cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ Sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 04/2008/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Chính phủ
  • Ngày ban hành: 11-01-2008
  • Ngày có hiệu lực: 04-02-2008
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 03-01-2020
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4351 ngày (11 năm 11 tháng 6 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 03-01-2020
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 03-01-2020, Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ Sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 05/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập- Tự Do-Hạnh Phúc
---------------

Số: 04/2008/NĐ-CP

Hà nội, ngày 11 tháng 01 năm 2008

 

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 92/2006/NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG 9 NĂM 2006 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ LẬP, PHÊ DUYỆT VÀ QUẢN LÝ QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 4320/TTr-BKH ngày 20 tháng 6 năm 2007, văn bản số 5222/BKH-CLPT ngày 23 tháng 7 năm 2007; ý kiến các Bộ, ngành, địa phương liên quan,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị định số 92/2006/NĐ-CP) như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị định số 92/2006/NĐ-CP như sau:

"Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về trách nhiệm và trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các vùng kinh tế - xã hội; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các lãnh thổ đặc biệt (vùng kinh tế trọng điểm; khu kinh tế, khu kinh tế quốc phòng, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ của cả nước; hành lang kinh tế, vành đai kinh tế); quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh); quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi là cấp huyện); quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu (trừ quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất)."

2. Huỷ bỏ khoản 2 Điều 3, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 92/2006/NĐ-CP.

3. Sửa đổi, bổ sung các khoản 2 và 3 Điều 4 Nghị định số 92/2006/NĐ-CP như sau:

"Điều 4. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội bao gồm:

a) Quy hoạch tổng thể phát triển các vùng kinh tế - xã hội, các lãnh thổ đặc biệt (vùng kinh tế trọng điểm; khu kinh tế, khu kinh tế quốc phòng, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ của cả nước; hành lang kinh tế, vành đai kinh tế); quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh.

b) Để làm cơ sở cho việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh, lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện.

c) Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu trên phạm vi cả nước (quy định tại khoản 14 Điều 1 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2006/NĐ-CP).

d) Đối với quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh: căn cứ yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ, quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định".

4. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1 và 2 Điều 6 Nghị định số 92/2006/NĐ-CP như sau:

"1. Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của cả nước, giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xãhội với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất.

2. Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu, vùng, cấp tỉnh phải đảm bảo tính thống nhất. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội phải đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh. Các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, cung cấp những thông tin cần thiết cho cơ quan có trách nhiệm triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng, tỉnh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt."

5. Bổ sung thêm khoản 6 vào Điều 6 Nghị định số 92/2006/NĐ-CP như sau:

"6. Cơ quan được giao nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội phải đồng thời lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình lập quy hoạch."

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 10 Nghị định số 92/2006/NĐ-CP như sau:

"1. Phân cấp lập và trình phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng kinh tế - xã hội và các lãnh thổ đặc biệt (quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2006/NĐ-CP).

b) Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách (ngoài ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu quy định tại khoản 14 Điều 1 của Nghị định này).

c) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh.

d) Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức lập và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện.

đ) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho các sở quản lý ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chịu trách nhiệm tổ chức lập, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của tỉnh."

7. Sửa đổi, bổ sung các khoản 6 và 7 Điều 11 Nghị định số 92/2006/NĐ-CP như sau:

"6. Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả lập, thẩm định, phê duyệt sau khi quy hoạch được thông qua và quyết định phê chuẩn có hiệu lực thi hành.

Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm báo cáo kết quả việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

7. Quy hoạch sau khi được phê duyệt, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trình quy hoạch có trách nhiệm tổ chức thông báo, công bố công khai quy hoạch (trừ quy hoạch có nội dung bí mật quốc gia) cụ thể như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm công bố, thông báo công khai bằng văn bản quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng, các lãnh thổ đặc biệt.

b) Các Bộ trưởng quản lý ngành chịu trách nhiệm công bố, thông báo công khai bằng văn bản quy hoạch ngành, sản phẩm chủ yếu thuộc lĩnh vực mình quản lý cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành liên quan.

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm công bố, thông báo công khai về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh.

d) Thủ trưởng sở, ngành chịu trách nhiệm công bố, thông báo công khai về quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh.

đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm công bố, thông báo công khai về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện.

Nội dung các loại quy hoạch trên phải được công bố, thông báo công khai, tạo điều kiện thuận lợi để công dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận nghiên cứu, khai thác. Đồng thời, làm căn cứ để theo dõi, giám sát, kiến nghị những bổ sung cần thiết; tránh tình trạng triển khai thực hiện sai lệch quy hoạch".

8. Huỷ bỏ Mục 1 Chương II Nghị định số 92/2006/NĐ-CP gồm các Điều 12, 13, 14.

9. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15 Nghị định số 92/2006/NĐ-CP như sau:

"2. Các lãnh thổ đặc biệt

a) Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, gồm 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.

b) Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

c) Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm 8 tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phuớc, Long An, Tiền Giang.

d) Các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ của cả nước, hành lang kinh tế, vành đai kinh tế.

đ) Các khu kinh tế quốc phòng."

10. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 17 Nghị định số 92/2006/NĐ-CP như sau:

"1. Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn trước và kết quả nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn tiếp theo."

11. Huỷ bỏ khoản 2 Điều 17 Nghị định số 92/2006/NĐ-CP.

12. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 20 Nghị định số 92/2006/NĐ-CP như sau:

"1. Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn trước và kết quả nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn tiếp theo."

13. Huỷ bỏ khoản 2 Điều 20 Nghị định số 92/2006/NĐ-CP.

14. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 Nghị định số 92/2006/NĐ-CP như sau:

"Điều 25. Các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu sau đây các Bộ quản lý ngành phải lập quy hoạch phát triển, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:

1. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, gồm: hệ thống đường cao tốc, đường liên vùng, liên tỉnh; đường sắt; hệ thống sân bay; hệ thống các khu công nghiệp, hệ thống các khu kinh tế; hệ thống cảng biển; hệ thống cấp nước cấp vùng; hệ thống cấp, thoát nước đô thị loại đặc biệt; hạ tầng kỹ thuật thông tin; hệ thống các công trình xử lý chất thải nguy hại; hệ thống thuỷ lợi; đê biển; hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền.

2. Kết cấu hạ tầng xã hội, gồm: mạng lưới các trường đại học; mạng lưới bệnh viện cấp vùng và cấp tỉnh.

3. Các ngành, sản phẩm chủ yếu, gồm: sản xuất điện; sản xuất xi măng; vật liệu nổ công nghiệp; sản xuất phân bón; thăm dò, khai thác và sử dụng tổng hợp tài nguyên nước; thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản: đá vôi để sản xuất xi măng, than, dầu khí, sắt, bô xít, khoáng sản quý hiếm (vàng, bạc, platin, kim cương, ruby, saphia (coridon), emorot); rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

4. Quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và sản phẩm đặc thù liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia và truyền thống văn hoá, thiết chế văn hoá, phát thanh, truyền hình do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

5. Trong từng thời kỳ, danh mục các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu của cả nước chưa quy định tại mục 3 khoản 14 Điều 1 Nghị định này, nhưng cần thiết phải lập quy hoạch phát triển do Thủ tướng Chính phủ quyết định."

15. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 27 Nghị định số 92/2006/NĐ-CP như sau:

"1. Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn trước và kết quả nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn tiếp theo."

16. Huỷ bỏ khoản 2 Điều 27 Nghị định số 92/2006/NĐ-CP.

17. Sửa đổi, bổ sung Điều 31 Nghị định số 92/2006/NĐ-CP như sau:

"Điều 31. Thẩm quyền thẩm định các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

1. Cơ quan thực hiện lập quy hoạch chịu trách nhiệm lập Hội đồng thẩm định để tổ chức thẩm định, cụ thể:

a) Các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu do Bộ quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm lập Hội đồng thẩm định để tổ chức thẩm định.

b) Các quy hoạch vùng kinh tế - xã hội và lãnh thổ đặc biệt do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm lập Hội đồng thẩm định để tổ chức thẩm định.

c) Quy hoạch các khu kinh tế quốc phòng do Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm lập Hội đồng thẩm định để tổ chức thẩm định.

d) Các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập Hội đồng thẩm định để tổ chức thẩm định.

2. Trong quá trình tổ chức thẩm định, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

3. Các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến quốc phòng, an ninh phải có sự tham gia thẩm định cửa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Các cơ quan được giao tổ chức thẩm định phải lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành, các địa phương liên quan và có thể thuê các tổ chức tư vấn, cá nhân có năng lực tham gia thẩm định các dự án quy hoạch trong trường hợp cần thiết. Sau khi có kết quả thẩm định, cơ quan được giao thẩm định lập báo cáo thẩm định, làm căn cứ để cơ quan lập quy hoạch hoàn chỉnh đề án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt."

18. Sửa đổi, bổ sung Điều 34 Nghị định số 92/2006/NĐ-CP như sau:

"Điều 34. Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu được quy định tại khoản 14 Điều 1 của Nghị định này; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng kinh tế - xã hội, các lãnh thổ đặc biệt; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt: quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của ngành ngoài phạm vi quy định tại khoản 14 Điều 1 Nghị định này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh.

4. Trước khi các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về: sự phù hợp về mục tiêu, công trình trọng điểm, tính đồng bộ đối với quy mô, tiến độ, bước đi, thứ tự ưu tiên và về khả năng đáp ứng nguồn lực cho quy hoạch.

Đối với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện, trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phải lấy ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư về: sự phù hợp về mục tiêu, công trình trọng điểm, tính đồng bộ đối với quy mô, tiến độ, bước đi, thứ tự ưu tiên và về khả năng đáp ứng nguồn lực cho quy hoạch."

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với quy định tại Nghị định này.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hàng năm, Thủ trưởng sở, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm báo cáo về tình hình thực hiện quy hoạch về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm củng cố, sắp xếp lại tổ chức, tăng cường lực lượng cán bộ chuyên môn làm công tác nghiên cứu, xây dựng chiến lược và quy hoạch để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng lập, thẩm định và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thi hành Nghị định này./.

 

 

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng