Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/07/2006 của Chính phủ Sửa đổi nghị định 68/2002/NĐ-CP Hướng dẫn Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 69/2006/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 21-07-2006
- Ngày có hiệu lực: 14-08-2006
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 08-05-2011
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-05-2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2466 ngày (6 năm 9 tháng 6 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-05-2013
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 69/2006/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2006 |
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 68/2002/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 7 NĂM 2002 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH VỀ QUAN HỆ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001 ;
Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình ngày 09 tháng 6 năm 2000;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
NGHỊ ĐỊNH :
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài như sau:
1. Sửa đổi Điều 1 như sau:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, bao gồm kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài thường trú tại Việt Nam với nhau; công nhận việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được tiến hành tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài."
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:
“Điều 8. Phí và lệ phí
1. Người xin đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi, ghi chú vào sổ đăng ký việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi đã được tiến hành tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài phải nộp lệ phí hộ tịch theo quy định của pháp luật.
2. Người xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi theo quy định tại Nghị định này phải nộp phí giải quyết việc nuôi con nuôi. Mức thu phí, chế độ quản lý thu, nộp và sử dụng đối với loại phí này do Bộ Tài chính quy định.”
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 13 như sau:
“1. Hồ sơ đăng ký kết hôn của mỗi bên phải có các giấy tờ sau đây:
a) Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định;
b) Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân của mỗi bên, do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người xin kết hôn là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng.
Trong trường hợp pháp luật của nước mà người xin kết hôn là công dân không quy định cấp giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân thì có thể thay giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bằng giấy xác nhận lời tuyên thệ của đương sự là hiện tại họ không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó;
c) Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
d) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế như giấy thông hành hoặc thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài);
đ) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc giấy xác nhận đăng ký tạm tú có thời hạn (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm tú (đối với người nước ngoài ở Việt Nam).
2. Ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này, đối với công dân Việt Nam đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật Nhà nước thì phải nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý ngành cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh, xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật Nhà nước hoặc không trái với quy định của ngành đó.”
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16 như sau:
“1. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Sở Tư pháp có trách nhiệm:
a) Thực hiện phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Sở Tư pháp đối với hai bên nam, nữ để kiểm tra, làm rõ về sự tự nguyện kết hôn của họ, về khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ chung và mức độ hiểu biết về hoàn cảnh của nhau.
Việc phỏng vấn phải được lập thành văn bản. Cán bộ phỏng vấn phải nêu rõ ý kiến đề xuất của mình và ký tên vào văn bản phỏng vấn;
b) Niêm yết việc kết hôn trong 07 ngày liên tục tại trụ sở Sở Tư pháp, đồng thời có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn của bên đương sự là công dân Việt Nam, nơi thường trú của người nước ngoài tại Việt Nam, thực hiện việc niêm yết. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết việc kết hôn trong 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban, kể từ ngày nhận được công văn của Sở Tư pháp. Trong thời hạn này, nếu có khiếu nại, tố cáo hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về việc kết hôn thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải gửi văn bản báo cáo cho Sở Tư pháp;
c) Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn. Trong trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo đương sự kết hôn thông qua môi giới bất hợp pháp, kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn để mua bán phụ nữ, kết hôn vì mục đích trục lợi khác hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của đương sự hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp tiến hành xác minh làm rõ;
d) Báo cáo kết quả phỏng vấn các bên đương sự, thẩm tra hồ sơ kết hôn và đề xuất ý kiến giải quyết việc đăng ký kết hôn, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, kèm theo 01 bộ hồ sơ đăng ký kết hôn."
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 18 như sau:
“2. Việc đăng ký kết hôn cũng bị từ chối, nếu kết quả phỏng vấn, thẩm tra, xác minh cho thấy việc kết hôn thông qua môi giới bất hợp pháp; kết hôn giả tạo không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; kết hôn không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; lợi dụng việc kết hôn để mua bán phụ nữ, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác."
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 19 như sau:
“Điều 19. Đăng ký kết hôn tại Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam
1. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam có trách nhiệm:
a) Thực hiện phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam đối với hai bên nam, nữ để kiểm tra, làm rõ về sự tự nguyện kết hôn của họ, khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ chung và mức độ hiểu biết về hoàn cảnh của nhau.
Việc phỏng vấn phải được lập thành văn bản. Cán bộ phỏng vấn phải nêu rõ ý kiến đề xuất của mình và ký tên vào văn bản phỏng vấn;
b) Niêm yết việc kết hôn trong 07 ngày liên tục tại trụ sở Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam;
c) Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn. Trong trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo đương sự kết hôn thông qua môi giới bất hợp pháp, kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn để mua bán phụ nữ, kết hôn vì mục đích trục lợi khác hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của đương sự hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự tiến hành xác minh làm rõ;
d) Trong trường hợp xét thấy có vấn đề cần xác minh thuộc chức năng của cơ quan hữu quan ở trong nước thì Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam có công văn nêu rõ vấn đề cần xác minh gửi Bộ Ngoại giao để phối hợp với các cơ quan hữu quan xác minh theo chức năng chuyên ngành.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được công văn của Bộ Ngoại giao, cơ quan hữu quan ở trong nước tiến hành xác minh vấn đề được yêu cầu và trả lời bằng văn bản gửi Bộ Ngoại giao để chuyển cho Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam;
đ) Nếu xét thấy các bên đương sự đáp ứng đủ điều kiện kết hôn, không thuộc một trong các trường hợp từ chối đăng ký kết hôn quy định tại Điều 18 Nghị định này thì người đứng đầu Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam ký Giấy chứng nhận kết hôn.
Trong trường hợp từ chối đăng ký kết hôn, Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam có văn bản thông báo cho đương sự, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
2. Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày người đứng đầu Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam ký Giấy chứng nhận kết hôn, trừ trường hợp có lý do chính đáng mà đương sự có yêu cầu khác về thời gian, nhưng không quá 90 ngày; hết thời hạn này mà đương sự mới yêu cầu tổ chức Lễ đăng ký kết hôn thì phải làm lại thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.
3. Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức trang trọng tại trụ sở Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam. Khi tổ chức Lễ đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên đương sự. Đại diện Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam chủ trì hôn lễ, yêu cầu hai bên cho biết ý định lần cuối về sự tự nguyện kết hôn. Nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam ghi việc kết hôn vào sổ đăng ký kết hôn, yêu cầu từng bên ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn, sổ đăng ký kết hôn và trao cho vợ, chồng mỗi người 01 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
4. Giấy chứng nhận kết hôn có giá trị kể từ ngày tổ chức Lễ đăng ký kết hôn và ghi vào sổ đăng ký theo quy định tại khoản 3 Điều này. Việc cấp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn từ sổ gốc do Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam hoặc Bộ Ngoại giao thực hiện theo yêu cầu của đương sự."
7. Sửa đổi Điều 20 như sau:
“Điều 20. Công nhận việc kết hôn đã được tiến hành ở nước ngoài
1. V iệc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, phù hợp với pháp luật của nước đó thì được công nhận tại Việt Nam, nếu vào thời điểm kết hôn, công dân Việt Nam không vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn.
Trong trường hợp có sự vi phạm pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn, nhưng vào thời điểm yêu cầu công nhận việc kết hôn, hậu quả của sự vi phạm đó đã được khắc phục hoặc việc công nhận kết hôn đó là có lợi để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em thì việc kết hôn đó cũng được công nhận tại Việt Nam.
2. Việc công nhận kết hôn quy định tại khoản 1 Điều này được ghi chú vào sổ đăng ký theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch. Trong trường hợp công dân Việt Nam vắng mặt khi làm thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì khi có yêu cầu công nhận việc kết hôn đó tại Việt Nam, Sở Tư pháp tiến hành phỏng vấn các bên kết hôn để làm rõ sự tự nguyện kết hôn của họ.”
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 35 như sau:
“Điều 35. Nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi
1. Việc cho, nhận trẻ em làm con nuôi chỉ được thực hiện trên tinh thần nhân đạo, nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em và tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em.
Nghiêm cấm lợi dụng việc nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, mua bán trẻ em hoặc vì các mục đích khác không phải mục đích nuôi con nuôi; nghiêm cấm lợi dụng việc giới thiệu, giải quyết, đăng ký cho trẻ em làm con nuôi nhằm mục đích trục lợi, thu lợi vật chất bất hợp pháp.
2. Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi được xem xét giải quyết, nếu Việt Nam và nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú cùng là thành viên của điều ước quốc tế hai bên hoặc điều ước quốc tế nhiều bên về hợp tác nuôi con nuôi.
3. Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, mà nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú và Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế hai bên hoặc điều ước quốc tế nhiều bên về hợp tác nuôi con nuôi thì cũng được xem xét giải quyết, nếu người đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có thời gian công tác, học tập, làm việc tại Việt Nam từ 06 tháng trở lên;
b) Có vợ, chồng, cha, mẹ là công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam;
c) Có quan hệ họ hàng, thân thích với trẻ em được xin nhận làm con nuôi hoặc đang có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được xin nhận làm con nuôi;
d) Đối với người nước ngoài tuy không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này, nhưng xin nhận trẻ em khuyết tật, tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, nạn nhân của chất độc hoá học, nhiễm HIV/AIDS, mắc các bệnh hiểm nghèo khác đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp và trẻ em quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định này làm con nuôi thì cũng được xem xét giải quyết;
đ) Các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.”
9. Sửa đổi, bổ sung Điều 36 như sau:
“Điều 36. Trẻ em được nhận làm con nuôi
1. Trẻ em được nhận làm con nuôi phải là trẻ em từ mười lăm tuổi trở xuống. Trẻ em từ trên mười lăm tuổi đến dưới mười sáu tuổi có thể được nhận làm con nuôi nếu là trẻ em tàn tật, trẻ em mất năng lực hành vi dân sự.
Trẻ em chỉ có thể làm con nuôi của một người hoặc của cả hai người là vợ chồng. Vợ chồng phải là những người khác giới có quan hệ hôn nhân.
2. Trẻ em được nhận làm con nuôi là trẻ em đang sống tại các cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp tại Việt Nam, bao gồm:
a) Trẻ em bị bỏ rơi;
b) Trẻ em mồ côi;
c) Trẻ em khuyết tật, tàn tật;
d) Trẻ em mất năng lực hành vi dân sự;
đ) Trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá hoá;
e) Trẻ em nhiễm HIV/AIDS;
g) Trẻ em mắc các bệnh hiểm nghèo khác;
h) Trẻ em khác được tiếp nhận vào cơ sở nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.
3. Trẻ em đang sống tại gia đình cũng được xem xét giải quyết cho làm con nuôi người nước ngoài, nếu thuộc trường hợp trẻ em mồ côi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em mất năng lực hành vi dân sự; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo khác; trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em có quan hệ họ hàng, thân thích với người xin nhận con nuôi hoặc có anh, chị, em ruột đang làm con nuôi của người xin nhận con nuôi.
4. Trẻ em khuyết tật, tàn tật, là nạn nhân của chất độc hoá học, nhiễm HIV/AIDS, mắc bệnh hiểm nghèo khác đang được chữa trị ở nước ngoài, nếu được người nước ngoài xin nhận làm con nuôi thì được xem xét giải quyết.”
