cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị định số 115/2007/NĐ-CP ngày 05/07/2007 của Chính phủ Về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải biển (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 115/2007/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Cơ quan ban hành: Chính phủ
  • Ngày ban hành: 05-07-2007
  • Ngày có hiệu lực: 09-08-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-07-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2518 ngày (6 năm 10 tháng 28 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-07-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-07-2014, Nghị định số 115/2007/NĐ-CP ngày 05/07/2007 của Chính phủ Về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải biển (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 30/2014/NĐ-CP ngày 14/04/2014 của Chính phủ Điều kiện kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 115/2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 2007

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ VẬN TẢI BIỂN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải biển. Trong Nghị định này, dịch vụ vận tải biển bao gồm: dịch vụ đại lý tàu biển, dịch vụ lai dắt hỗ trợ tại cảng biển Việt Nam và các dịch vụ vận tải biển khác.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải biển tại Việt Nam.

2. Ngoài các điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải biển quy định tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Nghị định này, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải biển còn phải thực hiện các điều kiện kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Điều kiện kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển

Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ phần vốn góp của các bên nước ngoài không vượt quá 49% tổng số vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Điều 4. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lai dắt hỗ trợ tại cảng biển Việt Nam

Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lai dắt hỗ trợ tại cảng biển Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ phần vốn góp của các bên nước ngoài không vượt quá 49% tổng số vốn điều lệ của doanh nghiệp và có tàu lai dắt đăng ký mang cờ quốc tịch tàu biển Việt Nam.

Điều 5. Điều kiện kinh doanh các dịch vụ vận tải biển khác

Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải biển khác tại Việt Nam thực hiện theo cam kết giữa Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 6. Kiểm tra, xử lý vi phạm

1. Kiểm tra điều kiện kinh doanh

Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định này.

2. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ vận tải biển có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Nghị định số 57/2001/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải biển và Nghị định số 10/2001/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ hàng hải.

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
 thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN,
 Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, CN (5b)

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng