức năng căn cứ đặc điểm, thực trạng diễn biến của Khu bảo tồn biển và do Ban quản lý Khu bảo tồn biển đề xuất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục thiết lập các phân khu chức năng của Khu bảo tồn biển.

3. Thiết lập vành đai bảo vệ

Nhằm hạn chế những tác động từ bên ngoài, mỗi Khu bảo tồn biển được thiết lập vành đai bảo vệ.

Vành đai bảo vệ nằm phía ngoài của Khu bảo tồn biển, có độ rộng tối đa không quá 1000 m và tối thiểu không ít hơn 500 m, tính từ ranh giới Khu bảo tồn biển trở ra.

Điều 4. Cộng đồng tham gia bảo vệ và phát triển Khu bảo tồn biển

1. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động quản lý, bảo tồn và xây dựng, phát triển các Khu bảo tồn biển theo quy định của pháp luật.

2. Các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư được tham gia:

a) Công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học;

b) Quan trắc, tuần tra và bảo vệ Khu bảo tồn biển;

c) Nghiên cứu khoa học và đào tạo trong Khu bảo tồn biển;

d) Dịch vụ du lịch sinh thái trong các Khu bản tồn biển.

Các hoạt động trên phải tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy của Ban quản lý Khu bảo tồn biển.

Điều 5. Ban quản lý Khu bảo tồn biển

1. Tổ chức bộ máy Ban quản lý Khu bảo tồn biển

Ban quản lý Khu bảo tồn biển là đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản và có trụ sở để làm việc.

Cơ cấu tổ chức và biên chế của Ban quản lý Khu Bảo tồn biển gồm: Ban Giám đốc, một số Phòng chuyên môn nghiệp vụ và đội tuần tra, kiểm soát.

2. Nhiệm vụ của Ban quản lý Khu bảo tồn biển

a) Chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ Khu bảo tồn biển theo Quy chế này và các quy định khác của pháp luật;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý định kỳ 5 năm, 10 năm sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh diện tích, vị trí các phân khu chức năng của Khu bảo tồn biển; lập bản đồ và tổ chức đánh dấu các phân khu chức năng trên thực địa;

d) Tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát triển các loài động thực vật thuỷ sinh, duy trì diễn thế tự nhiên các hệ sinh thái trong Khu bảo tồn biển;

đ) Thực hiện các biện pháp phòng, ngừa ô nhiễm, dịch bệnh; ngăn chặn các hành vi xâm hại đến Khu bảo tồn biển;

e) Tổ chức quan trắc định kỳ, báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình trạng đa dạng sinh học và chất lượng môi trường trong phạm vi Khu bảo tồn biển;

g) Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng đồng cư dân sống trong và xung quanh Khu bảo tồn biển;

h) Phối hợp với cộng đồng dân cư sống bên trong và xung quanh Khu bảo tồn đề xuất và tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm cải thiện sinh kế.

3. Quyền hạn của Ban quản lý Khu bảo tồn biển

a) Được tiến hành các hoạt động nghiên cứu, điều tra, khảo sát để thực hiện nhiệm vụ nêu trên;

b) Được tự tổ chức hoặc liên kết, liên doanh với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các hoạt động dịch vụ du lịch và các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan;

c) Tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học để bảo vệ và phát triển các giá trị bảo tồn theo quy định của pháp luật.

Mục I. QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG KHU BẢO TỒN BIỂN

Điều 6. Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt

1. Hoạt động bị nghiêm cấm:

a) Khai thác nguồn lợi sinh vật và phi sinh vật bằng bất cứ phương pháp, công cụ nào;

b) Các hình thức nuôi trồng thuỷ sản;

c) Xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ du lịch, nghề cá, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, khai khoáng, kể cả các công trình ngầm dưới đáy biển và các hoạt động khác gây xáo trộn các lớp trầm tích, làm đục nước, ảnh hưởng đến sự sống của các loài thủy sinh trong phân khu;

d) Xả thải các loại chất thải, nước thải;

đ) Tàu cá, tàu biển và các loại phương tiện thủy khác không được phép qua lại, trừ trường hợp bất khả kháng;

e) Không được dẫm, đạp lên các rạn san hô, thảm cỏ biển.

2. Hoạt động có điều kiện:

a) Hoạt động du lịch, bao gồm sử dụng tàu đáy kính quan sát đáy biển; bơi có ống thở không có bình khí hoặc lặn có bình khí theo hướng dẫn của Ban quản lý;

b) Nghiên cứu khoa học, khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và với sự giám sát của Ban quản lý;

c) Tàu du lịch hoạt động trong Khu bảo tồn biển phải tuân thủ các quy định về bảo vệ các loài thủy sinh, bảo vệ môi trường; sử dụng các loại phao neo đậu và neo đậu theo hướng dẫn của Ban quản lý.

Điều 7. Phân khu phục hồi sinh thái

1. Hoạt động bị nghiêm cấm:

a) Khai thác nguồn lợi sinh vật và phi sinh vật bằng bất cứ phương pháp, công cụ nào;

b) Các hình thức nuôi trồng thuỷ sản;

c) Xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ nghề cá, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, khai khoáng, kể cả các công trình ngầm dưới đáy biển và các hoạt động khác gây xáo trộn các lớp trầm tích, làm đục nước, ảnh hưởng đến sự sống của các loài thủy sinh trong phân khu;

d) Xả thải các loại chất thải, nước thải;

đ) Không được dẫm, đạp hoặc thả neo trên các rạn san hô, thảm cỏ biển, trừ trường hợp bất khả kháng.

2. Hoạt động có điều kiện:

a) Hoạt động du lịch, bao gồm sử dụng tàu đáy kính quan sát đáy biển; bơi, lặn có bình khí hoặc không có bình khí theo hướng dẫn của Ban quản lý;

b) Tàu cá, tàu biển và các loại phương tiện thủy khác được đi qua vô hại, nhưng không được dừng và thả neo, trừ trường hợp bất khả kháng;

c) Tàu du lịch hoạt động trong Khu bảo tồn biển phải tuân thủ các quy định về bảo vệ các loài thủy sinh, bảo vệ môi trường; phải sử dụng các loại phao neo đậu và neo đậu theo hướng dẫn của Ban quản lý.

d) Hoạt động phục hồi hệ sinh thái trong Khu bảo tồn biển phải đảm bảo tính tự nhiên.

Điều 8. Phân khu phát triển

1. Hoạt động bị nghiêm cấm:

a) Khai thác nguồn lợi thủy sản bằng lưới kéo và các nghề, công cụ khác có tính huỷ diệt nguồn lợi và môi trường sống của các loài thuỷ sinh vật;

b) Không được dẫm đạp hoặc thả neo trên các rạn san hô, thảm cỏ biển, trừ trường hợp bất khả kháng;

c) Xả thải các chất thải, nước thải.

2. Hoạt động có điều kiện:

a) Khai thác nguồn lợi thuỷ sản bằng các nghề theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không gây hại đến các loài thuỷ sinh vật và môi trường sống của chúng, theo quy định của Ban quản lý Khu bảo tồn biển;

b) Nuôi trồng thuỷ sản khi được cấp có thẩm quyền cho phép và theo quy định của Ban quản lý Khu bảo tồn biển;

c) Tàu cá, tàu biển và các loại phương tiện thủy khác được đi qua vô hại, nhưng không được dừng và thả neo, trừ trường hợp bất khả kháng;

d) Tàu du lịch hoạt động trong Khu bảo tồn biển phải tuân thủ các quy định về bảo vệ các loài thủy sinh, bảo vệ môi trường; phải sử dụng các loại phao neo đậu và neo đậu theo hướng dẫn của Ban quản lý.

đ) Xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ du lịch phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 9. Vành đai bảo vệ các Khu bảo tồn biển

Các hoạt động bị nghiêm cấm:

1. Khai thác nguồn lợi thủy sản bằng các nghề, công cụ có tính hủy diệt nguồn lợi và ảnh hưởng môi trường sống của các loài thuỷ sinh vật.

2. Làm xâm hại, phá huỷ các hệ sinh thái; làm ô nhiễm môi trường.

3. Thả neo trên các rạn san hô, cỏ biển, trừ trường hợp bất khả kháng.

Mục II. VỀ TÀI CHÍNH CỦA CÁC KHU BẢO TỒN BIỂN

Điều 10. Nguồn tài chính của Khu bảo tồn biển

1. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, bảo vệ và phát triển các Khu bảo tồn biển.

2. Nguồn tài chính đầu tư cho xây dựng và phát triển các Khu bảo tồn biển, bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước hỗ trợ;

b) Thu từ các hoạt động dịch vụ được phép quy định tại Quy chế này và các quy định pháp luật khác có liên quan;

c) Tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

d) Nguồn thu phí, lệ phí được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật;

đ) Các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định pháp luật.

Điều 11. Quản lý, sử dụng tài chính của Khu bảo tồn biển

1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các Khu bảo tồn biển được sử dụng cho các nhiệm vụ sau:

a) Thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 2, Điều 5 của Quy chế này;

b) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quản lý Khu bảo tồn biển;

c) Chi hoạt động thường xuyên của bộ máy quản lý Khu bảo tồn biển.

Việc sử dụng ngân sách nhà nước phải có các dự án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

2. Việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Các nguồn vốn đầu tư, tài trợ của các tổ chức, cá nhân được quản lý và sử dụng theo các quy định pháp luật về đầu tư, về sử dụng các nguồn tài trợ và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

4. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc quản lý và sử dụng nguồn tài chính của các Khu bảo tồn biển.

Chương 2:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan:

a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và tổ chức thực hiện quản lý hệ thống các Khu bảo tồn biển;

b) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ các dự án thiết lập và trực tiếp tổ chức quản lý các Khu bảo tồn biển có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế hoặc liên quan đến nhiều ngành, nằm trên địa bàn nhiều tỉnh;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng các dự án thiết lập và kế hoạch quản lý, quy chế quản lý các Khu bảo tồn biển được phân cấp.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển:

a) Căn cứ Quy chế này và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương xây dựng các dự án thiết lập, kế hoạch quản lý và quy chế quản lý các Khu bảo tồn biển được phân cấp.

b) Tổ chức quản lý các Khu bảo tồn biển được phân cấp; hướng dẫn các Ban quản lý Khu bảo tồn biển xây dựng quy chế, nội quy cụ thể để quản lý các Khu bảo tồn biển.

3. Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng và phối hợp liên ngành để thanh tra, kiểm tra các hoạt động của các Khu bảo tồn biển.

Điều 13. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Quy chế này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Sửa đổi, bổ sung quy chế

Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có vướng mắc thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển kịp thời báo cáo và đề xuất để bổ sung, sửa đổi./.