10. Sửa đổi, bổ sung Điều 41 như sau:
“Điều 41. Hồ sơ của người xin nhận con nuôi
1. Hồ sơ của người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi gồm các giấy tờ sau đây:
a) Đơn xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi theo mẫu quy định;
b) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế như giấy thông hành hoặc thẻ cư trứ;
c) Giấy phép còn giá trị do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú cấp, cho phép người đó nhận con nuôi. Nếu nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú không cấp loại giấy phép này thì thay thế bằng giấy tờ có giá trị tương ứng hoặc giấy xác nhận có đủ điều kiện nuôi con nuôi theo pháp luật nước đó;
d) Bản điều tra về tâm lý, gia đình, xã hội của người xin nhận con nuôi do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú cấp;
đ) Giấy xác nhận do tổ chức y tế có thẩm quyền của nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú hoặc tổ chức y tế của Việt Nam từ cấp tỉnh trở lên cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó có đủ sức khoẻ, không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, không mắc bệnh truyền nhiễm;
e) Giấy tờ xác nhận về tình hình thu nhập của người xin nhận con nuôi, chứng minh người đó bảo đảm việc nuôi con nuôi;
g) Phiếu lý lịch tư pháp của người xin nhận con nuôi do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người đó thường trú cấp chưa quá 12 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ;
h) Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn đối với người xin nhận con nuôi, trong trường hợp người xin nhận con nuôi là vợ chồng đang trong thời kỳ hôn nhân;
i) Người xin nhận con nuôi thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 35 Nghị định này, phải có giấy tờ phù hợp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước nơi người đó thường trú cấp để chứng minh.
2. Các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này được lập thành 02 bộ hồ sơ.
Trong trường hợp người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi thuộc diện quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định này thì hồ sơ xin nhận con nuôi phải do cơ quan, tổ chức hữu quan có thẩm quyền của nước ngoài hữu quan nộp cho Cơ quan con nuôi quốc tế.
Trong trường hợp người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi thuộc diện quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định này thì hồ sơ xin nhận con nuôi phải do người xin nhận con nuôi trực tiếp nộp cho Cơ quan con nuôi quốc tế.”
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 42 như sau:
“1. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và phí, Cơ quan con nuôi quốc tế kiểm tra, xem xét toàn bộ hồ sơ.
Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, Cơ quan con nuôi quốc tế thông báo cho người xin nhận con nuôi bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.”
12. Sửa đổi, bổ sung Điều 44 như sau:
“Điều 44. Hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi
1. Hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi phải có các giấy tờ sau đây:
a) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy khai sinh của trẻ em;
b) Giấy đồng ý cho trẻ em làm con nuôi có chữ ký của những người quy định tại khoản 4 Điều này;
c) Giấy xác nhận của tổ chức y tế từ cấp huyện trở lên, xác nhận về tình trạng sức khoẻ của trẻ em;
d) Hai ảnh mầu của trẻ em, chụp toàn thân có 10 x 15 em hoặc 9 x 12 cm.
2. Đối với trẻ em đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp, ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này, hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi còn phải có quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng, biên bản bàn giao trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng và giấy tờ tương ứng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đối với trẻ em bị bỏ rơi, phải có bản tường trình sự việc của người phát hiện trẻ em bị bỏ rơi; biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi (có xác nhận của cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương); giấy tờ chứng minh đã thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (từ cấp tỉnh trở lên) về việc trẻ em bị bỏ rơi sau 30 ngày mà không có thân nhân đến nhận;
b) Đối với trẻ em mồ côi, phải có bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng tử của cha, mẹ đẻ của trẻ em đó;
c) Đối với trẻ em có cha, mẹ là người mất năng lực hành vi dân sự, phải có bản sao được công chứng quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án tuyên bố cha, mẹ đẻ của trẻ em đó mất năng lực hành vi dân sự.
3. Đối với trẻ em đang sống tại gia đình, ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải có bản sao được công chứng hoặc chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ đang nuôi dưỡng trẻ em.
4. Những người sau đây có quyền ký giấy đồng ý cho trẻ em làm con nuôi:
a) Người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp tại Việt Nam tự nguyện đồng ý cho trẻ em đang sống ở cơ sở nuôi dưỡng làm con nuôi. Trong trường hợp trẻ em còn cha đẻ, mẹ đẻ thì phải có giấy tự nguyện đồng ý của cha đẻ, mẹ đẻ cho con làm con nuôi, trừ trường hợp quy định tại các điểm a và c khoản 2 Điều này hoặc khi đưa trẻ em này vào cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp, cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em này đã có giấy tự nguyện đồng ý cho con làm con nuôi;
b) Cha đẻ, mẹ đẻ tự nguyện đồng ý cho con đang sống tại gia đình làm con nuôi. Nếu cha hoặc mẹ đẻ của trẻ em đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chỉ cần sự đồng ý của người kia. Trong trường hợp cả cha và mẹ đẻ của trẻ em đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì phải có giấy tự nguyện đồng ý của người giám hộ của trẻ em đó;
c) Đối với trẻ em từ đủ chín tuổi trở lên thì phải có giấy đồng ý làm con nuôi của trẻ em đó (có thể ghi chung vào giấy tờ quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này).
5. Đối với trẻ em khuyết tật, tàn tật, nạn nhân của chất độc hoá học, nhiễm HIV/AIDS, mắc bệnh hiểm nghèo khác quy định tại điểm d khoản 3 Điều 35 và Điều 36 Nghị định này thì phải có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Y tế và các quy định pháp luật khác có liên quan; đối với trẻ em mất năng lực hành vi dân sự quy định tại điểm d khoản 3 Điều 35 và Điều 36 Nghị định này thì phải có bản sao được công chứng quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án tuyên bố trẻ em đó mất năng lực hành vi dân sự.”
13. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 47 như sau:
“2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Sở Tư pháp, người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi phải có mặt tại Việt Nam để nộp lệ phí cho Sở Tư pháp và hoàn tất thủ tục xin nhận con nuôi. Nếu vì lý do khách quan mà người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi không thể có mặt đúng thời hạn trong thời gian đó thì phải có văn bản đề nghị Sở Tư pháp cho gia hạn, thời gian gia hạn không quá 60 ngày kể từ ngày có văn bản của Sở Tư pháp cho phép gia hạn.
Người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi phải làm bản cam kết về việc thông báo định kỳ 06 tháng một lần (theo mẫu quy định) cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Cơ quan con nuôi quốc tế về tình hình phát triển của con nuôi trong 03 năm đầu tiên, sau đó mỗi năm tiếp theo, thông báo một lần cho đến khi con nuôi đủ mười tám tuổi.
Trong trường hợp vì lý do khách quan mà người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi không thể có mặt tại Việt Nam thì có thể ký trước vào bản cam kết (theo mẫu quy định) và ủy quyền bằng văn bản cho Văn phòng con nuôi của nước đó tại Việt Nam thay mặt người nước ngoài xin nhận con nuôi nộp lệ phí và bản cam kết cho Sở Tư pháp để hoàn tất thủ tục xin nhận con nuôi. Người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi phải cam kết không được từ chối nhận trẻ em đã được giới thiệu cho làm con nuôi.
3. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi hoặc Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam được người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi ủy quyền, nộp lệ phí và bản cam kết thông báo tình hình phát triển của con nuôi, Sở Tư pháp báo cáo kết quả thẩm tra và đề xuất ý kiến giải quyết việc người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, kèm theo 01 bộ hồ sơ của trẻ em và 01 bộ hồ sơ của người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.”
14. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 79 như sau:
“1. Các quy định của Nghị định này cũng được áp dụng để giải quyết việc đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau, mà một bên hoặc cả hai bên định cư ở nước ngoài. Trong trường hợp công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam quy định tại Điều 36 Nghị định này làm con nuôi thì được xem xét giải quyết mà không bị hạn chế theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định này.
Trong trường hợp người nước ngoài thường trú ở nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam quy định tại khoản 4 Điều 36 Nghị định này làm con nuôi thì được xem xét giải quyết theo quy định tại Mục 2 Chương IV Nghị định này như đối với trẻ em không có hộ khẩu thường trú ở trong nước”
15. Bổ sung vào đầu khoản 3 Điều 81 quy định như sau:
“Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành khác có liên quan hướng dẫn thi hành một số quy định về Trung tâm hỗ trợ kết hôn của Nghị định này.”
16. Bỏ cụm từ "ly hôn" tại Điều 7 và tiêu đề Mục 2 Chương II Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ.
Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thi hành Nghị định này.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| TM. CHÍNH PHỦ |